BIM Group hiện thực hóa “sứ mệnh xanh”

08:39 | 12/11/2023

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Có thể nói, cho đến nay, mô hình tổ hợp của Tập đoàn BIM Group bao gồm cụm nhà máy điện gió, điện mặt trời và khu kinh tế muối lớn nhất Đông Nam Á tại Quán Thẻ, Ninh Thuận là một mô hình tổ hợp kinh tế xanh ấn tượng đã được hình thành.

Tại Diễn đàn Kinh tế Xanh (GEF) 2023 với chủ đề “Hợp tác châu Âu - Việt Nam thúc đẩy các sáng kiến xanh” ngày 02/11/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có bài phát biểu quan trọng về kinh tế xanh.

Nhắc lại các định hướng lớn trong chính sách phát triển, đối ngoại và quốc phòng của Việt Nam, Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam xác định phát triển nhanh nhưng bền vững, bao trùm, không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội và môi trường để chạy theo tăng trưởng đơn thuần. Hướng tới sản xuất xanh, xuất khẩu xanh và năng lượng xanh để các nhà đầu tư hoạt động hiệu quả, bền vững, lâu dài là xu thế tất yếu, yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu của Việt Nam.

Theo nghiên cứu của Quy hoạch điện VIII, tiềm năng năng lượng tái tạo (NLTT) của Việt Nam là rất lớn, trong đó, khu vực gió cao và có tiềm năng kinh tế tốt nằm ở Nam Trung Bộ (Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định) với tổng công suất dự kiến khoảng 80 GW; tổng tiềm năng kỹ thuật của điện mặt trời lên tới 1.646 GW tập trung chủ yếu tại miền Nam, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.

Việc phát triển mạnh mẽ của điện mặt trời, điện gió trong thời gian qua cho thấy nếu có quy hoạch các dự án NLTT và cơ chế giá điện NLTT hợp lý sẽ thu hút được rất nhiều nhà đầu tư phát triển NLTT, thậm chí quy mô công suất NLTT được quy hoạch và bổ sung quy hoạch còn chưa đáp ứng hết những đề xuất đầu tư của các nhà đầu tư và các địa phương.

Đầu tư cho năng lượng xanh trong mục tiêu phát triển bền vững đã trở thành định hướng của nhiều doanh nghiệp, tuy vậy, những mô hình kinh tế xanh thực thụ vẫn còn quá đơn lẻ, ít ỏi.

BIM Group hiện thực hóa “sứ mệnh xanh”
Tổ hợp Kinh tế xanh Năng lượng tái tạo kết hợp sản xuất muối sạch Quán Thẻ

Có thể nói, cho đến nay, mô hình tổ hợp của Tập đoàn BIM Group bao gồm cụm nhà máy điện gió, điện mặt trời và khu kinh tế muối lớn nhất Đông Nam Á tại Quán Thẻ, Ninh Thuận là một mô hình tổ hợp kinh tế xanh ấn tượng đã được hình thành.

Năm 2006, BIM Group bắt đầu đầu tư phát triển các cánh đồng khai thác muối tại Quán Thẻ, huyện Thuận Nam tỉnh Ninh Thuận. Bằng việc áp dụng công nghệ sản xuất tiên tiến cho xuất xưởng khoảng 400.000 tấn sản phẩm muối sạch có giá trị thương mại cao, cánh đồng muối Quán Thẻ cùng với các đồng muối Cà Ná và Tri Hải đóng góp 60-70% sản lượng muối công nghiệp của Việt Nam, tạo tiền đề cho chiến lược phát triển kinh tế bền vững của BIM Group tại Ninh Thuận.

Vẫn trên diện tích 2.500ha tại Quán Thẻ, sau hơn 10 năm khảo sát và quy hoạch những khu đất không thể khai thác muối, BIM Energy thuộc Tập đoàn BIM Group tiếp tục đưa vào vận hành cụm 3 nhà máy điện mặt trời. Hơn 1 triệu tấm pin mặt trời được lắp đặt sản xuất ra hơn 668 triệu kWh điện mỗi năm và đáp ứng nhu cầu của 200 nghìn hộ gia đình cũng như tạo ra hàng ngàn việc làm có thu nhập ổn định tại địa phương. Tiếp đó, tháng 9/2021 đánh dấu bước tiến quan trọng của BIM Energy khi Nhà máy điện gió BIM với tổng công suất 88 MW đi vào vận hành thương mại. BIM Group đã đầu tư vào mô hình này khoảng 12.000 tỷ đồng.

