Thông tin cơ bản về đất nước Lào và quan hệ với Việt Nam

08:35 | 04/01/2024

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Nằm trên bán đảo Đông Dương, khu vực Đông Nam Á, Lào có đường biên giới giáp 5 nước và không giáp biển; phía bắc giáp Trung Quốc, phía tây bắc giáp Myanmar, phía tây nam giáp Thái Lan, phía nam giáp Campuchia và phía đông giáp Việt Nam.
Thông tin cơ bản về đất nước Lào và quan hệ với Việt Nam
Quốc kỳ Lào, https://kinhtexaydung.petrotimes.vn

I. THÔNG TIN CƠ BẢN

1. Tên nư­ớc: Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào (Lao People’s Democratic Republic).

2. Thủ đô: Viêng-chăn (Vientiane). Các thành phố: Cay-sỏn Phôm-vi-hản (tỉnh Sa-vẳn-na-khệt); Pạc-xê (tỉnh Chăm-pa-sắc); Luổng-pha-bang (tỉnh Luổng-pha-bang).

3. Vị trí địa lý: Phía Bắc giáp Trung Quốc (416 km); Tây Bắc giáp Mi-an-ma (230 km); Tây Nam giáp Thái Lan (1.730 km); Nam giáp Cam-pu-chia (492 km) và phía Đông giáp Việt Nam (2.337,507 km).

4. Diện tích: 236.800 km2. Lào nằm sâu trong lục địa, không có biển, diện tích chủ yếu là đồi núi. Khí hậu: Lục địa, chia làm hai mùa: mùa khô (từ tháng 11 đến tháng 4) và mùa mưa (từ tháng 5 đến tháng 10). Tài nguyên thiên nhiên: có nguồn tài nguyên dồi dào về nông lâm sản, khoáng sản (gỗ, thạch cao, thiếc, khí đốt, đất hiếm…), nhiều tiềm năng về nông nghiệp, thủy sản và thủy điện.

5. Thu nhập bình quân đầu người: khoảng 1.841 USD (2022); Đơn vị tiền tệ: Kíp (LAK). Tỉ giá: 18.000-20.000 LAK/1USD; Dân số: ~ 7.4 triệu người; Dân tộc: Lào có 49 dân tộc; Tôn giáo: Đạo Phật (65%), Vật linh, Thiên chúa giáo; Ngôn ngữ chính: Tiếng Lào (chính thức), tiếng Thái Lan, Anh, Pháp.

6. Ngày Quốc khánh: 02/12/1975; Đảng chính trị: Đảng Nhân dân Cách mạng Lào (LPRP). Đại hội Đảng NDCM Lào gần nhất: lần thứ XI vào 01/2021.

7. Lãnh đạo chủ chốt nhiệm kỳ 2021-2026: hệ thống chính trị của Lào gần tương tự như của Việt Nam. Điểm khác biệt là tổ chức bộ máy theo mô hình kiêm nhiệm của cán bộ lãnh đạo quản lý chủ chốt, vừa lãnh đạo cơ quan của Đảng, vừa đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước.

- Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Thoong-lun Sỉ-su-lít;

- Phó Chủ tịch nước: (i) đ/c Bun-thoong Chít-mạ-ni; (ii) đ/c Pa-ny Ya-tho-tu (Nữ).

- Thủ tướng Chính phủ Sỏn-xay Sỉ-phăn-đon (từ 12/2022);

- Các Phó Thủ tướng Chính phủ: (i) Đ/c Chăn-sa-mỏn Chăn-nha-lạt (kiêm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng); (ii) Đ/c Ki-kẹo Khảy-khăm-phị-thun; (iii) Đ/c Vi-lay Lạ-khăm-phong (kiêm Bộ trưởng Bộ Công an); (iv) Đ/c Sạ-lởm-xay Côm-mạ-sít (kiêm Bộ trưởng Ngoại giao).

- Chủ tịch Quốc hội Xay-sổm-phon Phôm-vi-hản;

- Các Phó Chủ tịch Quốc hội: (i) Đ/c Sủn-thon Xay-nha-chắc (Nữ); (ii) Đ/c Chạ-lơn Dia-pao-hrơ; (iii) Đ/c Khăm-bay Đằm-lắt; (iv) Đ/c Sổm-mạt Phôn-sể-na; (v) Đ/c Thượng tướng Su-von Lương-bun-mi.

