“Truyền lửa” bảo vệ môi trường biển

19:12 | 20/09/2022

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
“Tối hôm trước, có 2 con rùa lên bờ đào cát tung tóe, nó vẫn chưa đẻ trứng được, trời sáng lại quay về với biển. Chắc tối nay nó tiếp tục lên đẻ trứng. Nếu anh muốn đi thực tế, đúng 5 giờ chiều nay, tôi dẫn anh xuống, ở lại cả đêm với các bạn tình nguyện chăm sóc rùa đẻ trứng” - ông Nguyễn Anh Dũng, Ban Quản lý Vườn quốc gia Núi Chúa, tỉnh Ninh Thuận hào hứng rủ tôi.
“Truyền lửa” bảo vệ môi trường biển
Rùa lên bờ biển xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải đẻ trứng xong, quay về biển. Ảnh: Hải Luận, https://kinhtexaydung.petrotimes.vn

Đúng hẹn, tôi phóng xe máy chạy vòng vèo qua vùng đất cát, hai bên cây xương rồng chĩa gai nhọn, chỉ cần lạng tay lái lệch chút xíu, y rằng chân bị đâm ngay. “Đây là Bãi Ngang, từ tháng 4 đến tháng 9 hàng năm, rùa lên bờ đào hố đẻ trứng, đã có 15 ổ rồi. Mấy ổ phía trên cao tôi phủ mùng bao lại, đề phòng mấy con còng đào phá và để khi rùa con bò lên không bị sát hại” - ông Dũng nói tiếp.

Mẹ rùa làm tất cả vì con

“Có một con rùa mẹ lên bờ từ 12 giờ đêm, nó đã đào một hố khá to và sâu, không đạt yêu cầu, rùa bỏ qua đào hố thứ 2, đến hố thứ 5. Khoảng 3 giờ sáng vẫn chưa đẻ trứng, nó quay xuống gần mép nước biển, “suy nghĩ” lại, quay lên đào thêm 2 hố nữa. Tổng cộng, rùa đã đào 7 hố, thì trời vừa hừng đông, nó phải quay xuống biển. Tối hôm sau, nó quay lại bờ đào tiếp 2 hố nữa, cả hai đêm, nó đào tổng cộng 9 hố mà vẫn chưa đẻ trứng. Tối nay, anh căn xem nó có lên đào hố nữa không nha” - bạn Nguyễn Thị Hồng Trang, quận 12, thành phố Hồ Chí Minh, Trưởng nhóm tình nguyện bảo vệ, cứu hộ rùa biển kể chi tiết với tôi.

Ban đêm, các tình nguyện viên thay nhau “đi tuần” dọc theo mép nước, không được bật đèn sáng, nếu thấy dấu chân rùa lên bờ, phải theo dõi rất nhẹ nhàng phía sau rùa, ở khoảng cách an toàn. Nếu có gió, phải ở dưới hướng gió để tránh rùa ngửi mùi lạ của con người. “Rùa đào hố, nếu nhiệt độ thích hợp, nó mới đào hố sâu để đẻ trứng, đây là lý do rùa thường đào nhiều hố trước khi quyết định đẻ. Suốt 20 năm bảo vệ bãi rùa đẻ, theo dõi hàng trăm con mới thấy hết tình mẫu tử cao cả của rùa mẹ làm tất cả vì con. Thân hình rùa nặng cả tạ, nó bò chậm chạp, khi đẻ xong, nó kiệt sức, thấy tội nghiệp lắm” - ông Nguyễn Tấn Danh, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải là nông dân tham gia nhóm tình nguyện bảo vệ, cứu hộ rùa biển cho biết.

Nhiệm vụ của nhóm tình nguyện bảo vệ, cứu hộ rùa biển là theo dõi rùa làm tổ ở chỗ nào để làm lưới che phía trên, giảm độ nóng, tránh bị hỏng trứng, nếu rùa đẻ gần mép nước, phải di dời lên cao tránh bị nước thủy triều dâng lên làm hỏng cả ổ rùa. Rùa đẻ xong phải dùng một số chướng ngại vật gần tổ đề phòng con khác lên đào trúng tổ cũ.

“Có nhiều lần trời tối đen, tôi nằm quan sát rùa đào hố, cố gắng tiến sát hơn nữa, chân rùa đào cát hất mạnh cục đá trúng vào mặt tôi, làm xây xẩm mặt mày, tôi đành cắn răng chịu đựng không kêu la tiếng nào. Rùa đào hố rộng, sau đó nó dùng hai chân sau đào hố nhỏ và sâu xuống nửa mét, thì 95% nó sẽ đẻ trứng. Đẻ xong, nó lấp lại thành bề mặt như bình thường, quay về lại biển, kết thúc mùa sinh sản” - ông Danh nói giống như một chuyên gia.

“Truyền lửa” tình yêu biển cho nhiều bạn trẻ

Năm 2003, Vườn quốc gia Núi Chúa được thành lập, toàn bộ các bãi rạn san hô dọc bờ biển xã Vĩnh Hải được thành lập khu bảo tồn biển thuộc Vườn quốc gia Núi Chúa. Ông Danh là một trong những người tình nguyện đầu tiên tham gia vào nhóm bảo vệ khu bảo tồn biển và bãi rùa đẻ hàng năm. Ban ngày, ông đi làm nông nghiệp đảm bảo cuộc sống mưu sinh, ban đêm, ông xuống nằm dưới bãi biển canh giữ rùa từ đại dương vào đẻ trứng và bảo vệ khu bảo tồn biển.

