Thông tin cơ bản về Cộng hòa Xlô-vê-ni-a và quan hệ Việt Nam - Xlô-vê-ni-a

17:05 | 19/05/2023

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Nhà nước Cộng hòa Xlô-vê-ni-a được tổ chức theo mô hình nghị viện - tổng thống. Tổng thống do cử tri bầu trực tiếp, nhiệm kỳ 5 năm. Xlô-vê-ni-a là một trong 6 nước cộng hòa thành viên của Liên bang. Ngày 25/6/1991, Xlô-vê-ni-a chính thức tuyên bố độc lập.
Thông tin cơ bản về Cộng hòa Xlô-vê-ni-a và quan hệ Việt Nam - Xlô-vê-ni-a
Cộng hòa Xlô-vê-ni-a, https://kinhtexaydung.petrotimes.vn

I. Thông tin cơ bản

- Tên nước: Cộng hòa Xlô-vê-ni-a (The Republic of Slovenia).

- Thủ đô: Liu-bli-an-na (Ljubljana, có số dân khoảng 300.000 người).

- Ngày Quốc khánh: 25/6 (Ngày độc lập 25/6/1991).

- Vị trí địa lý: Phía Bắc giáp Áo (299 km), Đông Bắc giáp Hung-ga-ri (94 km), Đông Nam giáp Crô-a-ti-a (600 km), phía Tây giáp Ý (218 km) và Tây Nam giáp biển A-đri-a-tích (47 km bờ biển).

- Diện tích: 20.273 km2

- Khí hậu: Khí hậu Địa Trung Hải tại khu vực ven biển; khí hậu ôn đới lục địa tại khu vực phía Đông.

- Dân số: 2 triệu người; tuổi thọ trung bình: 78,2 tuổi; phân bố lao động theo lĩnh vực: nông nghiệp chiếm 8,3%; công nghiệp 30,8%; dịch vụ 60,9% (2019).

- Dân tộc: Người Xlô-ven chiếm 83,1%; người Xéc-bi 2%; người Crô-át 1,8%; người Bô-xni-ắc 1,1%; các nhóm sắc tộc khác chiếm 12%.

- Ngôn ngữ: Ngôn ngữ chính thống là tiếng Xlô-ven: 91,1% dân số nói tiếng Xlô-ven; 4,5% tiếng Xéc-bi; 4,4 % nói các ngôn ngữ khác. Phần lớn người Xlô-vê-ni-a biết một ngoại ngữ: tiếng Anh, tiếng Ý hoặc tiếng Đức.

- Tôn giáo: 57,8% theo đạo Thiên chúa; 2,3% theo Cơ đốc giáo chính thống; 2,4% theo đạo Hồi; 26,5% theo các tôn giáo khác; 10,1 % vô thần.

- Đơn vị tiền tệ: Euro

- GDP: 62 tỷ USD (2022), trong đó, nông nghiệp chiếm 2%; công nghiệp 32%; dịch vụ 66%.

- GDP/đầu người: 27.000 USD (2022)

- Lãnh đạo chủ chốt:

- Tổng thống: Bà Na-ta-sa Pích Mu-xa (Natasa Pirc Musar); nhậm chức ngày 23/12/2022.

- Chủ tịch Quốc hội: Hạ viện Ông Urska Klakocar Zupancic; nhậm chức tháng 5/2022, Thượng viện ông Alojz Kovsca, nhậm chức tháng 12/2017.

- Thủ tướng: Ông Rô-bét Gô-lốp (Robert Golob); nhậm chức tháng 6/2022.

- Bộ trưởng Ngoại giao: Bà Tan-gia Pha-giôn (Tanja Fajon); nhậm chức tháng 6/2022.

II. Vài nét về lịch sử

Xlô-vê-ni-a bị đế quốc Áo-Hung đô hộ 8 thế kỷ. Sau Chiến tranh thế giới thứ I, đế quốc Áo-Hung tan rã, Vương quốc của người Xlô-ven, người Xéc-bi và người Crô-át được thành lập (đến năm 1929 đổi thành Vương quốc Nam Tư). Trong Chiến tranh thế giới thứ II, Nam Tư bị phát xít Đức - Ý chiếm đóng. Tháng 5/1945, với sự giúp đỡ của Liên Xô, lực lượng du kích cộng sản Nam Tư đã giải phóng đất nước. Ngày 29/11/1945, nước Cộng hòa Liên bang Nhân dân Nam Tư được thành lập (đến năm 1963 đổi thành CHXHCN Liên bang Nam Tư) và Xlô-vê-ni-a là một trong 6 nước cộng hòa thành viên của Liên bang. Ngày 25/6/1991, Xlô-vê-ni-a chính thức tuyên bố độc lập. Tháng 5/2004, Xlô-vê-ni-a chính thức được kết nạp vào EU và NATO.

