Điểm tin xây dựng - bất động sản ngày 7/11: Nhiều hạng mục tại dự án Cát Bà Amatina vẫn chưa triển khai

08:40 | 07/11/2024

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Quảng Nam xử lý dự án hơn 39 tỷ đồng, bỏ hoang nhiều năm; TP HCM đề xuất lập đề án di dời hơn 46.000 căn nhà ven kênh rạch; Ba doanh nghiệp tại TP HCM "chiếm giữ" tài sản nhà, đất của nhà nước… là những tin tức xây dựng, bất động sản đáng chú ý.

Nhiều hạng mục tại dự án Cát Bà Amatina vẫn chưa triển khai

Dự án Khu đô thị du lịch Cái Giá (Cát Bà Amatina) do CTCP Đầu tư và Phát triển Du lịch Vinaconex (Vinaconex - ITC) làm chủ đầu tư, có tổng diện tích hơn 170 ha và tổng mức đầu tư lên tới 10.942 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo báo cáo mới đây của công ty, tiến độ thi công của dự án này đang rất chậm và tiềm ẩn nguy cơ "chôn" hơn 4.700 tỷ đồng vào các hạng mục chưa hoàn thành.

Điểm tin xây dựng - bất động sản ngày 7/11: Nhiều hạng mục tại dự án Cát Bà Amatina vẫn chưa triển khai
Nhiều hạng mục tại dự án Cát Bà Amatina vẫn chưa triển khai

Tính đến thời điểm hiện tại, dự án đã được UBND TP Hải Phòng bàn giao 171,56 ha đất, chiếm 97,4% diện tích đất theo quy hoạch. Tuy nhiên, nhiều hạng mục quan trọng của dự án vẫn chưa được triển khai, bao gồm các tòa nhà cao tầng, khách sạn, biệt thự, nhà ở liền kề, công trình thương mại, dịch vụ và các hạng mục hạ tầng cơ bản như hệ thống cấp nước, điện, viễn thông. Cụ thể, khu nhà cao tầng gồm 4 tòa 20 tầng chưa được xây dựng; 51 tòa khách sạn cao từ 8 - 15 tầng cũng chưa thi công; trong khi đó, 496 căn biệt thự cao tối đa 4 tầng và hàng trăm căn nhà ở liền kề cũng chưa được hoàn thành.

Dự án cũng ghi nhận một số tiến độ hoàn thiện đáng chú ý như công tác san nền đã hoàn thành trên diện tích hơn 171 ha, đạt 93% tiến độ hệ thống đường giao thông, nhưng các hạng mục cơ bản như hệ thống cấp nước, điện, và hạ tầng viễn thông vẫn còn chậm, đạt lần lượt 30%, 25% và 10%.

Về hoạt động kinh doanh của Vinaconex - ITC, theo báo cáo tài chính quý III năm 2024, công ty không ghi nhận doanh thu thuần và chỉ đạt vỏn vẹn 545.000 đồng doanh thu từ hoạt động tài chính, dẫn đến khoản lỗ sau thuế hơn 5 tỷ đồng. Tính đến ngày 30/9/2024, tổng tài sản của công ty đạt 5.172 tỷ đồng, trong đó 91% tài sản là chi phí xây dựng dở dang của dự án Cát Bà Amatina (hơn 4.700 tỷ đồng). Mặc dù tổng tài sản tăng 4,4% so với đầu năm, nhưng việc không có doanh thu thực sự cùng khoản lỗ lớn cho thấy khả năng thu hồi vốn từ dự án này còn nhiều thử thách.

Quảng Nam xử lý dự án hơn 39 tỷ đồng, bỏ hoang nhiều năm

Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, đã có kết luận của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu tại cuộc họp bàn giải quyết dứt điểm tồn tại, vướng mắc trong thực hiện Dự án Hạ tầng Khu sản xuất và kiểm định giống thủy sản tập trung (tại xã Bình Nam, huyện Thăng Bình).

Theo Kết luận, UBND tỉnh Quảng Nam thống nhất giao UBND huyện Thăng Bình tiếp nhận, quản lý, sử dụng đối với tài sản tại Dự án Hạ tầng Khu sản xuất và kiểm định giống thủy sản tập trung (Khu Hạ tầng).

Riêng công trình điện, gồm 2 trạm biến áp 560 KVA, đường dây trung thế thống nhất chủ trương bàn giao cho Công ty Điện lực Quảng Nam tiếp nhận quản lý, sử dụng. Đồng thời cho phép các doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất, đầu tư trong Khu Hạ tầng không xả thải vào khu xử lý nước thải chung của Dự án.

