Hà Nội đẩy mạnh lộ trình chuyển đổi xe buýt sang năng lượng xanh
Ngày 8/4, Văn phòng UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Thông báo số 185/TB-VP, thông tin về kết luận của Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Mạnh Quyền tại cuộc họp nghe Sở Xây dựng báo cáo kế hoạch, lộ trình chuyển đổi và phát triển hệ thống xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh, cùng các cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư cho hạ tầng và phương tiện.
Theo chỉ đạo, Sở Xây dựng được giao khẩn trương hoàn thiện kế hoạch triển khai đề án phát triển hệ thống giao thông vận tải công cộng bằng xe buýt sử dụng điện và năng lượng xanh. Mục tiêu được đặt ra là đến năm 2030, 100% phương tiện xe buýt trên địa bàn thành phố sẽ chạy bằng điện hoặc năng lượng sạch, với lộ trình triển khai cụ thể từng năm. Báo cáo kế hoạch phải được trình UBND Thành phố trước ngày 15/4/2025.
![]() |
Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2030, toàn bộ hệ thống xe buýt trên địa bàn sẽ sử dụng năng lượng điện, năng lượng xanh. |
Đây được xem là bước tiến mạnh mẽ trong định hướng phát triển giao thông công cộng hiện đại, bền vững, đồng thời giảm thiểu ô nhiễm không khí và tiếng ồn tại đô thị.
Song song với lộ trình chuyển đổi, Thành phố yêu cầu rà soát và cập nhật Bộ tiêu chí quản lý chất lượng dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, nhằm đảm bảo việc vận hành hệ thống xe buýt điện đạt hiệu quả và nâng cao trải nghiệm người dân. Các nội dung điều chỉnh sẽ dựa trên Quyết định số 5241/QĐ-UBND ban hành từ năm 2021 và cần hoàn thiện trong tháng 4/2025.
Một trong những thách thức lớn khi triển khai xe buýt điện là hạ tầng trạm sạc. UBND Thành phố giao Sở Xây dựng phối hợp với các sở ngành và chính quyền địa phương cập nhật quy hoạch, bố trí quỹ đất để xây dựng hệ thống trạm, trụ sạc điện tại các bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ và khu vực công cộng.
Sở Công Thương cũng được giao nhiệm vụ phối hợp với Tổng công ty Điện lực Hà Nội đảm bảo cung cấp điện ổn định cho hệ thống sạc, đáp ứng nhu cầu hoạt động ngày càng tăng của xe buýt điện.
Về cơ chế chính sách, UBND Thành phố chỉ đạo các sở ngành xây dựng gói hỗ trợ lãi suất vay vốn nhằm khuyến khích doanh nghiệp đầu tư hạ tầng trạm sạc và phương tiện vận tải công cộng sử dụng năng lượng sạch. Sở Tài chính được giao chủ trì phối hợp với Quỹ Đầu tư phát triển thành phố xây dựng quy trình, mức lãi suất, thủ tục vay vốn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận và triển khai hoạt động.
Lộ trình chuyển đổi xe buýt sang sử dụng năng lượng điện, năng lượng xanh là một trong những chiến lược then chốt của Hà Nội trong mục tiêu giảm phát thải carbon, xây dựng hệ thống giao thông thông minh, bền vững và đáp ứng tiêu chuẩn môi trường đô thị.
Việc đồng bộ từ phương tiện, hạ tầng đến cơ chế tài chính không chỉ giúp nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải hành khách công cộng, mà còn mở ra cơ hội thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghệ xanh, năng lượng sạch và logistic đô thị trong thời gian tới.
![]() |
PV Power sẵn sàng tiên phong đầu tư phát triển 1.000 trạm sạc đến năm 2035, góp phần hiện thực hóa mục tiêu xanh hóa giao thông. |
PGS.TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, nhận định rằng mặc dù giao thông xanh tại Việt Nam đã có những bước tiến đáng ghi nhận, nhưng lĩnh vực này vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức, đòi hỏi các giải pháp cụ thể và hiệu quả nhằm thúc đẩy phát triển bền vững.
Theo ông, một trong những thách thức lớn là việc đầu tư phát triển hạ tầng giao thông xanh như trạm sạc xe điện, xe buýt điện hay hệ thống tàu điện ngầm – những hạng mục đòi hỏi nguồn vốn lớn và sự tham gia mạnh mẽ từ cả chính phủ lẫn khối doanh nghiệp trong nước và quốc tế.
Bên cạnh đó, nhận thức và thói quen sử dụng phương tiện giao thông xanh của người dân, đặc biệt tại các thành phố nhỏ, vùng sâu, vùng xa vẫn còn hạn chế. Do đó, cần có những chiến dịch truyền thông và giáo dục cộng đồng nhằm nâng cao hiểu biết và sự quan tâm của người dân về lợi ích của giao thông xanh.
Ngoài ra, việc nâng cấp, cải tạo hạ tầng giao thông hiện có để phù hợp với các loại phương tiện xanh cũng gặp nhiều khó khăn, nhất là ở những khu vực chưa phát triển đồng bộ.
Trước thực trạng đó, PGS.TS Ngô Trí Long nhấn mạnh rằng Việt Nam cần triển khai các giải pháp đồng bộ, kết hợp chặt chẽ giữa chính phủ, doanh nghiệp và người dân. Một trong những giải pháp then chốt là đẩy mạnh phát triển các phương tiện sử dụng năng lượng sạch, đặc biệt là xe điện và xe buýt điện. Các đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM cần ưu tiên đầu tư vào hệ thống xe buýt điện và tàu điện ngầm để tăng cường khả năng tiếp cận của người dân với các phương tiện giao thông công cộng thân thiện với môi trường.
Cùng với đó, phát triển hệ thống trạm sạc điện đóng vai trò thiết yếu. Việc xây dựng mạng lưới trạm sạc rộng khắp, đặc biệt tại các khu vực trung tâm và điểm giao thông trọng yếu, cần được phối hợp thực hiện giữa các cơ quan chức năng và doanh nghiệp.
Đình Khương
- Chuyên gia nêu giải pháp phát triển bền vững điện gió
- Đảm bảo an ninh năng lượng - chìa khoá để tăng trưởng bền vững
- Tập đoàn Super Energy cung ứng khoảng 1,2 triệu kWh/năm cho lưới điện quốc gia
- LNG Quảng Trạch II sẽ cung cấp khoảng 9 tỷ kWh điện mỗi năm
- Dự án 206 triệu USD của Sao Mai Group cung cấp 210 MW điện ra thị trường