Vị thế mới của Đà Nẵng khi dự án cảng biển Liên Chiểu “cất cánh”

19:15 | 29/12/2022

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Việc đầu tư cảng biển Liên Chiểu góp phần hướng tới mục tiêu đến năm 2045, thành phố Đà Nẵng trở thành đô thị lớn, sinh thái và thông minh, là trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và thành phố biển đáng sống đạt đẳng cấp khu vực châu Á. Với những tiềm năng, lợi thế mang tính thiên thời và địa lợi đó, cảng Liên Chiểu được kỳ vọng trở thành cảng biển hàng đầu khu vực Đông Nam Á và góp phần đưa thành phố Đà Nẵng bứt phá, bước lên tầm cao mới.
Vị thế mới của Đà Nẵng khi dự án cảng biển Liên Chiểu “cất cánh”
Với tốc độ tăng trưởng như hiện nay, cảng Tiên Sa của thành phố Đà Nẵng không thể đảm nhận vai trò cảng cửa ngõ quốc tế ở khu vực miền Trung. Ảnh: Trúc Hà, https://kinhtexaydung.petrotimes.vn

Phát triển tiềm lực cảng biển

Trong lịch sử phát triển của thành phố, cảng biển Đà Nẵng không chỉ có vị trí “yết hầu về quốc phòng - an ninh”, mà còn có tiềm năng về giao lưu kinh tế, thương mại, đầu tư quốc tế. Thành phố Đà Nẵng có vị trí chiến lược đã từng có một quá khứ vàng son trên con đường giao thương hàng hải quốc tế vì những ưu thế nước sâu lại rộng, ngoài ra còn có cả núi ngăn che, những ghe tàu qua lại gặp gió lớn hay đậu nghỉ nơi đây. Những ghi chú bản đồ Đà Nẵng vẽ năm 1787 cũng cho rằng: “vịnh Đà Nẵng có thể tiếp nhận những tàu buôn lớn nhất và là hải cảng rất thuận lợi”. Những cứ liệu lịch sử cho thấy, thời kỳ cận đại, hoạt động thương mại quốc tế qua cửa biển Đà Nẵng khá sầm uất, nhưng những hoạt động thời bấy giờ chỉ là điểm chuyển tải và mang tính chất tiền cảng, chưa có những cơ sở hạ tầng và thiết bị tối thiểu cho một hải cảng.

Khi đất nước được thống nhất, cảng Đà Nẵng được xác định là cảng tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực, có khả năng phát triển để đảm nhận vai trò cửa ngõ quốc tế ở khu vực miền Trung, đang từng bước được đầu tư, kể cả khu bến Tiên Sa; cảng cá Thọ Quang (Sơn Trà) và khu bến Liên Chiểu. Nhìn rộng hơn, cảng Đà Nẵng là cửa ngõ chính hướng ra biển Đông tiếp giáp với các tuyến hàng hải quốc tế nối giữa các nền kinh tế Đông Bắc Á và Đông Nam Á cũng như của thế giới. Cảng Đà Nẵng cũng là điểm trung chuyển phía Đông của vùng miền Trung đón các dòng lưu chuyển hàng hóa trên tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây cũng như các tỉnh trong khu vực với thị trường quốc tế. Bên cạnh đó, cảng Đà Nẵng còn nằm ở vị trí giao điểm của các tuyến đường bộ, đường sắt, đường hàng không của miền Trung.

Thực tế, với tốc độ tăng trưởng như hiện nay, cảng Tiên Sa của Đà Nẵng không thể phát triển mở rộng, đảm nhận vai trò cảng cửa ngõ quốc tế ở khu vực miền Trung (loại đặc biệt) do hạn chế về không gian phát triển lớn và điều kiện kết nối giao thông. Do đó, phương án đầu tư phát triển cảng Liên Chiểu dần thay thế cho cảng Tiên Sa và từng bước chuyển đổi công năng thành bến cảng du lịch là phù hợp với tiến trình phát triển của thành phố.

Chủ trương này đã được xác định rõ trong Nghị quyết 43-NQ/TW ngày 24/1/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, cảng biển Đà Nẵng là cảng biển lớn nhất khu vực miền Trung và một trong 3 cảng biển lớn nhất, trọng điểm Việt Nam, ngoài khu cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện, Hải Phòng tại khu vực phía Bắc; khu bến Cái Mép - Thị Vải tại Bà Rịa - Vũng Tàu tại khu vực phía Nam. Ngày 25/3/2021, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng bến cảng Liên Chiểu với mục tiêu xây dựng cơ sở hạ tầng dùng chung cho bến cảng Liên Chiểu, tạo cơ sở phát triển cảng biển tại khu vực Liên Chiểu.

