Nghiên cứu mới: Caffeine giúp làm giảm mỡ cơ thể và nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2

03:10 | 25/03/2023

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Theo nghiên cứu mới đăng tải trên Tạp chí BMJ Medicine, việc sử dụng đồ uống chứa caffein ít calo có thể hỗ trợ giảm béo phì và giảm nguy cơ mắc tiểu đường loại 2. Đây là một phát hiện vô cùng tiềm năng nhưng các nhà khoa học cho biết họ vẫn cần nghiên cứu thêm.

Tiến sĩ Katarina Kos, giảng viên cao cấp về bệnh tiểu đường và béo phì tại Đại học Exeter, cho biết nghiên cứu chỉ ra lợi ích sức khỏe tiềm năng cho những người có lượng caffeine cao trong máu, tuy nhiên "Mục đích của nghiên cứu này không phải khuyên bạn nên uống nhiều cà phê".

Nghiên cứu đồng thời cũng chỉ ra, bất kỳ đồ uống chứa caffein nào có chứa đường hoặc chất béo sẽ làm giảm thiểu những tác động tích cực mà caffeine mang lại.

Nghiên cứu mới: Caffeine giúp làm giảm mỡ cơ thể và nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2

Ảnh minh họa, https://kinhtexaydung.petrotimes.vn

Các nhà nghiên cứu cho biết công trình của họ được xây dựng dựa trên nghiên cứu được công bố trước đây về việc uống ba đến năm tách cà phê hàng ngày (70-150mg caffeine) có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 và bệnh tim mạch. Tuy nhiên vì bản chất của nghiên cứu này là dựa trên quan sát nên cần xác định thêm những hiệu ứng tích cực trên là do caffeine hay các hợp chất khác.

Được biết, nghiên cứu mới đã sử dụng một kỹ thuật có tên gọi “ngẫu nhiên hóa Mendel” để thiết lập nguyên nhân và kết quả thông qua bằng chứng di truyền. Theo đó, nhóm nghiên cứu đã tìm thấy hai biến thể gen phổ biến liên quan đến tốc độ chuyển hóa caffeine và sử dụng chúng để tìm ra mức độ caffeine trong máu. Qua đó có thể dự đoán liệu di truyền có liên quan đến việc giảm BMI (chỉ số khối cơ thể) và mỡ cơ thể hay không.

Đối với những người mang các biến thể di truyền, việc chuyển hóa caffeine sẽ chậm hơn trung bình và họ thường uống ít cà phê hơn. Trong khi đó, đối với những người có thể chuyển hóa nhanh chóng thường có nồng độ caffeine trong máu cao hơn. Gần một nửa số trường hợp giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 là do giảm cân.

Caffeine được biết có khả năng thúc đẩy sự trao đổi chất, tăng đốt cháy chất béo và giảm sự thèm ăn, với mỗi 100mg/ ngày sẽ tăng thêm lượng tiêu thụ năng lượng lên khoảng 100 calo/ ngày.

Tuy nhiên, phát hiện này lại có sự hạn chế về mặt đối tượng bởi nghiên cứu chỉ dựa trên gần 10.000 người có nguồn gốc là người châu Âu mà không hề có những người từ châu lục khác

Tiến sĩ Stephen Lawrence, một giáo sư lâm sàng tại Đại học Warwick, cho biết nghiên cứu này là "thú vị" và có tính ứng dụng cao trong khoa học". Dù kỹ thuật được sử dụng rất hữu ích nhưng ông đánh giá đây là một "kỹ thuật tương đối mới" và là "dễ bị sai lệch".

“Với những tiềm năng trong tương lai, nghiên cứu này có thể trở thành nền tảng để phát triển các phương pháp điều trị đầy hứa hẹn. Tuy nhiên, nó vẫn chưa chứng minh được rõ ràng nguyên nhân và kết quả. Do đó, chúng ta cần phải thận trọng để không kết luận vội vàng”.

Lawrence nhận thấy các tác giả đã có một “bước nhảy vọt lớn” trong giả định về việc giảm cân do tăng tiêu thụ caffeine sẽ làm giảm nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường loại 2. Đồng thời nhấn mạnh, việc tiêu thụ caffeine không hề có tác dụng hiệu quả như việc giảm lượng calo và tăng hoạt động thể chất. Thêm vào đó, tiêu thụ caffeine có thể gây tăng nhịp tim bất thường vì vậy nó không hoàn toàn phù hợp với tất cả mọi người.

Vậy mọi người có nên uống nhiều cà phê để giảm chất béo hoặc nguy cơ mắc bệnh tiểu đường? Khoa học cho thấy bằng chứng tương đối tốt rằng tiêu thụ caffeine làm tăng đốt cháy chất béo, ngay cả khi nghỉ ngơi. Tuy nhiên, về bản chất caffein không được cấu thành để điều trị cho bệnh béo phì và nếu sử dụng sai nó có thể dẫn đến tăng cân hoặc thậm chí gây hại cho sức khỏe.

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn

Thu Hà

sohuutritue.net.vn

vietinbank
ajinomoto