Tiềm năng điện gió Việt Nam: Phân bố rõ rệt theo vùng, mở rộng từ đất liền ra biển khơi

07:36 | 27/04/2025

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Không chỉ ngoài khơi xa, tiềm năng điện gió trên đất liền và gần bờ của Việt Nam cũng rất ấn tượng, với nhiều khu vực như Tây Nguyên và dải ven biển miền Trung ghi nhận tốc độ gió trung bình từ 5–7 m/s. Với nền tảng tiềm năng và điều kiện gió thuận lợi này, Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để vươn lên trở thành trung tâm công nghiệp điện gió của khu vực, nếu kịp thời tháo gỡ các rào cản về pháp lý, hạ tầng và chính sách.

Theo kết quả nghiên cứu từ Ngân hàng Thế giới (WB) năm 2021, tiềm năng kỹ thuật điện gió ngoài khơi của Việt Nam trong phạm vi 200 km tính từ bờ được ước tính lên tới 599 GW. Trong đó, điện gió móng cố định chiếm khoảng 261 GW, còn điện gió móng nổi lên tới 338 GW. Đây là tiềm năng chưa từng được ghi nhận trước đây trong các nghiên cứu trước đó, cho thấy khả năng đóng góp cực kỳ lớn của điện gió vào hệ thống năng lượng quốc gia trong tương lai. Đáng chú ý, những khu vực có điều kiện kỹ thuật lý tưởng để phát triển loại hình năng lượng này tập trung tại hai vùng: phía Bắc Vịnh Bắc Bộ và vùng biển từ Bình Thuận đến Bà Rịa – Vũng Tàu, với tốc độ gió trung bình năm dao động từ 7,5 đến trên 9,5 m/s ở độ cao 100m.

Không chỉ dừng lại ở ngoài khơi, tiềm năng điện gió trên đất liền và gần bờ của Việt Nam cũng rất đáng chú ý. Dựa trên các số liệu phân tích từ Tổng cục Khí tượng Thủy văn và Bộ Tài nguyên – Môi trường (nay là Bộ Nông nghiệp – Môi trường), nhiều khu vực trên cả nước có tốc độ gió trung bình năm từ 5 đến 7 m/s, đặc biệt tại các tỉnh thuộc Tây Nguyên như Gia Lai, Kon Tum hay Đắk Lắk, và dọc dải ven biển từ Hà Tĩnh, Quảng Trị đến Bình Thuận. Càng lên cao, tiềm năng gió càng lớn, cho thấy nếu tận dụng hiệu quả các độ cao từ 100 – 200m, Việt Nam hoàn toàn có thể khai thác nguồn năng lượng gió một cách bền vững và hiệu quả hơn.

Tiềm năng điện gió Việt Nam: Phân bố rõ rệt theo vùng, mở rộng từ đất liền ra biển khơi
Hiện nay, Việt Nam hiện vẫn chưa có trang trại điện gió ngoài khơi nào chính thức đi vào vận hành, mặc dù có tiềm năng vô cùng lớn với đường bờ biển dài hơn 3.000km.

Dẫu vậy, không phải mọi đánh giá đều đồng thuận về con số tiềm năng. Một nghiên cứu khác từ Cơ quan Năng lượng Đan Mạch cho thấy tiềm năng kỹ thuật của điện gió ngoài khơi Việt Nam trong phạm vi cách bờ từ 5 – 100 km chỉ khoảng 160 GW. Sự khác biệt lớn này phần nào phản ánh phạm vi nghiên cứu khác nhau, đồng thời cũng cho thấy nhu cầu cần chuẩn hóa phương pháp đánh giá, đặc biệt khi các quốc gia tiên tiến như Anh hay Mỹ hiện nay đã và đang phát triển các dự án điện gió ở khoảng cách lên tới 180 km ngoài khơi.

Một điểm sáng khác trong hành trình phát triển điện gió tại Việt Nam chính là sự quan tâm của các tổ chức quốc tế. Báo cáo do Đại sứ quán Na Uy tại Việt Nam thực hiện đã nhấn mạnh rằng, với tốc độ gió cao, điều kiện đáy biển thuận lợi cùng hệ thống hạ tầng kỹ thuật đã hình thành, Việt Nam đang sở hữu lợi thế cạnh tranh trong khu vực để phát triển ngành công nghiệp điện gió. Báo cáo cũng đề xuất bảy khuyến nghị then chốt, trong đó nổi bật là việc thành lập hai trung tâm năng lượng tái tạo tại miền Bắc và miền Nam để trở thành hạt nhân phát triển sản xuất, nghiên cứu và chuỗi cung ứng cho cả trong và ngoài nước.

