Điểm tin ngân hàng ngày 1/7: Nhiều thay đổi quan trọng của ngành ngân hàng kể từ ngày 1/7/2025

07:50 | 01/07/2025

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Ngân hàng rộn ràng phát hành cổ phiếu tăng vốn nửa cuối năm 2025; VAMC dẫn đầu về khối lượng mua, xử lý nợ xấu; Nhiều thay đổi quan trọng của ngành ngân hàng kể từ ngày 1/7/2025… là những tin tức tài chính và ngân hàng nổi bật.
Điểm tin ngân hàng ngày 1/7: Nhiều thay đổi quan trọng của ngành ngân hàng kể từ ngày 1/7
Từ 1/7/2025, lĩnh vực ngân hàng đón nhiều thay đổi lớn

Lãi suất huy động cao nhất lên tới hơn 9,6%/năm

Khảo sát thị trường cho thấy, trong tháng 6/2025, lãi suất tiền gửi cao nhất tại các ngân hàng dao động từ 6-9,65%/năm. Nhưng để hưởng mức lãi suất trên 9%/năm, khách hàng phải đáp ứng các điều kiện đặc biệt, với số dư tối thiểu có thể lên tới hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng.

Trong tháng, một số ngân hàng thay đổi biểu lãi suất huy động, trong đó HDBank và GPBank điều chỉnh tăng; LPBank, Bac A Bank và VPBank điều chỉnh giảm; NCB vừa tăng, vừa giảm lãi suất ở một số kỳ hạn...

Theo kết quả điều tra các tổ chức tín dụng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới đây, theo ước tính của các tổ chức tín dụng, mặt bằng lãi suất huy động vốn và cho vay VNĐ tiếp tục xu hướng giảm nhẹ trong quý II/2025, đặc biệt là lãi suất cho vay.

Tính đến cuối năm 2025, các tổ chức tín dụng dự báo mặt bằng lãi suất huy động và cho vay VNĐ về cơ bản không thay đổi so với cuối năm 2024.

Ngân hàng rộn ràng phát hành cổ phiếu tăng vốn nửa cuối năm 2025

Ngày 30/6, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (VietBank, mã: VBB) sẽ chốt danh sách cổ đông để phát hành cổ phiếu tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu (thưởng cổ phiếu). Với tỷ lệ 15%, cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu VBB tại ngày chốt quyền được nhận 15 cổ phiếu mới. Ngày giao dịch không hưởng quyền là 27/6/2025.

Sau VietBank, nhiều ngân hàng dự kiến sẽ sớm chốt danh sách cổ đông để trả cổ tức/cổ phiếu thưởng, sau khi đã được cơ quan chức năng chấp thuận phương án tăng vốn.

Bên cạnh các ngân hàng dự kiến trả cổ tức bằng cổ phiếu, hiện có ba ngân hàng đã thông qua kế hoạch chia cổ tức tiền mặt nhưng chưa chốt danh sách cổ đông.

Việc các ngân hàng đồng loạt tăng vốn và chi trả cổ tức trong năm nay không chỉ nhằm củng cố năng lực tài chính, mà còn cho thấy xu hướng đẩy mạnh mở rộng hoạt động, nâng cao sức cạnh tranh trong bối cảnh ngành ngân hàng bước vào giai đoạn tăng trưởng mới.

VAMC dẫn đầu về khối lượng mua, xử lý nợ xấu

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa công bố báo cáo tổng kết, đánh giá kết quả hoạt động của Công ty Quản lý tài sản (VAMC) từ khi thành lập đến hết tháng 4/2025.

Theo Ngân hàng Nhà nước, từ khi thành lập đến hết tháng 4/2025, VAMC đã xử lý khoảng 371.023 tỷ đồng dư nợ gốc từ các khoản nợ mua bằng trái phiếu đặc biệt, tương đương tỷ lệ xử lý 83%. Ngoài ra, VAMC đã thu hồi được khoảng 11.322 tỷ đồng từ các khoản nợ mua theo giá trị thị trường, đạt tỷ lệ 80%.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tổng doanh số mua nợ của VAMC - bao gồm cả trái phiếu đặc biệt và giao dịch theo giá thị trường - chiếm khoảng 84% tổng doanh số mua nợ của cả VAMC và DATC. Đặc biệt, từ khi được phép mua nợ theo giá thị trường, VAMC đã tích cực hợp tác với các tổ chức tín dụng và bên mua thứ ba, từng bước hình thành thị trường mua bán nợ mang tính thương mại thực thụ.

