Nam Định- Thái Bình: Khẩn trương, gấp rút phòng chống siêu bão

21:12 | 06/09/2024

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Chính quyền và nhân dân các tỉnh Nam Định, Thái Bình đã khẩn trương triển khai các biện pháp phòng tránh, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do mưa bão.
Khẩn trương, gấp rút phòng chống siêu bão

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan kiểm tra khu neo đậu tàu, thuyền tránh trú bão tại cửa sông Ninh Cơ (Hải Hậu, Nam Định).

Không chủ quan, lơ là

Ngày 6/9, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông (NN&PTNT) Lê Minh Hoan đã về kiểm tra công tác ứng phó bão Yagi tại Nam Định.

Bộ trưởng đã kiểm tra các khu vực trọng điểm, xung yếu về phòng chống thiên tai ở tỉnh như: KCN Rạng Đông (huyện Nghĩa Hưng); cảng cá Ninh Cơ và khu neo đậu tàu, thuyền tránh trú bão cửa sông Ninh Cơ, các trọng điểm trên tuyến đê biển Cồn Tròn, Hải Thịnh 3 và kè Thịnh Long, thị trấn Thịnh Long (huyện Hải Hậu).

Tại các địa điểm kiểm tra, Bộ trưởng Lê Minh Hoan yêu cầu địa phương thực hiện nghiêm tinh thần chỉ đạo ứng phó bão của Thủ tướng Chính phủ; tích cực thông tin, tuyên truyền, cung cấp thông tin kịp thời, chính xác diễn biến của bão để người không chủ quan, lơ là; khẩn trương hoàn thành các việc kêu gọi, hướng dẫn tàu, thuyền về nơi tránh trú an toàn; di chuyển người dân từ các lều, chòi canh bãi nuôi thủy sản, bãi bồi ven sông, ven biển, vùng úng trũng, có nguy cơ cao... về nơi an toàn và phải hoàn thành xong trước 16h ngày 6/9.

Chiều 6/9, thông tin từ Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Nam Định cho biết, từ đêm 5/9, vùng biển của tỉnh đã có gió mạnh cấp 6, cấp 7; sóng cao 2-3 m và đang tăng dần. Từ sáng sớm 6/9 trên địa bàn tỉnh một số nơi đã bắt đầu có mưa với lượng mưa từ 13 đến 80 mm.

Từ 11h cùng ngày, tỉnh đã thực hiện lệnh cấm biển. Bộ đội Biên phòng tỉnh đã phối hợp với ngành nông nghiệp, các huyện ven biển tổ chức thông tin, kêu gọi, hướng dẫn các tàu, thuyền di chuyển vào nơi tránh trú bão an toàn.

Khẩn trương, gấp rút phòng chống siêu bão 2

Tàu thuyền đánh cá neo đậu tại khu tránh trú ở cửa sông Ninh Cơ (Nam Định).

Đến 11h trưa 6/9, toàn tỉnh đã có 1.710 tàu với 5.229 lao động (100%) vào các bến, bãi, cảng cá neo đậu tránh trú theo quy định, trong đó neo đậu tại tỉnh là 1.703 tàu/5.227 lao động, neo đậu ngoài tỉnh là 18 tàu/98 lao động.

Để bảo đảm an toàn cho các công trình đê, kè, cống, tỉnh đã chỉ đạo các ngành, địa phương tổ chức rà soát hiện trạng hệ thống đê điều trên địa bàn; kiểm tra, rà soát lại các phương án bảo vệ các trọng điểm xung yếu và việc chuẩn bị vật tư, phương tiện, nhân lực theo phương châm "4 tại chỗ" để sẵn sàng hộ đê, kịp thời xử lý khi có tình huống xảy ra. Đối với khu vực bãi, bối, tiến hành rà soát phương án sơ tán dân theo quy định bảo đảm tuyệt đối an toàn về người, hạn chế thấp nhất thiệt hại do bão gây ra.

Hoãn các cuộc họp để tập trung cho công tác phòng, chống bão

Tại tỉnh Thái Bình, đồng chí Nguyễn Khắc Thận Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh yêu cầu trước 18 giờ ngày 6/9 phải di dời các hộ dân sống trong nhà yếu, khu vực nguy hiểm, lao động nuôi ngao, nuôi trồng thủy sản, hải sản các vùng bãi thấp ven sông, ven biển vào nơi an toàn; đóng các cửa khẩu, băng két qua đê biển, đê cửa sông. Các cấp, các ngành hoãn các cuộc họp để tập trung cho công tác phòng, chống bão; sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để kịp thời ứng cứu khi có yêu cầu…

Nam Định- Thái Bình: Khẩn trương, gấp rút phòng chống siêu bão
Tàu thuyền đã về nơi neo đậu tại tỉnh Thái Bình.

Theo báo cáo của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thái Bình, đến 15 giờ ngày 5/9 trên địa bàn có 995 tàu thuyền với gần 3.000 lao động làm ăn trên biển; trong đó có 151 phương tiện/393 lao động đang hoạt động ven biển Thái Bình; 19 phương tiện/139 lao động đang hoạt động ngoài tỉnh; 776 phương tiện/2.147 lao động đang neo đậu tại các bến trong tỉnh và 49 phương tiện/271 lao động neo đậu tại các bến ngoài tỉnh.

Ngoài ra, toàn tỉnh có 1.179 chòi canh với 1.254 lao động canh coi trên các bãi ngao; 1.128 đầm với 1.617 lao động nuôi trồng thủy, hải sản ven biển ở hai huyện Thái Thụy, Tiền Hải cần di dời trước bão và 18.639 người sống trong nhà yếu cần có phương án di dời đến các khu vực kiên cố trước khi bão đổ bộ.

Hiện toàn tỉnh có 74.327 ha diện tích lúa mùa đã gieo cấy, trong đó khoảng 26.000 ha diện tích lúa đã trỗ bông, khoảng 5.000 ha diện tích cây màu hè thu đã thu hoạch (đạt 58% diện tích đã trồng). Để giảm thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp do bão gây ra, tỉnh Thái Bình chỉ đạo khẩn trương thu hoạch diện tích rau màu, thủy sản đã đến kỳ thu hoạch.

Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Thái Bình, từ đêm nay, vùng biển ngoài khơi huyện Thái Thụy và Tiền Hải gió mạnh dần lên cấp 6, cấp 7, sau tăng lên cấp 8, cấp 9, giật cấp 11, 12; sóng biển dâng cao từ 3 - 5m, biển động dữ dội. Trên đất liền, từ sáng 7/9 có gió bão mạnh cấp 6, cấp 7, sau tăng lên cấp 8, cấp 9, giật cấp 10, cấp 11. Từ chiều 6 - 9/9, trên địa bàn tỉnh Thái Bình có mưa vừa, mưa to đến rất to, lượng mưa phổ biến từ 200 - 300mm; cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3…

An Nhiên - Yên Chi