Vì sao TP HCM thu hồi dự án Bệnh viện Ngọc Tâm?
UBND TP HCM yêu cầu thu hồi khu đất diện tích 2,9ha, thuộc thửa số 151, 172, tờ bản đồ số 18, 20, phường Thạnh Mỹ Lợi, TP Thủ Đức do Công ty Cổ phần Bệnh viện Ngọc Tâm quản lý sử dụng.
Lý do thu hồi đất theo quy định tại điểm i, khoản 1 Điều 64 Luật Đất đai và khoản 14, Điều 2 Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 06/01/2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai.
![]() |
Khởi công từ năm 2009 nhưng đến nay khu đất thực hiện dự án Bệnh viện Ngọc Tâm vẫn chỉ là bãi đất trống/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Bên cạnh đó, UBND TP HCM yêu cầu Công ty Cổ phần Bệnh viện Ngọc Tâm có trách nhiệm bàn giao khu đất cho Trung tâm phát triển quỹ đất (thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường) để quản lý theo quy định; thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính về đất đai đối với nhà nước, các nghĩa vụ tài chính khác (nếu có) theo quy định.
Trung tâm phát triển quỹ đất tiếp nhận, quản lý khu đất. Đề xuất phương án sử dụng đất, trình Sở Tài nguyên và Môi trường để tham mưu cho UBND TP HCM. UBND TP Thủ Đức được giao quản lý khu đất, tránh để ra tình trạng xây dựng sai phép, không phép.
Theo tìm hiểu, khu đất trên rộng 2,9ha, có 4 mặt tiền nằm sát bên UBND TP Thủ Đức được UBND TP HCM giao cho Công ty Cổ phần Đầu tư thương mại Đặng Trần (Công ty Đặng Trần) từ năm 2006, với mục đích xây dựng bệnh viện quy mô 500 giường bệnh phục vụ người dân. Nhưng đến nay sau 17 năm, bệnh viện vẫn nằm trên giấy, khu đất vẫn là một bãi đất hoang.
Khi giao đất, UBND TP HCM đã ghi rõ đây là đất công trình công cộng, dùng để đầu tư xây dựng bệnh viện theo chính sách kêu gọi xã hội hóa đầu tư vào lĩnh vực y tế của Chính phủ. UBND TP HCM cũng đã hỗ trợ, ưu đãi cho nhà đầu tư, cho phép công ty chỉ phải thực hiện một phần nghĩa vụ tài chính đối với khu đất là tiền giải phóng mặt bằng và đầu tư hạ tầng.
Sau khi được TP giao đất, tháng 8/2007, Sở Tài nguyên và Môi trường đã cấp sổ hồng cho Công ty Đặng Trần. Dù được miễn tiền sử dụng đất, nhưng không hiểu vì lý do gì trên sổ hồng lại ghi: “Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất”.
Tháng 3/2009, UBND TP HCM cấp giấy chứng nhận đầu tư dự án Bệnh viện Đa khoa Ngọc Tâm cho công ty Đặng Trần. Trong giấy chứng nhận đầu tư, UBND TP HCM nêu rõ: "Sau 12 tháng kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đầu tư mà dự án không được triển khai hoặc triển khai chậm tiến độ thì cơ quan cấp giấy chứng nhận có quyền thu hồi quyết định chấm dứt hoạt động của dự án".
Đến tháng 5/2009, chủ đầu tư khởi công xây dựng dự án Bệnh viện Ngọc Tâm bằng cách ép mấy cây cọc nhồi sau đó “đắp chiếu” cho đến nay.
Dù mới đóng mấy cây cọc nhồi và đây là đất công cộng được nhà nước giao cho doanh nghiệp xây dựng bệnh viện với mục đích phục vụ người dân nhưng Công ty Đặng Trần đã thay tên đổi chủ khi đổi tên thành Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại Việt Tín (Công ty Việt Tín).
