Chuyển động Năng lượng bền vững tuần qua (22/8 - 28/8): Scotland vận hành trang trại điện gió ngoài khơi lớn nhất

16:52 | 29/08/2022

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Hungary sẽ nhận năng lượng xanh từ Azerbaijan; Na Uy đầu tư vào điện mặt trời của Ấn Độ; Scotland vận hành trang trại điện gió ngoài khơi lớn nhất… là những tin tức đáng chú ý tuần qua.
Chuyển động Năng lượng bền vững tuần qua (22/8 - 28/8): Scotland vận hành trang trại điện gió ngoài khơi lớn nhất
Ảnh minh họa/ https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Hungary sẽ nhận năng lượng xanh từ Azerbaijan

Hungary đang có kế hoạch nhận nguồn cung cấp điện 'xanh' từ Azerbaijan, theo Facebook của Bộ trưởng Ngoại giao Peter Siatro.

Theo ông, tình hình hiện tại cho thấy rõ tầm quan trọng của việc khám phá các nguồn năng lượng mới và tích hợp chúng vào nguồn cung cấp.

Ông nói Azerbaijan sẽ cung cấp năng lượng cho Gruzia và từ đó đến Romania.

"Azerbaijan sẽ sản xuất một lượng lớn điện thân thiện với môi trường mà sẽ được vận chuyển qua đường ống dưới nước tới Gruzia và từ đó đến Romania. Hungary sẽ tham gia dự án quy mô lớn này, vì nhận được tài trợ từ EU, cần ít nhất với sự tham gia của hai quốc gia thành viên EU. Vì vậy, điện 'xanh' này có thể được vận chuyển đến Hungary một phần để sử dụng trong gia đình, một phần để trung chuyển đến nơi khác", ông nói.

Na Uy đầu tư vào điện mặt trời của Ấn Độ

Quỹ Đầu tư Khí hậu và Quỹ hưu trí lớn nhất của Na Uy KLP sẽ đầu tư vào một dự án điện mặt trời 420 megawatt đang được phát triển ở Rajasthan, Ấn Độ.

Hai bên sẽ đầu tư khoảng 2,8 tỷ rupee Ấn Độ (khoảng 35 triệu USD) cho 49% cổ phần của dự án Thar Surya 1, do công ty Enel Green Power của Ý xây dựng. Tổ chức tài chính phát triển của Na Uy Norfund, quản lý Quỹ đầu tư khí hậu, và Enel Green Power đã thiết lập quan hệ đối tác đầu tư chiến lược tập trung vào Ấn Độ. Tellef Thorleifsson, Giám đốc điều hành của Norfund, cho biết đây là khoản đầu tư đầu tiên mà họ thực hiện với Enel và có tham vọng đóng góp lớn bằng các khoản đầu tư tương tự ở Ấn Độ trong những năm tới.

Theo thông báo từ Đại sứ quán Na Uy tại Ấn Độ, Quỹ Đầu tư Khí hậu dự kiến ​​sẽ phân bổ 10 tỷ Krone Na Uy (tương đương 1 tỷ USD) cho các dự án trong vòng 5 năm tới và Ấn Độ được coi là một “thị trường ưu tiên”.

Bộ Năng lượng Mới và Tái tạo của Ấn Độ cho biết, trong bảy năm rưỡi qua, công suất năng lượng mặt trời của Ấn Độ đã tăng từ khoảng 2,6 gigawatt (GW) lên hơn 46 gigawatt.

Ấn Độ muốn công suất năng lượng tái tạo của mình, không bao gồm thủy điện lớn, đạt 175 GW trong năm nay, một mục tiêu đầy thách thức. Theo một tuyên bố gần đây của Bộ trưởng Ấn Độ về Năng lượng mới và Tái tạo, công suất năng lượng tái tạo đã lắp đặt, không bao gồm thủy điện lớn, đã đạt mức 114,07 GW vào ngày 30/6/2022.

Nhật Bản báo hiệu một sự thay đổi lớn về năng lượng hạt nhân trong tương lai hậu Fukushima

Hôm 24/8, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida cho biết Nhật Bản sẽ khởi động lại nhiều hơn nhà máy điện hạt nhân không hoạt động và xem xét tính khả thi của việc phát triển các lò phản ứng thế hệ tiếp theo.

