Cần thiết tạo quỹ đầu tư xanh hỗ trợ tài chính cho các dự án năng lượng tái tạo
Bà Diệp Thị Kim Hoàn, Giám đốc Phát triển Bền vững, Tổ hợp Khu công nghiệp DEEP C. |
Doanh nghiệp thiếu thông tin về các quỹ cấp tín dụng xanh
Tại Diễn đàn “Hiện thực hóa Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh tại Việt Nam: Thúc đẩy dòng vốn xanh” ngày 10/9, bà Diệp Thị Kim Hoàn, Giám đốc Phát triển Bền vững, Tổ hợp Khu công nghiệp DEEP C đã nêu ra các khó khăn của doanh nghiệp trong lĩnh vực này.
Theo bà Hoàn, nhu cầu về tài chính xanh của doanh nghiệp lớn trong bối cảnh xanh hóa nền kinh tế, đây là cơ hội nhưng cũng là thách thức.
Về cơ hội, Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050, nhằm huy động nguồn lực, điều phối các nguồn tài trợ trong và ngoài nước, nguồn tài chính khí hậu; xây dựng hệ thống tiêu chuẩn, tiêu chí phân loại xanh quốc gia.
Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030 xác định nguồn lực, gồm: Ngân sách nhà nước (ngân sách trung ương, ngân sách địa phương, chính sách ưu đãi về thuế); nguồn hỗ trợ quốc tế (vốn hỗ trợ phát triển chính thức, vốn hỗ trợ và vay ưu đãi cho tăng trưởng xanh).
Ngân hàng Nhà nước, các quỹ và ngân hàng khác cũng đã ban hành nhiều tiêu chí và dự án về tín dụng xanh.
Tuy nhiên, từ thực tiễn doanh nghiệp, Giám đốc Phát triển Bền vững, Tổ hợp Khu công nghiệp DEEP C chỉ rõ doanh nghiệp còn nhiều khó khăn trong quá trình tiếp cận tài chính xanh.
Cụ thể, doanh nghiệp thiếu thông tin về các đơn vị cấp tín dụng xanh; chi phí tai chính thực tế; tiêu chí dự án xanh chưa cụ thể, rõ ràng.
Các quỹ tín dụng xanh thường không chấp nhận tài sản đảm bảo, doanh nghiệp cần có bảo lãnh ngân hàng. Các dự án quy mô nhỏ nên khó tiếp cận vốn vay nước ngoài, rủi ro về chênh lệch tỷ giá.
Với mong muốn được tháo gỡ khó khăn, bà Diệp đề xuất phát triển khung pháp lý với các tiêu chí đánh giá dự án xanh rõ ràng, có các chính sách hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ như ưu đãi lãi suất, gia hạn thời gian trả nợ, bảo lãnh tín dụng cho các dự án xanh, thủ tục đơn giản
Việc tạo quỹ đầu tư xanh để hỗ trợ tài chính cho các dự án của doanh nghiệp vừa và nhỏ, đặc biệt trong các lĩnh vực như năng lượng tái tạo, quản lý chất thải, hạ tầng dựa theo tự nhiên (nature-based infrastructure) là cần thiết thực hiện.
Cũng theo bà Diệp, các doanh nghiệp có thể liên kết với các tổ chức quốc tế, tham gia vào các dự án hợp tác hoặc nhận tận dụng các chương trình hỗ trợ từ các tổ chức tài chính quốc tế như World Bank, IFC hoặc ADB.
Các khu công nghiệp xanh có nhu cầu tiếp cận các đơn vị cấp tín dụng xanh. |
Công cụ tài chính là trụ cột xây dựng thị trường vốn xanh
Chia sẻ với nguyện vọng của doanh nghiệp, ông Tô Trần Hòa, Phó Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường - Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030 đã đặt ra mục tiêu “phát triển các công cụ tài chính xanh, tài chính bền vững”.
“Các công cụ này sẽ là các trụ cột quan trọng trong việc xây dựng thị trường vốn xanh, bền vững, góp phần phát huy vai trò là kênh huy động vốn trung và dài hạn, nguồn tài chính cần thiết cho các dự án liên quan đến năng lượng tái tạo, công nghệ sạch, xanh và các dự án bảo vệ môi trường khác. Từ đó khuyến khích sử dụng các nguồn năng lượng thân thiện với môi trường”, ông Hòa nói.
