Watermark số 395 Lạc Long Quân, Hà Nội: Ai hưởng lợi sau “Thỏa thuận dân sự”?

17:18 | 27/08/2021

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Trong các bài viết trước, chúng tôi đã phản ánh những bức xúc của người dân tòa nhà Watermark và những bất cập mà chính họ đang phải hứng chịu: Người dân không có phòng sinh hoạt cộng đồng, tầng T tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm COVID-19 cao, nhất là những bất cập trong công tác PCCC…
Watermark số 395 Lạc Long Quân, Hà Nội: Bán, cho thuê sử dụng nhà cộng đồng và tầng kỹ thuật có đúng luật?Watermark số 395 Lạc Long Quân, Hà Nội: Bán, cho thuê sử dụng nhà cộng đồng và tầng kỹ thuật có đúng luật?
Sự bất an của cư dân tòa nhà Watermark 395 Lạc Long QuânSự bất an của cư dân tòa nhà Watermark 395 Lạc Long Quân

Quan tìm hiểu của chúng tôi, hiện các cơ quan chức năng, UBND quận Cầu Giấy, UBND phường Nghĩa Đô và các cấp chính quyền đang tích cực để xác minh và làm rõ những vấn đề được phản ánh trong thời gian qua tại tòa nhà Watermark. Ban quản trị, Ban quản lý toà nhà hiện nay cũng nhiều lần làm công văn báo cáo tới các cơ quan chức năng có thẩm quyền đề nghị hỗ trợ giải quyết những vi phạm của các chủ sở hữu tòa nhà.

Watermark số 395 Lạc Long Quân, Hà Nội: Ai hưởng lợi sau “Thỏa thuận dân sự”?
Cư dân chung cư Watermark lo ngại về những tồn tại trong PCCC và nguy cơ lây nhiễm COVID-19 khi các chủ sở hữu không thực hiện kết luận thanh tra.

“Thỏa thuận dân sự” của các thành viên “gia đình”

Được biết, ngày 28/12/2017 chủ đầu tư là Công ty Tây Hồ Tây đã ký thỏa thuận dân sự với 3 bên gồm: Công ty cổ phần phát triển và tài trợ địa ốc R.C, Ban quản trị chung cư Watermark, và Công ty cổ phẩn ABC Toàn Cầu về việc chuyển giao quyền sở hữu, quyền quản lý, quyền sử dụng và quyền khai thác đối với một số hạng mục công trình thuộc dự án chung cư Watermark.

Theo đó, nội dung trong thỏa thuận dân sự giữa chủ đầu tư và Công ty ABC Toàn Cầu có ghi “Đối với phòng mái tầng 19 góc tây (149m2 phần xây dựng) và diện tích sân thượng tương ứng (ký hiệu Top 19B): ABC Toàn Cầu có quyền sử dụng riêng, nhưng không được sử dụng hạng mục này vào các mục đích kinh doanh như cafe, bar, dịch vụ ăn uống, giải trí hoặc các dịch vụ gây mất trật tự hoặc có tiếp khách công cộng ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống cư dân hoặc gây quá tải đối với thang máy...”.

Đáng nói, theo thiết kế ban đầu thì tầng 19 (Top B) thuộc diện tích sử dụng chung, được sử dụng làm nhà sinh hoạt cộng đồng đã được cơ quan nhà nước phê duyệt. Nhưng chủ đầu tư lại tự ý thay đổi thiết kế, thay đổi mục đích sử dụng của tầng 19 Top B, ký kết hợp đồng mua bán với Công ty ABC Toàn Cầu. Ban quản trị tòa nhà cho biết, Công ty này còn được quyền sở hữu, sử dụng, khai thác tại khu vực diện tích tầng T (T5) với diện tích 295m2. Theo thiết kế, T5 là khu kỹ thuật, nhưng hiện nay phòng kỹ thuật này đang được Công ty ABC Toàn Cầu cho Công ty Vihelm thuê sử dụng làm văn phòng.

Watermark số 395 Lạc Long Quân, Hà Nội: Ai hưởng lợi sau “Thỏa thuận dân sự”?
Mối quan hệ “mật thiết” giữa CĐT và các bên khi ký kết “Thỏa thuận dân sự”

Điều đặc biệt, theo thông tin phản ánh của dân cư tòa nhà, trong thỏa thuận dân sự này, các Công ty đều có mối quan hệ “mật thiết” với nhau. Theo đó, ông Nguyễn Đình Thiết (Trưởng Ban quản trị tòa nhà trước đây) là bố vợ của ông Nguyễn Quốc Tuấn (Tổng GĐ Công ty ABC Toàn Cầu) khi ký kết thỏa thuận. Hiện nay, ông Nguyễn Mai Long là Đại diện pháp luật của Công ty ABC Toàn Cầu chính là con đẻ của ông Nguyễn Đình Thiết.

