Tin ngân hàng ngày 11/10: Tăng cường kiểm soát hoạt động cấp tín dụng

10:00 | 11/10/2023

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Vietcombank nhận giải nhà tạo lập thị trường giao dịch Repo nhiều nhất; Toàn hệ thống ngân hàng đã xử lý được hơn 128 ngàn tỷ đồng nợ xấu; SeABank tăng 150 bậc trong bảng xếp hạng “Top 1.000 Ngân hàng thế giới”… là những tin tức tài chính và ngân hàng nổi bật.
Tin ngân hàng ngày 10/10: Lãi suất tiền gửi giảm mạnhTin ngân hàng ngày 10/10: Lãi suất tiền gửi giảm mạnh
Tin ngân hàng ngày 9/10: Lãi suất liên ngân hàng tăng mạnhTin ngân hàng ngày 9/10: Lãi suất liên ngân hàng tăng mạnh

Tăng cường kiểm soát hoạt động cấp tín dụng

Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng, nhằm góp phần đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) yêu cầu các TCTD (không bao gồm quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô), chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động cấp tín dụng, chất lượng tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao (trong đó lưu ý hoạt động cho vay tiêu dùng, cấp tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản, đặc biệt cấp tín dụng để đầu tư, kinh doanh bất động sản), đầu tư trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết; lưu ý mức độ tập trung tín dụng vào khách hàng/khách hàng lớn và người có liên quan, nhóm khách hàng có liên quan, cổ đông và người có liên quan...

Tin ngân hàng ngày 11/10: Tăng cường kiểm soát hoạt động cấp tín dụng
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Tiếp tục nâng cao chất lượng công tác thẩm định tín dụng, định giá tài sản bảo đảm, kiểm tra sử dụng vốn vay, đặc biệt là cấp tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro để phát hiện sớm và xử lý kịp thời các rủi ro, tồn tại, sai phạm, góp phần đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng.

Tập trung đẩy mạnh các biện pháp cần thiết nhằm nâng cao chất lượng tín dụng, phòng ngừa, hạn chế tối đa phát sinh mới nợ nhóm 2 và nợ xấu, nỗ lực thu hồi, xử lý nợ xấu, trong đó chú trọng việc nâng cao chất lượng tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản. Chủ động cân đối nguồn vốn, đảm bảo thanh khoản và tuân thủ các quy định về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động.

Thực hiện phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro theo quy định; chủ động rà soát, phát hiện các trường hợp phân loại nợ, trích lập dự phòng chưa đúng quy định để chấn chỉnh kịp thời đảm bảo việc phân loại nợ, trích lập dự phòng phản ánh đúng chất lượng nợ.

Thực hiện dự thu lãi, thoái các khoản lãi dự thu phải thoái nhưng chưa thoái theo đúng quy định; đồng thời rà soát các chi phí phát sinh trong hoạt động kinh doanh đảm bảo lợi nhuận phản ánh đúng kết quả hoạt động kinh doanh của ngân hàng.

Rà soát, kiểm soát chặt chẽ việc cấp tín dụng đối với các doanh nghiệp phát hành trái phiếu chậm thanh toán gốc, lãi. Chủ động có biện pháp phòng ngừa, hạn chế rủi ro phù hợp nhằm hạn chế tối đa rủi ro phát sinh nợ nhóm 2, nợ xấu mới, đảm bảo chất lượng tín dụng.

Vietcombank nhận giải nhà tạo lập thị trường giao dịch Repo nhiều nhất

Mới đây, Vietcombank được Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA) trao giải "Nhà tạo lập thị trường giao dịch repo nhiều nhất năm 2022".

Giải thưởng này được VBMA đánh giá dựa trên những đóng góp của ngân hàng trong việc thúc đẩy thanh khoản thị trường giao dịch mua bán có kỳ hạn (Repo), đồng thời phát triển đường cong lãi suất ngắn hạn chuẩn cho thị trường trái phiếu Chính phủ tại Việt Nam.

Tham gia thỏa thuận tạo lập lãi suất chuẩn ngắn hạn bằng giao dịch có kỳ hạn, Vietcombank mở rộng quan hệ hợp tác, nâng cao doanh số giao dịch để tạo thanh khoản cho thị trường.