Mô hình trang trại điện mặt trời kết hợp điện gió là một cách thông minh để tận dụng tối đa tài nguyên tự nhiên. Việc tích hợp cả hai nguồn năng lượng này giúp đảm bảo ổn định nguồn cung năng lượng, đặc biệt là khi thời tiết thay đổi. Các hệ thống lưu trữ năng lượng cũng có thể được tích hợp để đảm bảo có đủ điện ngay cả khi không có ánh sáng mặt trời hoặc gió.

Đây được coi là mô hình điển hình cho phương thức tiếp cận ngành NLTT theo hướng bền vững. Không chỉ tối ưu hóa các yếu tố đặc thù của địa phương (nắng và gió) cũng như tài nguyên đất, tổ hợp này tạo nên sự tuần hoàn của các cấu phần khi sử dụng điện tái tạo hỗ trợ cho sản xuất muối. Hội đồng Thẩm định gồm các chuyên gia lâu năm trong lĩnh vực năng lượng và môi trường sau khi phân tích rất kỹ các yếu tố kỹ thuật các nhà máy điện mặt trời và điện gió của BIM Energy đã đánh giá cao sự chuyên nghiệp cũng như quan điểm phát triển bền vững mà BIM Group theo đuổi khi xây dựng dự án.

Nhật Bản nổi tiếng là một quốc gia đầu tư bài bản cho các mô hình tương tự. Xác định tăng trưởng xanh là xu hướng tất yếu của kinh tế thế giới hiện đại, từ nhiều năm qua Nhật Bản đã nỗ lực trong tái cấu trúc nền kinh tế hướng đến tăng trưởng xanh và bền vững, đặc biệt là sau cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu năm 2008 và sự cố tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima năm 2011. Trên con đường phát triển, Nhật Bản đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm hữu ích về phát triển kinh tế xanh cho các quốc gia ở châu Á, trong đó có Việt Nam.

BIM Group hiện thực hóa “sứ mệnh xanh”

Theo báo cáo thường niên của IRENA, đến cuối năm 2022, Nhật Bản đạt 78,8 GW điện mặt trời và 4,5 GW điện gió.

Nhật Bản đã nỗ lực rất nhiều để chuyển đổi sang năng lượng tái tạo và giảm phát thải khí nhà kính. Đối với việc thúc đẩy kinh tế xanh, Nhật Bản cũng xem xét các chính sách khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo trong các doanh nghiệp và hộ gia đình. Các ưu đãi thuế và hỗ trợ tài chính có thể khuyến khích người dân và doanh nghiệp đầu tư vào các giải pháp năng lượng sạch. Việc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng tái tạo tại Nhật tạo ra một đội ngũ lao động chuyên nghiệp và sẵn sàng cho sự chuyển đổi sang năng lượng xanh.

Việc tạo ra các chiến dịch giáo dục và tăng cường nhận thức về lợi ích của năng lượng tái tạo có thể thúc đẩy sự chấp nhận và tham gia của cộng đồng địa phương. Tất cả những nỗ lực này sẽ không chỉ giúp Nhật Bản giảm phát thải carbon mà còn đặt họ ở vị trí hàng đầu trong cuộc cạnh tranh toàn cầu về năng lượng sạch và bền vững. Ngoài ra, Chính phủ Nhật Bản thường xuyên thúc đẩy nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực năng lượng tái tạo để nâng cao hiệu suất và giảm chi phí. Các động thái này có thể giúp tạo ra các công nghệ mới và cải thiện sự tích hợp giữa các nguồn năng lượng khác nhau. Tất cả những bước này cùng nhau sẽ tạo ra một mô hình kinh tế xanh đầy triển vọng cho Nhật Bản, đồng thời góp phần vào sự bền vững toàn cầu.

BIM Group hiện thực hóa “sứ mệnh xanh”
Ông Đoàn Quốc Huy, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn BIM Group kiêm Tổng giám đốc BIM Energy, sinh năm 1984, thuộc “thế hệ thứ hai” bắt đầu gánh vác trên vai sứ mệnh dẫn dắt và phát triển BIM Group trong giai đoạn mới.

