Thông tin cơ bản về nước Cộng hòa Indonesia và quan hệ Việt Nam - Indonesia

21:46 | 09/01/2024

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Indonesia, tên gọi chính thức là Cộng hòa Indonesia, thường được gọi ngắn là Indo, là một đảo quốc liên lục địa, nằm giữa Đông Nam Á và Châu Đại Dương.
Thông tin cơ bản nước Cộng hòa Indonesia, tình hình Indonesia gần đây và quan hệ Việt Nam - Indonesia
Quốc kỳ Cộng hòa Indonesia, https://kinhtexaydung.petrotimes.vn

I. KHÁI QUÁT CHUNG:

- Tên nước: Cộng hoà Indonesia

- Thủ đô: Jakarta Quốc khánh: 17/8/1945

- Vị trí địa lý: Indonesia là quốc gia quần đảo lớn nhất thế giới (mệnh danh là quốc gia “vạn đảo”), gồm trên 17.500 hòn đảo lớn nhỏ nằm giữa lục địa Châu Á và Châu Đại Dư­ơng, nối liền Ấn Độ Dương với Thái Bình Dư­ơng. Phía Bắc giáp với Malaysia, Singapore, Philippines và Biển Đông; phía Nam giáp với Australia và Ấn Độ Dương; phía Tây giáp với Ấn Độ Dương; phía Đông giáp với Papua New Ghinea, Timor-Leste và Thái Bình Dương.

- Diện tích: Phần đất liền rộng 1,9 triệu km2 (thứ 15 thế giới).

- Dân số: 273,8 triệu ng­ười (thứ 4­ thế giới – số liệu năm 2023), với 1.340 dân tộc, trong đó dân tộc Java là dân tộc lớn nhất, chiếm 41% dân số.

- Tôn giáo: Đạo Hồi 87,2% (không phải là quốc đạo); đạo Tin lành 6,9%; đạo Thiên chúa 2,9%; đạo Hindu 1,7%; Phật Giáo 0,7%, Nho Giáo (0,05%).

- Ngôn ngữ: tiếng Indonesia. Ngoài ra còn có hơn 700 ngôn ngữ, thổ ngữ.

- Tiền tệ: Rupiah (IDR) (1 USD tương đương khoảng 15.000 IDR).

- GDP: 1.289 tỷ USD (2022); GDP bình quân đầu người: 4.691 USD (2022).

- Lịch sử: Thời kỳ Trung cổ, gồm nhiều vương quốc hùng mạnh cùng tồn tại. từ cuối thế kỷ XVI, thực dân Hà Lan xâm chiếm và cai trị. Năm 1811, Anh cũng tìm cách xâm chiếm Indonesia. Năm 1824, Anh và Hà Lan thoả thuận việc phân chia vùng đất ở Đông Nam Á, để Hà Lan chiếm Indonesia. Trong Chiến tranh thế giới thứ II, Nhật Bản chiếm đóng quần đảo này. Ngày 17/8/1945, Indonesia tuyên bố độc lập nhưng sau đó đã phải tiến hành cuộc chiến tranh gần 4 năm để chống âm mưu quay trở lại thống trị của thực dân Hà Lan.

- Thể chế chính trị: Chế độ Cộng hòa, Tổng thống là Nguyên thủ quốc gia.

II. TÌNH HÌNH INDONESIA

1. Chính trị nội bộ:

Tình hình chính trị nội bộ, an ninh của Indonesia cơ bản ổn định. Liên minh cầm quyền do đảng Dân chủ Indonesia Đấu tranh (PDI-P) dẫn đầu được củng cố, hiện chiếm 82% số ghế trong Hạ viện. Chính phủ của Tổng thống Joko Widodo đạt uy tín cao, được đánh giá hoạt động hiệu quả trong việc duy trì đà tăng trưởng kinh tế và khả năng cạnh tranh quốc tế, cơ bản đảm bảo được phúc lợi cho người dân, cân bằng phát triển vùng miền tốt hơn, có nhiều bước tiến trong tăng cường tiềm lực quốc phòng, tăng cường tinh thần đại đoàn kết dân tộc.

