Tin ngân hàng ngày 12/12: Nhóm nào có tỷ lệ nợ xấu tăng mạnh?

09:45 | 12/12/2023

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Quản lý seri tiền mới in trong quá trình giao, nhận tiền; Khởi tố một lãnh đạo ngân hàng tham ô tài sản; NCB ưu đãi lớn phí chuyển tiền thanh toán quốc tế cho doanh nghiệp… là những tin tức tài chính và ngân hàng nổi bật.
Tin ngân hàng ngày 12/12: VIB giảm lãi suất cho khách vay kinh doanhTin ngân hàng ngày 12/12: VIB giảm lãi suất cho khách vay kinh doanh
Tin ngân hàng tuần qua: Tín dụng toàn nền kinh tế mới đạt hơn 9%Tin ngân hàng tuần qua: Tín dụng toàn nền kinh tế mới đạt hơn 9%

Nhóm nào có tỷ lệ nợ xấu tăng mạnh?

Trong một báo cáo mới được công bố, Công ty Chứng khoán KB (KBSV) đã chỉ ra rằng tỷ lệ nợ xấu của ngành ngân hàng đang tăng mạnh, đặc biệt là sau khi Thông tư 14 liên quan đến tái cơ cấu nợ Covid-19 hết hiệu lực. Tỷ lệ này đã tăng lên 2,2%, tăng 6,9% so với quý trước đó, trong quý thứ tư liên tiếp.

Tin ngân hàng ngày 12/12: Nhóm nào có tỷ lệ nợ xấu tăng mạnh?
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Mặc dù có dấu hiệu chậm lại trong việc tăng của NPL (nợ xấu) trong quý III/2023, nhóm NHQD đang ghi nhận một tăng mạnh, đặc biệt do ảnh hưởng từ VCB với việc ghi nhận nợ nhóm 4 tăng cao. Triển khai Thông tư 02 đã giúp ngân hàng giữ nguyên nhóm nợ của khách hàng, từ đó hạn chế sự gia tăng của nợ xấu.

Theo SBV, đến cuối tháng 9/2023, tổng dư nợ tái cơ cấu theo TT02 đã đạt 140 nghìn tỷ đồng, chiếm 1,09% tổng tín dụng của hệ thống. Điều đáng chú ý là dư nợ nhóm 2 đã giảm 7,7% so với quý trước, một tín hiệu tích cực về chất lượng tài sản của ngành ngân hàng trong quý này.

Tuy nhiên, áp lực vẫn đang nén lên các ngân hàng TMCP lớn và vừa như MBB, TCB, TPB, MSB do ảnh hưởng tiêu cực từ thị trường TPDN, BĐS và khó khăn từ phân khúc KHCN.

Các nhóm ngân hàng có chiến lược đa dạng hóa khách hàng, trích lập đầy đủ, và bộ đệm dự phòng mạnh mẽ, ít liên quan đến BĐS và TPDN, được xem là có khả năng kiểm soát rủi ro tốt hơn so với các ngân hàng khác. Các ngân hàng có tỷ lệ bao phủ thấp dưới 50% sẽ đối mặt với áp lực lớn và không có nhiều dư địa để xử lý nợ xấu.

KBSV cũng nhấn mạnh sự phân hoá trong diễn biến nợ xấu giữa các ngân hàng. Các ngân hàng tập trung vào cho vay tiêu dùng cá nhân, mua nhà, mua xe như VPB, VIB, TPB đang ghi nhận mức tăng cao về nợ xấu, trong khi các ngân hàng thực hiện chiến lược thận trọng như VCB, ACB vẫn duy trì mức nợ xấu thấp nhất trong ngành.

Với việc nợ nhóm 2 đã giảm từ quý III/2023, KBSV kỳ vọng xu hướng này sẽ tiếp tục trong các quý tới, giảm áp lực gia tăng nợ xấu đối với các ngân hàng. Tuy nhiên, bộ đệm dự phòng đã giảm tương đối so với quý trước khi các nguồn thu bị ảnh hưởng, dẫn đến việc giảm trích lập để bảo toàn lợi nhuận.

