Chuyển động Năng lượng bền vững tuần qua: EU tăng tỷ trọng điện gió lên 15,11% tổng sản lượng điện

10:00 | 09/01/2023

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Ấn Độ phê duyệt kế hoạch trị giá 2 tỷ USD cho ngành công nghiệp hydro xanh; Lithium trở thành “vàng trắng”; Xe điện chiếm 88% lượng ô tô mới được bán ở Na Uy… là một số tin tức đáng chú ý.
Chuyển động Năng lượng bền vững tuần qua: Châu Phi có thể sản xuất 1.000 tỷ EUR hydro xanh mỗi nămChuyển động Năng lượng bền vững tuần qua: Châu Phi có thể sản xuất 1.000 tỷ EUR hydro xanh mỗi năm
Chuyển động Năng lượng bền vững tuần qua: EU tăng tỷ trọng điện gió lên 15,11% tổng sản lượng điện
EU tăng tỷ trọng điện gió lên 15,11% tổng sản lượng điện/ Ảnh minh họa/ https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

EU tăng tỷ trọng điện gió lên 15,11% tổng sản lượng điện

Châu Âu đang thúc đẩy phát triển ngành năng lượng tái tạo để bù đắp phần nào năng lượng thiếu hụt sau khi Liên minh châu Âu (EU) áp đặt các biện pháp trừng phạt Nga liên quan đến chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine và tìm cách giảm phụ thuộc vào nguồn năng lượng từ Nga.

Theo dữ liệu từ Hiệp hội thúc đẩy sử dụng năng lượng gió ở châu Âu WindEurope do hãng thông tấn quốc tế Nga RIA Novosti tổng hợp và phân tích, sản lượng điện gió chiếm trung bình 15,11% tổng lượng điện được sản xuất tại EU. Sản lượng điện gió chạm đáy vào đầu tháng 12/2022 ở mức 7,6%, nhưng đã phục hồi và tăng vọt lên hơn 30% vào cuối năm 2022. Mức tối đa sản lượng điện gió của năm ngoái được ghi nhận vào ngày 30/12/2022 là 34,4%.

Tỷ lệ sản xuất điện gió ở châu Âu ảnh hưởng đến mức tiêu thụ khí đốt và giá khí đốt tương lai. Giá khí đốt tương lai ở châu Âu đã giảm 16% vào ngày 30/12/2022, lần đầu tiên giảm xuống dưới 800 USD/1.000m3 kể từ ngày 16/2/2022, do tỷ lệ dự trữ ở mức cao, thời tiết ấm áp và nhiều gió.

Ấn Độ phê duyệt kế hoạch trị giá 2 tỷ USD cho ngành công nghiệp hydro xanh

Động thái này nhằm mục đích giúp Ấn Độ, một trong những quốc gia phát thải khí nhà kính lớn nhất thế giới, đạt được lượng khí thải carbon bằng không vào năm 2070.

Ấn Độ đặt mục tiêu sản xuất hàng năm 5 triệu tấn hydro xanh vào năm 2030, cắt giảm khoảng 50 triệu tấn khí thải carbon và tiết kiệm 1 nghìn tỷ rúp cho việc nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch. “Mục tiêu của chúng tôi là biến Ấn Độ trở thành một trung tâm hydro xanh toàn cầu”.

Các biện pháp khuyến khích của Chính phủ Ấn Độ nhằm mục đích làm cho hydro xanh có giá cả phải chăng và giảm chi phí sản xuất. Các đơn vị phân bón, lọc dầu và luyện gang thép hiện đang tiêu thụ 5 triệu tấn hydro xám, được tạo ra từ nhiên liệu hóa thạch, mỗi năm.

Chính phủ Ấn Độ dự kiến ​​khoản đầu tư trị giá 8 nghìn tỷ rúp (96,65 tỷ USD) vào lĩnh vực hydro xanh vào năm 2030, đồng thời cho biết thêm rằng các ưu đãi sẽ được đưa ra để sản xuất máy điện phân và sản xuất hydro xanh.

Các công ty Ấn Độ như Reliance Industries, Indian Oil, NTPC, Adani Enterprises, JSW Energy, ReNew Power và Acme Solar có những kế hoạch lớn về hydro xanh.

Lithium trở thành “vàng trắng”

Sự phát triển EV đã đưa sản lượng lithium lên mức cao mới.

Hoa Kỳ chiếm hơn 1/3 sản lượng lithium toàn cầu vào năm 1995. Từ đó trở đi cho đến năm 2010, Chile đã trở thành nhà sản xuất lớn nhất với sự bùng nổ sản xuất ở Salar de Atacama, một trong những mỏ nước muối giàu lithium nhất thế giới.

Sản lượng lithium toàn cầu lần đầu tiên vượt 100.000 tấn vào năm 2021, tăng gấp 4 lần so với năm 2010. Khi thế giới sản xuất nhiều pin và xe điện hơn, nhu cầu về lithium được dự đoán sẽ đạt 1,5 triệu tấn lithium cacbonat tương đương (LCE) vào năm 2025 và hơn 3 triệu tấn vào năm 2030. Sản lượng lithium cần tăng gấp 3 lần vào năm 2025 và tăng gần gấp 6 lần vào năm 2030.

Equinor và RWE hợp tác phát triển hydrogen tại Đức

Equinor (Na Uy) và RWE (Đức) đã bắt tay hợp tác vào việc sản xuất hydrogen, nhằm giúp khử carbon khỏi ngành năng lượng của Đức. Trong khuôn khổ dự án đầy tham vọng này, hai tập đoàn dự định sẽ lắp đặt một đường ống xuyên biển nối giữa hai quốc gia.