Tổng tuyển cử năm 2024 dự kiến diễn ra vào ngày 14/02/2024 với 18 đảng phái chính trị và 3 cặp liên danh Tổng thống – Phó Tổng thống tranh cử trong cuộc bầu cử Tổng thống sắp tới gồm: (i) Ông Prabowo Subianto, Bộ trưởng Quốc phòng, Chủ tịch đảng Gerindar, liên danh với ông Gibran Rakabuming Raka, thị trưởng Surakarta (con trai cả của Tổng thống Jokowi); (ii) Ông Ganjar Pranowo, cựu Thống đống tỉnh Trung Java (ứng viên Tổng thống của đảng cầm quyền Dân chủ đấu tranh Indonesia – PDIP), liên danh với ông Mahfud MD, Bộ trưởng điều phối chính trị, pháp lý và an ninh; (iii) Ông Anies Baswedan, cựu Thống đốc Jakarta, liên danh với ông Muhaimin Iskandar, Chủ tịch đảng Thức tỉnh dân tộc (PKB). Tổng thống Joko Widodo vẫn giữ cương vị Tổng thống cho tới khi Tổng thống mới tuyên thệ, dự kiến vào tháng 10/2024. Về an ninh-quốc phòng: Nguy cơ khủng bố luôn hiện hữu tại Indonesia do tư tưởng cực đoan ngày càng có xu hướng phức tạp. Indonesia rất chú trọng chủ quyền lãnh hải và cứng rắn trên thực địa, đặc biệt ở khu vực Natuna chồng lấn với yêu sách đường 9 đoạn của Trung Quốc.

2. Về kinh tế: Năm 2022, tăng trưởng GDP đạt 5,31% (cao nhất trong 9 năm qua, nhỉnh hơn dự đoán 5,2-5,3% và tăng vọt so với mức 3,69% của năm 2021). Trong bối cảnh kinh tế thế giới nhiều khó khăn, thách thức do lạm phát, giá năng lượng tăng, GDP vẫn tăng ổn định trong quý 1/2023 đạt 5,03% (nhỉnh hơn so với dự báo 5,01%) và quý 2/2023 đạt 5,17%, quý 3/2023 đạt 4,94%. Đầu tư là điểm sáng trong cơ cấu GDP của Indonesia trong quý 3/2023, ghi nhận mức tăng trưởng 5,77% so với mức 4,63% của quý trước. Chính phủ Indonesia đặt mục tiêu tăng trưởng năm 2023 trong khoảng 4,5% - 5,3%.

Để phát triển đất nước, Tổng thống Joko Widodo nhấn mạnh ưu tiên triển khai năm định hướng lớn gồm: (i) tiếp tục triển khai quá trình hạ nguồn và công nghiệp hoá tài nguyên thiên nhiên; (ii) tối ưu hoá năng lượng xanh và tập trung cải thiện kinh tế xanh; (iii) tiếp tục tăng cường sự bảo vệ về pháp lý, xã hội, chính trị và kinh tế của cộng đồng; (iv) tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa phát triển; (v) xây dựng Thủ đô Nusantara (IKN).

3. Đối ngoại: Indonesia là thành viên G20 và có vai trò, tiếng nói quan trọng tại nhiều tổ chức khu vực và quốc tế, trong đó có ASEAN, Phong trào Không liên kết. Indonesia nhất quán thực hiện phương châm đối ngoại độc lập và tích cực, kiên quyết không thỏa hiệp trong các vấn đề liên quan đến chủ quyền lãnh thổ.

