Tin ngân hàng nổi bật trong tuần qua: Lãi suất cho vay bình quân ở mức khoảng 10%

10:35 | 05/02/2023

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
FED lần thứ 8 tăng lãi suất, tỷ giá VND/USD không biến động lớn; Năm 2022, KienlongBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 682 tỷ đồng; Quý 1/2023, sẽ huy động 108.000 tỷ đồng trái phiếu chính phủ; Tăng các biện pháp kiểm soát rủi ro với tổ chức tín dụng phi ngân hàng… là những tin tức tài chính và ngân hàng nổi bật trong tuần.
Tin ngân hàng ngày 4/2: Năm 2022, lợi nhuận BAOVIET Bank tăng hơn 10%Tin ngân hàng ngày 4/2: Năm 2022, lợi nhuận BAOVIET Bank tăng hơn 10%
Tin ngân hàng ngày 3/2: Sắp có thông tư mới về thông tin tín dụng ngân hàngTin ngân hàng ngày 3/2: Sắp có thông tư mới về thông tin tín dụng ngân hàng

Lãi suất cho vay bình quân chỉ ở mức khoảng 10%

Theo thông tin cập nhật của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa công bố sau kỳ nghỉ Tết, lãi suất cho vay bình quân bằng VND của ngân hàng thương mại trong nước đối với các khoản cho vay mới và cũ còn dư nợ ở mức 9,0-10,7%/năm.

Tin ngân hàng nổi bật trong tuần qua: Lãi suất cho vay bình quân ở mức khoảng 10%
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Cũng theo NHNN, lãi suất cho vay ngắn hạn bình quân bằng VND đối với lĩnh vực ưu tiên khoảng 4,7%/năm, thấp hơn mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa theo quy định của NHNN (5,5%/năm).

Đối với đồng USD, lãi suất cho vay USD bình quân của ngân hàng thương mại trong nước đối với các khoản cho vay mới và cũ còn dư nợ ở mức 3,9 - 5,4%/năm đối với ngắn hạn; 5,8-5,9%/năm đối với trung và dài hạn.

Ở chiều huy động, lãi suất tiền gửi bằng VND bình quân của ngân hàng thương mại trong nước ở mức 0,2-0,6%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng.

Trong khi đó, tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng ghi nhận lãi suất ở mức 5,3- 5,8%/năm; tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến 12 tháng có lãi suất 6,2-7,6%/năm. 6,0-7,4%/năm là mức lãi suất đối với tiền gửi có kỳ hạn từ trên 12 tháng đến 24 tháng và 6,9- 7,2%/năm đối với kỳ hạn trên 24 tháng.

Lãi suất tiền gửi USD của tổ chức tín dụng ở mức 0%/năm đối với tiền gửi của cá nhân và tổ chức.

Về định hướng điều hành tín dụng năm 2023, đại diện NHNN cho biết trên cơ sở kết quả đạt được của tín dụng năm 2022 khoảng 14,17%, NHNN đã tính toán định hướng tăng trưởng tín dụng của năm 2023 vào khoảng 14-15%, nhưng vẫn có điều chỉnh phù hợp với diễn biến và tình hình thực tế.

FED lần thứ 8 tăng lãi suất, tỷ giá VND/USD không biến động lớn

Một trong những điểm đáng chú ý trong tuần vừa qua là động thái tăng lãi suất của FED với mức tăng 0,25 điểm phần trăm, ghi nhận lần thứ tám tăng lãi suất kể từ đầu năm 2022. Mặt bằng lãi suất tại Mỹ theo đó đã tăng lên mức 4,5 - 4,75% và động thái tăng lãi suất của FED có thể sẽ còn chưa dừng lại.

Tuy nhiên, tác động của việc tăng lãi suất lần này của FED cũng không ảnh hưởng mạnh đến thị trường tiền tệ trong nước như những lần tăng trước đây. Lý do là, động thái tăng lãi suất lần này đã nằm trong dự đoán từ trước của giới đầu tư. Đặc biệt, biên độ tăng lãi suất đã được thu hẹp khá nhiều so với trước, khi trong năm 2022 FED đã có tới 4 lần tăng lãi suất liên tiếp với biên độ tới 0,75 điểm phần trăm.

