Thị trường chứng khoán thế giới ngày 14/2: Chứng khoán Mỹ mất 100 điểm đầu phiên sau khi lạm phát cao hơn kỳ vọng

22:42 | 14/02/2023

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Chứng khoán Mỹ trượt dốc vào đầu phiên thứ Ba (14/2) sau khi báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng trước cho thấy lạm phát tăng 6,4% so với cùng kỳ năm 2022, cao hơn một chút so với dự kiến.
Thị trường chứng khoán thế giới cuối tuần: Chứng khoán Mỹ trải qua tuần tồi tệ nhất từ đầu nămThị trường chứng khoán thế giới cuối tuần: Chứng khoán Mỹ trải qua tuần tồi tệ nhất từ đầu năm
Thị trường chứng khoán thế giới ngày 13/2: Hợp đồng tương lai của Mỹ tăng nhẹ sau tuần u ámThị trường chứng khoán thế giới ngày 13/2: Hợp đồng tương lai của Mỹ tăng nhẹ sau tuần u ám
Thị trường chứng khoán thế giới ngày 14/2: Chứng khoán Mỹ mất 100 điểm đầu phiên sau khi lạm phát cao hơn kỳ vọng
(Ảnh minh họa) https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Chứng khoán Mỹ

Dow Jones rơi 146 điểm, tương đương 0,48%, đầu phiên, còn S&P 500 và Nasdaq Composite giảm lần lượt 0,4% và 0,42%. Cùng lúc đó, lợi suất trái phiếu tăng nhẹ.

Chỉ số giá tiêu dùng tăng 0,5% so với tháng trước và 6,4% so với cùng kỳ năm 2022. Con số này cao hơn một chút so với ước tính của các nhà kinh tế là 0,4% trong tháng và 6,2% trong năm, theo khảo sát của Dow Jones. Ngoài ra, chỉ số CPI tháng 12 đã được sửa đổi thành tăng nhẹ thay vì giảm như số liệu sơ bộ trước đó.

Trước khi con số được công bố, bàn giao dịch (trading desk) của JPMorgan đã dự đoán rằng mức tăng hàng năm từ 6,4% đến 6,5% sẽ khiến S&P 500 mất khoảng 1,5% vào thứ Ba. Trong khi đó, mức tăng hơn 6,5% sẽ là kịch bản xấu nhất và có thể gây ra sự sụt giảm 2,5% của S&P 500.

Báo cáo phần lớn tốt hơn so với lo ngại, nhưng đồng thời nó cũng không có khả năng khiến Fed rút lui khỏi chiến dịch thắt chặt tiền tệ.

Mike Loewengart, người đứng đầu bộ phận xây dựng danh mục đầu tư mô hình tại Morgan Stanley Global Investment, cho biết: “Mặc dù không có bất ngờ lớn nào trong chỉ số CPI hôm nay, nhưng có một lời nhắc nhở rằng mặc dù lạm phát đã đạt đỉnh nhưng có thể phải mất một thời gian nữa chúng ta mới thấy nó giảm về mức bình thường”.

“Câu hỏi đặt ra là liệu lạm phát có thể giảm xuống mức mục tiêu của Fed với thị trường lao động nóng như hiện tại hay không”, ông nói thêm. “Đó có thể là công thức cho một cuộc hạ cánh mềm, nhưng vẫn còn phải xem khi nào Fed sẽ ngừng tăng lãi suất và liệu thị trường lao động có mất khả năng phục hồi hay không”.

Cổ phiếu giao dịch ngày thứ Ba sau một phiên tích cực hôm trước đó, với cả ba chỉ số chính kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Hai đều tăng hơn 1%.

Ngoài CPI, các nhà đầu tư cũng sẽ theo dõi thu nhập doanh nghiệp để hiểu rõ hơn về sức khỏe của người tiêu dùng. Kraft Heinz, Boston Beer và DoorDash được dự kiến công bố báo cáo trong tuần này.

Chứng khoán châu Á

Cổ phiếu châu Á hầu như đều tăng vào thứ Ba nhờ một đợt phục hồi ở Phố Wall đêm hôm trước đó khi các nhà đầu tư chờ đợi dữ liệu giá tiêu dùng của Mỹ.

Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 0,64% lên 27.602,77 điểm. Dữ liệu của chính phủ Nhật Bản cho thấy nền kinh tế lớn thứ ba thế giới tăng trưởng với tốc độ là 0,6% so với năm trước trong tháng 10-12, khi các hạn chế liên quan đến đại dịch COVID-19 được nới lỏng. Du lịch phục hồi và xuất khẩu cũng tăng trưởng, Văn phòng Nội các đưa tin.

Hang Seng của Hồng Kông giảm nhẹ 0,24% xuống 21.113,76 điểm, trong khi Shanghai Composite nhích lên 3.293,28 điểm sau khi tăng 0,28%.

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Đỗ Khánh