Ngày 11/01/2023, Ngoại trưởng Retno Marsudi thông báo Nhiệm vụ đối ngoại của Indonesia trong năm 2023 là tập trung cao độ đảm nhiệm năm Chủ tịch ASEAN 2023, và 04 định hướng khác là: tăng cường ngoại giao chủ quyền, bảo hộ công dân, ngoại giao kinh tế; ngoại giao hoà bình và nhân đạo; đồng thời tiếp tục tăng cường quan hệ song phương với một số đối tác quan trọng như Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản. Indonesia đã được bầu là thành viên HĐNQ LHQ nhiệm kỳ 2024-2026.

III. QUAN HỆ VỚI VIỆT NAM

1. Quan hệ chính trị: Hai nước thiết lập quan hệ từ năm 1955 và thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược năm 2013. Hai bên duy trì tiếp xúc thường xuyên, linh hoạt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trong năm 2021. Năm 2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng điện đàm với Tổng thống Joko Widodo (8/2022); Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm cấp Nhà nước tới Indonesia (12/2022); Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Tổng thống Indonesia bên lề HNCC ASEAN – Mỹ (5/2022) và HNCC ASEAN 41 (11/2022); Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh gặp BTNG Indonesia bên lề Đại hội đồng LHQ 77 (9/2022); Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn thăm chính thức Indonesia và đồng chủ trì kỳ họp lần thứ 4 Ủy ban Hợp tác song phương (7/2022). Hai BNG cũng duy trì cơ chế đối thoại chính sách thường niên lần thứ 9 cấp Vụ Chính sách Đối ngoại (08/2021). Lãnh đạo hai bên cũng thường xuyên gửi điện thăm hỏi khi thiên tai, thảm họa. Năm 2023, các hoạt động tiếp xúc cấp cao tiếp tục được duy trì: Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng gặp Tổng thống Joko Widodo dịp Diễn đàn BRI (10/2023); Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gặp Tổng thống Joko Widodo dịp HNCC ASEAN 42 (09/5) và HNCC ASEAN 43 (04/9), HN ASEAN-GCC (20/10), HN COP28 (01/12), HN ASEAN-Nhật Bản (15-18/12); Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thăm chính thức Indonesia và dự AIPA-44 (04-08/8). Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang tiếp xúc Bộ trưởng Ngoại giao Retno Marsudi bên lề Phiên họp 52 HĐNQ LHQ (Thụy Sĩ, 28/02). Tổng thống Joko Widodo gửi thư chúc mừng Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng (18/4).

Hai nước đã ký nhiều hiệp định và thoả thuận hợp tác trong các lĩnh vực, trong đó có Chương trình Hành động triển khai quan hệ Đối tác Chiến lược giai đoạn 2019 - 2023 (9/2018). Các địa phương hai nước cũng đang tích cực tăng cường quan hệ hợp tác, hiện có 04 cặp tỉnh/thành phố kết nghĩa (Jakarta - Hà Nội, Bà Rịa - Vũng Tàu - Padang, Huế - Yogyakarta, Sóc Trăng – Lampung).

2. Hợp tác kinh tế-thương mại-đầu tư:

Về thương mại, Indonesia hiện là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam trong ASEAN, còn Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Indonesia trong ASEAN. Kim ngạch hai nước cơ bản giữ được đà tăng dù năm 2020 và 2021 bị ảnh hưởng lớn bởi đại dịch Covid-19. Kim ngạch thương mại năm 2020 đạt 8,2 tỷ USD; năm 2021 đạt 11,5 tỷ USD, lần đầu tiên vượt mục tiêu kim ngạch 10 tỷ USD/năm như cam kết của Lãnh đạo Cấp cao hai nước; năm 2022 kim ngạch đạt 14,1 tỷ USD tăng 22,6% so với 2021 (trong đó ta xuất 4,53 tỷ USD, nhập 9,64 tỷ USD). Tính đến hết tháng 11/2023, kim ngạch thương mại song phương đạt khoảng 12,6 tỷ USD (xuất khẩu 4,7 tỷ USD; nhập khẩu 7,9 tỷ USD). Hai nước đặt mục tiêu đạt kim ngạch 15 tỷ USD theo hướng cân bằng hơn. Ủy ban hỗn hợp về hợp tác kinh tế, khoa học, kỹ thuật do Bộ trưởng Công Thương ta và Bộ trưởng Thương mại Indonesia đồng chủ trì đã họp 7 kỳ (lần gần nhất tháng 8/2017 tại Hà Nội). Về đầu tư­, tính đến tháng 9/2023, Indonesia có 119 dự án trị giá hơn 646 triệu USD, tập trung vào các lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ lưu trú và ăn uống. Việt Nam có 17 dự án đầu tư tại Indonesia với tổng vốn đăng ký là 59 triệu USD tập trung trong các lĩnh vực thương mại, công nghệ thông tin, nông nghiệp, công nghiệp.