Về tỷ giá VND/USD trong tuần qua vẫn không có biến động gì lớn, điều này tiếp tục củng cố tâm lý doanh nghiệp và người dân về sự ổn định giá trị của đồng Việt Nam trong giai đoạn hiện nay và thời gian tới.

Tỷ giá USD trung tâm được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố hôm thứ hai đầu tuần ghi nhận ở mức 23.611 đồng/USD. Trong tuần, tỷ giá trung tâm biến động rất nhẹ, chỉ khoảng 1-2 đồng mỗi phiên và kết thúc tuần với tỷ giá trung tâm là 23.606 đồng/USD, tổng mức giảm là 5 USD trong tuần.

Trong khi đó, tỷ giá USD tại Vietcombank cũng giữ ổn định, chỉ giảm 10 đồng mỗi USD trong phiên đầu tuần, sau đó rất ít biến động trong các phiên tiếp theo. Sáng ngày thứ sáu cuối tuần, tỷ giá USD tại Vietcombank ghi nhận ở mức 23.250/23.280/23.620 đồng/USD (mua tiền mặt/mua chuyển khoản/bán ra).

Năm 2022, KienlongBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 682 tỷ đồng

Ngân hàng TMCP Kiên Long (KienlongBank) tiếp tục ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực trong quý IV. Kết thúc năm 2022, KienlongBank ghi nhận 682 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, vượt kế hoạch được Đại hội cổ đông thông qua.

Tin ngân hàng nổi bật trong tuần qua: Lãi suất cho vay bình quân ở mức khoảng 10%
KienlongBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 682 tỷ đồng/Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Cụ thể, tính riêng trong quý IV/2022, KienlongBank đã đạt được 168,6 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 28,2% so với quý IV/2021. Lợi nhuận sau thuế quý IV/2022 đạt hơn 134,6 tỷ đồng. Tổng thu nhập tăng 196,9 tỷ đồng, tương đương tăng 37,14% so với cùng kỳ. Trong đó, thu nhập lãi thuần ghi nhận tăng 140,5 tỷ đồng (tương ứng tăng 33,99% so với cùng kỳ) và lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng 86,6 tỷ đồng (tương ứng tăng 114,30% so với cùng kỳ).

Lũy kế năm 2022, lợi nhuận trước thuế KienlongBank đạt gần 682 tỷ đồng và mang về 544,5 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Nếu so với năm 2021, lợi nhuận đạt được có giảm, nguyên nhân chính là do trong năm 2021, ngân hàng có phát sinh thêm khoản thu nhập từ việc thu hồi nợ gốc và lãi phải thu của các khoản cho vay có tài sản bảo đảm là cổ phiếu STB theo phương án cơ cấu lại KienlongBank gắn với xử lý nợ xấu đã được cơ quan quản lý nhà nước phê duyệt. Mặc dù vậy, KienlongBank đã vượt so với kế hoạch đạt 660 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế đề ra từ trước.

Đặc biệt, tổng thu nhập hoạt động tăng 294,4 tỷ đồng, tăng 12,70% so với năm trước, chủ yếu do thu nhập lãi thuần tăng 160,6 tỷ đồng, tăng 8,32% so với cùng kỳ. Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng 140,4 tỷ đồng, tức tăng 54,92% so với năm 2021.

Tại thời điểm ngày 31/12/2022, tổng tài sản hợp nhất của KienlongBank ghi nhận gần 85.760 tỷ đồng. Tổng huy động vốn đạt 75.843 tỷ đồng. Tổng dư nợ tín dụng đạt hơn 45.498 tỷ đồng, tăng 16,12% so với năm 2021. Tỷ lệ nợ xấu tiếp tục kiểm soát dưới 1,18%. Trong năm 2022, nhằm tích lũy nguồn lực xử lý rủi ro và đảm bảo hoạt động an toàn, bền vững, KienlongBank cũng đã tăng cường trích lập dự phòng.

