Anh tìm nguồn nhập khẩu LNG từ Mỹ để thay thế Nga

10:00 | 13/01/2023

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Vương quốc Anh cùng với Estonia, Latvia và Litva là những quốc gia châu Âu duy nhất chính thức cấm nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Nga.
Thổ Nhĩ Kỳ tăng gấp 11 lần lượng LNG nhập khẩu từ NgaThổ Nhĩ Kỳ tăng gấp 11 lần lượng LNG nhập khẩu từ Nga
Trung Quốc trở thành nhà nhập khẩu LNG lớn nhất thế giớiTrung Quốc trở thành nhà nhập khẩu LNG lớn nhất thế giới
Anh tìm nguồn nhập khẩu LNG từ Mỹ để thay thế Nga
Ảnh minh họa. http:// kinhtexaydung.petrotimes.vn

Người phát ngôn của Bộ Năng lượng, Thương mại và Chiến lược công nghiệp của Vương quốc Anh cho biết: “Trước cuộc xâm lược Ukraine và việc vũ khí hóa năng lượng của Putin, chính phủ đã thực hiện các bước để chấm dứt mọi hoạt động nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch của Nga, bao gồm cả việc chấm dứt nhập khẩu LNG của quốc gia này”.

Năm ngoái, nhập khẩu LNG từ Nga của Anh đã giảm 85% so với năm 2021. Năm 2021, Nga cung cấp 4% khí đốt tự nhiên, 9% dầu mỏ và 27% than đá cho Anh, trị giá khoảng 5,4 tỷ USD, theo Văn phòng Đối ngoại và Thịnh vượng chung.

Dữ liệu từ thống kê thương mại của Vương quốc Anh cho thấy trong 7 tháng sau khi xung đột Nga - Ukraine xảy ra từ tháng 2/2022, Vương quốc Anh chỉ nhập khẩu lượng dầu trị giá 2,37 triệu USD từ Nga nhưng không nhập khẩu than hoặc khí đốt.

LNG của Nga vẫn tiếp tục được xuất khẩu sang các nước châu Âu khác, đặc biệt là Pháp. Xuất khẩu LNG từ cơ sở Yamal LNG của PAO Novatek sang Pháp đã tăng lên 5,25 triệu tấn vào năm ngoái, so với 3,79 triệu tấn vào năm 2021, theo dữ liệu từ Kpler.

Công ty điện lực National Grid plc của Vương quốc Anh đã cảnh báo vào tháng 10 về khả năng mất điện luân phiên nếu thời tiết cực lạnh và tình trạng thiếu khí đốt kết hợp làm hạn chế sản xuất điện. Bất chấp hai tuần thời tiết lạnh giá trong tháng 12, Vương quốc Anh vẫn đáp ứng nhu cầu điện từ năng lượng gió, điện nhập khẩu từ Pháp và sản lượng tăng từ các nhà máy chạy bằng khí đốt.

National Grid cho biết rằng mặc dù các nguồn năng lượng tái tạo đang gia tăng, nhưng khí đốt là nhiên liệu hàng đầu trong năm ngoái để sản xuất điện với tỷ lệ 38,5%, theo sau là năng lượng gió ở mức 26,8% và hạt nhân là 15,5%.

Mặc dù thỏa thuận cung cấp khí đốt trong 20 năm giữa Equinor và chính phủ Vương quốc Anh đã đổ vỡ vào tháng trước do giá chào bán của Na Uy được coi là quá cao, Anh đã đạt được một thỏa thuận khác với chính phủ Mỹ để nhập khẩu tới 353 tỷ feet khối (bcf) vào năm 2023.

“Mối quan hệ đối tác giữa Mỹ và Vương quốc Anh sẽ góp phần giảm giá thành cho người tiêu dùng Anh và giúp chấm dứt sự phụ thuộc của châu Âu vào năng lượng của Nga một lần và mãi mãi”, Thủ tướng Vương quốc Anh Rishi Sunak cho biết vào tháng trước.

Chính phủ Vương quốc Anh cũng đang phải đối mặt với những thách thức pháp lý đối với các kế hoạch phát triển dầu khí trong nước gần đây nhằm tăng nguồn cung khí đốt trong nước. Các nhóm hoạt động môi trường đã phản đối kế hoạch cấp 130 giấy phép mới về dầu khí tại Biển Bắc vào cuối năm nay của chính phủ.

“Nước Anh sẽ tiếp tục cần tiếp cận nguồn cung cấp nhiên liệu hóa thạch trong quá trình chuyển đổi về phát thải ròng bằng 0…” - Chủ tịch Ủy ban Kiểm toán Môi trường Vương quốc Anh Philip Dunne cho biết khi ủng hộ vòng cấp phép dầu khí gần đây nhất.

Đỗ Khánh

kinhtexaydung.petrotimes.vn