UBND tỉnh Quảng Nam cũng giao Sở NN&PTNT tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở TN&MT, các ngành, địa phương liên quan nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh báo cáo Ban cán sự Đảng UBND tỉnh trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, thống nhất chủ trương cho phép thực hiện phương án thoát nước thải ra biển của Khu Hạ tầng sau khi nước thải được xử lý, đảm bảo phù hợp theo quy định; phối hợp với các Sở, ban, ngành có liên quan lập các thủ tục và tổ chức thực hiện việc bàn giao tài sản Khu Hạ tầng cho UBND huyện Thăng Bình, Công ty Điện lực tỉnh quản lý, sử dụng theo đúng trình tự thủ tục quy định…

Được biết, Dự án Hạ tầng Khu sản xuất và Kiểm định giống thủy sản tập trung Quảng Nam được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước với kinh phí hơn 39 tỷ đồng. Tuy nhiên ngay sau khi hoàn thành vào năm 2015 dự án không phát huy được công năng. Ngày 30/6/2016, Bộ NN&PTNT ban hành Thông tư số 26/2016/TT-BNNPTNT không còn quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật thủy sản nội tỉnh. Do đó, dự án này dù đã hoàn thiện nhưng không phát huy công năng. Nhiều năm qua dự án bỏ hoang, gây lãng phí…

TP HCM đề xuất lập đề án di dời hơn 46.000 căn nhà ven kênh rạch

Sở Xây dựng TP HCM vừa đề xuất UBND TP HCM chấp thuận chủ trương triển khai một đề án di dời hơn 46.000 căn nhà nằm trên và ven các con sông, kênh, rạch trên địa bàn thành phố. Đề án này nhằm mục tiêu chỉnh trang đô thị và cải thiện môi trường sống cho người dân.

Điểm tin xây dựng - bất động sản ngày 7/11: Nhiều hạng mục tại dự án Cát Bà Amatina vẫn chưa triển khai
TP HCM đề xuất lập đề án di dời hơn 46.000 căn nhà ven kênh rạch

Theo báo cáo của Sở Xây dựng, hiện TP HCM có tổng cộng hơn 48.140 căn nhà nằm trên và ven các tuyến sông, kênh, rạch. Trong số này, 9 dự án di dời đã và đang được triển khai, giải tỏa 1.149 căn nhà, với 243 căn khác đang trong quá trình bồi thường, giải tỏa. Tuy nhiên, vẫn còn 46.453 căn nhà chưa được di dời và chưa có phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư.

Đặc biệt, nhu cầu về nhà ở xã hội phục vụ tái định cư cho người dân ven kênh rạch là rất lớn, ước tính cần trên 8.150 căn, chiếm khoảng 17,6% tổng số nhà cần di dời. Các quận như Bình Thạnh và Quận 8 đã báo cáo có hàng trăm trường hợp cần nhà ở xã hội trong các dự án như rạch Xuyên Tâm và bờ Bắc Kênh Đôi.

Tuy nhiên, việc xác định chính xác nhu cầu về nhà ở xã hội chưa đồng đều giữa các quận huyện, do thiếu khảo sát xã hội học chi tiết. Nhu cầu này có sự biến động lớn, tùy thuộc vào từng khu vực và điều kiện cụ thể.

Một thách thức lớn trong việc thực hiện đề án là các trường hợp nhà không có giấy tờ hợp lệ, phần lớn là nhà đất chiếm dụng, không hợp pháp. Những trường hợp này sẽ không đủ điều kiện bồi thường đất, nhưng có thể được hỗ trợ nhà ở theo Luật Đất đai 2024. Tuy nhiên, không phải tất cả sẽ đủ điều kiện để nhận nhà ở xã hội theo Luật Nhà ở 2023, do đó việc xây dựng một đề án chi tiết là rất cần thiết.

Ba doanh nghiệp tại TP HCM "chiếm giữ" tài sản nhà, đất của nhà nước

Theo kết luận thanh tra của Thanh tra TP HCM, ba doanh nghiệp đã chiếm giữ và nợ đọng tiền thuê nhà, đất nhà nước tại các địa chỉ thuộc quận 1, với tổng số nợ lên tới hơn 20 tỷ đồng. Điều này tiềm ẩn rủi ro thiệt hại lớn về tài chính và tài sản của Nhà nước.

Cụ thể, các doanh nghiệp bị phát hiện là Công ty Cổ phần Thực phẩm sản xuất và Thương mại Sài Gòn 1, Công ty Cổ phần Dịch vụ Bưu chính Viễn thông Sài Gòn (SPT), và Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Tổng hợp 2. Ba doanh nghiệp này đã thuê tổng cộng 6 địa chỉ nhà, đất nhà nước từ Công ty TNHH MTV Dịch vụ Công ích quận 1 (Công ty Công ích quận 1) quản lý. Tuy nhiên, trong suốt nhiều năm qua, các doanh nghiệp này đã không thanh toán tiền thuê đất, với tổng số tiền nợ lên đến hơn 20 tỷ đồng (chiếm 95,48% tổng số nợ đọng).

