Nga đã né mức giá trần đối với dầu thô như thế nào?
Các công ty phương Tây phớt lờ giá trần của G7 áp đặt đối với dầu của Nga |
G7 hoãn xem xét lại giới hạn dầu của Nga khi thị trường nóng lên |
Ảnh minh họa |
Theo một phân tích về hồ sơ vận chuyển và bảo hiểm của Financial Times, gần 3/4 tổng lượng dầu thô qua đường biển của Nga được vận chuyển mà không có bảo hiểm của phương Tây trong tháng 8, một đòn bẩy được sử dụng để thực thi giới hạn giá dầu 60 USD/thùng của G7.
Con số này tăng từ khoảng 50% vào mùa xuân này, theo dữ liệu từ công ty phân tích vận tải hàng hóa Kpler và các công ty bảo hiểm. Sự gia tăng này ngụ ý rằng Moscow đang trở nên thành thạo hơn trong việc vượt qua mức giá trần, cho phép nước này bán nhiều dầu hơn với mức giá gần với giá thị trường quốc tế hơn.
Trường Kinh tế Kyiv (KSE) đã ước tính rằng giá dầu thô tăng ổn định kể từ tháng 7, kết hợp với thành công của Nga trong việc giảm chiết khấu đối với dầu của mình, có nghĩa là doanh thu từ dầu mỏ của nước này có thể sẽ cao hơn ít nhất 15 tỷ USD vào năm 2023 so với dự báo trước đó.
Sự thay đổi này là một đòn kép giáng vào những nỗ lực của phương Tây nhằm hạn chế nguồn thu từ việc bán dầu mỏ của Nga - vốn chiếm phần lớn nhất trong ngân sách của Điện Kremlin - sau cuộc xung đột tại Ukraine.
Không chỉ tỷ lệ dầu của Nga được bán ngoài giới hạn cao hơn mà sự độc lập ngày càng tăng của Moscow với tư cách là người bán cũng trùng hợp với sự phục hồi mạnh mẽ của giá dầu, chạm mốc 95 USD/thùng lần đầu tiên trong 13 tháng trong tuần trước.
Trong khi ngành dầu mỏ của Nga vẫn đang phải đối mặt với một số thách thức đáng kể, bao gồm cả những tuyên bố về tình trạng thiếu hụt của thị trường nhiên liệu đã được tinh chế trong nước và khối lượng xuất khẩu nói chung giảm, các số liệu vẫn cho thấy một phần không nhỏ doanh thu từ dầu mỏ sẽ được dành cho mục đích quân sự của Điện Kremlin.
Ông Ben Hilgenstock, một nhà kinh tế tại KSE, cho biết: “Với những thay đổi trong cách vận chuyển dầu của Nga, có thể rất khó để thực thi giới hạn giá một cách có ý nghĩa trong tương lai. Và điều đó càng đáng tiếc hơn khi chúng tôi đã không làm nhiều hơn để thực thi nó một cách hợp lý khi chúng tôi có nhiều đòn bẩy hơn”.
Nga trong tuần này đã cấm xuất khẩu dầu diesel và các loại nhiên liệu khác, một động thái đáng kể từ một trong những nước bán dầu diesel lớn nhất toàn cầu. Động thái này làm dấy lên lo ngại rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin đang cố gắng phá vỡ thị trường dầu mỏ như ông đã làm với khí đốt tự nhiên, gây ra cuộc khủng hoảng năng lượng năm ngoái.
Trong khi EU và Mỹ phần lớn cấm nhập khẩu dầu của Nga, mức trần giá của G7 được thiết kế để giữ cho dầu của Nga tiếp tục chảy vào thị trường toàn cầu. Mục đích là để ngăn chặn tình trạng siết chặt nguồn cung và tình trạng giá cả tăng vọt gây thiệt hại về mặt kinh tế và chính trị.
Với việc Nga từng phụ thuộc vào các dịch vụ như vận chuyển và bảo hiểm của phương Tây để đưa dầu ra thị trường, G7 tính toán rằng Moscow sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc tuân thủ mức giá trần.
Khi giới hạn giá của G7 lần đầu tiên được thực hiện vào tháng 12 năm ngoái, dầu của Nga ban đầu đã giảm xuống chỉ còn khoảng 40 USD/thùng, thấp hơn nhiều so với giá quốc tế. Moscow đã phải giảm giá khi cố gắng định tuyến lại hàng triệu thùng dầu từng được chuyển đến châu Âu cho các khách hàng mới ở châu Á, trong khi vẫn phụ thuộc nhiều vào các dịch vụ vận chuyển của phương Tây.
Các học giả tại KSE tính toán rằng các biện pháp trừng phạt, hạn chế và rút lui khỏi Nga đã khiến Nga thiệt hại 100 tỷ USD doanh thu xuất khẩu dầu kể từ tháng 2/2022.
Tuy nhiên, Nga đã xây dựng cái gọi là “hạm đội đen” gồm các tàu chở dầu có thể hoạt động mà không cần bảo hiểm của phương Tây hoặc các dịch vụ khác.
Điều này đã cho phép Moscow có được giá dầu cao hơn khi thị trường toàn cầu thắt chặt. Giá trung bình của loại dầu xuất khẩu chính của Nga, Urals, đã tăng trên 60 USD/thùng kể từ tháng 7.
Một phần nguyên nhân suy giảm hoạt động vận chuyển từ các tàu do phương Tây hậu thuẫn có thể là kết quả của sự cảnh giác từ phía các chủ tàu và công ty bảo hiểm, ngay cả khi họ nhận được cái gọi là “chứng thực” rằng dầu mà họ vận chuyển đã được bán với giá dưới 60 USD/thùng.
Vào tháng 5, Nga đã xuất khẩu khoảng 3 triệu thùng dầu thô Urals và ESPO mỗi ngày bằng đường biển trên các tàu có bảo hiểm từ các nước phương Tây hoặc các quốc gia khác.
Con số đó đã giảm xuống khoảng 2,5 triệu thùng/ngày trong tháng 8, với sự sụt giảm đến từ các tàu được phương Tây cung cấp bảo hiểm, vốn chỉ vận chuyển 626.000 thùng/ngày trong tháng đó - chưa bằng một nửa khối lượng họ vận chuyển trong tháng 5.
Lệnh cấm xuất khẩu dầu diesel được công bố hôm thứ Năm (21/9) có thể tạm thời ảnh hưởng đến doanh thu của Nga nhưng cũng giúp nước này bán hàng với giá cao hơn.
Đỗ Khánh
Financial Times
-
Điểm tin ngân hàng tuần qua: Agribank đại hạ giá biệt thự tại khu đô thị Ciputra để thu hồi nợ
-
Điểm tin xây dựng - bất động sản ngày 14/9: Cần phân hạng chung cư trước khi mở bán để bảo đảm minh bạch
-
Điểm tin ngân hàng ngày 14/9: VietinBank rao bán khách sạn giá trị hàng trăm tỷ tại Hội An
-
Tin nhanh chứng khoán ngày 13/9: Tiếp tục giảm điểm
- Gã khổng lồ dầu khí Brazil Petrobras muốn rót 100 tỷ USD vào các dự án trong 5 năm tới
- Nga cho phép xuất khẩu LNG từ các mỏ phía Bắc
- Bất chấp trừng phạt từ Mỹ, sản lượng dầu Iran vẫn tăng mạnh lên 3,4 triệu thùng/ngày
- Argentina có thể cấm xuất khẩu dầu do thiếu hụt trong nước
- Sản lượng của Chevron ở Venezuela sẽ đạt bao nhiêu sau khi Mỹ nới lệnh trừng phạt?