Điểm tin ngân hàng ngày 26/4: BIDV công bố kế hoạch tăng vốn gần 22.000 tỉ đồng

09:20 | 26/04/2025

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Tín dụng xanh chiếm 4,6% tổng dư nợ toàn nền kinh tế; MB báo lãi quý I/2025 gần 8.400 tỷ đồng, tạm dẫn đầu ngành ngân hàng;Ngân hàng Nhà nước đảm bảo đủ ngoại tệ hợp pháp cho doanh nghiệp xuất khẩu; Tỷ giá USD, thị trường trong nước và quốc tế biến động nhẹ…là những tin tức tài chính và ngân hàng nổi bật

BIDV công bố kế hoạch tăng vốn gần 22.000 tỉ đồng

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) vừa công bố tài liệu phục vụ Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025, dự kiến diễn ra vào ngày 26/4. Tại đại hội, BIDV sẽ trình kế hoạch tăng vốn điều lệ thêm 21.656 tỉ đồng, nâng tổng vốn lên gần 91.870 tỉ đồng, tương đương mức tăng 30,8%.

Điểm tin ngân hàng ngày 26/4: BIDV công bố kế hoạch tăng vốn gần 22.000 tỉ đồng
BIDV sẽ trình ĐHĐCĐ kế hoạch tăng vốn điều lệ thêm 21.656 tỉ đồng

Việc tăng vốn sẽ được thực hiện theo ba phương án: phát hành hơn 498 triệu cổ phiếu từ quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ; phát hành gần 1,4 tỉ cổ phiếu để trả cổ tức từ lợi nhuận lũy kế năm 2023; và chào bán riêng lẻ hoặc ra công chúng tối đa 269,8 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư trong và ngoài nước. Thời gian thực hiện là trong giai đoạn 2025–2026, sau khi được cơ quan quản lý chấp thuận.

Trước đó, ngày 22/1/2025, BIDV đã nhận được văn bản chính thức từ Ngân hàng Nhà nước về việc phân phối lợi nhuận năm 2023. Theo đó, ngân hàng sẽ chia cổ tức cho cổ đông bằng cổ phiếu trong năm 2025.

Ngoài kế hoạch tăng vốn, BIDV đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2025 ở mức 16%, lợi nhuận trước thuế hợp nhất ước đạt 33.000–35.000 tỉ đồng, tăng 6–10% so với năm 2024. Ngân hàng cũng duy trì kiểm soát nợ xấu dưới 1,4% và điều hành huy động vốn phù hợp với nhu cầu sử dụng vốn.

Tại đại hội, BIDV sẽ bầu bổ sung thành viên Hội đồng quản trị, Ban Kiểm soát nhiệm kỳ 2022–2027 và thông qua các nội dung quan trọng khác như kế hoạch ngân sách, phân bổ quỹ thưởng và niêm yết trái phiếu.

Tín dụng xanh chiếm 4,6% tổng dư nợ toàn nền kinh tế

Tại Hội thảo “Khơi thông dòng vốn tín dụng xanh”, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú nhấn mạnh: tín dụng xanh và thực thi ESG là xu hướng tất yếu, đóng vai trò quan trọng trong phát triển bền vững và tăng trưởng xanh quốc gia.

Ông Tú cho biết, Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển tín dụng xanh, nhờ hành lang pháp lý rõ ràng từ Luật Bảo vệ môi trường 2020, Chiến lược tăng trưởng xanh, cùng với các nghị quyết của Chính phủ thúc đẩy chuyển đổi xanh và số. Trên cơ sở đó, ngành ngân hàng đã chủ động vào cuộc, triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm mở rộng tín dụng xanh.

Đến nay, đã có 50 tổ chức tín dụng tham gia cho vay tín dụng xanh, so với 15 đơn vị năm 2017. Tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng xanh giai đoạn 2017-2024 đạt trung bình hơn 22%/năm, cao hơn mặt bằng chung toàn hệ thống. Tính đến hết năm 2024, dư nợ tín dụng xanh đạt gần 680.000 tỉ đồng, tăng 9,5% so với cuối năm 2023, chủ yếu tập trung vào năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (chiếm 41%) và nông nghiệp xanh (trên 29%).

Tuy nhiên, theo ông Tú, tín dụng xanh hiện mới chiếm khoảng 4,6% tổng dư nợ toàn nền kinh tế, cho thấy dư địa còn rất lớn. Ngành ngân hàng cần tiếp tục tăng tốc, đổi mới phương thức tiếp cận vốn và hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi mô hình sản xuất theo hướng xanh, bền vững.

MB báo lãi quý I/2025 gần 8.400 tỷ đồng, tạm dẫn đầu ngành ngân hàng

Ngân hàng TMCP Quân đội (MB - mã MBB) vừa công bố kết quả kinh doanh hợp nhất quý I/2025 với lợi nhuận trước thuế đạt 8.386 tỷ đồng, tăng mạnh 45% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức lợi nhuận theo quý cao nhất trong lịch sử hoạt động của MB, đồng thời tạm thời đưa ngân hàng này dẫn đầu hệ thống ngân hàng về lợi nhuận quý I, trong bối cảnh Vietcombank chưa công bố kết quả.

Điểm tin ngân hàng ngày 26/4: BIDV công bố kế hoạch tăng vốn gần 22.000 tỉ đồng
MB báo lãi quý I/2025 gần 8.400 tỷ đồng

Tổng tài sản hợp nhất của MB tính đến cuối quý I đạt hơn 1,15 triệu tỷ đồng, tăng 2,5% so với cuối năm 2024. Tổng thu nhập hoạt động hợp nhất đạt hơn 15.300 tỷ đồng, tăng 27,5%, trong khi doanh thu thuần sau trích lập rủi ro đạt hơn 12.300 tỷ đồng, tăng 32,5%. Các chỉ số sinh lời cũng ấn tượng với ROA đạt 2,34% và ROE đạt 22,18%.