II. TÌNH HÌNH LÀO

1. Tình hình chính trị - an ninh:

- Sau một số thay đổi trong thành viên Chính phủ, tình hình chính trị Lào cơ bản ổn định, an ninh trật tự xã hội được bảo đảm. Chính phủ tích cực chỉ đạo triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm lần thứ IX (giai đoạn 2021-2025) gắn với 02 Chương trình nghị sự quốc gia về giải quyết khó khăn Kinh tế - Tài chính và Giải quyết vấn đề ma túy, hướng tới triển khai thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng NDCM Lào.

2. Về kinh tế, tình hình có chuyển biến tích cực. Với mục tiêu tăng trưởng GDP 4,5% trong năm 2023, Chính phủ đang nỗ lực thực hiện các biện pháp khắc phục khó khăn; phục hồi đà phát triển kinh tế; xử lý nợ công; quản lý lạm phát; đa dạng hóa nguồn lực ODA; tăng cường thu hút vốn nước ngoài.

3. Về đối ngoại, hiện nay Lào có quan hệ ngoại giao với 148 nước, hơn 130 Đảng Chính trị trên thế giới, quan hệ thương mại với 60 nước và vùng lãnh thổ với Cơ quan đại diện tại 27 quốc gia; 11 Tổng Lãnh sự quán ở nước ngoài; ba cơ quan đại diện thường trực tại New York, Geneva và ASEAN. Lào là thành viên chính thức của ASEAN (7/1997) và đã 02 lần giữ chức Chủ tịch ASEAN (2004 và 2016), hiện đang luân phiên giữ chức Chủ tịch ASEAN 2024 và AIPA 45.

- Chính sách đối ngoại: Lào kiên định đường lối đối ngoại độc lập, hòa bình, hữu nghị và hợp tác; chú trọng “ngoại giao phòng ngừa”; tăng cường quan hệ với các đối tác truyền thống, nước láng giềng; nỗ lực đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, cam kết với chủ nghĩa đa phương, tranh thủ tối đa sự giúp đỡ, viện trợ bên ngoài để bảo đảm môi trường hòa bình, phát triển đất nước. Trong đó, Lào coi

Việt Nam là đối tác đặc biệt, quan trọng nhất; tăng cường quan hệ “đối tác chung vận mệnh” với Trung Quốc; thúc đẩy hợp tác quốc phòng với Nga và phát triển cơ sở hạ tầng, xã hội với Nhật Bản; coi trọng quan hệ với các nước láng giềng; chủ động hơn trong hợp tác với ASEAN và tiểu vùng Mê Công.

III. QUAN HỆ VIỆT NAM - LÀO:

1. Quan hệ chính trị, ngoại giao, Quan hệ chính trị tiếp tục phát triển tốt đẹp, gắn bó, tin cậy; hai bên phối hợp tổ chức thành công Cuộc họp thường niên hai

Bộ Chính trị, Kỳ họp lần thứ 45 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Lào và Lễ Tổng kết “Năm Đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Lào 2022” (01/2023); tích cực triển khai Hiệp định về hợp tác song phương Việt Nam - Lào giai đoạn 2021-2025 và Chiến lược hợp tác Việt Nam - Lào giai đoạn 2021-2030; tích cực tổ chức các chuyến thăm của Lãnh đạo cấp cao và các cấp; tăng cường trao đổi lý luận, kinh nghiệm xây dựng Đảng, phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế.

2. Hợp tác an ninh - quốc phòng tiếp tục được tăng cường cả về chất và lượng. Hai bên tích cực triển khai các Nghị định thư, Kế hoạch hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng - an ninh; phối hợp tìm kiếm, quy tập liệt sỹ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh tại Lào trong thời kỳ chiến tranh; khánh thành Trường Văn hóa Dân tộc QĐND Lào, Trường Chính trị CAND Lào. Hai bên cũng tăng cường hợp tác đấu tranh chống các đối tượng và tổ chức phản động “diễn biến hòa bình”, phối hợp tốt trong giải quyết, đấu tranh phòng chống tội phạm xuyên biên giới, đặc biệt là tội phạm ma túy và buôn bán người.

3. Hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư tiếp tục có chuyển biến tích cực. Hai bên đã ký kết “Bản ghi nhớ về phát triển và kết nối hạ tầng thương mại biên giới Việt Nam - Lào”; phối hợp sửa đổi Hiệp định Thương mại Việt Nam - Lào, Hiệp định Thương mại biên giới Việt Nam - Lào nhằm tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp và người dân hai nước. Việt Nam hiện có 241 dự án đầu tư tại Lào với tổng vốn đăng ký 5,47 tỷ USD, tiếp tục duy trì vị trí thứ 3 trong số các quốc gia/vùng lãnh thổ (sau Trung Quốc, Thái Lan). Trong 11 tháng 2023, Việt Nam có 07 dự án cấp mới và 02 dự án điều chỉnh tăng vốn, tổng vốn đăng ký hơn 114 triệu USD (tăng 71,7% cùng kỳ). Sau 11 tháng 2023, kim ngạch thương mại song phương đạt 1,5 tỷ USD (giảm 2,1% cùng kỳ).

