Thu xếp 24,7 tỷ USD nguồn quốc gia tự thực hiện cho mục tiêu tăng trưởng xanh như thế nào?
Tại Diễn đàn “Hiện thực hóa Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh tại Việt Nam: Thúc đẩy dòng vốn xanh” do Tạp chí Kinh tế và Dự báo tổ chức ngày 10/9, bà Đỗ Thị Phương Lan, Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế và Dự báo chia sẻ về cơn bão Yagi và nhấn mạnh đây là điển hình cho diễn biến ngày càng thất thường và khắc nghiệt của biến đổi khí hậu.
Diễn đàn “Hiện thực hóa Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh tại Việt Nam: Thúc đẩy dòng vốn xanh”, ngày 10/9 |
Việt Nam đã xác định ứng phó với biến đổi khí hậu là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách. Ngày 1/10/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1658/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn năm 2050.
Mục tiêu tăng trưởng xanh góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội, hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa carbon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu.
Để đạt được các mục tiêu về tăng trưởng xanh, bà Lan nhấn mạnh Việt Nam cần nguồn lực rất lớn. Theo ước tính của Chương trình phát triển của Liên hợp quốc (UNDP), để thực hiện cam kết phát thải ròng về 0 vào năm 2050, Việt Nam cần khoảng 330 - 370 tỷ USD.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, nhu cầu tài chính cho các biện pháp giảm phát thải trong từng lĩnh vực theo cam kết môi trường của Việt Nam đến năm 2030 là khoảng 68,75 tỷ USD.
Trong đó, nguồn quốc gia tự thực hiện dự báo khoảng 24,72 tỷ USD, chiếm 36% và nhu cầu đối với nguồn lực hỗ trợ của quốc tế dự kiến khoảng 44,03 tỷ USD, chiếm 64%.
Đặc biệt, Việt Nam cần nhiều nguồn lực hơn nữa để đạt được các cam kết về khí hậu theo Hội nghị Thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc lần thứ 26 (COP26), nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu và các mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững quốc gia.
Do đó, việc huy động và phân bổ hiệu quả nguồn lực tài chính trong và ngoài nước, từ các khu vực khác nhau trong nền kinh tế là rất quan trọng và cấp thiết nhằm đáp ứng các mục tiêu tăng trưởng xanh, hướng đến phát triển bền vững.
Tiến độ huy động tại các thị trường
TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) kiêm Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV cho biết, hết quý I/2024, tổng dư nợ thị trường nợ bền vững toàn cầu ước đạt 4,7 nghìn tỷ USD (theo CLI).
Tổng giá trị trái phiếu bền vững (xanh, xã hội, bền vững và liên kết bền vững...) phát hành năm 2023 đạt 1.450 tỷ USD và đạt 760 tỷ USD trong 2 quý đầu năm 2024 (theo Bloomberg).
Ở Việt Nam, nhờ có hệ thống quy định pháp lý đồng bộ về tín dụng xanh, đến hết tháng 6/2024, dư nợ tín dụng xanh đạt gần 680 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 4,5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế.
Dư nợ được đánh giá rủi ro môi trường và xã hội chiếm hơn 21% tổng dư nợ hệ thống tổ chức tín dụng và tăng hơn 20% so với cùng kỳ 2023.
Về trái phiếu xanh, giai đoạn 2016 - 2020, đã có có tổng cộng 4 đợt phát hành trái phiếu xanh, giá trị 284 triệu USD. Giai đoạn 2019 - 6 tháng đầu 2024, Việt Nam đã phát hành khoảng 1,16 tỷ USD trái phiếu xanh. Trong đó, EVNFinance phát hành 1.725 tỷ đồng năm 2022; BIDV phát hành 2.500 tỷ đồng năm 2023.
Về cổ phiếu xanh, từ năm 2016, Việt Nam đang từng bước thực hiện Sáng kiến Sở giao dịch chứng khoán bền vững (Sustainable Stock Exchanges Initiative – SSE) được thành lập năm 2009.
Dư nợ tín dụng xanh tại Việt Nam 2017- 6/2024 (nghìn tỷ đồng) |
Từ đó đến nay, Sở giao dịch chứng khoán bền vững thực hiện đào tạo về các yếu tố xã hội, môi trường và quản trị (ESG) trong quản trị công ty; ban hành Sổ tay hướng dẫn doanh nghiệp niêm yết thực hiện báo cáo ESG năm 2016.
Các công ty niêm yết được yêu cầu công bố Báo cáo phát triển bền vững từ năm 2016. Tuy nhiên, theo ông Lực, số lượng công ty lập báo cáo phát triển bền vững riêng biệt còn ít và các mục tiêu ESG đưa ra còn khá chung chung.
Chỉ số phát triển bền vững của thị trường chứng khoán Việt Nam (VNSI) được vận hành từ năm 2017, gồm 20 công ty niêm yết có điểm bền vững cao nhất trên Sàn Giao dịch chứng khoán TP HCM (HOSE).
“Tăng trưởng về lợi nhuận của các công ty trong bộ chỉ số VNSI có hiệu quả cao hơn so với bình quân của VN-Index. Tuy nhiên, VNSI chưa thực sự phổ biến với thị trường, chưa mang nhiều ý nghĩa với doanh nghiệp, nhà đầu tư”, TS. Cấn Văn Lực thông tin.
TS. Nguyễn Thanh Nga, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách tài chính (Bộ Tài chính) cho biết, thời gian qua, chính sách thu ngân sách phát huy hiệu quả, điều tiết hành vi theo hướng khuyến khích sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường.
Các cơ quan Nhà nước đã hoàn thiện các quy định ưu tiên chi đầu tư và chi thường xuyên cho mục tiêu tăng trưởng xanh; xây dựng các chương trình, chiến lược và các kế hoạch hành động quốc gia liên quan tăng trưởng xanh; hoàn thiện các quy định về mua sắm công trong sử dụng các sản phẩm dán nhãn năng lượng, dán nhãn xanh bảo vệ môi trường.
Cùng với đó, khung pháp lý và chính sách phát triển thị trường chứng khoán xanh từng bước được hình thành. Một số chính sách tài chính xanh khác như bảo hiểm xanh, phát triển thị trường tín chỉ carbon cũng được ban hành.
Phương Thảo
- “Prime’s Night concert – Bứt phá từ hôm nay” – đêm nhạc kỷ niệm 3 năm sinh nhật VPBank Prime
- VPBank lọt Top 10 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam 2024
- Thu ngân sách nhà nước từ dầu thô ước đạt 44,4 nghìn tỷ đồng trong 9 tháng năm 2024
- Thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp thu về 339 tỷ đồng
- Quỹ Bình ổn giá xăng dầu dư 6.061 tỷ đồng
- Huy động nguồn lực “khơi thông” nguồn vốn tín dụng xanh, tài chính xanh
- Tổng cục Thuế đối thoại trực tiếp gần 300 vấn đề liên quan đến thuế
- Tổng cục Thuế đối thoại với doanh nghiệp, người nộp thuế 5 tỉnh phía Nam
- Bộ Tài chính đề xuất phương án giảm tiền thuê đất lên tới 30% trong năm 2024
- Năm 2025 sẽ kiểm toán hiệu quả đầu tư, sử dụng vốn nhà nước tại các doanh nghiệp