Ngân hàng cũng đưa ra nhiều đề xuất giúp hoàn thiện cơ chế hoạt động, tạo môi trường kinh doanh minh bạch, hiệu quả. Sau hơn ba năm kể từ thỏa thuận tạo lập lãi suất, đường cong lãi suất ngắn hạn chuẩn cho thị trường trái phiếu Chính phủ Việt Nam được hoàn thiện, trở thành công cụ để xác định mặt bằng lãi suất giao dịch. Đây cũng là cơ sở tham chiếu định giá của nhiều sản phẩm tài chính khác trên thị trường.

Giải thưởng "Nhà tạo lập thị trường giao dịch Repo nhiều nhất" được VBMA trao hồi đầu tháng 10 đã ghi nhận kết quả của Vietcombank trong việc thúc đẩy thanh khoản mua bán có kỳ hạn trái phiếu Chính phủ. Đây cũng là lần thứ hai liên tiếp ngân hàng được nhận giải thưởng này.

Vietcombank hiện là ngân hàng thương mại hàng đầu tại Việt Nam với tổng tài sản 50 tỷ USD và giá trị vốn hóa cao nhất trong các tổ chức tín dụng niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Đơn vị có trên 22.000 cán bộ nhân viên với mạng lưới hoạt động rộng khắp trên toàn quốc. Ngân hàng đa năng với thế mạnh cả về bán buôn, bán lẻ và dịch vụ đầu tư, đi đầu trong áp dụng các chuẩn mực quốc tế tốt nhất.

Vietcombank đặt mục tiêu đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030 là củng cố vị trí số một tại Việt Nam, vào top 100 ngân hàng lớn nhất khu vực châu Á, top 300 tập đoàn tài chính ngân hàng lớn nhất thế giới, top 1.000 doanh nghiệp niêm yết lớn nhất toàn cầu.

Toàn hệ thống ngân hàng đã xử lý được hơn 128 ngàn tỷ đồng nợ xấu

Theo báo cáo gửi Quốc hội của NHNN, từ năm 2012 đến cuối tháng 7/2023, toàn hệ thống đã xử lý tổng cộng 1.695.7 nghìn tỷ đồng nợ xấu. Trong đó, các tổ chức tín dụng tự xử lý ở mức cao là 1.271.7 nghìn tỷ đồng (chiếm 75% tổng số nợ xấu đã xử lý), phần còn lại được bán đi (bao gồm bán cho Công ty Quản lý Tài sản Việt Nam và các tổ chức, cá nhân khác) là 424 nghìn tỷ đồng, chiếm 25% tổng số nợ xấu đã xử lý.

Trong giai đoạn 7 tháng đầu năm 2023 cụ thể, hệ thống đã xử lý thành công 128.8 nghìn tỷ đồng nợ xấu, tăng 46.3% so với cùng kỳ năm trước.

Ngoài ra, việc xử lý nợ xấu dựa trên Nghị quyết 42 cũng đã mang lại kết quả tích cực. Từ khi Nghị quyết có hiệu lực vào ngày 15/8/2017 đến cuối tháng 7/2023, toàn hệ thống đã xử lý được khoảng 425.9 nghìn tỷ đồng nợ xấu theo Nghị quyết 42.

Vào cuối tháng 7/2023, tỷ lệ nợ xấu trên bảng cân đối kế toán của hệ thống là 3.56%, cao hơn so với mức 2.0% vào cuối năm 2022 và 1.69% vào cuối năm 2020. Tỷ lệ tổng cộng, bao gồm nợ xấu trên bảng cân đối kế toán, nợ xấu chưa được giải quyết tại Công ty Quản lý Tài sản Việt Nam và nợ tiềm ẩn, là 6.16% so với tổng số dư nợ.

Theo Nghị quyết của Quốc hội, mục tiêu là giảm nợ xấu của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng (trừ các tổ chức tín dụng yếu kém) xuống dưới 3% vào cuối năm 2025, bao gồm nợ xấu trên bảng cân đối kế toán, nợ xấu chưa được giải quyết tại Công ty Quản lý Tài sản Việt Nam, nợ thu hồi và nợ tiềm ẩn.

