Quản lý tài chính công của Việt Nam đã cải thiện sự minh bạch
PEFA đánh giá độ tin cậy của ngân sách đạt kết quả tương đối tốt. |
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng, PEFA lần này cho thấy công tác cải cách quản lý tài chính công của Việt Nam có bước tiến tốt, khá toàn diện trên nhiều mặt, đáng chú ý là: kỷ cương tài khóa tốt hơn dẫn đến giảm nợ đọng chi; công tác quản lý ngân quỹ hiệu quả hơn nhờ có thông tin tốt hơn về cam kết chi; công tác minh bạch ngân sách ngày càng được tăng cường nhờ cải thiện khả năng tiếp cận thông tin tài khóa; phạm vi ngân sách được xác định một cách toàn diện, tăng cường quản lý ngân sách nhà nước (NSNN), nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách theo công cụ quản lý tài chính công hiện đại.
Bên cạnh đó, báo cáo cũng chỉ ra những điểm hạn chế trong công tác quản lý tài chính công hiện nay về quy mô thu, chi ngoài ngân sách trung ương, công tác theo dõi rủi ro tài khóa trong khu vực công, sự gắn kết giữa kế hoạch tài chính trung hạn và kế hoạch đầu tư công trung hạn.
Nợ công giảm mạnh, hiệu quả tài chính công được cải thiện
Tỷ lệ huy động thu ngân sách của Việt Nam ổn định ở mức khoảng 20% trong giai đoạn 2016-2020. Năm 2020, nguồn thu từ thuế chịu tác động tiêu cực từ đại dịch COVID-19 còn 13,3%, chủ yếu do nguồn thu từ dầu thô, từ hoạt động xuất nhập khẩu suy giảm.
Về chi ngân sách, Chính phủ thực hiện chính sách thắt chặt tài khóa trong giai đoạn 2016-2019. Tổng chi tiêu được duy trì ở mức khoảng 21% GDP. Bội chi ngân sách giảm dần từ 3,2% GDP năm 2016 xuống còn 0,4% năm 2019, sau đó tăng lên 3,4% năm 2021 để có nguồn lực chi cho công tác phòng chống dịch COVID-19.
Chỉ tiêu nợ công so với GDP có xu hướng giảm dần, từ mức 47,6% GDP năm 2016 xuống còn khoảng 41,3% cuối năm 2020 và tiếp tục giảm xuống còn khoảng 38% năm 2022. Việt Nam đã hình thành được các yếu tố cơ bản của hệ thống quản lý tài khóa vững mạnh.
Từ bức tranh tài khóa chung đó, PEFA đánh giá độ tin cậy của ngân sách đạt kết quả tương đối tốt. Dự toán ngân sách trung ương được lập sát thực tế và được triển khai như dự kiến, đóng vai trò hữu ích trong thực thi chính sách. Điều này được đánh giá qua đo lường giữa số thực thu, thực chi với dự toán gốc. Đánh giá về kết quả cho thấy Chính phủ có khả năng dự báo kết quả thu và đảm bảo được chi tiêu trong phạm vi số thu, qua đó đảm bảo được kỷ cương tài khóa tổng thể dựa trên nhu cầu quan trọng là kiểm soát nợ công.
Trong 3 năm thuộc giai đoạn đánh giá (2017-2019), hệ thống quản lý tài chính của chính quyền trung ương lập dự toán ngân sách đảm bảo tin cậy một cách hợp lý với bằng chứng là chênh lệch tổng thực chi và tổng thực thu so với dự toán ở mức dưới 5% tại hai trong ba năm.
Tuy nhiên, nếu xét cơ cấu chi theo phân loại đơn vị hành chính, số thực hiện so với dự toán chênh lệch ở mức trên 5% tại hai trong ba năm qua. Ngoài ra, dự toán ngân sách chưa được phân loại theo nội dung kinh tế, nên không thể tính được chênh lệch giữa số thực hiện và số dự toán theo phân loại nội dung kinh tế.
Mức độ minh bạch về tài chính công được đánh giá vẫn còn nhiều vấn đề cần cải thiện. Mặc dù, báo cáo NSNN được trình bày một cách nhất quán trong suốt chu trình ngân sách, từ khâu lập đến thực hiện và quyết toán ngân sách, nhưng chưa chi tiết theo mục lục NSNN.