Với tầm nhìn bền vững ngay từ những ngày đầu thành lập, từ những con đường, khu đô thị, trang trại đầu tiên tại Quảng Ninh, từ những ngày khai phá tiềm năng của những mảnh đất khô cằn, hoang sơ như Ninh Thuận, Phú Quốc, BIM Group đã kiên định với khát vọng xây dựng một tập đoàn đa ngành lớn mạnh tại Việt Nam và các nước lân cận, đi vào những lĩnh vực cốt lõi mang tới giá trị thật.

Các sản phẩm, dịch vụ được BIM Group đầu tư cẩn trọng, kỹ lưỡng dựa trên tri thức và trí tuệ. Bằng những tổ hợp kinh tế bài bản, quản trị hiện đại, áp dụng công nghệ xanh tiên tiến nhất theo mô hình kinh tế tuần hoàn… BIM Group đã cùng chính quyền và cộng đồng doanh nghiệp địa phương mang đến cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân, góp phần vào chiến lược phát triển bền vững chung của đất nước.

BIM Group hiện thực hóa “sứ mệnh xanh”
Công nhân Nhà máy điện gió BIM kiểm tra kỹ thuật turbin gió

Có lẽ sự thấu hiểu của những người lãnh đạo ở BIM Group về khái niệm phát triển bền vững trong kỷ nguyên mới giúp họ có một tầm nhìn, một cách tiếp cận mới, nên ngay từ những ngày đầu hình thành và phát triển, BIM Group đã hướng tới việc xây dựng mô hình các tổ hợp kinh tế xanh. Việc đầu tư vào năng lượng tái tạo, cụ thể là các trang trại điện mặt trời - điện gió, với đại diện thương hiệu là BIM Energy chính là cách mà BIM Group góp phần bảo vệ môi trường khi giảm thiểu đáng kể lượng khí thải nhà kính, lượng phế phẩm từ quá trình sinh nhiệt do sử dụng nhiên liệu hóa thạch, từ đó xây dựng nguồn năng lượng bền vững cho tương lai.

Mô hình tổ hợp kinh tế xanh của BIM Group là một minh chứng cụ thể về khai thác tài nguyên đất lâu dài và bền vững, biến những thách thức của một địa phương thành lợi thế kinh doanh và góp phần thay đổi hình ảnh của Ninh Thuận trên bức tranh phát triển kinh tế đất nước nói chung.

BIM Group hiện thực hóa “sứ mệnh xanh”

Cụm nhà máy điện mặt trời của BIM Energy tại Quán Thẻ, Ninh Thuận đạt tổng công suất 405 MWP.

Về định hướng dài hạn, ông Đoàn Quốc Huy, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn BIM Group kiêm Tổng giám đốc BIM Energy cho biết, tập đoàn sẽ tiếp tục phát triển những dự án và nhà máy mới nhằm nâng cao giá trị kinh tế của mô hình tổ hợp kinh tế với những sản phẩm kết hợp giữa lợi thế doanh nghiệp, triển vọng phát triển ngành và đặc trưng của địa phương, qua đó hoàn thiện mô hình tổ hợp kinh tế xanh tại Ninh Thuận.

“Mô hình tổ hợp kinh tế xanh mà chúng tôi triển khai tại Quán Thẻ tiếp tục khẳng định chiến lược đầu tư kinh doanh gắn với giá trị sáng tạo và bền vững mà tập đoàn đã theo đuổi từ những ngày đầu, chúng tôi sẽ tiếp tục sứ mệnh xanh của mình, góp phần vào chiến lược phát triển bền vững của đất nước”, ông Huy nói.

BIM Energy hiện nay là một trong những nhà đầu tư tiên phong về năng lượng tái tạo tại Việt Nam. Mục tiêu dài hạn tới năm 2025 là phát triển ít nhất 1GW năng lượng sạch (điện gió và điện mặt trời) sản lượng đạt 1 tỷ kWh điện/năm, nộp ngân sách 710 tỷ đồng với 250.000 hộ gia đình được phục vụ và 600.000 tấn CO2 được giảm thải. Tập đoàn hướng đến mục tiêu cân bằng lượng khí thải, xa hơn nữa là góp phần vào mục tiêu "net zero" cũng là “sứ mệnh xanh” của quốc gia đến năm 2050.

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Hải Minh