Theo Vụ Phát triển thị trường - Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, các công cụ tài chính xanh như trái phiếu xanh, quỹ đầu tư xanh, hay chứng chỉ carbon ngày càng trở nên phổ biến trên thế giới.
Đặc biệt, trong bối cảnh các nhà đầu tư ngày càng quan tâm đến các yếu tố môi trường và xã hội, việc phát triển các công cụ tài chính xanh có thể thu hút nguồn vốn từ trong và ngoài nước.
Với tầm quan trọng của công cụ tài chính xanh, tại Quyết định số 1726, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước triển khai 4 giải pháp nhằm phát triển công cụ tài chính xanh.
Thứ nhất, đa dạng cơ sở hàng hóa trên thị trường chứng khoán. Bộ Tài chính thực hiện nghiên cứu, triển khai các giải pháp phát triển thị trường trái phiếu xanh, gồm: Khuyến khích việc phát hành trái phiếu Chính phủ xanh, trái phiếu chính quyền địa phương xanh và trái phiếu doanh nghiệp xanh, nhằm tạo thêm kênh huy động vốn cho ngân sách, cho doanh nghiệp và thu hút các nhà đầu tư hướng đến các mục tiêu phát triển kinh tế bền vững.
Thứ hai, nâng cao tính minh bạch và chất lượng hàng hóa. Bộ Tài chính thực hiện nghiên cứu hoàn thiện các quy định về tổ chức cung cấp dịch vụ định giá trái phiếu xanh, trái phiếu bền vững.
Thứ ba, đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư trong nước. Bộ cũng thực hiện nghiên cứu các giải pháp thu hút nhà đầu tư tổ chức và cá nhân tham gia đầu tư vào các công cụ tài chính xanh phù hợp với quy định pháp luật.
Thứ tư, hội nhập quốc tế trong lĩnh vực thị trường vốn xanh. Các giải pháp triển khai hợp tác với đối tác nước ngoài nhằm nghiên cứu các sản phẩm mới cho thị trường, đặc biệt chú trọng đến các sản phẩm liên quan đến tài chính xanh và phát triển bền vững.
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phối hợp cùng Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) ra mắt Sổ tay hướng dẫn phát hành trái phiếu xanh, trái phiếu xã hội và trái phiếu bền vững; ra mắt Sổ tay hướng dẫn báo cáo phát thải khí nhà kính giúp doanh nghiệp thực hiện kiểm kê và báo cáo phát thải khí nhà kính; tham gia Hội đồng Phân loại Tài chính bền vững ASEAN.
Kế hoạch hành động Tăng trưởng xanh của thị trường chứng khoán đến năm 2030; nghiên cứu các tiêu chuẩn trái phiếu xanh và đưa trái phiếu xanh ASEAN vào Việt Nam cho tổ chức phát hành và nhà đầu tư, các quỹ đầu tư cũng được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sớm xây dựng.
Diệu Phương
- CIP chuẩn bị xây dựng hệ thống pin lưu trữ năng lượng quy mô lớn đầu tiên tại Chile
- Vietnam Water Week 2024: Phát triển ngành nước Việt Nam an ninh, an toàn, hiệu quả và hội nhập
- Chiến dịch bảo vệ rừng của châu Âu gặp trở ngại gì?
- Phát triển vật liệu xanh: Giải pháp bền vững cho một tương lai xanh
- Doanh nghiệp sản xuất cần biến thách thức từ bất ổn năng lượng thành cơ hội
- Quảng Trị - Điểm đến thu hút các dự án năng lượng có vốn FDI lớn
- Long An sắp có nhà máy thiết bị điện gió công suất thuộc top lớn thế giới
- Scatec ASA chuyển nhượng nhà máy điện gió tại Ninh Thuận và rút khỏi Việt Nam
- Hồ thủy điện Tuyên Quang sẽ mở cửa xả đáy thứ 4 từ 9h sáng
- Bộ trưởng KH&ĐT thăm địa điểm dự kiến xây dựng Nhà máy nhiệt điện Ka-lừm của PV Power