Cần những “cú hích” để thúc đẩy thói quen phát triển bền vững
Theo TS. Hà Thị Cẩm Vân, Việt Nam đang đứng trước bước ngoặt quan trọng trong hành trình phát triển kinh tế đầy biến số phức tạp. Là một quốc gia đang phát triển, phải đối mặt với thách thức nghiêm trọng về môi trường, Việt Nam cần những cách tiếp cận sáng tạo để phát triển bền vững, vượt ra ngoài khuôn khổ hoạch định chính sách truyền thống.
Trong bối cảnh này, kinh tế học hành vi đem đến một góc nhìn sáng tạo và cách can thiệp tinh tế để thúc đẩy thay đổi thực chất về môi trường và kinh tế. Đây là một nhánh mới của ngành kinh tế học, sử dụng kiến thức từ các ngành khoa học xã hội khác như tâm lý học và xã hội học để hiểu rõ hơn về các quyết định kinh tế và kinh doanh.
![]() |
TS. Hà Thị Cẩm Vân cho biết, trái ngược với quan niệm sai lầm rằng “bền vững là tốn kém”, kinh tế học hành vi chỉ ra rằng những thay đổi nhỏ có thể thúc đẩy tiết kiệm chi phí đáng kể. |
TS. Hà Thị Cẩm Vân chia sẻ, đối với doanh nghiệp muốn vận hành “xanh hơn”, họ có thể cân nhắc các biện pháp đơn giản tại nơi làm việc như đặt thùng rác tái chế ở các vị trí chiến lược, thêm ghi chú gần công tắc đèn cho thấy lượng khí thải CO2 có thể tiết kiệm khi tắt đèn, hoặc thiết kế bảng điều khiển nhiệt độ phòng để ngăn việc sử dụng điều hòa không khí khi không cần thiết.
Sức mạnh của kinh tế học hành vi là có thể thay đổi hành vi của mọi người bằng cách thay đổi môi trường. Vì vậy, những can thiệp có vẻ nhỏ như trên có thể giảm lãng phí tài nguyên và thúc đẩy ý thức bảo vệ môi trường.
TS. Hà Thị Cẩm Vân cho biết, trái ngược với quan niệm sai lầm rằng “bền vững là tốn kém”, kinh tế học hành vi chỉ ra rằng những thay đổi nhỏ có thể thúc đẩy tiết kiệm chi phí đáng kể. Đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam đang phải gồng mình để tồn tại, các chiến lược này sẽ mang lại "lợi ích kép" giúp giảm chi phí, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường.
![]() |
"Cú hích về môi trường" là sự can thiệp khôn khéo về môi trường hoặc thiết kế để hướng mọi người đến với những lựa chọn bền vững hơn mà không tước đi quyền tự do lựa chọn của họ. |
Các công ty lớn thậm chí sẽ có nhiều tiềm năng hơn. Bằng cách đầu tư vào những công nghệ xanh như pin mặt trời, sửa đổi quy trình sản xuất và đưa tính bền vững vào văn hóa doanh nghiệp, họ có thể tạo ra những thay đổi có ý nghĩa.
Bên cạnh đó, các nền kinh tế đang phát triển và phát triển đều đang tìm kiếm những cách tiếp cận sáng tạo để đạt được tính bền vững. Kinh tế học hành vi cung cấp một khuôn khổ có thể áp dụng mọi nơi và dễ thích ứng với các bối cảnh văn hóa, kinh tế đa dạng.
"Chúng ta có thể học hỏi lẫn nhau dễ dàng hơn nhiều nhờ công nghệ và kết nối internet. Những giải pháp đạt hiệu quả ở nơi này có thể được điều chỉnh cho nơi khác, tạo ra một hệ sinh thái tri thức toàn cầu xoay quanh các hoạt động bền vững. Thông điệp dành cho doanh nghiệp rất rõ ràng: các chiến lược phát triển bền vững hiệu quả nhất không xoay quanh việc cấm đoán hay hạn chế, mà được thiết kế thông minh để giúp các lựa chọn bền vững trở thành thói quen tự nhiên, đem lại ý nghĩa và có giá trị thực sự", TS. Hà Thị Cẩm Vân nói.
Phương Ngân
- PV Power hướng đến mục tiêu tăng trưởng sản lượng phát điện 17% năm 2025
- Hà Nội đẩy mạnh lộ trình chuyển đổi xe buýt sang năng lượng xanh
- Chuyên gia nêu giải pháp phát triển bền vững điện gió
- Đảm bảo an ninh năng lượng - chìa khoá để tăng trưởng bền vững
- Tập đoàn Super Energy cung ứng khoảng 1,2 triệu kWh/năm cho lưới điện quốc gia
- LNG Quảng Trạch II sẽ cung cấp khoảng 9 tỷ kWh điện mỗi năm
- Dự án 206 triệu USD của Sao Mai Group cung cấp 210 MW điện ra thị trường
- Thực trạng đầu tư vào năng lượng của doanh nghiệp tại Việt Nam
- TS. Dư Văn Toán: Tiềm năng và thách thức của điện rác tại Việt Nam
- Nhận định thị trường chứng khoán ngày 19/3: Tiếp tục giằng co, thận trọng với nhóm cổ phiếu đã tăng mạnh