1. Chế độ chính trị

Nhà nước Cộng hòa Xlô-vê-ni-a được tổ chức theo mô hình nghị viện – tổng thống. Tổng thống do cử tri bầu trực tiếp, nhiệm kỳ 5 năm. Quốc hội lưỡng viện gồm Đại hội quốc gia và Hội đồng quốc gia. Đại hội quốc gia gồm 90 đại biểu (88 đại biểu được bầu trực tiếp theo danh sách đảng; 2 đại biểu còn lại do các cộng đồng người Ý và người Hung-ga-ri bầu ra), có nhiệm kỳ 4 năm. Hội đồng quốc gia gồm 40 đại biểu được bầu theo nhiệm kỳ 5 năm, tuy nhiên, chỉ có vai trò tham vấn.

2. Giới thiệu về kinh tế

Xlô-vê-ni-a có nền kinh tế phát triển cao với thu nhập bình quân đầu người cao nhất trong số các thành viên mới của EU và khoảng 2/3 trao đổi thương mại của Xlô-vê-ni-a là với các nước thành viên EU. Các ngành kinh tế mũi nhọn của Xlô-vê-ni-a gồm: luyện kim, linh kiện điện tử, đồ gỗ, may mặc, hóa chất, chế tạo máy...

Năm 2007, Xlô-vê-ni-a là nước đầu tiên trong số các thành viên mới của EU gia nhập Liên minh tiền tệ đồng Euro. Năm 2009, Xlô-vê-ni-a chịu ảnh hưởng nặng nề của khủng hoảng kinh tế thế giới (GDP giảm 7,33%) và mãi từ năm 2014, GDP mới tăng trưởng dương và ổn định trở lại. Hiện nền kinh tế Xlô-vê-ni-a cũng giống như nhiều nước khác trong khu vực đang phải chịu tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19.

3. Một số số liệu kinh tế năm 2022

- Tăng trưởng GDP: 5,1%

+ Lạm phát: 9,3%

+ Thất nghiệp: 5%

+ Thâm hụt ngân sách: -1,6% GDP

+ Xuất khẩu: 39,4 tỷ euro, gồm hàng chế tạo, máy móc và thiết bị vận tải, hóa chất, thực phẩm. Đối tác chủ yếu: Đức (20,3%), Ý (12,4%), Crô-a-ti-a (8,1%), Áo (7,6%), Pháp (5,6%)…

- Nhập khẩu: 42,0 tỷ euro, gồm máy móc và thiết bị vận tải, hàng chế tạo, hóa chất, nhiên liệu, thực phẩm. Đối tác chủ yếu: Đức (18,1%), Ý (15%), Áo (10,5%), Crô-a-ti-a (5,1%)...

Một số công ty nổi tiếng: Gorenje (hàng điện lạnh); Alpina (quần áo); Mercator (siêu thị bán lẻ); KRKA (dược phẩm)…

III. Chính sách đối ngoại

Ưu tiên chính trong chính sách đối ngoại của Xlô-vê-ni-a là tiếp tục bảo đảm môi trường hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực xung quanh Xlô-vê-ni-a, trong đó ủng hộ các nước khu vực Tây Ban Căng, đặc biệt là Bosnia – Herzgovina gia nhập EU và NATO; ưu tiên phát triển quan hệ với các nước đối tác EU và NATO, ủng hộ một EU thống nhất và đoàn kết; tăng cường quan hệ với các nước láng giềng (Áo, Ý, Hung-ga-ri, Crô-a-ti-a…), thúc đẩy hợp tác với các nước khu vực Trung Đông Âu, các nước nhóm VISEGRAD trong khuôn khổ mô hình tam, tứ giác phát triển; duy trì quan hệ truyền thống với Nga và các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ. Chủ trương tăng cường quan hệ với khu vực Châu Á – Thái Bình Dương; xác định Hàn Quốc, Đài Loan, Malaysia và Việt Nam là những thị trường quan trọng và đầy tiềm năng đối với doanh nghiệp Slovenia ở khu vực.

Xlô-vê-ni-a là thành viên của nhiều tổ chức quốc tế như: EU, NATO, IAEA, ICAO, ICC, ILO, IMF, NATO, OECD, OSCE, Hiệp ước Schengen, LHQ, UNCTAD, UNESCO, UNHCR, UNIDO, WHO, WTO…

Về hợp tác phát triển, hàng năm Chính phủ Xlô-vê-ni-a vẫn trích từ ngân sách ra một phần dành cho Quỹ hỗ trợ phát triển, chủ yếu dành cho việc khắc phục thiên tai và giải quyết mâu thuẫn sắc tộc tại một số nước trong khu vực.

