Nỗi lo “khát” lao động đi biển

10:15 | 28/10/2022

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Với số lượng tàu đánh cá của Kiên Giang thì nhu cầu lao động trên biển là rất lớn. Nhưng do nghề khai thác hải sản những năm gần đây sa sút nên nhiều bạn thuyền bỏ nghề. Chủ tàu cá có nhiều nỗi lo, phải chồng thêm nỗi lo khi thiếu nguồn lao động đi biển chất lượng.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, toàn tỉnh hiện có hơn 9.800 tàu cá có chiều dài từ 6m trở lên. Trong đó, tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên đánh bắt xa bờ là 3.895 tàu. Nếu tính mỗi tàu cần khoảng 10 lao động thì Kiên Giang cần từ 100.000-200.000 lao động đi biển.

Chật vật tìm bạn thuyền

Nhu cầu lao động trên biển rất lớn, nhưng những năm gần đây, do đánh bắt không hiệu quả nên lao động không mặn mà đi làm nghề biển mà dần chuyển sang các công việc khác trên bờ, khiến chủ tàu rất khó khăn trong việc đi tìm lao động.

Ông Trương Văn Ngữ - Chủ tịch Hội nghề cá TPRạch Giá (Kiên Giang) cho rằng, do ngư trường cạn kiệt, chi phí mỗi chuyến biển tăng cao, đánh bắt không hiệu quả nên thu nhập của những ngư phủ, bạn thuyền không còn cao như trước đây. Đánh bắt không hiệu quả, ngư phủ chỉ được lương cơ bản khoảng 250.000 đồng/ngày, bằng với thu nhập khi lao động trên bờ. Do đó, nhiều ngư phủ không còn mặn mà với nghề đi biển.

“Tôi có 3 cặp tàu cá nhưng do không tìm được nguồn lao động nên gần như xuất hành chuyến biển luôn bị chậm trễ do với dự tính, tìm lao động cho đủ chuyến biển rất khó. Trước đây, mỗi chuyến biển cần hơn 20 lao động nhưng bây giờ cố gắng lắm chỉ tìm được 15-16 lao động. Rất nhiều chủ tàu đã bỏ nghề. Chúng tôi rất mong nhà nước có cơ chế tháo gỡ khó khăn để chúng tôi bám trụ được với nghề, tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động đi biển”, ông Ngữ nói.

Nỗi lo “khát” lao động đi biển
Bạn thuyền làm việc trên tàu đánh bắt thủy sản ở vùng biển Nam Du (Kiên Giang), https://kinhtexaydung.petrotimes.vn

Thực tế, đa số người lao động đi biển đều không được đào tạo, thiếu kinh nghiệm đi biển. Mỗi chuyến biển, chủ tàu tốn hàng trăm triệu đồng tiền thuê lao động nhưng kết quả mang lại không được như ý muốn.

Theo ông Dương Tấn Tài - chủ tàu ngụ xã Bình An, huyện Châu Thành (Kiên Giang), việc tìm kiếm lao động đi biển rất khó khăn, phần lớn chủ tàu cá phải nhờ tìm lao động thông qua cò môi giới lao động.

Khi chủ tàu cần lao động, các cò dịch vụ lao động sẽ tìm đủ số lượng cho chủ tàu. Tuy nhiên, phần lớn lao động này không làm được việc trên biển hoặc làm việc không hiệu quả. Các cò lao động gom nguồn lao động chủ yếu ở các tỉnh miền núi, không phải là lao động ở vùng ven biển. Vì vậy khi đi biển, lực lượng này không chịu được sóng gió, không làm việc được.

Sắp xếp lại nghề cá

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang Quảng Trọng Thao, tình trạng thiếu lao động tham gia đánh bắt xa bờ là tình trạng chung đang diễn ra khắp các địa phương ven biển những năm gần đây.

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đã đến tình trạng trên, trong đó chủ yếu do thu nhập không ổn định. Đi biển cũng là nghề nguy hiểm và vất vả hơn nhiều ngành nghề khác nên người lao động không còn mặn mà với nghề.

Nghề khai thác đánh bắt xa bờ của tỉnh Kiên Giang với đội tàu quá lớn, trong khi ngư trường ngày càng cạn kiệt vì khai thác quá mức. Do đó, hiệu quả đánh bắt ngày càng suy giảm, thu nhập từ nghề không còn cao như trước.

Để giải quyết tình trạng "khát" lao động đi biển, trước hết tỉnh Kiên Giang phê duyệt đề án sắp xếp lại nghề cá theo hướng bền vững, định hướng chuyển đổi nghề, phân vùng khai thác để tái tại nguồn lợi thủy sản; tăng cường các mô hình nuôi trồng thủy sản và nuôi biển, khuyến khích ngư dân đánh bắt xa bờ theo hình thức tổ, đội sản xuất.

Kiên Giang cũng có các chính sách hỗ trợ cho ngư dân vay vốn đầu tư trang thiết bị đánh bắt hiện đại, nâng cao công nghệ để giảm số lượng nhân công lao động và tăng hiệu quả của mỗi chuyến biển.

Với những giải pháp hợp lý sẽ giúp ngư dân tiếp tục vươn khơi bám biển, có thu nhập ổn định, vừa góp phần bảo vệ biển đảo quê hương.

“Alô là có nguồn lao động ngay nhưng lao động đó có làm được việc không, có phù hợp không lại là một chuyện khác. Mỗi lao động xuống tàu thì chủ tàu phải cho ứng tiền từ 20-25 triệu đồng/người. Có những trường hợp lừa đảo chủ tàu để lấy tiền tạm ứng. Tàu chuẩn bị chạy thì tìm cách trốn, hoặc khi tàu đi cặp vào hòn nào thì nhóm ngư phủ này sẽ nhảy biển để trốn về", ông Dương Tấn Tài nói.

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn

Thùy Trang

baokiengiang.vn