Theo lộ trình phát triển đến năm 2035, WB đưa ra hai kịch bản chính. Kịch bản tăng trưởng thấp hướng tới việc đạt 7 GW điện gió ngoài khơi móng cố định, 3,3 GW gần bờ và 0,4 GW điện gió móng nổi. Trong khi đó, kịch bản tăng trưởng cao đặt mục tiêu đến năm 2035 sẽ đạt 17,5 GW điện gió móng cố định, 4,1 GW gần bờ và 2,9 GW điện gió nổi. Rõ ràng, kịch bản tăng trưởng cao mang lại nhiều lợi ích hơn: sản lượng điện lớn hơn, tạo nhiều việc làm hơn, giảm phát thải tốt hơn và rút ngắn thời gian hoàn vốn.

Tuy nhiên, theo TS. Dư Văn Toán, để hiện thực hóa tiềm năng đó, Việt Nam cần giải quyết nhiều thách thức như hoàn thiện hành lang pháp lý, đầu tư vào hạ tầng cảng biển, phát triển đội ngũ kỹ thuật có tay nghề cao, đến tăng cường hợp tác quốc tế và chuyển giao công nghệ. Bên cạnh đó, cần có cơ chế khuyến khích các nhà đầu tư dài hạn, ổn định chính sách giá mua điện gió và minh bạch trong quy hoạch sử dụng không gian biển.

“Trong một thế giới đang dần dịch chuyển khỏi năng lượng hóa thạch, việc phát triển mạnh mẽ điện gió – đặc biệt là điện gió ngoài khơi, không chỉ là lựa chọn hợp lý, mà còn là xu thế tất yếu nếu Việt Nam muốn xây dựng một nền kinh tế phát thải thấp và tăng trưởng xanh. Với tiềm năng tài nguyên gió dồi dào, cùng quyết tâm và sự chuẩn bị kỹ lưỡng, Việt Nam hoàn toàn có thể vươn lên trở thành một trong những trung tâm điện gió của khu vực và thế giới trong những thập kỷ tới”, TS. Dư Văn Toán nhận định.

Tiềm năng điện gió Việt Nam: Phân bố rõ rệt theo vùng, mở rộng từ đất liền ra biển khơi
TS. Dư Văn Toán - Viện Khoa học Môi trường, Biển và Hải đảo (Bộ Nông nghiệp và Môi trường).

Thực trạng phát triển trang trại gió tại Việt Nam

Theo báo cáo “Đánh giá tiềm năng kỹ thuật năng lượng gió ngoài khơi Việt Nam” được thực hiện với sự phối hợp của Viện Khí tượng Na Uy và trung tâm dự báo KTTV quốc gia, Cục Khí tượng Thủy... cho rằng, Việt Nam đang từng bước khẳng định vị thế là một quốc gia có tiềm năng to lớn trong lĩnh vực năng lượng tái tạo – đặc biệt là điện gió. Tuy nhiên, hành trình phát triển các trang trại điện gió tại Việt Nam là một chặng đường nhiều nỗ lực, nhưng không thiếu những rào cản và thách thức.

Cách đây hơn một thập kỷ, nhà máy điện gió đầu tiên với công suất lớn 30MW tại Bình Thuận là Phong điện 1 đã chính thức đi vào hoạt động vào năm 2012, đánh dấu cột mốc khởi đầu cho ngành công nghiệp điện gió tại Việt Nam. Những năm sau đó chứng kiến sự tham gia của một vài dự án nhỏ, như hệ thống điện gió diesel mặt trời tại đảo Phú Quý (6MW) và dự án điện gió Bạc Liêu giai đoạn 1 (16MW). Tuy nhiên, giai đoạn 2014 – 2015 lại khá trầm lắng khi không có dự án mới nào được triển khai.

Bước ngoặt chỉ thực sự đến vào năm 2016 với việc công bố kế hoạch phát triển điện gió tại 8 tỉnh, trải dài từ Bạc Liêu đến Quảng Trị. Trong cùng năm đó, một số dự án đáng chú ý như Phú Lạc (24MW) tại Bình Thuận và giai đoạn 2 của Bạc Liêu (83MW) cũng được hoàn thành. Đến năm 2019, ngành điện gió bắt đầu có bước chuyển mạnh mẽ. Tính đến giữa năm 2019, tổng công suất các nhà máy điện gió đang hoạt động đạt 346MW, phân bố chủ yếu tại Bạc Liêu, Ninh Thuận, Quảng Trị và Bình Thuận. Trong số 990MW đang xây dựng vào thời điểm đó, phần lớn cũng nằm tại các tỉnh này.