Các ngân hàng NHQD và MBB vẫn duy trì tỷ lệ bộ đệm trên 200%, trong khi các nhóm ngân hàng khác đã dưới mức 100% tính đến quý III.

KBSV nhấn mạnh rằng việc áp dụng chính sách tái cơ cấu nợ theo TT02 đã giúp một số ngân hàng hạn chế sự tăng của tỷ lệ nợ xấu trong quý III.

Quản lý seri tiền mới in trong quá trình giao, nhận tiền

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đang dự thảo Thông tư quy định về quản lý seri tiền mới in của NHNN

Theo đó, trong quá trình giao, nhận tiền mới in, cơ sở in, đúc tiền giao tiền mới in cho NHNN (Cục Phát hành và Kho quỹ); giao nhận tiền mới in giữa các Kho tiền Trung ương, giữa Kho tiền Trung ương với Sở Giao dịch và NHNN chi nhánh, giữa NHNN chi nhánh với nhau: Bên giao tiền mới in phải lập bảng kê seri của các loại tiền theo quy định kèm theo biên bản giao nhận tiền (hoặc phiếu xuất). Bên nhận có trách nhiệm kiểm tra, đối chiếu nội dung bảng kê với thực tế giao nhận; trường hợp phát hiện sai sót, phải thông báo cho bên giao để thống nhất điều chỉnh.

Khi xuất tiền mới in từ Quỹ dự trữ phát hành sang Quỹ nghiệp vụ phát hành và ngược lại tại NHNN chi nhánh, thủ kho lập bảng kê seri của các loại tiền theo quy định.

Bảng kê seri phải thể hiện chính xác các yếu tố: Bên giao, bên nhận, số lượng, năm sản xuất, ký hiệu bao, gói, bó tiền (hoặc hình thức đóng gói khác do NHNN quy định). Bảng kê này được lập thành 02 liên, mỗi bên giao, nhận giữ 01 liên.

Bên giao và bên nhận có trách nhiệm theo dõi, quản lý, lưu trữ thông tin seri của các bao, gói, bó tiền mới in đã giao, nhận tại đơn vị.

Khi Sở Giao dịch, NHNN chi nhánh xuất tiền mới in theo bao nguyên niêm phong cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Kho bạc Nhà nước và các đối tượng khác: Bên giao có trách nhiệm quản lý, lưu trữ thông tin seri tiền mới in đã xuất cho các đơn vị.

NHNN nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý seri tiền mới in để nâng cao hiệu quả quản lý, lưu trữ thông tin. Việc ứng dụng công nghệ bảo đảm tuân thủ các quy định có liên quan về công nghệ thông tin và các quy định về an toàn, bảo mật thông tin của nhà nước, NHNN.

Khởi tố một lãnh đạo ngân hàng tham ô tài sản

Ngày 11/12, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Long An cho biết đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam Lê Minh Luân - Phó Giám đốc Phụ trách Phòng giao dịch Ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Nam Thương Tín - Vietbank Cần Giuộc (Long An) về tội "Tham ô tài sản", quy định tại khoản 4, Điều 353 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đối, bổ sung năm 2017).

Trước đó, ngày 5/12, Ngân hàng Vietbank - Chi nhánh Long An phát hiện sự việc thiếu hụt tiền mặt xảy ra tại Phòng giao dịch Cần Giuộc với số tiền trên 11,4 tỷ đồng. Ngân hàng Vietbank - Chi nhánh Long An đã có đơn tố giác tội phạm gửi đến Công an tỉnh Long An, người bị tố giác chiếm đoạt số tiền trên là Lê Minh Luân (36 tuổi, Phó Giám đốc phụ trách Phòng giao dịch Vietbank Cần Giuộc).

Làm việc với Cơ quan điều tra, đối tượng Lê Minh Luân thừa nhận đã chỉ đạo giao dịch viên hạch toán khống các giao dịch. Cụ thể, nộp tiền vào tài khoản của mình tại Vietbank nhưng không có tiền mặt thực tế 2 giao dịch với số tiền 10 tỷ đồng (mỗi giao dịch 5 tỷ đồng); chuyển tiền ngoài hệ thống bằng tiền mặt vào tài khoản của Lê Minh Luân tại một ngân hàng khác nhưng không có tiền mặt thực tế 3,1 tỷ đồng.