Về quản lý tài sản có và tài sản nợ, các hệ thống quản lý và cơ chế kiểm soát đầu tư công cần được cải thiện hơn nữa. Hiện chưa có hướng dẫn theo phương pháp luận chuẩn về thẩm định đối với những dự án quan trọng quốc gia và thông tin phân tích chưa được công bố công khai. Kế hoạch đầu tư công trung hạn mới chỉ thể hiện tổng kinh phí của các dự án đầu tư, nhưng chưa dự báo kinh phí đầu tư từng năm và chưa dự báo được kinh phí vận hành và duy tu bảo dưỡng tài sản trong tương lai.
Đánh giá khía cạnh lập ngân sách và chiến lược tài khóa, lịch biểu ngân sách năm đã được xác định rõ ràng, tuy nhiên, trên thực tế thời điểm thực hiện các bước trong chu trình ngân sách thường bị trễ hơn so với quy trình được xác lập. Cùng với đó, khả năng tiên liệu và kiểm soát tình hình thực hiện ngân sách thông qua hoạt động của hệ thống quản lý thu; quản lý tiền mặt và nợ; hệ thống quản lý tiền lương; mua sắm công; cơ chế kiểm soát nội bộ chi ngoài lương; kiểm toán nội bộ.
Về kế toán và báo cáo, các quy trình đảm bảo sự trung thực về dữ liệu tài chính được đánh giá là hiệu quả. Toàn bộ tài khoản ngân hàng có hoạt động liên quan đến ngân sách trung ương đều được đối chiếu với ngân hàng hàng ngày, ở cấp độ tổng thể và chi tiết. Các tài khoản chờ xử lý được thanh toán kịp thời, trước khi kết thúc năm tài khóa trừ khi có lý do phù hợp. Các tài khoản tạm ứng được đối chiếu hàng quý. Kiểm toán nhà nước hoạt động độc lập với cơ quan hành pháp theo quy định của Hiến pháp năm 2013 và Luật Kiểm toán nhà nước năm 2015.
Trong 10 năm qua, Chính phủ đã thực hiện những cải cách mạnh mẽ về quản lý tài chính công. Chính phủ đã ban hành Luật Ngân sách nhà nước (2015), Luật Kế toán (2015), Luật Quản lý nợ công (2017), Luật Quản lý, sử dụng tài sản công (2017), Luật KTNN (2015), Luật Quản lý và sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào các hoạt động sản xuất và kinh doanh tại doanh nghiệp (2014), Luật Đầu tư công năm 2014 được sửa đổi năm 2019, Luật Doanh nghiệp (2020) và các văn bản pháp quy dưới luật khác. Bộ Tài chính cũng đã xây dựng Chiến lược tài chính đến năm 2030, nhằm nâng cao hiệu suất huy động thu, hiệu quả phân bổ nguồn lực, tăng cường minh bạch và trách nhiệm giải trình tài khóa. Đáng chú ý là Chương trình Hỗ trợ phân tích và tư vấn về quản lý tài chính công (Chương trình AAA) sử dụng quỹ tín thác của SECO và Bộ Ngoại giao Canada (GAC). |
Phương Thảo
- Thu ngân sách nhà nước năm 2024 đạt hơn 2 triệu tỷ đồng, vượt 19% dự toán
- Bộ Tài chính cấp phép xếp hạng tín nhiệm tại Việt Nam cho 5 công ty
- TS. Nguyễn Trí Hiếu: Năm 2025, giá trị đồng USD sẽ tác động đến chính sách tiền tệ trong nước
- Các giao dịch trực tuyến có thể đóng thuế ở bất kỳ đâu với ứng dụng eTax Mobile
- Luật thuế thu nhập cá nhân cần phải sớm thay đổi tiêu chí giảm trừ gia cảnh
- BIC mở Chi nhánh Bắc Sơn phục vụ khách hàng Bắc Giang và Lạng Sơn
- Bitcoin và tiền mã hóa: Đã đến lúc cần khung pháp lý rõ ràng
- Đề xuất sàn thương mại điện tử phải kê khai, nộp thuế thay người kinh doanh trên sàn
- Tỷ lệ giải ngân đầu tư công nguồn vốn nước ngoài của các Bộ/ngành mới đạt 39,1%
- Ngân hàng Trung ương Nga ngừng mua đô la Mỹ