Tháng 7/2008, trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã thay tên Công ty Đặng Trần bằng Công ty Việt Tín. Tháng 2/2009, UBND TP HCM cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty Việt Tín để đầu tư dự án Bệnh viện Đa khoa Ngọc Tâm. Tháng 4/2009, Công ty Việt Tín lập hợp đồng góp vốn bằng quyền sử dụng đất khu đất trên với CTCP Bệnh viện Ngọc Tâm, với trị giá góp vốn là 105 tỷ đồng.
Không chỉ mang dự án đi góp vốn, tháng 3/2013, Công ty Việt Tín lại bán tiếp “quyền sử dụng đất” của dự án cho Công ty Cổ phần Bệnh viện Ngọc Tâm với giá 65 tỷ đồng. Chưa dừng lại ở đây, từ năm 2014-2016, khu đất của dự án bệnh viện Ngọc Tâm được đem thế chấp vay của Ngân hàng Sacombank - chi nhánh Bình Thạnh về vay hơn 220 tỷ đồng (hiện nay tài sản trên đã được giải chấp).
Trước những sai phạm từ chủ đầu tư, năm 2016, UBND TP HCM đã chỉ đạo các Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch Đầu tư, Tài chính, Thanh tra TP vào cuộc kiểm tra, xác minh, làm rõ các sai phạm. Sau khi kiểm tra, xác minh, Sở Tài nguyên và Môi trường đã kết luận: Công ty Đặng Trần, Công ty Việt Tín, Công ty Cổ phần Bệnh viện Ngọc Tâm xin giao đất để đầu tư xây dựng bệnh viện nhưng không có năng lực để thực hiện dự án, không triển khai thực hiện mà chỉ mang khu đất đi góp vốn, chuyển nhượng lòng vòng, thế chấp, cầm cố để lấy tiền phục vụ vào mục đích khác.
Vì vậy, UBND TP HCM chỉ đạo xem xét, thu hồi giấy phép đầu tư, thu hồi dự án, thu hồi 2,9ha đất đã cấp cho Công ty Đặng Trần để nhà nước quản lý, giao đơn vị có năng lực đầu tư bệnh viện.
https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/
Huy Tùng (t/h)
-
Điểm tin xây dựng - bất động sản ngày 8/5: Vi phạm kinh doanh bất động sản, một công ty bị phạt 500 triệu đồng
-
Điểm tin xây dựng - bất động sản ngày 2/5: Dự án bến du thuyền trăm tỉ của Vũ "nhôm" đối diện nguy cơ thu hồi
-
Điểm tin xây dựng - bất động sản ngày 22/4: Đấu giá đất tại Hà Nội và vùng lân cận tiếp tục lập đỉnh
-
Chung cư phía Tây TP HCM: Hạ tầng tốt, giá hợp lý?
- ADB nâng tổng hỗ trợ an ninh lương thực khu vực Châu Á - Thái Bình Dương lên 40 tỷ USD đến năm 2030
- Một số chỉ đạo quan trọng của Chính phủ về đầu tư, doanh nghiệp trong tháng 4/2025
- T&T Group khởi công xây dựng 2 công trình nhà ở xã hội tại Vĩnh Long
- T&T Group sẽ ra mắt thị trường sản phẩm pin lưu trữ năng lượng vào năm 2026
- ADB đầu tư mạnh mẽ vào các dự án năng lượng và phát triển bền vững
- Đại lễ Vesak LHQ 2025: Quy tụ 1.250 đại biểu đến từ 85 quốc gia và vùng lãnh thổ
- Năm 2025, ai sẽ phải làm lại Căn cước công dân?
- Sự thật "dở khóc dở cười" về mức lương "trong mơ" của nhân viên bảo hiểm
- Bộ Y tế siết chặt kiểm tra việc kê đơn thuốc, sữa và thực phẩm chức năng trong khám chữa bệnh
- Công bố kết quả PAR Index 2024: Hải Phòng dẫn đầu cả nước, toàn quốc duy trì đà tăng