Sau khi tiền được nộp vào tài khoản thì Lê Minh Luân thực hiện chuyển tiền trên Mobile banking cho 7 chủ tài khoản tại 6 ngân hàng. Đến cuối ngày 5/12, Lê Minh Luân bồi hoàn trên 1,6 tỷ đồng; số tiền còn lại hơn 11,4 tỷ đồng, đối tượng chiếm đoạt để sử dụng cho mục đích cá nhân.

NCB ưu đãi lớn phí chuyển tiền thanh toán quốc tế cho doanh nghiệp

Với cam kết đồng hành cùng các doanh nghiệp Việt, đặc biệt trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB) đã tung nhiều ưu đãi cho khách hàng doanh nghiệp khi chuyển tiền quốc tế, đáp ứng đa dạng nhu cầu và giúp tối ưu chi phí.

Tin ngân hàng ngày 12/12: Nhóm nào có tỷ lệ nợ xấu tăng mạnh?
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Theo đó, NCB đã triển khai chương trình ưu đãi “Chuyển tiền thảnh thơi - Muôn nơi đồng giá” với lựa chọn đa dạng, đáp ứng mọi nhu cầu doanh nghiệp với 3 gói ưu đãi đặc biệt.

Với nhu cầu chuyển tiền đi quốc tế giá trị dưới 50.000 USD/giao dịch, NCB đưa ra biểu phí đồng giá 30 USD/giao dịch đi phí SHA và 40 USD/giao dịch đi phí OUR. Nếu doanh nghiệp phát sinh 20 giao dịch và duy trì tài khoản trung bình 100 triệu đồng trong 2 tháng, ngân hàng sẽ tiếp tục có ưu đãi giảm 40% so với biểu phí.

Với doanh nghiệp chuyển tiền quốc tế dưới 200,000 USD/giao dịch, NCB đưa ra biểu phí đồng giá 40 USD đi phí SHA và 50 USD/giao dịch đi phí OUR. Nếu doanh nghiệp phát sinh 10 giao dịch và duy trì tài khoản trung bình 100 triệu đồng trong 2 tháng, ngân hàng sẽ tiếp tục có ưu đãi giảm 40% so với biểu phí.

Với các doanh nghiệp giao dịch quốc tế với quy mô trên 200,000 USD/giao dịch, NCB cung cấp gói đồng giá 200 USD/giao dịch.

Song song với đó, ngân hàng cũng tung ưu đãi "Mở ưu đãi vàng - Mở ngàn thanh toán" với 3 gói ưu đãi và combo chính, bao gồm: Ưu đãi phí chuyển tiền quốc tế theo giá trị giao dịch; Combo ưu đãi phí chuyển tiền quốc tế theo số lượng giao dịch và Coupon phí chuyển tiền theo từng giao dịch. Khách hàng chuyển tiền càng nhiều, ưu đãi càng lớn, lên đến 80%.

Các chương trình trên là một phần trong chuỗi hoạt động liên tiếp của NCB nhằm hỗ trợ phí cho doanh nghiệp có hoạt động thanh toán quốc tế. Trước đó, ngân hàng cũng đã triển khai chương trình tặng 100% phí chuyển tiền quốc tế, bao gồm cả điện phí hỗ trợ doanh nghiệp có hợp tác giao thương quốc tế.

Thời gian qua, NCB đã không ngừng đầu tư mạnh về công nghệ và nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ, chuyển mình mạnh mẽ để “mang ngân hàng đến từng khách hàng”. Cùng với việc nâng cấp hệ thống ngân hàng lõi (Core Banking) T24 lên phiên bản R21 hiện đại nhất Việt Nam hiện nay, NCB đã ra mắt ứng dụng NCB iziBankbiz cho khách hàng doanh nghiệp với giao diện hiện đại, thân thiện, đồng hành với khách hàng mọi lúc, mọi nơi.

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Huy Tùng (T/h)