Trước đó, nhiều ngân hàng lớn đã công bố kết quả kinh doanh quý I/2025. Techcombank đạt 7.236 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế (giảm 7%), VietinBank đạt 6.582 tỷ đồng, HDBank ghi nhận 5.355 tỷ đồng (tăng 33%), vượt qua ACB và VPBank để trở thành ngân hàng tư nhân lãi cao thứ hai hệ thống. Trong khi đó, VPBank báo lãi 5.015 tỷ đồng (tăng 20%), ACB giảm còn 4.600 tỷ đồng (giảm 6%).

Toàn ngành ghi nhận kết quả tích cực với 13/18 ngân hàng báo lãi tăng trưởng dương. Một số nhà băng có mức tăng mạnh gồm SeABank, ABBank, VietABank và Nam A Bank. Tuy nhiên, cũng có ngân hàng ghi nhận sụt giảm như Techcombank, ACB, PGBank, VIB và OCB.

Ngân hàng Nhà nước đảm bảo đủ ngoại tệ hợp pháp cho doanh nghiệp xuất khẩu

Tại Hội nghị Đối thoại Doanh nghiệp - Chính quyền TP.HCM ngày 25/4, Ngân hàng Nhà nước tái khẳng định cam kết giữ ổn định tỷ giá và đảm bảo nguồn ngoại tệ hợp pháp cho doanh nghiệp, bất chấp những biến động từ tình hình kinh tế toàn cầu và căng thẳng thương mại.

Trước lo ngại từ nhiều doanh nghiệp xuất khẩu về áp lực tỷ giá gia tăng và ảnh hưởng của chính sách thuế mới từ Mỹ, ông Nguyễn Đức Lệnh – Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Khu vực 2 – cho biết cơ quan này sẽ tiếp tục điều hành tỷ giá linh hoạt, nhưng ổn định, phù hợp với mục tiêu kiểm soát lạm phát và hỗ trợ tăng trưởng. Đồng thời, hệ thống ngân hàng sẽ đảm bảo cung ứng đủ vốn, với lãi suất thấp, cho các doanh nghiệp hoạt động trong 5 lĩnh vực ưu tiên, với lãi suất vay ngắn hạn tối đa 4%/năm.

Lãnh đạo ngành ngân hàng cũng khuyến nghị doanh nghiệp cần chủ động phòng ngừa rủi ro tỷ giá bằng các công cụ tài chính như hợp đồng kỳ hạn, hoán đổi tiền tệ... nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực từ thị trường ngoại hối.

Ông Bill Nguyễn – Giám đốc Kinh doanh Công ty TNHH Cainver – đại diện doanh nghiệp xuất khẩu gỗ, bày tỏ mong muốn Ngân hàng Nhà nước có thêm chính sách ổn định tỷ giá và hỗ trợ doanh nghiệp trước nguy cơ mất thị trường do thuế quan mới từ Mỹ.

Ngành ngân hàng cam kết tiếp tục tháo gỡ các khó khăn về tín dụng, thủ tục hành chính và ghi nhận các kiến nghị doanh nghiệp để có giải pháp đồng hành hiệu quả trong bối cảnh nhiều thách thức.

Tỷ giá USD, thị trường trong nước và quốc tế biến động nhẹ

Sáng 26/4, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm ở mức 24.948 VND/USD, tăng 20 đồng so với hôm qua. Trên thị trường quốc tế, chỉ số US Dollar Index (DXY) – thước đo sức mạnh đồng bạc xanh so với 6 đồng tiền chủ chốt – đứng ở mức 99,29 điểm, gần như không đổi so với phiên trước đó.

Điểm tin ngân hàng ngày 26/4: BIDV công bố kế hoạch tăng vốn gần 22.000 tỉ đồng
Ảnh minh họa

Tại thị trường trong nước, tỷ giá tại các ngân hàng thương mại ghi nhận xu hướng tăng. Vietcombank niêm yết giá mua - bán USD ở mức 25.805 - 26.195 VND/USD, tăng 21 đồng ở cả hai chiều. Trong khi đó, tại Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước, giá mua - bán USD được điều chỉnh lên 23.751 - 26.145 VND/USD.

Trên thị trường tự do, đồng USD giao dịch ở mức 26.390 VND ở chiều mua vào và 26.510 VND ở chiều bán ra, lần lượt giảm 3 đồng và tăng 17 đồng so với ngày 25/4.

Tỷ giá các đồng tiền khác tại Sở Giao dịch NHNN cũng điều chỉnh tăng. Cụ thể, tỷ giá EUR mua - bán ở mức 26.888 - 29.719 VND, còn tỷ giá Yên Nhật là 166 - 183 VND/JPY.

Ở thị trường quốc tế, đồng USD có xu hướng tăng nhẹ trong ngày so với nhiều đồng tiền lớn. Cụ thể, USD tăng 0,82% so với Yên Nhật, lên mức 143,775; tăng 0,42% so với Franc Thụy Sĩ lên 0,82985. Trong khi đó, Euro giảm 0,24% xuống còn 1,1363 USD và Bảng Anh giảm 0,12% xuống 1,332 USD, bất chấp số liệu bán lẻ khả quan tại Anh.

Diễn biến thị trường hiện chịu tác động từ những tín hiệu trái chiều liên quan đến quan hệ thương mại Mỹ - Trung, khiến nhà đầu tư vẫn thận trọng trong các giao dịch ngoại hối.

Huy Tùng (T/h)