Phát triển “vốn” tự nhiên của biển

14:17 | 23/10/2022

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
“Kinh tế ven biển của nước ta giống như “nồi cơm Thạch Sanh”, gắn với cuộc sống của người dân theo chiều dài lịch sử đất nước. Vấn đề then chốt, phải duy trì và phát triển “vốn” tự nhiên của biển, là biện pháp rất quan trọng đối với quốc gia có biển dài và rộng như Việt Nam” - Phó Giáo sư, Tiến sĩ (PGS.TS) Nguyễn Chu Hồi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghề cá Việt Nam nêu thông tin gợi mở.
Phát triển “vốn” tự nhiên của biển
Chất thải từ phao xốp, dây cước, vỏ hàu… đe dọa môi trường biển huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Hải Luận, https://kinhtexaydung.petrotimes.vn

Thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng đang giật mình nhìn thấy con người đang “đầu độc” biển nhiều thứ, từ khai thác khoáng sản, đánh bắt quá mức, xả thải, tàn phá rạn san hô... “Những năm 1993-2000, người dân tỉnh Khánh Hòa nuôi tôm hùm không bị chết do dịch bệnh. Các năm gần đây, người dân nuôi tôm ít có lãi, nhiều hộ bị thua lỗ nặng, vì tôm nuôi chết quá nhiều. Nguyên nhân sâu xa, đó là môi trường nuôi bị ảnh hưởng, do chính những hộ dân nuôi trồng tự hại mình” - PGS.TS Nguyễn Chu Hồi dẫn chứng cụ thể.

Thiệt hại “kép”

3 vấn đề cốt lõi trong quản trị kinh tế biển

“Thứ nhất, cần truyền thông rộng rãi nhận thức về kinh tế biển và vai trò kinh tế trong bảo vệ chủ quyền lãnh hải. Thứ hai, hiểu và thấu hiểu tài nguyên biển dưới lòng đất và không gian nước. Thứ ba, tăng cường quản trị, phát triển kinh tế biển trong bối cảnh phức tạp ở vùng Biển Đông, dựa trên cơ sở khoa học, luật pháp quốc gia và quốc tế” - PGS.TS Nguyễn Tác An đề xuất.

Người dân Khánh Hòa lúc mới đầu nuôi ít tôm hùm, môi trường tự nhiên của biển chưa bị con người khai phá quá mức. Đến năm 2005, số lồng bè đã tăng lên gấp hàng chục lần so với năm 1995, ngư dân cho tôm ăn bằng các loại ốc, sò, cua, cá... Hàng ngày, chất thải lấy từ các lồng tôm được đổ trực tiếp ra biển. Sau thời gian, số chất thải tích tụ thành lớp đáy biển sinh ra nhiều loại bệnh trên tôm hùm, dẫn đến tôm nuôi chậm lớn, bị chết nhiều, thua lỗ, nhiều hộ phải bán nhà để trả nợ ngân hàng.

Vùng nuôi trồng thủy sản trên biển tỉnh Quảng Ninh đang xảy ra tương tự giống như Khánh Hòa. Mật độ nuôi hàu quá dày đặc ở huyện Vân Đồn, dẫn đến hàu bị thiếu dưỡng chất, dưỡng khí trong nguồn nước. Các loại chất thải từ hoạt động nuôi hàu đều đổ xuống biển, đáy biển bị ô nhiễm nghiêm trọng. Một điều nguy hại bậc nhất cho biển Quảng Ninh, hàng triệu cục phao, xốp và các loại dây buộc bè, dây treo hàu được người dân đẩy xuống biển sau mỗi lần thay mới. Tất cả tạo nên không gian ô nhiễm môi trường cho hôm nay và nhiều năm sau, hậu quả người dân lãnh đủ, các hoạt động nuôi trồng gặp nhiều khó khăn.

“Mức nước ở vùng biển Vân Đồn chỉ sâu từ 6-8m, ngư dân đổ chất thải trực tiếp xuống biển, làm kiểu này chẳng khác nào tự tay “đốt nhà” mình. Biển Vân Đồn có mật độ đảo dày đặc che chắn, nước êm giống như trong ao, tốc độ xả thải tăng lên hằng ngày, hàu chết là lẽ đương nhiên” - ông chủ nuôi hàu Nguyễn Sĩ Bính, xã Hạ Long, huyện Vân Đồn nói lên sự thật.