Không những thế, Công ty ABC Toàn Cầu có vốn điều lệ là 20 tỷ đồng, trong đó ông Nguyễn Quốc Tuấn góp 10%, bà Lê Thị Thư góp 80%, bà Nguyễn Thị Thanh Mai góp 10%. Các cá nhân góp vốn kể trên và cả người đại diện theo pháp luật hiện nay là ông Nguyễn Mai Long đều có địa chỉ thường trú và địa chỉ liên lạc là Số 4, ngõ 219, phố Đội Cấn, phường Đội Cấn, quận Ba Đình, TP Hà Nội.

Cũng theo phản ánh, Công ty ABC Toàn Cầu lập ra lúc bấy giờ mua lại và sở hữu những diện tích của chung cư được cấp giấy phép đăng ký kinh doanh vào ngày 21/12/2017 trước khi ký thỏa thuận dân sự nói trên đúng 01 tuần.

Như vậy, có thể nhận thấy mối quan hệ giữa ông Trưởng ban quản trị chung cư Watermark thời điểm ký kết thỏa thuận dân sự nói trên và Công ty ABC Toàn Cầu vô cùng “mật thiết”; Công ty ABC Toàn Cầu là bên nhận được món lợi “khổng lồ” từ thỏa thuận dân sự nói trên.

Ở khía cạnh khác, Công ty cổ phần phát triển và tài trợ địa ốc R.C là một cổ đông của Công ty Cổ phần BĐS Tây Hồ Tây. Trong thỏa thuận dân sự nói trên, Công ty Cổ phần BĐS Tây Hồ Tây có tư cách là Chủ đầu tư, nhưng Công ty cổ phần phát triển và tài trợ địa ốc R.C lại được giới thiệu rõ tư cách pháp lý. Và ông Trần Quyết Thắng là người đại diện theo pháp luật của Công ty cổ phần phát triển và tài trợ địa ốc R.C và cũng là một cổ đông của Công ty Cổ phần BĐS Tây Hồ Tây.

Cần “mạnh tay” xử lý những trường hợp vi phạm quy định pháp luật

Những thông tin phản ánh còn cho biết, hiện tại Công ty ABC Toàn Cầu đang sở hữu gần 55m2 sàn thương mại tầng T, 295 m2 khu kỹ thuật tầng T (hiện đang cho thuê làm văn phòng sai công năng); Sở hữu gần 1000m2 sân thượng tòa nhà bao gồm 150m2 phòng sinh hoạt cộng đồng và diện tích sân thượng chung của tòa nhà. Gia đình ông Long đang sở hữu một lượng tài sản lớn tại tòa nhà bao gồm các căn hộ, văn phòng cho thuê, toàn bộ nửa sân thượng của tòa nhà và nhà sinh hoạt cộng đồng.

Watermark số 395 Lạc Long Quân, Hà Nội: Ai hưởng lợi sau “Thỏa thuận dân sự”?
Công ty ABC Toàn Cầu tự ý cho ngăn toàn bộ sân thượng top B thành khu vực riêng làm cổng gắn biển, gây khó khăn cho thoát nạn, hiện tại đã có dỡ bỏ khi có đơn khiếu nại của cư dân.
Watermark số 395 Lạc Long Quân, Hà Nội: Ai hưởng lợi sau “Thỏa thuận dân sự”?
Tuy nhiên, hiện tại khu vực này trên sân thượng vẫn đang bị chiếm dụng để trồng hoa, trồng cây, xây hòn non bộ ...

Theo khoản 2 điều 100 Luật Nhà ở năm 2014 quy định thì nhà sinh hoạt cộng đồng, sân thượng là tài sản chung của tòa nhà. Phần diện tích sử dụng chung tại nhà chung cư là thuộc quyền sở hữu chung của tất cả các cư dân tại tòa nhà, không thuộc sở hữu của chủ đầu tư. Do đó, không ai được quyền tự ý bán, chuyển nhượng đối với phần diện tích chung này trái với quy định của pháp luật.

Không có cơ sở pháp lý nào, cũng không có thỏa thuận dân sự hay một nhóm người nào có thể thay thế được Luật để khẳng định phòng sinh hoạt cộng đồng và sân thượng là tài sản riêng. Đặc biệt, đây lại là những vi phạm cả về PCCC hết sức nghiệm trọng, đã và đang gây hoang mang, vô cùng lo lắng cho cư dân; Bởi khu vực nhà sinh hoạt cộng đồng và khu kỹ thuật tầng T có thể cháy nổ bất kỳ lúc nào mà không thể kiểm soát được.

Như vậy, ai sẽ chịu trách nhiệm về những vi phạm tại tòa nhà Watermark như người dân đã phản ánh, về công tác PCCC, cũng như về an toàn sinh mạng và sức khỏe của hàng trăm cư dân đang sống trong tòa nhà trong bối cảnh dịch bệnh Covid còn đang diễn biến rất phức tạp như hiện nay?

Đề nghị các cấp chính quyền sớm vào cuộc, xử lý dứt điểm các vi phạm để người dân chung cư Watermark có thể yên tâm sinh sống!

Phapluatquanly.vn