Từ năm 2020 trở đi, cùng với những chính sách khuyến khích từ Chính phủ và áp lực phát triển bền vững, điện gió trở thành một xu thế rõ rệt. Theo thống kê của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, đến cuối tháng 10 năm 2021, đã có 84 nhà máy điện gió với tổng công suất gần 4.000MW được công nhận vận hành thương mại. Tính đến năm 2023, số liệu từ Bộ Công Thương cho thấy 41 nhà máy điện gió trên bờ và gần bờ đã hoạt động trải khắp các vùng từ Bắc Bộ đến Tây Nam Bộ, với tổng công suất đạt hơn 1.660MW. Đáng chú ý, tính đến tháng 5/ 2024, có đến 75 dự án điện gió với tổng công suất hơn 4.183MW đang được đàm phán về giá điện để sẵn sàng đi vào vận hành.

Dù đạt được những bước tiến đáng kể, thực tế cho thấy các dự án điện gió hiện vẫn chưa phủ rộng khắp cả nước. Khu vực miền Bắc – đặc biệt là các tỉnh phía Bắc đèo Hải Vân vẫn phát triển khá chậm so với miền Trung và miền Nam. Nguyên nhân chủ yếu đến từ sự khác biệt về chế độ gió. Phía Bắc thường có mùa gió Đông Bắc, với các khu vực có tiềm năng gồm Quảng Ninh, Quảng Bình và Quảng Trị. Trong khi đó, phía Nam lại chịu ảnh hưởng của gió Tây Nam mạnh và ổn định hơn mang lại lợi thế rõ rệt cho các tỉnh ven biển như Ninh Thuận, Bình Thuận, Cà Mau hay khu vực Tây Nguyên.

Trong số đó, Bình Thuận và Ninh Thuận được xem là "thủ phủ gió" của cả nước. Các vùng đồi cát ven biển từ Sơn Hải đến Mũi Né không chỉ có tốc độ gió trung bình lớn mà còn có sự ổn định theo mùa và ít bị ảnh hưởng bởi bão. Đây là điều kiện cực kỳ lý tưởng để xây dựng các trang trại điện gió công suất lớn. Trên thực tế, một số hộ dân tại Ninh Thuận đã tự chế tạo các thiết bị điện gió cỡ nhỏ để phục vụ sinh hoạt, thể hiện sự nhận thức và nhu cầu sử dụng năng lượng sạch ngay từ cộng đồng cơ sở.

Tuy nhiên, như bất kỳ loại hình năng lượng nào, điện gió cũng có những điểm yếu cần lưu ý. Đầu tiên là tính không ổn định điện gió phụ thuộc vào thời tiết, đòi hỏi các nghiên cứu kỹ lưỡng về chế độ gió trước khi đầu tư. Thứ hai là vấn đề về ô nhiễm tiếng ồn, phá vỡ cảnh quan và có khả năng ảnh hưởng đến sóng vô tuyến nếu không được quy hoạch bài bản. Chính vì vậy, khi xây dựng các trạm điện gió cần đảm bảo khoảng cách hợp lý đến khu dân cư và khu du lịch để tránh các tác động tiêu cực.

Ngoài ra, Việt Nam hiện vẫn chưa có trang trại điện gió ngoài khơi nào chính thức đi vào vận hành, mặc dù có tiềm năng vô cùng lớn với đường bờ biển dài hơn 3.000km và diện tích biển gấp ba lần đất liền. Sự chậm trễ này chủ yếu đến từ việc thiếu hành lang pháp lý rõ ràng, hạ tầng kỹ thuật chưa đồng bộ và công nghệ còn phụ thuộc vào nhập khẩu. Trong khi nhiều quốc gia như Anh, Đức, Trung Quốc đã đưa vào vận hành các dự án điện gió xa bờ hàng trăm km, Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn chuẩn bị.

Việc phát triển điện gió – đặc biệt là điện gió ngoài khơi không chỉ góp phần vào mục tiêu năng lượng tái tạo mà còn mở ra cánh cửa lớn cho hợp tác quốc tế, chuyển giao công nghệ, tạo việc làm và thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ trong nước. Trong bối cảnh nhu cầu điện ngày càng tăng và áp lực giảm phát thải ngày càng lớn, Việt Nam không còn nhiều thời gian để do dự.

Với điều kiện thiên nhiên thuận lợi, sự quan tâm ngày càng lớn từ cả Chính phủ và nhà đầu tư, cùng với lộ trình phát triển rõ ràng hơn trong những năm tới, các trang trại điện gió tại Việt Nam đang bước vào giai đoạn tăng tốc. Nếu được đầu tư đúng hướng và bài bản, ngành điện gió hoàn toàn có thể trở thành một trụ cột vững chắc trong hệ sinh thái năng lượng quốc gia.

Đình Khương