Nhiều thay đổi quan trọng của ngành ngân hàng kể từ ngày 1/7/2025

Từ ngày 1/7/2025, ngành ngân hàng Việt Nam áp dụng ba thay đổi lớn. Thứ nhất, theo Thông tư 17/2024/TT-NHNN, người đại diện hợp pháp của tổ chức phải cung cấp và đối chiếu khớp giấy tờ tùy thân và sinh trắc học để thực hiện giao dịch rút tiền, thanh toán điện tử. Nếu không cập nhật, giao dịch qua ngân hàng điện tử sẽ bị tạm dừng. Xác thực sinh trắc học có thể thực hiện tại quầy hoặc qua ứng dụng ngân hàng (đối với công dân Việt Nam), yêu cầu thẻ căn cước hoặc hộ chiếu hợp lệ.

Thứ hai, thẻ từ chính thức bị “khai tử” theo quy định Ngân hàng Nhà nước, chỉ chấp nhận thẻ chip (EMV) để tăng bảo mật và tuân thủ tiêu chuẩn quốc tế. Thẻ chip tạo mã giao dịch duy nhất, giảm nguy cơ gian lận, sao chép. Khách hàng chưa chuyển đổi cần đến ngân hàng để đổi thẻ chip miễn phí, tránh gián đoạn giao dịch.

Thứ ba, Nghị định 94/2025/NĐ-CP có hiệu lực, triển khai cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) cho các giải pháp Fintech như chấm điểm tín dụng, chia sẻ dữ liệu qua Open API, và cho vay ngang hàng. Cơ chế này thúc đẩy đổi mới sáng tạo, hiện đại hóa ngân hàng, hướng tới phổ cập tài chính minh bạch, an toàn, chi phí thấp. Kết quả thử nghiệm là cơ sở xây dựng khung pháp lý, cải cách quy định, hỗ trợ phát triển sản phẩm, dịch vụ mới, đảm bảo an ninh mạng và quyền lợi người dùng.

Các thay đổi này nhằm nâng cao an toàn, bảo mật và hiện đại hóa ngành ngân hàng, đáp ứng xu hướng công nghệ và nhu cầu người dùng, đồng thời tuân thủ quy định pháp luật.

Ngân hàng Nhà nước bất ngờ bơm lượng tiền lớn cho hệ thống ngân hàng

Phiên giao dịch 27/6 chứng kiến diễn biến đáng chú ý trên thị trường mở khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chào thầu thành công tổng cộng hơn 40.365 tỷ đồng trên kênh cho vay cầm cố giấy tờ có giá (OMO). Theo đó, 12 thành viên thị trường đã "vay nóng" NHNN số tiền 24.535 tỷ đồng tại kỳ hạn 7 ngày, 8 thành viên vay 15.000 tỷ đồng kỳ hạn 14 ngày và 1 thành viên vay hơn 830 tỷ đồng tại kỳ hạn 91 ngày. Lãi suất trúng thầu đều ở mức 4%/năm.

Trong khi đó, có gần 323 tỷ đồng OMO đáo hạn. Tính chung, NHNN đã bơm ròng hơn 40.042 tỷ đồng cho hệ thống ngân hàng qua kênh OMO trong phiên 27/6 - mức cao nhất trong hơn 1 năm qua.

Song song với hoạt động bơm thanh khoản qua kênh cho vay cầm cố giấy tờ có giá, NHNN cũng dừng phát hành tín phiếu trong phiên 27/6. Trước đó, NHNN đã chào thầu tín phiếu trở lại sau gần 4 tháng tạm dừng từ phiên 24/6 và hút về tổng cộng 22.500 tỷ đồng trong 3 phiên (24/6 - 26/6).

Tổng cộng trong tuần qua (23/6 - 27/6), NHNN đã cho các thành viên vay tổng cộng gần 70.191 tỷ đồng với lãi suất 4% trên kênh cho vay cầm cố giấy tờ có giá. Trong khi khối lượng OMO đáo hạn là 7.833 tỷ đồng.

P.V (t/h)