Quý 1/2023, sẽ huy động 108.000 tỷ đồng trái phiếu chính phủ

Mới đây, Kho bạc Nhà nước (Bộ Tài chính) công bố kế hoạch đấu thầu trái phiếu chính phủ năm 2023.

Theo đó, năm 2023 sẽ thông qua hình thức đấu thầu trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội 400.000 tỷ đồng trái phiếu chính phủ. Con số này sẽ bao gồm cả khối lượng phát hành cho Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Riêng kế hoạch phát hành cho quý 1 năm 2023 là 108.000 tỷ đồng. Cụ thể, kỳ hạn 5 năm và 7 năm là 8.000 tỷ đồng. Kỳ hạn 10 năm là 45.000 tỷ đồng. Kỳ hạn 15 năm là 45.000 tỷ đồng. Kỳ hạn 20 năm là 5.000 tỷ đồng. Kỳ hạn 30 năm là 5.000 tỷ đồng.

Theo Kho bạc Nhà nước, trong quá trình thực hiện có thể sẽ có điều chỉnh khối lượng phát hành các kỳ hạn trái phiếu phù hợp với tình hình thị trường và nhu cầu sử dụng vốn của ngân sách nhà nước.

Được biết, ngày 1/2/2023, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội tổ chức đấu thầu 3 đợt trái phiếu chính phủ. Bao gồm: 1 đợt đấu thầu 500 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ có kỳ hạn 5 năm; 2 đợt đấu thầu trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 và 15 năm đều có giá trị gọi thầu là 5.000 tỷ đồng.

Tăng các biện pháp kiểm soát rủi ro với tổ chức tín dụng phi ngân hàng

Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) thực hiện xây dựng Dự thảo thông tư quy định về hệ thống kiểm soát nội bộ của tổ chức tín dụng phi ngân hàng. Một trong những nội dung đáng chú ý là thiết lập hệ thống kiểm soát nhằm hạn chế tối đa các rủi ro tiềm ẩn có thể xảy ra.

Tin ngân hàng nổi bật trong tuần qua: Lãi suất cho vay bình quân ở mức khoảng 10%
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Cụ thể, dự thảo thông tư quy định, hệ thống kiểm soát nội bộ là tập hợp các cơ chế, chính sách, quy trình, quy định nội bộ, cơ cấu tổ chức của tổ chức tín dụng phi ngân hàng được xây dựng phù hợp với quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng.

Thông tư này và các quy định của pháp luật có liên quan được tổ chức thực hiện nhằm kiểm soát, phòng ngừa, phát hiện, xử lý kịp thời rủi ro và đạt được yêu cầu đề ra. Hệ thống kiểm soát nội bộ bao gồm giám sát của quản lý cấp cao, kiểm soát nội bộ, quản lý rủi ro và kiểm toán nội bộ.

Thực tế cho thấy hoạt động của các tổ chức tín dụng phi ngân hàng đơn giản hơn so với các ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài như không nhận tiền gửi của cá nhân, chỉ nhận tiền gửi của tổ chức và không được cung ứng các phương tiện thanh toán, dịch vụ thanh toán như ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

NHNN cũng cho biết, các hoạt động này vẫn tiềm ẩn các rủi ro có thể gây ảnh hưởng đến hoạt động của các tổ chức tín dụng phi ngân hàng. Do vậy, việc thiết lập hệ thống quản lý rủi ro theo tiêu chuẩn Basel có thể xem là giải pháp nhằm hạn chế tối đa các rủi ro tiềm ẩn có thể xảy ra trong quá trình hoạt động của tổ chức tín dụng phi ngân hàng. Điều này cũng đồng nhất với xu hướng quản trị điều hành doanh nghiệp nói chung hiện nay.

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Huy Tùng (T/h)