Cà Mau: Áp lực thiên tai từ Tây sang Đông - Bài cuối: Phát huy nguồn lực tại chỗ

14:15 | 22/08/2022

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Trong bối cảnh đê biển, kè chống sạt lở và nhiều công trình phòng, chống thiên tai khác chưa được đầu tư hoàn thiện thì giải pháp trước mắt để giảm nhẹ thiệt hại chính là phát huy nguồn lực tại chỗ, bằng việc nâng cao nhận thức, tính chủ động của người dân và chính quyền địa phương.
Cà Mau: Áp lực thiên tai từ Tây sang Đông - Bài 2: Chông chênh đời sống ven biểnCà Mau: Áp lực thiên tai từ Tây sang Đông - Bài 2: Chông chênh đời sống ven biển
Cà Mau: Áp lực thiên tai từ Tây sang Ðông - Bài 1: Biển lởCà Mau: Áp lực thiên tai từ Tây sang Ðông - Bài 1: Biển lở
Cà Mau: Áp lực thiên tai từ Tây sang Đông - Bài cuối: Phát huy nguồn lực tại chỗ
Bờ biển khu vực cửa Giá Lồng Đèn đang trong tình trạng sạt lở nghiêm trọng, https://kinhtexaydung.petrotimes.vn

Suốt thời gian qua, đặc biệt là hơn 10 năm trở lại đây, bằng nhiều nguồn lực từ Trung ương đến địa phương, một số dự án đầu tư xây dựng công trình phòng, chống thiên tai đã được triển khai. Từ nguồn vốn của Chương trình 667 về nâng cấp đê biển từ Quảng Ngãi đến Kiên Giang, tuyến đê biển Tây đã và đang tiếp tục được tập trung đầu tư nâng cấp. Từ khu vực cống Tiểu Dừa về bờ Bắc thị trấn Sông Đốc, tuyến đê bằng đất năm nào giờ đã được đầu tư nâng cấp, thân đê cao trình đến 3 m, bề mặt có đường bê-tông kiên cố, bảo đảm xe ô-tô lưu thông dễ dàng bất kể nắng mưa. Dự án này không chỉ giúp ổn định đời sống người dân, mà còn góp phần quan trọng phục vụ nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra, bảo vệ đê biển cũng như bảo đảm an ninh, quốc phòng.

Tuy nhiên, hiện cũng chỉ mới hoàn thành việc nâng cấp khoảng 52 km đê biển Tây và khoảng 42 km kè, công trình chống sạt lở. Con số này còn khá khiêm tốn so với nhu cầu hiện nay, bởi nếu tính ra chỉ được khoảng 20%. Còn đối với bờ biển Đông hiện nay càng nguy hiểm hơn bởi không có đê biển, trong khi kè chống sạt lở bờ biển thì cũng chỉ mới đầu tư xây dựng, đưa vào sử dụng khoảng hơn 13 km và đang triển khai các bước đầu tư xây dựng khoảng 28 km.

Trong khi đó, khả năng chống chịu của người dân trước thiên tai khu vực này được đánh giá là thấp. Ông Võ Công Trường, Chủ tịch UBND xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, cho biết, theo thống kê sơ bộ, trên địa bàn xã có đến trên 60% nhà ở của người dân không đủ khả năng chống chịu khi có bão lớn đổ bộ vào đất liền. Nhiều khu vực người dân còn ở trong nhà được xây cất bằng cây lá địa phương hay nhà tiền chế, chưa đảm bảo an toàn khi có bão mạnh.

Tại khu vực Tam Giang Tây cũng còn một lượng lớn nhà dân không đảm bảo khi có bão mạnh đổ bộ. Ông Lâm Trường Hải, Phó chủ tịch UBND xã Tam Giang Tây, huyện Ngọc Hiển, cho biết, nếu có bão với sức gió giật cấp 8, cấp 9 thì có hơn 40% hộ dân phải di dời, nhất là các hộ đang sống tại các cửa biển, cửa sông.

Có thể thấy, với nguồn lực hiện nay, để đầu tư xây dựng hoàn thiện việc nâng cấp đê biển Tây, xây dựng đê biển Đông và kè chống sạt lở từ Tây sang Đông còn mất thời gian dài. Do đó, trước mắt vẫn là phát huy tính chủ động của người trong việc tự bảo vệ tài sản, tính mạng của chính mình, người thân, nhất là sự đoàn kết giữa các lực lượng và người dân.

