"Giặt tẩy" dầu Nga có lợi cho ai?

09:44 | 21/06/2023

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Các nước phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với ngành dầu mỏ của Nga đang phải tìm điểm cân bằng khi một mặt họ muốn giảm doanh thu từ xuất khẩu dầu của Nga, còn mặt khác lại không muốn giá dầu tăng mạnh nếu cắt mạnh nguồn cung từ quốc gia này, theo The Economist.
Nga muốn OPEC+ tiếp tục giữ giá dầu ở mức “hợp lý”Nga muốn OPEC+ tiếp tục giữ giá dầu ở mức “hợp lý”
Công suất xử lý dầu thô của Nga đạt mức cao kỷ lụcCông suất xử lý dầu thô của Nga đạt mức cao kỷ lục
Ảnh minh họa

Để tránh rủi ro này, nhóm các nền kinh tế lớn G7 vào tháng 9 đã công bố mức giá trần. Điều này cho phép các công ty bảo hiểm và các bên vận chuyển chỉ kinh doanh dầu của Nga nếu nó được bán dưới 60 USD/thùng.

Vào ngày 5/2, các quốc gia đặt giới hạn mới là 100 USD cho các sản phẩm dầu có giá trị hơn dầu thô, như dầu diesel, và 45 USD cho những sản phẩm khác, như dầu nhiên liệu. Liên minh châu Âu (EU) cùng với các nước phương Tây khác cũng cấm nhập khẩu những mặt hàng này từ Nga.

Thoạt nhìn, các quy định này dường như đã làm xáo trộn dòng chảy dầu toàn cầu với việc Trung Quốc và Ấn Độ thay thế EU và G7 trở thành những người mua dầu mỏ chính của Nga. Nhưng một báo cáo gần đây của Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Sạch, một nhóm chuyên gia cố vấn, cho thấy rằng sự thay đổi thực sự không quá mạnh mẽ, bởi vì những người mua mới vẫn có thể bán dầu cho phương Tây sau khi lọc dầu.

Báo cáo chỉ ra Trung Quốc, Ấn Độ, Singapore, Thổ Nhĩ Kỳ và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất là các "tiệm giặt tẩy" cho dầu của Nga. Trong năm đầu tiên của cuộc xung đột Nga-Ukraine, sản lượng nhập khẩu dầu thô của Nga tại các nước này đã tăng 140% so với năm trước lên 77,3 triệu tấn trị giá 50 tỷ USD.

Xuất khẩu các sản phẩm dầu tinh chế của họ sang các quốc gia đang áp mức giá trần cũng tăng 26% lên 10,3 triệu tấn trị giá 19,5 tỷ USD, so với mức tăng chỉ 2% sang các điểm đến khác.

Các “tiệm giặt tẩy” không nhất thiết phải bán các sản phẩm làm từ dầu thô của Nga cho phương Tây. Họ có thể dễ dàng sử dụng dầu từ các nguồn khác để xuất khẩu sản phẩm tinh chế và dùng dầu của Nga để bù đắp cho sự thiếu hụt.

Trên thực tế, các lệnh cấm và các mức giá trần đã không ngăn được dầu của Nga sang các nền kinh tế phương Tây. Nó chỉ tạo cơ hội cho những bên trung gian.

Điều này không có nghĩa là mức giá trần đã thất bại. Miễn là nó cắt giảm lợi nhuận của Nga, thì nó đang phát huy tác dụng đối với phương Tây. Việc vận chuyển dầu đến Trung Quốc và sau đó đến châu Âu đã nâng mức chi phí Nga phải trả lên rất nhiều. Các nhà máy lọc dầu phải điều chỉnh để tương thích với các loại dầu thô mới. Và việc tránh trần giá đòi hỏi những thỏa thuận mới, có thể bất lợi với các công ty bảo hiểm và tàu chở dầu không thuộc phương Tây.

Tuy nhiên, những chi phí này rất khó tính toán. Mặc dù các công ty theo dõi báo cáo rằng dầu thô Urals của Nga được bán với giá thấp hơn 25-35 USD/thùng so với dầu Brent, nhưng dữ liệu bán hàng cho các quốc gia như Ấn Độ cho thấy giá cao hơn nhiều. Nga cũng vận chuyển dầu tới Trung Quốc thông qua các đường ống để tránh bị mức giá trần.

Số liệu chính thức của Nga cho thấy sản lượng dầu giảm hơn 8% so với dự báo trước khi xung đột xảy ra và doanh thu trong quý đầu tiên của năm 2023 giảm 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Nếu giá dầu toàn cầu tăng trở lại, mức giới hạn 60 USD sẽ ngày càng khó thực thi hơn.

Đỗ Khánh

The Economist