NHNN dự đoán rằng chất lượng tín dụng của hệ thống các tổ chức tín dụng có thể tiếp tục đối mặt với áp lực từ nhiều yếu tố. Diễn biến kinh tế vĩ mô, cả trong và ngoài nước, tạo ra điều kiện không thuận lợi, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh, khả năng trả nợ của khách hàng và có thể dẫn đến tăng nợ xấu. Những yếu tố này cũng tạo áp lực về việc trích lập dự phòng cho nợ xấu và tiến độ xử lý tài sản đảm bảo liên quan đến nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Ngoài ra, việc xử lý nợ xấu vẫn đối diện với nhiều khó khăn. Một số lý do bao gồm các doanh nghiệp đang phải đối mặt với tác động bất lợi từ môi trường bên ngoài, làm giảm khả năng trả các khoản nợ quá hạn của hộ gia đình và doanh nghiệp; khuôn khổ pháp lý liên quan đến cơ cấu lại tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu chưa hoàn thiện; thiếu cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích các nhà đầu tư trong nước và ngoài nước tham gia xử lý tài sản đảm bảo và mua bán nợ xấu, và nhiều yếu tố khác.

SeABank tăng 150 bậc trong bảng xếp hạng “Top 1.000 Ngân hàng thế giới”

Với sự tăng trưởng vượt trội trong thời gian qua, Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) tiếp tục vinh dự là năm thứ 2 liên tiếp được vinh danh trong bảng xếp hạng “Top 1.000 Ngân hàng thế giới 2023” với xếp hạng thứ 771, tăng 150 bậc so với năm 2022. Việc liên tục góp mặt trong bảng xếp hạng danh giá này hai năm liên tiếp đã khẳng định uy tín thương hiệu SeABank được giới tài chính quốc tế ghi nhận, đồng thời nâng tầm vị thế ngân hàng trong khu vực và trên quốc tế.

Tin ngân hàng ngày 11/10: Tăng cường kiểm soát hoạt động cấp tín dụng
SeABank tăng 150 bậc trong bảng xếp hạng “Top 1.000 Ngân hàng thế giới”/Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

SeABank dần khẳng định vị thế, sức mạnh thương hiệu khi nhận được sự tin tưởng sử dụng sản phẩm dịch vụ của hơn 2,5 triệu khách hàng cá nhân và doanh nghiệp trên toàn quốc. Ngân hàng đã được Brand Finance - tổ chức hàng đầu thế giới về định giá thương hiệu, vinh danh trong Top 100 Thương hiệu giá trị nhất Việt Nam 2023, xếp hạng thứ 44, qua đó ghi nhận vị thế của SeABank trong ngành tài chính - ngân hàng cũng như cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.

Bên cạnh đó, SeABank cũng ba lần liên tiếp được HR Asia vinh danh “Nơi làm việc tốt nhất châu Á”, qua đó cho thấy Ngân hàng có chính sách nhân sự vượt trội, chế độ đãi ngộ hấp dẫn, môi trường làm việc hàng đầu và thường xuyên tổ chức các hoạt động nội bộ sôi nổi gắn kết nhân viên.

Cùng với hoạt động kinh doanh, năm 2023 SeABank cũng triển khai nhiều hoạt động an sinh xã hội ý nghĩa như: ủng hộ chi phí xây dựng nhà tình nghĩa cho người nghèo tại Hà Tĩnh, Điện Biên và Nghệ An tổng trị giá 35 tỷ đồng; triển khai các hoạt động từ thiện thường niên Xuân yêu thương, SeABankers Vì trẻ thơ trên toàn quốc; tổ chức giải chạy thường niên SeABank Run For The Future (SeARun 2023) nhằm gây quỹ trao tặng 10 học bổng Ươm mầm ước mơ cho trẻ em nghèo và trồng 25.000 cây xanh, tổng trị giá 1,5 tỷ đồng…

Bảng xếp hạng “Top 1.000 Ngân hàng thế giới” (Top 1.000 World Banks) do tạp chí uy tín thế giới The Banker (thuộc Thời báo Tài chính của Anh sáng lập từ năm 1926) thiết lập theo tiêu chuẩn ngân hàng quốc tế từ năm 1970. Năm 2023, bảng xếp hạng Top 1.000 World Banks được đánh giá dựa trên ba tiêu chí trọng yếu gồm tổng tài sản, lợi nhuận trước thuế và chỉ tiêu vốn cấp một.

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Huy Tùng (T/h)