4. Hợp tác giáo dục đào tạo và văn hóa tiếp tục được quan tâm, tích cực thực hiện Đề án hợp tác giáo dục Việt Nam - Lào giai đoạn 2021-2030, Nghị định thư về hợp tác đào tạo Việt Nam - Lào giai đoạn 2022-2027; Kế hoạch hợp tác văn hóa - nghệ thuật và du lịch giai đoạn 2021-2025 và hỗ trợ Lào xây dựng Chiến lược phát triển thể thao Lào giai đoạn 2023-2030; bàn giao Trường dạy nghề Hữu nghị Việt Nam - Lào tại huyện Nỏng-bốc, tỉnh Khăm-muồn; khởi động dự án xây dựng Công viên Hữu nghị Việt - Lào tại thủ đô Viêng Chăn (25/8/2022). Hiện có khoảng 14.600 Lưu học sinh Lào đang học tập tại hơn 170 cơ sở giáo dục Việt Nam. Hai bên cũng đang khẩn trương phối hợp chuẩn bị hồ sơ trình UNESCO công nhận Vườn Quốc gia Hỉn Nảm-nò (Lào) là di sản thiên nhiên xuyên biên giới mở rộng của Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (Việt Nam); khảo sát để công nhận đường Tây Trường Sơn trên lãnh thổ Lào là Di tích lịch sử quốc gia.

5. Hợp tác giữa các địa phương, nhất là các địa phương có chung biên giới tiếp tục được tăng cường, ngày càng đi vào cụ thể, chiều sâu, toàn diện trên mọi lĩnh vực, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn tại các khu vực biên giới hai nước. Tuy nhiên, tình hình người Việt ở các địa phương giáp biên sang Lào lao động bất hợp pháp, bị lừa đòi tiền chuộc và vi phạm pháp luật tại Lào vẫn diễn biến phức tạp.

6. Hợp tác quốc tế, khu vực, tiểu vùng: Hai bên phối hợp chặt chẽ, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn hợp tác khu vực và quốc tế; nhất là trong khuôn khổ ASEAN, Liên hợp quốc và các cơ chế tiểu vùng. Trong năm 2023, ngoài các chuyến thăm chính thức, Lãnh đạo cấp cao hai nước thường xuyên tiếp xúc nhân dịp tham dự các hội nghị, diễn đàn đa phương. Tiêu biểu như:

- Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã gặp Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thoong-lun Sỉ-su-lít bên lề Hội nghị cấp cao Vành đai con đường lần thứ 3 (Bắc Kinh, 19/10/2023).

- Thủ tướng Chính phủ hai nước đã tiếp xúc song phương 05 lần tại: (i) Hội nghị cấp cao Ủy hội sông Mê Công quốc tế lần thứ 4 (Lào, 4/2023); (ii) Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 42 (Indonesia, 5/2023); (iii) Hội nghị cấp cao ASEAN 43 (Indonesia, 9/2023); (iv) Hội nghị cấp cao ASEAN-Hội đồng hợp tác Vùng Vịnh/GCC (Saudi Arabia, 10/2023); (v) Hội nghị cấp cao ASEAN - Nhật Bản (Nhật Bản, 12/2023).

- Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gặp riêng Chủ tịch Quốc hội Lào

Xay-sổm-phon Phôm-vi-hản hai lần tại: (i) Dịp dự Đại hội đồng AIPA lần thứ 44 (Indonesia, 8/2023); (ii) Hội nghị cấp cao Chủ tịch Quốc hội ba nước CLV lần thứ nhất (Viêng Chăn, 12/2023). Phó CTQH Trần Thanh Mẫn gặp Phó CTQH Lào Sủn-thon Xay-nhạ-chắc (Hội nghị AIPA Caucus 14, 7/2023).

- Hai Bộ trưởng Ngoại giao đã gặp riêng 02 lần tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN 56 (Indonesia, 7/2023) và Phiên thảo luận chung tại Đại hội đồng Liên hợp quốc (New York, 9/2023).

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn

Vân Anh

vietinbank
thaco