Theo PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, chúng ta có lợi thế tĩnh, là thiên nhiên ban tặng như thành phố Hải Phòng, tỉnh Quảng Ninh, Khánh Hòa, Kiên Giang... với hệ thống đảo, vịnh, eo biển kín gió, thuận lợi cho phát triển nuôi trồng thủy sản, du lịch, thương mại hàng hải. Lợi thế động, là ban hành chính sách thực thi bảo vệ môi trường, khai thác kinh tế biển của chính quyền và người dân, doanh nghiệp còn nhiều lúng túng, đôi khi còn buông xuôi, thả nổi, dẫn đến người nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại “kép”, môi trường bị tàn phá, người dân làm ăn thua lỗ.

Hài hòa chung lợi ích

Còn nhớ năm 2016, Nhà máy thép Formosa Hà Tĩnh (Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh) xả chất thải chưa qua xử lý ra môi trường biển, với khối lượng rất lớn, làm cho nguồn lợi thủy sản dọc vùng biển và diện tích nuôi trồng thủy sản của người dân các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế bị chết hàng loạt, gióng lên hồi chuông cảnh báo về môi trường sinh thái từ chất thải công nghiệp.

Phát triển “vốn” tự nhiên của biển
Cơ sở nuôi cá chim quy mô công nghiệp ở vịnh Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa đang được Chính phủ khuyến khích đầu tư. Ảnh: Hải Luận, https://kinhtexaydung.petrotimes.vn
Dọc theo chiều dài bờ biển của đất nước ta, có rất nhiều nhà máy, khu công nghiệp, tổ hợp khách sạn... Chẳng hạn, phía Nam vịnh Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa, có Nhà máy đóng tàu biển Hyundai Việt Nam, Nhà máy nhiệt điện Vân Phong 1, Kho xăng dầu ngoại quan Vân Phong, cảng Nam Vân Phong... Đi ra phía khu vực hòn Lớn, là nơi tập trung nuôi cá biển quy mô công nghiệp và tôm hùm. Trong diện tích không gian vừa phải của phía Nam vịnh, nhưng có nhiều hoạt động kinh tế xen lẫn nhau. Bài toán đặt ra, cần có giải pháp để hài hòa, vừa phát triển công nghiệp, vừa phát triển kinh tế thủy sản và du lịch, bảo vệ được “vốn” tự nhiên của biển.

“Chính phủ và các địa phương ven biển nước ta đang khuyến khích người dân và doanh nghiệp đầu tư nuôi cá biển công nghiệp, theo đó, đến năm 2030, cả nước có 300.000ha, sản lượng đạt 1,4 triệu tấn. Ngay từ bây giờ, cần quy hoạch vùng nuôi hợp lý, đảm bảo mật độ khoảng cách giữa các lồng nuôi với nhau, để đảm bảo dòng chảy tốt, sử dụng thức ăn công nghiệp. Có như vậy mới giữ được môi trường sinh thái tự nhiên của biển và phát triển nuôi trồng bền vững. Nếu làm không tốt sẽ bị ảnh hưởng chiều ngược lại” - PGS.TS Võ Sỹ Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Nuôi biển Việt Nam (nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang) nêu vấn đề.

Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Bản chất của chiến lược biển lấy phát triển bền vững kinh tế biển làm “trục chính”, để điều chỉnh hài hòa các mối quan hệ giữa: kinh tế với tài nguyên, kinh tế với môi trường, kinh tế với quốc phòng-an ninh, kinh tế với đối ngoại biển.

“Cần tổ chức lại không gian kinh tế biển để tăng cường liên kết vùng ven biển, đảo, kể cả vùng khơi cũng được tính toán khoa học. Các mối quan hệ kinh tế và môi trường biển cần được cụ thể hóa, hiện thực hóa bằng các cơ chế chính sách, kế hoạch hành động mạnh mẽ của Chính phủ và địa phương. Biển Đông nước ta tiếp giáp với nhiều nước, cần nghiên cứu, quản lý một cách toàn diện, vừa khai thác kinh tế, vừa bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo. Đặc biệt lưu ý đến quản lý tổng hợp, an ninh sinh thái, sử dụng không gian biển đảo, thông qua hợp tác, chia sẻ thông tin quốc tế, nhất là các nước trong khối ASEAN và Trung Quốc” - PGS.TS Nguyễn Tác An, Phó Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật Biển Việt Nam gợi mở.

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn

Hải Luận

bienphong.com.vn