Nhận định được mức độ nguy hiểm khi có thiên tai, xã Đất Mũi đã chủ động rà soát cũng như xây dựng các phương án thích ứng theo từng loại hình thiên tai khác nhau. Ông Trường cho biết, từ trang thiết bị cho đến lực lượng đã được chuẩn bị sẵn sàng cho các kịch bản thiên tai có thể xảy ra. Đặc biệt, các điểm để di dời sơ tán dân cũng đã được rà soát, thống kê và kiểm tra thận trọng.

Cà Mau: Áp lực thiên tai từ Tây sang Đông - Bài cuối: Phát huy nguồn lực tại chỗ
Tuyến kè phòng, chống sạt lở khu vực cửa Vàm Xoáy, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển đang được đầu tư xây dựng, https://kinhtexaydung.petrotimes.vn

Trong công tác quản lý, bảo vệ đê điều, ông Bùi Văn Đông, Hạt trưởng Hạt Quản lý đê điều tỉnh, cho biết, hiện nay những đoạn đê xung yếu trên tuyến đê biển Tây đã và đang được đầu tư xây dựng những đoạn kè cơ bản để bảo vệ. Tuy nhiên, Hạt Quản lý đê điều đang tiếp tục phối hợp chặt chẽ với UBND các xã, thị trấn có tuyến đê biển đi qua thường xuyên tuần tra, theo dõi để phát hiện kịp thời những vị trí sạt lở mới. Đồng thời, chuẩn bị sẵn sàng phương tiện, vật tư, nhân lực để chủ động ứng phó những sự cố bất thường có thể xảy ra, ảnh hưởng đến sự ổn định của đê biển.

Khó khăn lớn nhất mà xã Tam Giang Tây đang gặp phải chính là tình trạng sạt lở. Theo đó, ông Lâm Trường Hải cho biết, thông qua công tác tuyên truyền cũng như trước tác động của thiên tai thời gian qua, ý thức của người dân được nâng lên đáng kể. Nhiều hộ chủ động bỏ ra hàng trăm triệu đồng để đầu tư xây dựng bờ kè, trồng cây… chống sạt lở. Tuy nhiên, với tình trạng sạt lở nhanh, phức tạp tại các cửa biển như hiện nay, rất cần được các cấp quan tâm đầu tư kè chống sạt lở.

Trong phương án phòng chống, giảm nhẹ thiệt hại thiên tai tỉnh đã và đang xây dựng, chuẩn bị đầu tư kè bờ biển Đông là 41,6 km, tiếp tục đề xuất mới các công trình bảo vệ bờ biển Đông với chiều dài 40,7 km. Đối với khu vực biển Tây, tỉnh đang triển khai các bước đầu tư xây dựng với khoảng 26 km; bao gồm các đoạn kè phòng, chống sạt lở bờ biển các đoạn xung yếu từ cửa biển Sông Đốc đến cửa biển Bảy Háp với chiều dài 11 km, các đoạn kè thuộc dự án xử lý sạt lở cấp bách bờ sông, bờ biển khu vực ĐBSCL với tổng chiều dài 15 km. Cùng với đó là nhiều công trình, dự án khác cũng đang được triển khai song song để bảo vệ những đoạn bờ biển xung yếu trên tuyến đê biển Tây cho đến biển Đông.

Để chủ động giảm nhẹ thiệt hại của thiên tai trong mùa mưa bão này, vừa qua, trong phiên họp kiểm điểm công tác chỉ đạo điều hành kinh tế - xã hội 7 tháng đầu năm, ông Huỳnh Quốc Việt, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, có ý kiến chỉ đạo các sở, ngành, chính quyền địa phương thường xuyên kiểm tra, gia cố những công trình phòng, chống thiên tai; vận hành hợp lý hệ thống cống, đập, trạm bơm đảm bảo ngăn triều cường xâm nhập và tiêu thoát nước, chống ngập úng vùng ngọt hoá. Tiến hành hướng dẫn để người dân nắm và biết cách phòng tránh, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra do thiên tai.

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn

Nguyễn Phú - Chí Diện - Khánh Phương

baocamau.com.vn