3. Hợp tác an ninh quốc phòng: Indonesia là một trong những nước khu vực có quan hệ sớm nhất về an ninh - quốc phòng với ta, thiết lập phòng Tùy viên quân sự từ năm 1964. Hai nước thường xuyên trao đổi đoàn quốc phòng – an ninh và ký một số văn bản thỏa thuận hợp tác quốc phòng song phương, tích cực tham gia các hoạt động trong khuôn khổ ASEAN. Năm 2021, trong bối cảnh đại dịch, hai bên đã tổ chức một số hoạt động trực tuyến: Đối thoại chính sách cấp thứ trưởng lần thứ 2 (10/2021), Đối thoại Hải quân (tháng 12/2021), Cảnh sát biển hai nước ký MOU về hợp tác an ninh, an toàn hàng hải (28/12/2021). Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia thăm chính thức Việt Nam từ 12 – 14/5/2022. Trong năm 2022, hai bên đã ký 2 Bản Ghi nhớ (MOU) về hợp tác phòng chống khủng bố và đấu tranh chống tội phạm buôn ma túy nhân dịp chuyến thăm cấp Nhà nước tới Indonesia của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc (12/2022).

4. Hợp tác trong các lĩnh vực khác: Hàng năm, Indonesia cung cấp cho Việt Nam một số học bổng ngắn hạn, trung hạn và dài hạn trên các lĩnh vực giáo dục, văn hóa, ngôn ngữ... Hai nước đã ký một số MOU nông nghiệp, nghề cá và vấn đề biển, năng lượng (MOU về Hợp tác Nghề cá và các vấn đề Biển (10/2010), MOU về Hợp tác Nông nghiệp, Tài chính, Năng lượng (2013); MOU về Giáo dục (2017); Tư pháp và Pháp luật; hợp tác cung cấp than; Phát triển nông thôn; cung cấp khí gas khu vực xuyên biên giới (8/2017); Thông cáo chung về tự nguyện tham gia hợp tác quốc tế về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) và thúc đẩy quản lý nghề cá bền vững (9/2018); MOU về hợp tác năng lượng, tài nguyên khoáng sản (12/2022). Hai nước đã có đường bay thẳng kết nối Hà Nội/TP. Hồ Chí Minh với Jakarta/Bali do Vietjet Air và Vietnam Airlines vận hành, khai thác.

Năm 2022, Việt Nam đón khoảng 36.000 khách du lịch Indonesia, tăng 15.000 lượt so với 2021 (2019 là 106.000 lượt). Tính đến hết tháng 10/2023, có hơn 81.000 khách du lịch Indonesia đến Việt Nam.

5. Cộng đồng người Việt tại Indonesia: Cộng đồng người Việt Nam tại Indonesia tương đối ít, hiện có khoảng hơn 400 người, chủ yếu là người định cư, kinh doanh lâu dài và cán bộ của các cơ quan Việt Nam. Đa số bà con ý thức cao tinh thần dân tộc, nhiệt tình tham gia các hoạt động do ĐSQ tổ chức.

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn

Vân Anh

vietinbank
thaco