TS Tội phạm học Đào Trung Hiếu: Nguy cơ khôn lường từ thông tin xấu, độc trên mạng xã hội
![]() |
Theo TS Tội phạm học Đào Trung Hiếu, để bảo vệ giới trẻ trước những tác động tiêu cực của thông tin xấu, độc trên mạng xã hội, không chỉ cần đến sự kiểm soát từ các cơ quan chức năng mà còn đòi hỏi sự chung tay của cả gia đình, nhà trường và toàn xã hội. |
Theo TS Đào Trung Hiếu, những nội dung độc hại trên mạng đang xói mòn dần các giá trị đạo đức và lối sống lành mạnh. Việc thường xuyên tiếp xúc với các video dung tục, bạo lực có thể khiến giới trẻ dần chấp nhận những chuẩn mực lệch chuẩn như một điều tự nhiên. Nhiều thanh thiếu niên bị dẫn dắt bằng những “thần tượng” trên mạng với lối sống sa đoạ, công khai bày tỏ những hành vi phản cảm, thách thức chuẩn mực đạo đức xã hội.
Không chỉ vậy, việc lan tràn thông tin độc hại còn khiến gia tăng các hành vi lệch chuẩn trong giao tiếp. Tình trạng bạo lực học đường, chửi bới trên mạng và ngoài đời thực, hay thậm chí hành vi phạm pháp đều có thể bắt nguồn từ những nội dung độc hại đã được tiếp nhận một cách vô tội vạ. Các video giải trí như "thách thức nguy hiểm" hay "trò đùa quá trớn" có thể dẫn đến những hậu quả đáng tiếc, gây nguy hiểm cho chính bản thân người tham gia.
Ngoài ra, những thông tin xấu độc trên mạng xã hội còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tâm lý của giới trẻ. Các nghiên cứu chỉ ra rằng, việc tiếp xúc quá nhiều với nội dung tiêu cực tăng nguy cơ lo âu, trầm cảm và thậm chí dẫn đến tự tử. Thế giới ảo với những chuẩn mực sống bất hợp lý đang tạo áp lực tâm lý, khiến giới trẻ dễ rơi vào tình trạng so sánh, tự ti và mất niềm tin vào cuộc sống.
Trước tình trạng này, nhiều quốc gia trên thế giới đã đề ra những biện pháp quyết liệt. EU thông qua Đạo luật DSA yêu cầu các nền tảng xóa nội dung độc hại trong 24 giờ, Trung Quốc áp dụng tường lửa kiểm duyệt nghiêm ngặt, còn Singapore phạt nặng các nền tảng để thông tin xấu độc lan tràn. Các nước Châu Âu và Bắc Mỹ đã triển khai các chương trình “Giáo dục số” (Digital Literacy) trong trường học để giúp học sinh nhận diện và phòng tránh thông tin xấu độc. Chính phủ phối hợp với các tổ chức phi lợi nhuận để nâng cao nhận thức cho người dân về tác động tiêu cực của mạng xã hội.
Tại Nhật Bản chính quyền nước này đã áp dụng các khóa học bắt buộc về “Văn hóa ứng xử trên không gian mạng” cho học sinh, giúp họ hiểu rõ tác hại của nội dung phản cảm; Các trường học có đội ngũ chuyên gia tâm lý hỗ trợ học sinh bị ảnh hưởng bởi mạng xã hội.
Việt Nam cũng cần có những chính sách kiểm soát chặt chẽ hơn, kèm theo giáo dục để thanh thiếu niên nhận thức rõ nguy cơ và học cách sàng lọc thông tin trên mạng. Đó có thể là siết chặt chế tài pháp lý đối với các nền tảng mạng xã hội, yêu cầu xóa bỏ nội dung độc hại trong thời gian ngắn nhất, tăng cường kiểm duyệt tự động bằng công nghệ AI để phát hiện và chặn trước các nội dung vi phạm. Ngoài ra phát triển chương trình giáo dục số trong trường học để giúp thế hệ trẻ nhận diện và phòng tránh rủi ro từ mạng xã hội và mở rộng các chiến dịch truyền thông để nâng cao nhận thức của phụ huynh trong việc kiểm soát nội dung con em họ tiếp xúc trên mạng.
Cũng theo TS Đào Trung Hiếu, để bảo vệ giới trẻ trước những tác động tiêu cực của thông tin xấu, độc trên mạng xã hội, không chỉ cần đến sự kiểm soát từ các cơ quan chức năng mà còn đòi hỏi sự chung tay của cả gia đình, nhà trường và toàn xã hội. Các bậc phụ huynh cần chủ động đồng hành, hướng dẫn con em mình trong việc sử dụng Internet một cách an toàn và lành mạnh. Nhà trường cần lồng ghép giáo dục kỹ năng số vào chương trình giảng dạy, giúp học sinh nâng cao khả năng nhận diện và phản biện trước các nội dung độc hại. Đồng thời, bản thân mỗi người dùng cũng cần nâng cao ý thức, trách nhiệm khi tiếp cận và chia sẻ thông tin trên không gian mạng.
Chỉ khi có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên, cùng với những chính sách kiểm soát nghiêm ngặt và giải pháp giáo dục phù hợp, chúng ta mới có thể tạo dựng một môi trường mạng an toàn, lành mạnh, bảo vệ thế hệ trẻ khỏi những hệ lụy khôn lường từ nội dung xấu, độc đang tràn lan.
Yên Chi