Tin ngân hàng ngày 10/10: Chủ tịch HĐQT Sacombank hé lộ lợi nhuận 9 tháng đầu năm

10:32 | 10/10/2022

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
SCB điều chỉnh lãi suất cao nhất lên 8,90%, chi trả quyền lợi khách hàng bình thường; Nhiều ngân hàng ráo riết mua lại trái phiếu trước hạn; Tín dụng xanh đạt tốc độ tăng trưởng 25%/năm… là những tin tức tài chính và ngân hàng nổi bật.
Tin ngân hàng nổi bật tuần qua: SCB khẳng định Công ty An Đông không phải cổ đôngTin ngân hàng nổi bật tuần qua: SCB khẳng định Công ty An Đông không phải cổ đông
Tin ngân hàng ngày 8/10: Quỹ đầu tư FPT Capital mua 1 triệu cổ phiếu của TPBankTin ngân hàng ngày 8/10: Quỹ đầu tư FPT Capital mua 1 triệu cổ phiếu của TPBank

Chủ tịch HĐQT Sacombank hé lộ lợi nhuận 9 tháng đầu năm

Theo ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT Sacombank, trong số các ngân hàng thực hiện tái cơ cấu trong 10 năm trở lại đây, Sacombank là một điểm sáng, ngay khi những năm đầu thực hiện tái cơ cấu đã có lợi nhuận dương. Nhà nước lại không phải bỏ ra một đồng nào. Sacombank cũng sắp hoàn thành đề án tái cơ cấu chỉ sau 5 năm dù đề án cho phép 10 năm.

Tin ngân hàng ngày 10/10: Chủ tịch HĐQT Sacombank hé lộ lợi nhuận 9 tháng đầu năm
Ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT Sacombank/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Trả lời Báo chí mới đây, ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT ngân hàng Sacombank cho rằng, trong số các ngân hàng thực hiện tái cơ cấu trong khoảng 10 năm trở lại đây, có thể khẳng định, Sacombank là một điểm sáng bởi thực trạng đầy thử thách khi bắt đầu và những nỗ lực vượt bậc đã đem lại kết quả tốt đẹp, ngay ở năm đầu thực hiện tái cơ cấu, Sacombank đã có lợi nhuận dương. Nhà nước lại không phải bỏ ra một đồng nào.

Qua từng năm sau, Sacombank đã vực dậy, vươn lên mạnh mẽ với tốc độ "thần kỳ". Đề án cho phép Sacombank tái cơ cấu trong 10 năm nhưng chỉ sau 5 năm, khoảng cách đến vạch đích đã không còn xa nữa.

Từ năm 2017 đến năm 2021, Sacombank đã thu hồi và xử lý được gần 72.000 tỷ đồng các khoản nợ xấu và tài sản tồn đọng, trong đó hơn 58.300 tỷ đồng là các khoản thuộc Đề án, đạt gần 68% kế hoạch tổng thể, tỉ lệ nợ xấu nội bảng giảm từ 6,81% xuống còn 1,47 %.

Nhờ thực hiện tái cơ cấu thành công, được các cơ quan chức năng ghi nhận nên tháng 9/2022 vừa qua, NHNN đã điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng (room) tín dụng năm 2022 đối với các tổ chức tín dụng và Sacombank chính là ngân hàng có tỷ lệ room được điều chỉnh cao nhất với 4%.

Việc điều chỉnh room tín dụng được căn cứ trên kết quả xếp hạng mới nhất theo Thông tư 52/2018/TT-NHNN, tình hình hoạt động của các tổ chức tín dụng trong năm 2022, diễn biến thị trường và định hướng từ đầu năm tại Chỉ thị 01.

Tính đến hết quý III/2022, Sacombank tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định với tổng tài sản của Sacombank đạt gần 564.200 tỷ đồng, tăng 8,3% so với đầu năm; tổng huy động đạt 502.535 tỷ đồng, tăng 8,2% so với đầu năm; dư nợ tín dụng đạt hơn 421.000 tỷ đồng, tăng 8,4% so với đầu năm. Tỉ lệ nợ xấu 0,86%.

Ông Dương Công Minh cũng cho biết, lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm của ngân hàng đã đạt 4.440 tỷ đồng, hoàn thành 84,1% kế hoạch, trong đó tỉ trọng thu ngoài lãi là 39,4%.

SCB điều chỉnh lãi suất cao nhất lên 8,90%, chi trả quyền lợi khách hàng bình thường

Cụ thể, theo biểu lãi suất điều chỉnh mới áp dụng từ ngày 8/10, sản phẩm tiền gửi đặc trưng cho khách hàng cá nhân đối với sản phẩm “Tiết kiệm Phát Lộc Tài” của Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) đã tăng lên khoảng 1% tùy kỳ hạn. Mức lãi suất cao nhất kỳ hạn 36 tháng trả lãi cuối kỳ là 8,85%.

Đối với tiết kiệm online, lãi suất tiết kỳ hạn 6 tháng tăng lên 7,8 - 7,95%/năm, 7 tháng là 7,65- 8,05%, 9 tháng lên 8,01 - 8,25%, 12 tháng lên 8,2 - 8,55%.

Mức lãi suất cao nhất của tiết kiệm online tại SCB là 8,90%/năm ở kỳ hạn 36 tháng.

Ngoài ra, chứng chỉ tiền gửi của SCB cũng lên 8,90%/năm cho kỳ hạn 24 tháng.

Theo ghi nhận chung, trong ngày thứ 7 cuối tuần, lượng khách hàng đến giao dịch tại ngân hàng tăng hơn so với trước ở cả trụ sở chính của ngân hàng và một số chi nhánh. Tuy nhiên, ngân hàng vẫn chi trả cho khách bình thường. Bên cạnh đó, có một số khách hàng đến gửi tiền và tái tục sổ đang gửi.