IV. QUAN HỆ VIỆT NAM - XLÔ-VÊ-NI-A

1. Quan hệ chính trị

Ngày 07/06/1994, Việt Nam công nhận và lập quan hệ ngoại giao cấp Đại sứ với Cộng hòa Xlô-vê-ni-a. Đại sứ quán Xlô-vê-ni-a tại Bắc Kinh kiêm nhiệm Việt Nam. Đại sứ quán ta tại Viên (Áo) kiêm nhiệm Xlô-vê-ni-a.

Về trao đổi đoàn, Bộ trưởng Ngoại giao Xlô-vê-ni-a Đi-mi-tờ-ri Ru-pen đã thăm chính thức Việt Nam (6/2006), nhân dịp này, hai bên ký Nghị định thư về hợp tác giữa hai Bộ Ngoại giao. Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng đã thăm Xlô-vê-ni-a (6/2015) và nhân dịp này, hai bên ký Hiệp định hợp tác kinh tế. Bộ trưởng Phát triển Kinh tế và Công nghệ Xlô-vê-ni-a Giơ-đra-cô Pô-xi-va-xếch thăm Việt Nam (11/2015). Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã thăm Xlô-vê-nia, tiến hành họp Khóa họp lần thứ nhất Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam – Xlô-vê-nia (25-26/9/2017). Phó Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Nguyễn Tuấn Phong thăm Xlô-vê-ni-a (10/2018). Bộ trưởng Phát triển Kinh tế và Công nghệ Xlô-vê-ni-a Giơ-đra-cô Pô-xi-va-xếch thăm Việt Nam và tiến hành Khóa họp lần thứ hai Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam – Xlô-vê-nia (tháng 11/2019).

Ngoài ra, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã gặp Tổng thống Xlô-vê-ni-a Đa-ni-lô Tuốc bên lề Hội nghị cấp cao ASEM 7 tại Bắc Kinh (10/2008), Thủ tướng Bô-rút Pa-ho bên lề Hội nghị Cấp cao ASEM 8 tại Brúc-xen (10/2010), Thủ tướng Giê-nơ Gia-sa bên lề Hội nghị Cấp cao ASEM 9 (11/2012) tại Lào, Thủ tướng Mi-rô Xê-ra bên lề Hội nghị Cấp cao ASEM 10 tại Mi-lan (10/2014) và COP-21 tại Pháp (12/2015). Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gặp Thủ tướng Mi-rô Xê-ra bên lề HNCC ASEM 11 tại Mông cổ (7/2016), Thủ tướng Ma-rờ-dan Xa-rếc bên lề HNCC ASEM 12 tại Brúc-xen (10/2018). Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh gặp Bộ trưởng Ngoại giao Mi-rô Xê-ra bên lề ĐHĐ LHQ khóa 73 tại New York (9/2018). Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gặp Tổng thống Slovenia Bô-rút Pa-hô bên lề Đại Hội đồng LHQ (tháng 9/2021), Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân gặp Tổng thống Slovenia Bô-rút Pa-hô bên lề HNCC Pháp ngữ tại Tuinisie (tháng 11/2022), Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà gặp Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao và Các vấn đề Châu Âu Slovenia Tan-nha Pha-dông bên lề Hội nghị của LHQ về Nước tại New York (tháng 3/2023).

Về hợp tác giữa hai Bộ Ngoại giao, các Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Lê Công Phụng và Bùi Thanh Sơn đã sang Tham vấn Chính trị tại Xlô-vê-ni-a vào tháng 5/2007 và tháng 7/2014. Tổng Vụ trưởng Quan hệ song phương Ma-ri-an Xen-xen và Tổng Vụ trưởng Chính sách đối ngoại và An ninh Bộ Ngoại giao Xlô-vê-ni-a Ma-tê Ma-rờ đã sang Tham vấn Chính trị với Vụ Châu Âu vào tháng 4/2013 và tháng 2/2017. Hai bên đã nhất trí sẽ duy trì cơ chế Tham vấn chính trị (trong buổi Tham vấn Chính trị cấp Vụ trưởng tháng 2/2017).