Phát biểu của Thủ tướng Fumio Kishida được đưa vào thời điểm Nhật Bản, một nhà nhập khẩu năng lượng lớn, đang tìm cách củng cố các lựa chọn của mình trong bối cảnh thị trường năng lượng toàn cầu đang không ổn định và cuộc xung đột Ukraina.

Nếu được thực hiện đầy đủ, động thái này sẽ thể hiện sự thay đổi chính sách năng lượng của Nhật Bản sau thảm họa Fukushima năm 2011.

Đầu tháng Tám, một cựu giám đốc điều hành của Cơ quan Năng lượng Quốc tế cho biết sự ủng hộ của công chúng ở Nhật Bản cho việc tái khởi động hạt nhân hiện ở mức hơn 60%.

Nhật Bản đang đặt mục tiêu trung lập các-bon vào năm 2050. Theo Kế hoạch Năng lượng Chiến lược lần thứ 6 của Nhật Bản, dự kiến ​​năng lượng tái tạo chiếm 36% đến 38% cơ cấu sản xuất điện vào năm 2030, trong đó hạt nhân chiếm 20% đến 22% và việc sử dụng ổn định điện hạt nhân sẽ được thúc đẩy trên cơ sở chính là phải đạt được sự tin tưởng của công chúng đối với điện hạt nhân và đảm bảo an toàn.

Scotland vận hành trang trại điện gió ngoài khơi lớn nhất

Theo công bố ngày 23/8 của TotalEnergies và công ty năng lượng tái tạo SSE Renewables, trang trại gió Seagreen - trang trại lớn nhất toàn Scotland, đã đi vào hoạt động.

Trang trại có tổng cộng 114 tua bin. Vào sáng 22/8, tuabin gió đầu tiên đã được đưa vào vận hành cách bờ biển quận Angus khoảng 27 km.

Theo hai đối tác, trang trại gió có tổng công suất 1.075 MW, đủ khả năng cung cấp điện cho 1,6 triệu hộ gia đình. Dự kiến trang trại sẽ đi vào hoạt động hoàn toàn trong nửa đầu năm 2023.

Dự án Seagreen có trị giá 4,3 tỷ USD sẽ là dự án trang trại điện gió ngoài khơi lớn nhất ở Scotland. Đồng thời, Seagreen sẽ là công trình điện gió có độ sâu nhất thế giới, với độ sâu 59 mét so với mặt nước biển.

Đối với TotalEnergies, đây là dự án trang trại gió ngoài khơi đầu tiên đi vào hoạt động ở châu Âu (dự án trang trại gió đầu tiên đi vào hoạt động trên thế giới là dự án Yulin ở Đài Loan).

Vào tháng 6/2022, tập đoàn dầu khí Pháp đã đạt được thỏa thuận với SSE Renewables để mua 51% cổ phần của dự án Seagreen.

Hà Lan xây dựng cơ sở sản xuất năng lượng tái tạo

Hướng đến mục tiêu cắt giảm phát thải CO2 để bảo vệ môi trường, Hà Lan đang đi tiên phong trong việc loại bỏ nhiên liệu hóa thạch. Quốc gia này đã xây dựng cơ sở hạ tầng quy mô lớn để sản xuất năng lượng tái tạo.

Trong dự án mới, Hà Lan đã đầu tư xây dựng turbine gió, tấm pin mặt trời nổi và máy móc sản xuất nhiên liệu hydro ngoài khơi, nằm trong khu vực biển của quốc gia này. Được biết, các dự án trọng điểm như Oceans of Energy hiện đang xây dựng cơ sở tại vùng Biển Bắc.

Tại Hollandse Kust Zuid, một trang trại điện gió 1,5 gigawatt (GW) dự kiến hoàn thành vào năm 2023, 10 trong số 140 turbine đã bắt đầu sản xuất điện. Điện từ trang trại được chuyển đổi sang điện áp cao hơn và được đưa vào bờ từ một trạm do nhà điều hành lưới điện của Hà Lan quản lý.

G.Minh (t/h)

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/