Bạo lực với shipper: Lời cảnh báo về sự xuống cấp trong ứng xử xã hội
![]() |
Hai vụ việc shipper bị hành hung tại Hà Nội và Đà Nẵng gần đây đã làm dấy lên nhiều lo ngại trong xã hội. Những hành động tưởng chừng như chỉ là xung đột cá nhân đã khiến không ít người giật mình về xu hướng gia tăng bạo lực trong đời sống hiện đại. Đây không còn là những sự việc đơn lẻ mà đã trở thành dấu hiệu cảnh báo về cách ứng xử đầy bạo lực đang lan rộng. Nhìn lại hai vụ tấn công shipper, có thể thấy rằng các hành vi bạo lực không còn là phản ứng tức thời mà đang dần trở thành cách giải quyết mâu thuẫn phổ biến của một bộ phận xã hội. Những mâu thuẫn nhỏ nhặt trong giao tiếp, thay vì được giải quyết bằng đối thoại, lại nhanh chóng leo thang thành xung đột nghiêm trọng.
Trong bối cảnh áp lực cuộc sống gia tăng và mạng xã hội thúc đẩy sự bộc lộ cảm xúc mạnh mẽ, xu hướng hành xử bằng nắm đấm thay vì lời nói càng trở nên phổ biến. Đáng lo ngại hơn, những vụ việc này được chia sẻ rộng rãi, làm gia tăng cảm giác bất an trong cộng đồng, khiến không ít người hoài nghi về sự an toàn của chính mình. Các vụ tấn công này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến nạn nhân mà còn để lại hậu quả nghiêm trọng về mặt tâm lý đối với những người lao động trong ngành giao hàng. Đây là công việc vốn đã tiềm ẩn nhiều rủi ro như tai nạn giao thông, lừa đảo, nhưng giờ đây họ phải đối mặt với nỗi lo bị hành hung bất cứ lúc nào. Nhiều shipper đã thẳng thắn bày tỏ rằng họ cảm thấy mất niềm tin vào sự an toàn của nghề nghiệp và lo lắng khi tiếp tục công việc. Một số người thậm chí đã cân nhắc từ bỏ nghề vì sợ nguy cơ bị tấn công.
Không chỉ giới hạn trong ngành giao hàng, những vụ việc này còn gây hoang mang trong cộng đồng, đặc biệt là khi các hành vi bạo lực ngày càng xảy ra ở nơi công cộng mà không có sự can thiệp kịp thời từ xung quanh. Dưới góc độ pháp lý, hành vi tấn công shipper có thể bị xử lý theo nhiều quy định của pháp luật, tùy vào mức độ nghiêm trọng. Nếu hành vi không gây thương tích nghiêm trọng, đối tượng có thể bị xử phạt hành chính từ 2 đến 5 triệu đồng theo Nghị định 144/2021/NĐ-CP. Tuy nhiên, trong trường hợp gây thương tích nặng, người vi phạm sẽ bị khởi tố theo Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015 về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe người khác, với mức án từ 6 tháng đến 20 năm tù, thậm chí chung thân nếu hậu quả nghiêm trọng.
Trao đổi với PetroTimes, TS Đào Trung Hiếu, Chuyên gia tội phạm học cho rằng nguyên nhân của hiện tượng này có thể được phân tích từ nhiều góc độ. Trước hết, áp lực công việc khiến nhiều shipper phải giao hàng đúng giờ, dẫn đến tình trạng phóng nhanh, vượt ẩu hoặc sử dụng điện thoại khi lái xe để tìm địa chỉ giao hàng. Những hành vi này không chỉ gây nguy hiểm cho chính họ mà còn dễ dẫn đến va chạm, mâu thuẫn với người tham gia giao thông khác, tạo điều kiện cho các xung đột leo thang thành bạo lực. Bên cạnh đó, cả shipper và người dân tham gia giao thông có thể thiếu kỹ năng xử lý xung đột một cách hòa bình. Khi xảy ra va chạm hoặc hiểu lầm, thay vì giải quyết bằng đối thoại, nhiều người chọn cách phản ứng bằng bạo lực, dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng.
![]() |
TS Đào Trung Hiếu, chuyên gia tội phạm học cho rằng, bảo vệ shipper không chỉ là bảo vệ quyền lợi của một nhóm lao động, mà còn là bảo vệ sự văn minh, tử tế trong cách đối nhân xử thế. |
Tâm lý thờ ơ của cộng đồng cũng là một nguyên nhân quan trọng khiến bạo lực tiếp diễn. Trong nhiều trường hợp, người xung quanh chứng kiến các vụ hành hung nhưng không can thiệp hoặc báo cáo kịp thời, tạo điều kiện cho hành vi bạo lực tiếp tục. Sự thờ ơ này có thể xuất phát từ tâm lý ngại va chạm hoặc thiếu niềm tin vào hiệu quả của việc can thiệp. Bên cạnh đó, việc chưa có biện pháp răn đe đủ mạnh cũng khiến tình trạng này trở nên phổ biến hơn. Mặc dù pháp luật đã quy định các hình phạt đối với hành vi bạo lực, nhưng việc thực thi có thể chưa đủ nghiêm minh hoặc chưa tạo được sự răn đe cần thiết, khiến một số người coi thường pháp luật và tiếp tục có những hành vi bạo lực. Một yếu tố khác không thể bỏ qua là ảnh hưởng từ môi trường xã hội và gia đình. Những người lớn lên trong môi trường thiếu lành mạnh, bạo lực gia đình hoặc tiếp xúc thường xuyên với các nội dung bạo lực trên phương tiện truyền thông có thể hình thành thói quen sử dụng bạo lực như một cách giải quyết vấn đề.
Để ngăn chặn tình trạng này, cần có sự phối hợp từ nhiều phía. Việc đào tạo kỹ năng giao tiếp và giải quyết mâu thuẫn một cách hòa bình là điều cần thiết, không chỉ với shipper mà còn với cả cộng đồng. Các cơ quan chức năng cần tăng cường thực thi pháp luật, xử lý nghiêm các hành vi bạo lực để tạo tính răn đe và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân. Đồng thời, ý thức cộng đồng cũng cần được nâng cao, khuyến khích mọi người không thờ ơ trước các hành vi bạo lực, tham gia can thiệp hoặc báo cáo kịp thời để ngăn chặn các vụ việc leo thang.
Ngoài ra, cần cải thiện điều kiện làm việc cho shipper bằng cách giảm áp lực về thời gian, cung cấp các khóa đào tạo về an toàn giao thông và kỹ năng xử lý tình huống. Các doanh nghiệp giao hàng cần có chính sách bảo hiểm và hỗ trợ pháp lý để bảo vệ người lao động, đồng thời trang bị các công cụ hỗ trợ giúp shipper tự bảo vệ mình trong những tình huống nguy hiểm. Chính quyền cũng cần đẩy mạnh giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức ứng xử văn minh, đồng thời tăng cường lực lượng tuần tra để can thiệp nhanh chóng khi có sự cố xảy ra.
Bảo vệ shipper không chỉ là bảo vệ quyền lợi của một nhóm lao động, mà còn là bảo vệ sự văn minh, tử tế trong cách đối nhân xử thế. Chúng ta cần chung tay để những người lao động chân chính không còn phải đơn độc đối mặt với nguy hiểm, để sự an toàn trở thành điều hiển nhiên trong cuộc sống của mỗi người.
Minh Khang