Điểm tin ngân hàng ngày 28/4: Tỷ lệ nợ xấu của Saigonbank cuối quý 1/2025 vượt 3%

07:08 | 28/04/2025

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
LPBank đặt mục tiêu lợi nhuận gần 15.000 tỷ đồng, chia cổ tức tiền mặt 25%; Hai ngân hàng VietABank và Kienlongbank chuẩn bị niêm yết cổ phiếu; Sacombank đẩy mạnh xử lý nợ xấu liên quan đến ông Trầm Bê; Tỷ giá USD “Chợ đen” ổn định, DXY dao động quanh ngưỡng 99,5 điểm…là những tin tức tài chính, ngân hàng nổi bật

Tỷ lệ nợ xấu của Saigonbank cuối quý 1/2025 vượt 3%

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2025, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (Saigonbank - mã SGB) ghi nhận lợi nhuận trước thuế hơn 98 tỷ đồng, tăng 44% so với cùng kỳ, dù chi phí dự phòng rủi ro tín dụng gấp gần 10 lần. Đáng chú ý, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng tăng mạnh, vượt mốc 3%, đạt 3,28% vào cuối quý 1.

Điểm tin ngân hàng ngày 28/4: Tỷ lệ nợ xấu của Saigonbank cuối quý 1/2025 vượt 3%
Tỷ lệ nợ xấu của Saigonbank cuối quý 1 vượt 3%

Trong kỳ, hầu hết các mảng kinh doanh của Saigonbank đều tăng trưởng khả quan. Thu nhập lãi thuần đạt gần 218 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ; lãi từ dịch vụ và kinh doanh ngoại hối cũng lần lượt tăng 21% và 12%. Đặc biệt, hoạt động khác mang về hơn 109 tỷ đồng, gấp 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu nhờ thu hồi nợ xấu đã sử dụng dự phòng.

Chi phí hoạt động tăng 18% lên hơn 176 tỷ đồng do chi phí nhân sự và đầu tư cơ sở vật chất tăng. Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh đạt hơn 164 tỷ đồng, gấp 2,2 lần so với cùng kỳ. Ngân hàng trích lập hơn 66 tỷ đồng dự phòng rủi ro, chủ yếu cho trái phiếu đặc biệt tại VAMC.

Sau quý đầu năm, Saigonbank đã hoàn thành khoảng 33% kế hoạch lợi nhuận trước thuế 300 tỷ đồng cho cả năm 2025.

Về tài sản, tổng tài sản Saigonbank tăng nhẹ 1% lên hơn 33.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, tín dụng giảm 4%, còn khoảng 20.900 tỷ đồng, trong khi tiền gửi khách hàng tăng 1% lên 24.539 tỷ đồng.

Chất lượng tín dụng có dấu hiệu xấu đi khi tổng nợ xấu tăng 18% lên gần 685 tỷ đồng, đẩy tỷ lệ nợ xấu từ 2,66% đầu năm lên 3,28%.

LPBank đặt mục tiêu lợi nhuận gần 15.000 tỷ đồng, chia cổ tức tiền mặt 25%

Sáng 27/4/2025, Ngân hàng TMCP Lộc Phát (LPBank – mã LPB) tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên tại Ninh Bình với sự tham dự của 187 cổ đông, đại diện cho hơn 92,86% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.

Báo cáo tại Đại hội, LPBank cho biết năm 2024, ngân hàng đạt lợi nhuận trước thuế 12.168 tỷ đồng, ROA đạt 2,18% và ROE đạt 25,1%, vượt trội so với mặt bằng chung ngành ngân hàng. Tổng tài sản tính đến cuối năm 2024 đạt hơn 508.300 tỷ đồng, tăng 32,8% so với năm trước. Cho vay khách hàng tăng 20,4%, trong khi tiền gửi khách hàng tăng 19,3%.

Bước sang năm 2025, LPBank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 14.868 tỷ đồng, tăng trưởng 22,2% so với năm trước, khởi đầu cho chiến lược phát triển giai đoạn 2025–2028 với mục tiêu trở thành ngân hàng bán lẻ hàng đầu tại khu vực nông thôn và đô thị loại 2, đồng thời lọt Top 5 ngân hàng cung cấp dịch vụ ưu tiên tại các đô thị lớn.

Một nội dung nổi bật tại Đại hội là kế hoạch chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 25%, tương ứng hơn 7.468 tỷ đồng. Đây là mức chia cổ tức bằng tiền mặt cao hàng đầu thị trường, cho thấy cam kết của LPBank trong việc tối đa hóa lợi ích cổ đông.

Ngoài ra, Đại hội cũng thông qua việc thành lập Công ty TNHH MTV Quản lý nợ và Khai thác tài sản LPBank (LPBank AMC). Đây là bước đi chiến lược giúp ngân hàng chủ động xử lý nợ xấu, đồng thời mở rộng hoạt động đầu tư tài chính, nâng cao năng lực cạnh tranh và tăng trưởng bền vững trong những năm tới.

Hai ngân hàng VietABank và Kienlongbank chuẩn bị niêm yết cổ phiếu

Hai ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank, mã VAB) và TMCP Kiên Long (Kienlongbank, mã KLB) vừa thông qua kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) trong năm 2025. Hiện cổ phiếu của cả hai ngân hàng đang giao dịch trên thị trường UPCoM.