Tại các diễn đàn quốc tế, hai bên phối hợp chặt chẽ. Ta ủng hộ Bạn vào Ủy ban Pháp luật quốc tế nhiệm kỳ 2012-2016, đổi lại, Bạn ủng hộ ta ứng cử Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2014-2016. Hai bên đã ủng hộ nhau ứng cử vào Hội đồng Chấp hành UNESCO nhiệm kỳ 2015-2019 (hai nước đều trúng cử). Bạn ủng hộ ta vào Ủy ban về Ranh giới thềm lục địa (CLCS) năm 2012, đổi lại Việt Nam ủng hộ Bạn ứng cử vào HĐNQ/LHQ nhiệm kỳ 2016-2018. Ngoài ra, Slovenia đã ủng hộ ta vào Hội đồng Kinh tế - Xã hội Liên hợp quốc (ECOSOC) nhiệm kỳ 2016 – 2018, Hội đồng điều hành Liên minh Bưu chính Thế giới (UPU) nhiệm kỳ 2017 – 2020, Ủy ban Luật pháp quốc tế (ILC) nhiệm kỳ 2017 – 2021, nhiệm kỳ 2023 – 2027, Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2020 – 2021, Hội đồng chấp hành UNESCO nhiệm kỳ 2021 – 2025. Việt Nam đã ủng hộ Slovenia Ủy ban Luật pháp quốc tế (ILC) nhiệm kỳ 2017 – 2021, Ủy ban xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW) nhiệm kỳ 2017 – 2020

2. Quan hệ kinh tế - thương mại:

Sau năm 1991, quan hệ thương mại hai nước gần như không đáng kể. Tuy nhiên, trong mấy năm gần đây đã tăng mạnh, nhất là đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam. Nhìn chung, hàng hoá trao đổi giữa hai bên chủ yếu là hàng công nghiệp nhẹ, hoá chất và hàng tiêu dùng thông thường. Kim ngạch thương mại giữa hai nước trong những năm gần đây như sau:

Đơn vị tính: Triệu USD (Nguồn TCHQ)

Năm

2015

2016

2017

2018

2019

2020

2021

2022

Xuất khẩu

196,50

264,54

286,35

291,45

342,23

284,1

440

502

Nhập khẩu

34,02

35,05

42,0

65,66

69,57

76,7

59

70

Tổng

230,52

299,59

328,35

357,11

411,80

360,8

499

573

Năm 2022, kim ngạch thương mại đạt 573 triệu USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2021.

Hai bên đã tiến hành Khóa họp lần thứ nhất Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam – Xlô-vê-ni-a được tổ chức vào ngày 25 - 26/9/2017 tại Xlô-vê-ni-a. Khóa họp thứ 2 được tổ chức tại Hà Nội vào tháng 11/2019. Hai bên đang chuẩn bị cho Khóa họp lần thứ 3 dự kiến tổ chức vào tháng 10/2023 tại Xlô-vê-ni-a.

Về FDI, hiện Xlô-vê-ni-a có 3 dự án tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký 2,27 triệu USD, đứng thứ 90 trong tổng số 143 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư trực tiếp tại Việt Nam. Bạn mong muốn tăng cường hợp tác về linh kiện điện tử, máy móc, dược phẩm, vận tải biển, công nghiệp thực phẩm…

Bạn quan tâm hợp tác với ta về cảng biển, muốn biến cảng Koper của Bạn thành đầu mối nhập khẩu hàng Việt Nam vào các nước Trung Đông Âu vì hành trình ngắn, chi phí bốc dỡ thấp, thủ tục thông quan thuận lợi (làm việc cả thứ Bảy và Chủ Nhật; có thể cấp phép thông quan trước khi hàng đến 15 ngày), có thỏa thuận không đình công với nghiệp đoàn cảng, kết nối thuận tiện tới các địa điểm khác (bằng đường sắt, đường bộ, đường thủy). Ngoài ra, Bạn có chính sách ưu đãi đầu tư nước ngoài rất cao (tương đương với Ai-xơ-len về giảm thuế, trợ giúp đào tạo nhân công, trợ giúp kết nối hạ tầng…).

3. Các lĩnh vực khác

Về hợp tác phát triển, bạn chưa có dự án hợp tác cụ thể nào cho ta. Bạn mới chỉ hứa dành cho ta ODA trong lĩnh vực môi trường và y tế cộng đồng.

Về lãnh sự, Bạn đã ủy quyền cho Đại sứ quán Hung-ga-ri tại Hà Nội xem xét, cấp thị thực cho công dân Việt Nam.

4. Các Hiệp định đã ký

- Nghị định thư về hợp tác giữa hai Bộ Ngoại giao (2006);

- Hiệp định miễn thị thực cho người mang hộ chiếu ngoại giao và công vụ (2009).

- Hiệp định về hợp tác kinh tế (2015).

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn

Vân Anh