Tin nhanh chứng khoán ngày 15/4: Thị trường điều chỉnh, cổ phiếu nhạy cảm với thuế quan bị bán mạnh
Thị trường chứng khoán ngày 15/4, chốt phiên, chỉ số VN Index giảm 13,65 điểm, tương đương 1,1%, xuống còn 1.227,79 điểm. Áp lực chốt lời xuất hiện trên diện rộng, đặc biệt tập trung ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn (bluechips). Thanh khoản thị trường vẫn được duy trì ở mức cao, với hơn 1,07 tỷ cổ phiếu được khớp lệnh, giá trị giao dịch đạt hơn 24,2 nghìn tỷ đồng – tương đương với phiên trước, cho thấy dòng tiền chưa rút ra khỏi thị trường mà vẫn đang tìm kiếm cơ hội đầu tư.
![]() |
VN Index giảm 13,65 điểm, tương đương 1,1%, xuống còn 1.227,79 điểm/Ảnh minh họa |
Ngay từ phiên sáng, lực bán gia tăng tại các cổ phiếu trụ đã khiến thị trường nhanh chóng suy yếu. Sang phiên chiều, đà giảm tiếp tục bị nới rộng khiến chỉ số lùi sâu hơn. Tuy nhiên, khi chỉ số lùi về gần vùng hỗ trợ kỹ thuật quanh mốc 1.225 điểm, dòng tiền bắt đáy bắt đầu xuất hiện, giúp thị trường thu hẹp mức giảm vào cuối phiên.
Dù vậy, việc các cổ phiếu trụ như VIC, VHM, VCB thu hẹp đà tăng đã phần nào kìm hãm đà hồi phục của thị trường. Cụ thể, VIC chỉ còn +,3%, VHM +0,5%, VCB +1,2% – mức tăng thấp hơn đáng kể so với các phiên trước đó. Trong nhóm vốn hóa lớn, chỉ có một vài điểm sáng đáng chú ý như HPG +2%, STB +1,7% và MWG nhích nhẹ 0,9%.
Ngược lại, nhiều cổ phiếu thuộc rổ VN30 ghi nhận mức giảm sâu. GVR giảm kịch sàn với mức -6,9%, BCM cũng -6,6%, trong khi PLX và SSI lần lượt -3,6% và -3,3%. Các mã như SHB, FPT, VPB, MSN đều đồng loạt mất trên 2% giá trị. Đáng chú ý, nhóm cổ phiếu khu công nghiệp và xuất khẩu chịu sức ép rõ rệt do lo ngại tác động từ chính sách thương mại của Mỹ. Nhiều cổ phiếu như SIP, KBC, SZC, PHR, MSH, TCM, VHC, GIL… đều giảm mạnh từ 4% đến 6%.
Ở chiều ngược lại, nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ tiếp tục hút dòng tiền đầu cơ. Các mã như HPX, TSC, CKG, HAG, FIT, APG và GEE đều duy trì sắc tím kịch trần. Một số mã khác cũng ghi nhận mức tăng đáng kể như HVH +6,4%, CTD +4,6%. Tuy nhiên, áp lực chốt lời đã quay trở lại ở nhiều cổ phiếu thuộc nhóm chứng khoán, bất động sản và xây dựng, khiến nhiều mã giảm mạnh từ 3% đến 5%.
Tổng thể, phiên điều chỉnh ngày 15/4 được đánh giá là cần thiết và mang tính lành mạnh sau chuỗi tăng nóng trước đó. Dù thị trường điều chỉnh, dòng tiền chưa có dấu hiệu rút lui mà vẫn đang hoạt động tích cực, đặc biệt ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ. Điều này cho thấy tâm lý thị trường vẫn duy trì sự tích cực nhất định, dù có sự phân hóa rõ rệt giữa các nhóm ngành.
Văn Hưng
- Nhận định thị trường chứng khoán ngày 15/4: Nhà đầu tư cần cảnh giác rung lắc ngắn hạn
- Tin nhanh chứng khoán ngày 14/4: Thị trường giữ nhịp tăng trong dè dặt, phân hóa bắt đầu rõ nét
- Nhận định thị trường chứng khoán ngày 14/4: Ưu tiên quản trị rủi ro, giữ tài khoản an toàn
- Chứng khoán tuần mới (từ 14 đến 18/4): Cẩn trọng chờ xu hướng mới
- Xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực chứng khoán đối với Công ty CP Sợi Thế Kỷ