Điểm tin ngân hàng ngày 28/4: Tỷ lệ nợ xấu của Saigonbank cuối quý 1/2025 vượt 3%
Kienlongbank chuẩn bị niêm yết cổ phiếu

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2025 diễn ra ngày 26/4, cổ đông VietABank đã thống nhất niêm yết toàn bộ số cổ phiếu đang lưu hành tại HOSE. Tổng Giám đốc Nguyễn Văn Trọng cho biết ngân hàng đã nộp hồ sơ và được HOSE tiếp nhận, dự kiến trong vòng hai tháng tới sẽ hoàn tất việc chuyển sàn, hướng tới chính thức giao dịch trên HOSE trong quý III/2025. Chủ tịch VietABank Phương Thành Long kỳ vọng việc niêm yết sẽ giúp cổ phiếu ngân hàng trở nên sôi động hơn, đồng thời nâng cao khả năng tiếp cận nhà đầu tư và giá trị thương hiệu.

Tương tự, Kienlongbank cũng được cổ đông thông qua kế hoạch niêm yết trong năm nay. Chủ tịch Trần Ngọc Minh nhấn mạnh, việc đưa cổ phiếu lên sàn là bước đi cần thiết nhằm tăng tính minh bạch, nâng cao năng lực cạnh tranh và khẳng định vai trò là công ty đại chúng quy mô lớn. Ngân hàng đặt mục tiêu hoàn tất thủ tục niêm yết trong quý IV/2025.

Việc niêm yết cổ phiếu của VietABank và Kienlongbank nhằm thực hiện đúng lộ trình của Đề án tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021–2025. Hiện còn 5 ngân hàng đang giao dịch trên UPCoM mà chưa niêm yết gồm: Saigonbank, VietBank, PGBank, BVBank và ABBank.

Sacombank đẩy mạnh xử lý nợ xấu liên quan đến ông Trầm Bê

Mới đây, tại Đại hội cổ đông thường niên 2025, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank - mã STB) đã cập nhật tình hình xử lý nợ xấu, đặc biệt liên quan đến khoản nợ của ông Trầm Bê và người có liên quan. Tổng giám đốc Nguyễn Đức Thạch Diễm cho biết, năm 2024, Sacombank đạt lợi nhuận trước thuế 12.720 tỷ đồng, tăng 33% so với năm trước, tỷ lệ nợ xấu nội bảng duy trì ở mức 2,08%.

Trong năm qua, Sacombank thu hồi gần 10.000 tỷ đồng nợ xấu, nâng lũy kế thu hồi lên gần 104.000 tỷ đồng, giảm quy mô nợ tái cơ cấu còn 2,4% tổng tài sản. Riêng khoản nợ tại Khu công nghiệp Phong Phú đã được bán đấu giá thành công với giá 7.934 tỷ đồng, cao hơn nghĩa vụ nợ, và dự kiến thu hồi đầy đủ trong năm 2025.

Đối với khoản nợ đảm bảo bằng cổ phiếu STB của ông Trầm Bê, Sacombank đã trích lập dự phòng 100% và thoái toàn bộ lãi dự thu. Ngân hàng đã trình Ngân hàng Nhà nước phương án xử lý, bao gồm việc mua lại khoản nợ đã bán cho VAMC và đấu giá lại tài sản. Đến cuối năm 2024, Sacombank đã thu hồi được hơn 25.600 tỷ đồng nợ gốc và lãi từ nhóm nợ này, còn lại khoảng 12.037 tỷ đồng.

Hiện Sacombank còn một nhiệm vụ cuối cùng trong đề án tái cơ cấu là xử lý triệt để khoản nợ của ông Trầm Bê. Tổng giá trị cổ phiếu STB đang thế chấp là gần 605 triệu cổ phiếu. Ngân hàng cam kết sẽ tổ chức đấu giá công khai, minh bạch theo đúng quy định pháp luật.

Tỷ giá USD “Chợ đen” ổn định, DXY dao động quanh ngưỡng 99,5 điểm

Sáng ngày 28/4, tỷ giá trung tâm VND/USD được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố ở mức 24.963 VND/USD. Trên thị trường Mỹ, chỉ số US Dollar Index (DXY) đo lường sức mạnh đồng USD so với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) duy trì ở mức 99,59 điểm, tiếp tục nỗ lực vượt qua ngưỡng 100 trong tuần thứ hai liên tiếp.

Điểm tin ngân hàng ngày 28/4: Tỷ lệ nợ xấu của Saigonbank cuối quý 1/2025 vượt 3%
Ảnh minh họa

Tại Sở giao dịch NHNN, tỷ giá tham khảo mua vào - bán ra cũng có sự điều chỉnh tăng, ở mức 23.765 VND/USD – 26.161 VND/USD. Tỷ giá EUR được niêm yết tại Sở giao dịch NHNN ở mức mua vào – bán ra từ 26.952 VND – 29.789 VND, trong khi tỷ giá Yên Nhật mua vào – bán ra là 165 VND – 182 VND.

Tại thị trường "chợ đen", tỷ giá USD không có sự biến động lớn so với phiên giao dịch ngày 27/4, giao dịch trong khoảng 26.390 - 26.490 VND/USD, duy trì ổn định.

Về diễn biến thị trường quốc tế, chỉ số DXY tiếp tục dao động trong vùng 99 - 100 điểm, với ngưỡng 100 điểm đang là một mức kháng cự mạnh. Nếu DXY không thể vượt qua mốc 100, dự báo chỉ số này có thể giảm xuống ngưỡng hỗ trợ 96 trong dài hạn. Đồng EUR, sau khi giảm mạnh từ mức 1,1573 USD, hiện đang dao động trong vùng hỗ trợ 1,117 - 1,115 USD. Nếu không giảm sâu hơn, EUR có thể hồi phục và hướng tới mức 1,15 - 1,16 USD, duy trì xu hướng tăng trong tương lai.

Với những biến động trên, thị trường ngoại hối hiện vẫn đang chờ đợi những tín hiệu mạnh mẽ để xác định xu hướng tiếp theo.

Huy Tùng (T/h)