Thỏa thuận quy định về việc xây dựng những nhà máy nhiệt điện khí với số lượng chưa xác định, nhằm thay thế những nhà máy nhiệt điện than mà Berlin muốn đóng cửa từ nay cho đến năm 2030. Dự kiến ban đầu, nhà máy sẽ được vận hành bằng khí đốt của Na Uy.

Khí đốt tự nhiên vốn thải ra ít CO2 hơn so với than đá. Dù vậy, khí đốt sẽ dần dần được thay thế bằng hydrogen, một khi năng lực sản xuất hydrogen tăng lên.

Trước tiên, hai bên muốn khử carbon dần dần bằng cách sản xuất hydrogen từ khí tự nhiên. Mục tiêu là phát thải ra hàm lượng carbon thấp, với hơn 95% CO2 sẽ được thu giữ lại. Sau đó, hai tập đoàn tiến tới giai đoạn khử carbon hoàn toàn, thông qua việc cùng lắp đặt thêm những trang trại gió ngoài khơi nước Đức và Na Uy.

Trong một tuyên bố, Equinor ghi rõ: “Để cung cấp hydrogen với quy mô công nghiệp một cách đáng tin cậy cho Đức và EU, chúng tôi cần xây dựng đường ống dẫn hydrogen giữa Na Uy và Đức”.

Xe điện chiếm 88% lượng ô tô mới được bán ở Na Uy

Sau khi vượt qua tỷ lệ xe điện là 50% vào năm 2020, quốc gia giàu có ở Scandinavia này tiếp tục chuyển đổi sang phương tiện giao thông bằng điện vào năm ngoái. Theo như số liệu của Liên đoàn Đường bộ Na Uy (OFV), ô tô điện chiếm 79% số lượng đăng ký ô tô chở khách mới vào năm 2022 và 87,8% nếu bao gồm cả xe hybrid cắm điện.

Trong khi đó tại Mỹ, xe điện không bao gồm xe hybrid chỉ chiếm 2,6% doanh số bán xe vào năm 2021.

Na Uy áp đặt thuế nhập khẩu xe hơi và thuế đăng ký xe hơi cao, khiến xe hơi đắt hơn đáng kể so với hầu hết các quốc gia khác. Bằng cách miễn các loại thuế này đối với xe điện, Na Uy đang trợ cấp hiệu quả cho việc mua xe điện ở mức mà các quốc gia khác không thể mua được. Ngoài ra việc cung cấp bãi đỗ xe miễn phí cũng là một đề xuất hấp dẫn.

Tương lai công nghệ pin mới là máy bay điện

Richard Vương là người sáng lập và CEO của startup pin Cuberg, doanh nghiệp đang sử dụng các hỗn hợp hóa chất mới tiên tiến để phát triển loại pin tốt hơn pin lithium-ion thông thường đang được sử dụng cho điện thoại, laptop và xe hơi điện.

Vương bắt đầu nghĩ tới máy bay điện từ 2015, khi lập startup. Anh là tiến sĩ khoa học vật liệu, vào thời điểm đó không thiếu các công ty pin mở ra các cơ sở nghiên cứu khoa học. Những đề xuất sử dụng năng lượng điện cho máy bay đang trong giai đoạn phôi thai, và tầm bay cũng bị giới hạn. Và vẫn còn giải pháp khác. Cuberg (hãng đã bị nhà sản xuất pin Northvolt mua lại) vẫn theo đuổi ý tưởng của Vương, tháng 3 vừa qua đã thử nghiệm pin trên một UAV nhỏ, và kế hoạch thử nghiệm trên máy bay có kích thước như thật sẽ diễn ra vào 2024.

Sự hiện diện của các máy bay thương mại sẽ xuất hiện vào 2026 Nó sẽ ảnh hưởng lớn đến quá trình phi carbon hóa. Với công nghệ pin hiện nay, các nhà công nghệ hy vọng các taxi bay với tầm bay 70 dặm ngày càng trở nên thông dụng, nhưng pin của Cuberg sẽ tăng được tầm bay lên gấp đôi. Một máy bay điện không khí thải sẽ bay được 300 dặm, tầm bay của máy bay lai điện có thể xa hơn.

Pakistan chật vật tìm cách tiết kiệm năng lượng

Bộ trưởng Quốc phòng Pakistan Khawaja Asif ngày 3/1 cho biết chính phủ đã yêu cầu toàn bộ các trung tâm thương mại và khu chợ, nhà hàng, phải đóng cửa vào lúc 20h30. Đây chỉ là một trong số nhiều biện pháp của kế hoạch tiết kiệm năng lượng mới được quốc gia Nam Á này áp dụng.

Bộ trưởng Khawaja Asif cho biết, các biện pháp mới đã được nội các thông qua nhằm mục đích giúp Pakistan tiết kiệm khoảng 62 tỷ rupee Pakistan (273 triệu USD). Theo ông Asif, Thủ tướng Shehbaz Sharif đã yêu cầu tất cả các bộ ban ngành chính phủ phải giảm 30% lượng điện năng tiêu thụ.

Quyết định trên được đưa ra trong bối cảnh Pakistan đang tìm cách trấn an người dân trong nước và các thị trường quốc tế về khả năng vỡ nợ trong bối cảnh gói cứu trợ trị giá 1,1 tỷ USD của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đang bị mắc kẹt do những khác biệt trong lần đánh giá chương trình thứ 9, vốn dự kiến phải hoàn tất từ tháng 11/2022.

G.Minh (t/h)

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/