Động lực để phát triển kinh tế

Ngày 14/12, UBND thành phố Đà Nẵng đã tổ chức Lễ khởi công Dự án đầu tư xây dựng bến cảng Liên Chiểu - phần cơ sở hạ tầng dùng chung. Ban Quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên thành phố Đà Nẵng cho biết, Dự án đầu tư xây dựng bến cảng Liên Chiểu - phần cơ sở hạ tầng dùng chung được triển khai gồm các hạng mục công trình chính như: kè chắn sóng, đê chắn sóng, luồng tàu, hạ tầng kỹ thuật kết nối… nhằm đảm bảo cho cảng biển này có khả năng tiếp nhận tàu tổng hợp, hàng rời trước mặt trọng tải đến 100.000 DWT, tàu container có sức chứa từ 6.000 đến 8.000 Teus.

Vị thế mới của Đà Nẵng khi dự án cảng biển Liên Chiểu “cất cánh”
Khi cảng Liên Chiểu đi vào hoạt động, cảng Tiên Sa chuyển đổi công năng thành bến cảng du lịch. Ảnh: Trúc Hà, https://kinhtexaydung.petrotimes.vn

Dự án đầu tư xây dựng bến cảng Liên Chiểu - phần cơ sở hạ tầng dùng chung là tiền đề thu hút các nguồn lực khác đầu tư, phát triển các bến trong giai đoạn tới theo quy hoạch, giảm tải cho khu bến Tiên Sa, tăng cường kết nối vùng và liên vùng, góp phần phát triển bền vững kinh tế - xã hội của Đà Nẵng và trong khu vực. Tổng mức đầu tư dự án là 3.426 tỷ đồng, trong đó, nguồn vốn trung ương giai đoạn 2021-2025 là 2.995 tỷ đồng, phần còn lại sử dụng ngân sách thành phố Đà Nẵng. Theo kế hoạch, dự án này sẽ được xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng vào năm 2025.

Phát biểu chỉ đạo tại Lễ khởi công, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, khi đất nước được thống nhất, cảng Đà Nẵng được xác định là cảng tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực, có khả năng phát triển để đảm nhận vai trò cửa ngõ quốc tế ở khu vực miền Trung. Có thể nói, đây là bước cụ thể rất thiết thực, từng bước hiện thực hóa mục tiêu chiến lược tại Nghị quyết 43-NQ/TW ngày 24/1/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đó là: trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á với vai trò là trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch, thương mại, tài chính, logistics, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp hỗ trợ, thành phố cảng biển, đô thị biển quốc tế với vị trí là hạt nhân của chuỗi đô thị và cực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung - Tây Nguyên.

Chủ tịch nước đề nghị nhà đầu tư và các bên liên quan thực hiện dự án một cách gương mẫu, tiên tiến, không thất thoát, không tham nhũng, đúng tiến độ và đưa vào sử dụng năm 2025. Đầu tư ứng dụng các công nghệ hiện đại, nhất là công nghệ tự động hóa, công nghệ số vào quản trị và khai thác cảng biển, hướng đến xây dựng mô hình “cảng xanh” theo xu hướng của thế giới. Đồng thời, phải đặt mục tiêu giảm chi phí sử dụng hạ tầng cảng biển và logistics nhằm giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp, nâng cao tính cạnh tranh của hàng hóa xuất nhập khẩu qua cảng biển Đà Nẵng.

Cảng Liên Chiểu được kỳ vọng sẽ là điểm sáng tạo bứt phá không chỉ với ngành vận tải, logistics mà ngành du lịch và dịch vụ Đà Nẵng cũng sẽ được hưởng lợi, tạo thành mạng lưới thương mại quốc tế đa diện, phong phú, mở rộng không gian phát triển không chỉ cho thành phố Đà Nẵng mà cho cả khu vực miền Trung. Việc hoàn thiện này cũng góp phần rất lớn đảm bảo quốc phòng - an ninh, giữ vững “phên dậu” tiền tiêu của Tổ quốc.

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn

Trúc Hà

www.bienphong.com.vn