“Truyền lửa” bảo vệ môi trường biển
Các bạn trong nhóm tình nguyện bảo vệ, cứu hộ rùa biển làm lưới che trên các tổ trứng rùa biển ở xã Vĩnh Hải. Ảnh: Hải Luận, https://kinhtexaydung.petrotimes.vn

“Khi Vườn quốc gia Núi Chúa chưa thành lập, chính tôi và nhiều người dân trong làng thường bắt rùa xẻ thịt ăn, rùa đẻ xong bắt luôn cả mẹ và ổ trứng. Bây giờ, xã Vĩnh Hải có nhóm tình nguyện bảo vệ, cứu hộ rùa biển gồm 8 người, chính những người tự nguyện này giống như những cái “loa” tuyên truyền, vận động người dân bảo vệ môi trường khu bảo tồn biển, bảo vệ rùa biển. Ngồi nhậu, đi đám cưới, tôi cũng tranh thủ tuyên truyền bảo vệ rùa. Bây giờ, người dân xã Vĩnh Hải xem khu bảo tồn biển giống như “nồi cơm” lâu dài dưới đáy biển, ai cũng có ý thức bảo vệ môi trường sinh thái” - ông Nguyễn Văn Thọ, thành viên nhóm tình nguyện bảo vệ, cứu hộ rùa biển giãi bày.

Vườn quốc gia Núi Chúa còn có nhóm tình nguyện bảo vệ, cứu hộ rùa biển đến từ khắp nơi, đủ mọi thành phần, từ sinh viên đến giảng viên đại học, bác sĩ, tiến sĩ... Tất cả họ đều có một tấm lòng yêu thiên nhiên. Bạn Trần Ngọc Dung, quê ở thành phố Hồ Chí Minh, năm 2017, mới học lớp 10 đã đi theo mẹ đến làm việc ở bãi rùa đẻ. Năm nay, Dung là sinh viên năm thứ 3, Đại học quốc tế (Đại học quốc gia thành phố Hồ Chí Minh), chuyên ngành công nghệ sinh học, tâm sự: “Muốn vào nhóm tình nguyện bảo vệ, cứu hộ rùa biển, bạn phải có đơn xin đăng ký, trải qua lớp học về kỹ năng sinh tồn, hiểu biết về rùa biển, môi trường biển, rồi viết cam kết phải làm mọi việc để bảo vệ môi trường. Mọi phi chí đi lại, ăn uống bạn phải tự chi trả”.

Nhiệm vụ chính của các bạn tình nguyện từ xa đến, sẽ cùng nhóm tình nguyện người địa phương, ban đêm phân công đi kiểm tra bờ biển thường xuyên. Ban ngày thì đi nhặt rác dọc bờ biển, trồng cây, tham gia dạy học tiếng Anh, vi tính cho các em nhỏ ở các thôn ven biển xã Vĩnh Hải.

“Em đang làm việc cho hãng đồng hồ Thụy Sĩ, vì yêu rùa và môi trường sinh thái biển, nên đã bỏ việc ra đây từ tháng 4/2022 đến bây giờ. Lúc em ở thành phố nước da trắng đẹp, sau mấy tháng “tắm nắng” Ninh Thuận, da em cháy đen. Nhưng phần thưởng lớn nhất là em đã “truyền lửa” tình nguyện, yêu biển, yêu rùa đại dương cho nhiều bạn trẻ khác. Em thường xuyên nhắc các bạn trong nhóm không sử dụng kem chống nắng khi xuống tắm biển, ảnh hưởng đến rạn san hô. Ở vùng này nhiều san hô, yêu cầu các bạn khi tắm phải mang áo phao và bơi vào tận bãi cát, tuyệt đối không được đứng trên nền san hô cành” - bạn Nguyễn Thị Hồng Trang tâm tình.

“Khu bảo tồn biển của Vườn quốc gia Núi Chúa trải dọc bờ biển, có nơi hoang vắng, nhiều chỗ sát với khu dân cư. Do đó, áp lực sinh kế của người dân đè nặng lên các rạn san hô rất lớn. Tham gia bảo vệ khu bảo tồn biển có cán bộ, nhân viên Vườn quốc gia Núi Chúa, Đồn Biên phòng Vĩnh Hải, Công an xã Vĩnh Hải... Những người tình nguyện của địa phương và từ nơi khác đến đã góp phần không nhỏ bảo vệ môi trường và cứu hộ rùa biển lên bờ đẻ trứng, tạo nên phong trào tự nguyện bảo vệ môi trường biển, rừng trong cộng đồng dân cư rất hiệu quả” - ông Trần Văn Tiếp, Giám đốc Ban Quản lý Vườn quốc gia Núi Chúa bày tỏ sự cảm kích đối với công việc tình nguyện của cộng đồng bảo vệ môi trường biển.

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn

Hải Luận

bienphong.com.vn