Trong sáng ngày 9/10, một đại diện truyền thông của SCB cho biết ngân hàng vẫn đảm bảo chi trả cho khách bình thường. Đối với trường hợp khách hàng gặp trục trặc khi giao dịch trên app, đó là do có thời điểm lưu lượng truy cập giao dịch cao bất thường dẫn đến hệ thống quá tải. Trong trường hợp khách hàng không thể giao dịch online, vẫn có thể đến giao dịch trực tiếp tại quầy.

Trước đó, tại buổi họp báo hôm qua 8/10, ông Hoàng Minh Hoàn - Phó Tổng Giám đốc điều hành SCB - cho hay, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với bà Trương Mỹ Lan về tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" liên quan việc phát hành mua bán trái phiếu của Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Đông.

"Về vụ việc này, SCB đã rà soát và khẳng định Công ty An Đông không phải cổ đông của SCB, bà Trương Mỹ Lan không giữ chức vụ quản lý và điều hành tại SCB. Do đó, việc này không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh bình thường của SCB. SCB cam kết có đầy đủ giải pháp, nguồn lực để bảo đảm quyền lợi và lợi ích của người gửi tiền cũng như quyền, lợi ích của đối tác và khách hàng của SCB theo quy định của pháp luật”.

Nhiều ngân hàng ráo riết mua lại trái phiếu trước hạn

Theo báo cáo của Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA), trong tháng 9, tổng giá trị trái phiếu được các doanh nghiệp mua lại trước hạn là hơn 28.800 tỷ đồng, tăng gần 200% so với cùng kỳ năm trước.

Tính lũy kế từ đầu năm, tổng giá trị trái phiếu đã được các doanh nghiệp mua lại là hơn 142.200 tỷ đồng, tăng 67% so với cùng kỳ năm 2021.

Về ngành ngân hàng, vừa qua, ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) hoàn tất mua lại trước hạn 2 lô trái phiếu lớn với tổng giá trị 2.000 tỷ đồng vào cuối tháng 9. Các ngân hàng khác như VIB tất toán sớm 2.000 tỷ đồng, SHB và ABBank mua lại 1.000 tỷ đồng.

Về tình hình phát hành chung, VBMA ghi nhận có tổng cộng 25 đợt chào bán trái phiếu riêng lẻ trong nước với giá trị 15.363 tỷ đồng và một đợt phát hành ra công chúng của Ngân hàng Bắc Á trị giá 235 tỷ đồng, tính đến hết tháng 9.

Ngân hàng vẫn là nhóm dẫn đầu với tổng giá trị chào bán được 9.623 tỷ đồng. Lớn nhất có VietinBank phát hành 3.090 tỷ đồng; tiếp theo là VPBank với là 2.000 tỷ đồng; OCB phát hành 1.800 tỷ đồng hay SeABank là 750 tỷ đồng trong tháng.

Tính lũy kế từ đầu năm, giá trị phát hành ra công chúng đạt gần 10.500 tỷ đồng, giảm 9,4% so với 9 tháng đầu năm ngoái. Còn giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ là 233.692 tỷ đồng, giảm 40% so với cùng kỳ và chiếm gần 96% tổng giá trị phát hành từ đầu năm.

Tín dụng xanh đạt tốc độ tăng trưởng 25%/năm

Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), tín dụng xanh đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 25%/năm trong những năm qua. Đến 30/6/2022, dư nợ cấp tín dụng đối với các dự án xanh đạt hơn 474.000 tỷ đồng, chiếm 4,1% tổng dư nợ toàn nền kinh tế, tăng 7,08% so với năm 2021.

Tin ngân hàng ngày 10/10: Chủ tịch HĐQT Sacombank hé lộ lợi nhuận 9 tháng đầu năm
Tín dụng xanh đạt tốc độ tăng trưởng 25%/năm/Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Tín dụng xanh chủ yếu tập trung vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (47%), nông nghiệp xanh (32%). Dư nợ được đánh giá rủi ro môi trường và xã hội đạt hơn 2.283 nghìn tỷ đồng chiếm gần 20% dư nợ cho vay của nền kinh tế, với hơn 1,1 triệu món vay.

NHNN cho biết các tổ chức tín dụng cũng có sự chuyển biến rõ rệt trong định hướng hoạt động tín dụng xanh, chủ động tìm kiếm cơ hội hợp tác với nhiều tổ chức quốc tế để phát triển và triển khai cho vay chương trình tín dụng xanh.

Thời gian qua, NHNN cũng đang triển khai nhiều hành động hướng tới mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng xanh như: phê duyệt Đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam; xây dựng Chương trình hành động của ngành ngân hàng thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh; xây dựng thông tư về quản lý rủi ro môi trường, xã hội trong hoạt động cấp tín dụng, tăng dần tỷ trọng dư nợ tín dụng xanh…

Tuy nhiên, đại diện NHNN cũng đưa ra một số đánh giá cho rằng, vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn đối với tín dụng xanh. Đó là chưa có quy định chung của quốc gia về tiêu chí, danh mục dự án xanh cho các ngành lĩnh vực theo hệ thống phân ngành kinh tế, làm căn cứ để các tổ chức tín dụng xác định cấp tín dụng xanh cho giai đoạn tới. Việc cấp tín dụng xanh đòi hỏi yếu tố kỹ thuật về môi trường chuyên sâu nên gây khó khăn cho cán bộ tín dụng trong việc thẩm định, đánh giá hiệu quả của dự án, khả năng trả nợ của khách hàng.

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Huy Tùng (T/h)

vietinbank
ajinomoto