Đảm bảo an ninh năng lượng - chìa khoá để tăng trưởng bền vững
![]() |
Các chuyên gia tại Tại sự kiện Vietnam Energy Forum. |
Tại sự kiện Vietnam Energy Forum chiều 31/3, ông Stuart Livesey chia sẻ về tầm quan trọng của năng lượng tái tạo (như điện gió ngoài khơi) và năng lượng mới (Power-to-X, hydrogen) đối với phát triển kinh tế Việt Nam trong kỷ nguyên mới.
Ông Stuart Livesey khẳng định, một trong những yếu tố quan trọng quyết định sự tăng trưởng bền vững của nền kinh tế chính là khả năng tự chủ năng lượng. Khi nền kinh tế phát triển với tốc độ cao, việc đảm bảo nguồn cung năng lượng ổn định sẽ giúp doanh nghiệp yên tâm hoạt động, đồng thời thu hút thêm nhiều nhà đầu tư nước ngoài.
Cũng theo chuyên gia này, Việt Nam sở hữu tiềm năng rất lớn để phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió và điện mặt trời. Khu vực Nam Trung Bộ, đặc biệt là Bình Thuận và Ninh Thuận, có tốc độ gió lớn hơn nhiều so với các nơi khác ở châu Á và cường độ gió đủ mạnh để có thể khai thác quanh năm.
Bên cạnh đó, phần lớn vùng nước chạy dọc bờ biển Việt Nam khá nông, và khu vực có gió nằm gần bờ, nên có thể xây dựng các công trình đóng móng trực tiếp xuống đáy biển với chi phí hợp lý, không phức tạp và tốn kém như các công trình xây nổi trên mặt nước. Đồng thời, số giờ nắng cao trong năm cũng giúp Việt Nam có điều kiện thuận lợi để mở rộng các dự án điện mặt trời quy mô lớn.
![]() |
Ông Stuart Livesey khẳng định, một trong những yếu tố quan trọng quyết định sự tăng trưởng bền vững của nền kinh tế chính là khả năng tự chủ năng lượng. |
Đứng trước cam kết Net Zero vào năm 2050 của Chính phủ và nhu cầu về hydrogen ngày càng tăng trên toàn cầu, Việt Nam có cơ hội chiến lược để phát triển ngành công nghiệp hydrogen có sức cạnh tranh cao. Các công nghệ này có thể hoạt động độc lập hoặc kết hợp với ngành điện gió ngoài khơi, mang lại một giải pháp có giá trị để tránh thất thoát năng lượng hay đáp ứng nhu cầu cung cấp năng lượng dưới các loại hình khác, ví dụ như lưu trữ pin, chuyển đổi electron thành nguyên tử hydro dưới dạng amoniac hoặc khí hydro.
“Copenhagen Infrastructure Partners (CIP) có nhiều kinh nghiệm phát triển các dự án điện gió ngoài khơi và PtX trên toàn thế giới. Dù giá thành PtX và hydro xanh vẫn còn rất cao cho Việt Nam hiện tại, nhưng chi phí có thể giảm nhanh cùng với các tiến bộ về công nghệ. Nếu Việt Nam có thể bắt kịp xu hướng và có sự chuẩn bị phù hợp, bao gồm đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề cao, chuẩn bị nguồn lực tài chính tốt và hợp tác với các đối tác có năng lực như CIP, tôi tin rằng Việt Nam có tiềm năng trở thành trung tâm của PtX và hydro xanh ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương" - ông Stuart nhận định.
Minh Khang
- Tập đoàn Super Energy cung ứng khoảng 1,2 triệu kWh/năm cho lưới điện quốc gia
- LNG Quảng Trạch II sẽ cung cấp khoảng 9 tỷ kWh điện mỗi năm
- Dự án 206 triệu USD của Sao Mai Group cung cấp 210 MW điện ra thị trường
- Thực trạng đầu tư vào năng lượng của doanh nghiệp tại Việt Nam
- TS. Dư Văn Toán: Tiềm năng và thách thức của điện rác tại Việt Nam