Thanh tra TP HCM cho biết, mặc dù hợp đồng thuê đất đã hết hạn từ lâu, ba doanh nghiệp này vẫn tiếp tục chiếm giữ tài sản nhà, đất, và thậm chí sử dụng các địa chỉ này để kinh doanh, thu lợi nhuận. Đặc biệt, tại một số địa chỉ, các doanh nghiệp còn cho thuê lại và thu tiền của đối tác, nhưng lại viện lý do khó khăn kinh doanh để không nộp tiền thuê đất và không trả lại tài sản nhà nước.

Vi phạm nghiêm trọng này đã được Thanh tra TP HCM chỉ ra là hành vi trái pháp luật, gây thiệt hại nghiêm trọng về tài chính cho Nhà nước. Cụ thể, hai địa chỉ gây ra vấn đề lớn là số 131 đường Calmette (phường Nguyễn Thái Bình) và số 212/1 đường Nguyễn Trãi (phường Nguyễn Cư Trinh).

Thanh tra cũng chỉ ra trách nhiệm của UBND quận 1, Giám đốc Công ty Công ích quận 1 và các cá nhân, tổ chức liên quan trong việc không xử lý kịp thời các vi phạm. Để giải quyết vụ việc, Công ty Công ích quận 1 đã nộp đơn khởi kiện ba công ty này tại Tòa án nhân dân quận 1 theo hướng dẫn của Công an quận 1.

Hà Nội sẽ cưỡng chế thu hồi đất 34 trường hợp để xây dựng Khu đô thị mới Phùng Khoang

UBND quận Thanh Xuân (Hà Nội) vừa ban hành 34 quyết định thu hồi đất đối với các hộ gia đình, cá nhân và tổ chức chưa bàn giao mặt bằng cho Dự án xây dựng Khu đô thị mới Phùng Khoang. Dự kiến, quận sẽ tổ chức cưỡng chế thu hồi đất vào cuối tháng 11/2024.

Điểm tin xây dựng - bất động sản ngày 7/11: Nhiều hạng mục tại dự án Cát Bà Amatina vẫn chưa triển khai
Phối cảnh khu đô thị mới Phùng Khoang

Theo UBND quận Thanh Xuân, Dự án xây dựng khu đô thị mới Phùng Khoang đã được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt ngày 15/12/2008 tại huyện Từ Liêm (nay là quận Nam Từ Liêm) và quận Thanh Xuân. Dự án có quy mô sử dụng đất là 283.775,5m2, do Liên danh Tổng công ty Đầu tư và phát triển nhà Hà Nội và Công ty Cổ phần đầu tư và xây dựng đô thị thực hiện.

Đến ngày 31/8/2022, UBND thành phố Hà Nội ban hành quyết định số về chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư. Trong đó, có nội dung gia hạn tiến độ thực hiện dự án.

UBND quận Thanh Xuân cho biết, diện tích đất thực hiện dự án trên địa bàn phường Nhân Chính (quận Thanh Xuân) là 5.837m2 của 53 hộ gia đình, cá nhân và 2 tổ chức. Trong đó, có 39 thửa đất trống và 14 thửa đất có công trình trên đất.

Ngày 30/6/2022, UBND quận Thanh Xuân tổ chức họp công bố Kế hoạch điều tra, khảo sát, đo đạc và các văn bản pháp lý của dự án.

Ngày 30/9/2024 và 1/10/2024, UBND quận đã hành 34 Quyết định thu hồi đất và 34 Quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đối với 35/53 trường hợp với tổng diện tích thu hồi 3.352m2. Tổng số tiền bồi thường, hỗ trợ là gần 1,2 tỷ đồng. Trong đó, 31 trường hợp đất trống có nguồn gốc là đất nông nghiệp cá thể và 3 trường hợp có công trình. Đến nay, 35 hộ gia đình, cá nhân chưa đồng thuận nhận tiền và bàn giao mặt bằng.

UBND quận Thanh Xuân cho biết, trình tự, thủ tục triển khai dự án đảm bảo tuân thủ các quy định pháp luật. Quận đã đề xuất UBND thành phố vận dụng phương án đền bù, hỗ trợ tốt nhất cho người dân.

UBND phường Nhân Chính cho biết, thời gian qua, phường đã phối hợp với cơ quan chức năng thực hiện tuyên truyền, vận động người dân bàn giao mặt bằng để triển khai dự án.

Huy Tùng (T/h)

vietinbank
thaco