Nga thúc đẩy xuất khẩu khí đốt tự nhiên sang Trung Quốc

10:50 | 25/04/2023

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Phó Thủ tướng Alexander Novak cho biết, Nga có kế hoạch xuất khẩu khí đốt tự nhiên sang Trung Quốc với mức tăng gần 50% trong năm nay.
Nga thúc đẩy xuất khẩu khí đốt tự nhiên sang Trung Quốc

Tập đoàn Gazprom của Nga vận chuyển khí đốt đến Trung Quốc thông qua đường ống Power of Siberia theo hợp đồng 30 năm trị giá tổng cộng 400 tỷ USD. Đường ống này được đưa vào vận hành hồi năm 2019 và năm ngoái đã chứng kiến ​​15,5 tỷ m3 khí đốt chạy qua nó.

Con số này sẽ tăng lên 22 tỷ m3 trong năm nay và dần dần đạt 100% công suất 38 tỷ m3 vào năm 2027.

"Nguồn cung cấp khí đốt năm ngoái ở mức 15 tỷ m3. Vào năm 2023, chúng tôi dự kiến ​​sẽ đạt 22 tỷ mét khối, tăng gần 50%", ông Novak nói.

Ngoài ra, kế hoạch mở rộng tuyến Power of Siberia với một đường ống đôi, Power of Siberia-2 cũng được đề cập tới, với mục tiêu tăng nguồn cung cấp khí đốt cho Trung Quốc lên ít nhất 98 tỷ m3 vào năm 2030. Tuy nhiên, con số này vẫn thấp hơn đáng kể so với kỷ lục 177 tỷ m3, được cung cấp cho châu Âu vào năm 2018 và 2019, Reuters lưu ý.

Phó Thủ tướng Novak cũng nói về việc Nga đang nhận được nhiều khoản thanh toán bằng nhân dân tệ hơn cho xuất khẩu dầu khí. Ngoài ra, nước này cũng đang bán nhiều dầu và khí đốt hơn bằng đồng rúp.

Xu hướng này là một phần nguyên nhân dẫn đến sự chia rẽ giữa Nga và phương Tây sau cuộc xung đột Nga - Ukraine và phản ứng của phương Tây, dưới hình thức một loạt các biện pháp trừng phạt và tịch thu tài sản.

"Nhân dân tệ và đồng rúp đang có nhu cầu cao, vì vậy xu hướng đó sẽ tiếp tục. Trung Quốc đã thanh toán bằng đồng nhân dân tệ cho khí đốt và một phần cho dầu, cũng có những khoản thanh toán bằng đồng rúp", ông Novak nói với truyền thông Nga.

Đồng tiền Trung Quốc chiếm 23% thanh toán nhập khẩu của Nga năm ngoái, tăng từ 4% trong năm trước đó.

Nga - Trung Quốc tăng cường hợp tác năng lượng hạt nhân Nga - Trung Quốc tăng cường hợp tác năng lượng hạt nhân
Tin Thị trường: Trung Quốc, Ấn Độ giúp châu Á duy trì tăng trưởng nhu cầu dầu Tin Thị trường: Trung Quốc, Ấn Độ giúp châu Á duy trì tăng trưởng nhu cầu dầu

Bình An