Thông tư số 18/2025 về kinh doanh xăng dầu:

Doanh nghiệp sẽ chủ động hơn trong chuỗi cung ứng

09:26 | 20/03/2025

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Theo PGS.TS Nguyễn Thường Lạng, cơ chế điều hành xăng dầu mới, có thể làm mềm hóa thị trường, giúp doanh nghiệp chủ động hơn trong chuỗi cung ứng, dự trữ, và điều hành giá theo biến động thị trường. Đồng thời, doanh nghiệp sẽ cảm thấy tự do hơn, không bị quản lý quá chặt chẽ, và được quyền kinh doanh trong khuôn khổ pháp luật cho phép.

Vừa qua, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 18/2025 về việc sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số quy định tại các Thông tư quy định về kinh doanh xăng dầu để phù hợp với thực tiễn quản lý và hoạt động kinh doanh xăng dầu tại Việt Nam. Đồng thời, bắt đầu từ ngày 2/5, Bộ Công Thương sẽ chính thức công bố giá cơ sở và giá bán xăng dầu, thay vì duy trì cơ chế điều hành giá xăng dầu thông qua tổ liên ngành Tài chính - Công Thương như hiện nay. Để rõ hơn về việc này PetroTimes có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Thường Lạng, Giảng viên cao cấp tại Viện Thương mại và Kinh tế Quốc tế, trường Đại học Kinh tế Quốc dân.

PV: Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về việc bỏ tổ liên ngành Tài chính - Công Thương điều hành giá xăng dầu?

PGS.TS Nguyễn Thường Lạng: Từ góc độ quan sát cá nhân, tôi nhận thấy cơ chế quản lý giá xăng dầu hiện hành, vốn được xem là chặt chẽ với sự tham gia của nhiều cơ quan như Cục quản lý giá, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương và các cơ quan giám sát khác, đang bộc lộ nhiều bất cập. Mặc dù xăng dầu là mặt hàng chiến lược, có ảnh hưởng lớn đến chỉ số giá tiêu dùng và lạm phát, việc quản lý quá chặt chẽ có thể dẫn đến những hệ lụy tiêu cực.

Thực tế thời gian qua đã cho thấy, sự can thiệp hành chính, đôi khi không đúng thời điểm hoặc sai lệch so với diễn biến thị trường, đã khiến giá xăng dầu biến động thất thường. Việc tồn tại một "tổ" điều hành giá với quy trình họp hành, phân tích và đánh giá phức tạp, tuy nhằm mục đích đưa ra quyết định chính xác, lại vô tình làm chậm trễ quá trình điều chỉnh giá, khiến giá thực tế không còn phản ánh đúng biến động của thị trường.

Doanh nghiệp sẽ chủ động hơn trong chuỗi cung ứng
PGS.TS Nguyễn Thường Lạng, Giảng viên cao cấp tại Viện Thương mại và Kinh tế Quốc tế, trường Đại học Kinh tế Quốc dân (Ảnh: Đình Khương).

Do đó, việc bãi bỏ cơ chế này là một giải pháp khả thi. Bằng cách giảm thiểu sự can thiệp hành chính của Nhà nước, đặc biệt là những can thiệp không phù hợp, giá xăng dầu sẽ được vận hành theo quy luật cung cầu thị trường một cách tự nhiên hơn. Điều này giúp tránh được tình trạng méo mó thị trường do các tác động can thiệp không hiệu quả, đồng thời tạo điều kiện cho một cơ chế điều hành giá linh hoạt, minh bạch và phù hợp hơn với bối cảnh thị trường xăng dầu biến động nhanh chóng. Việc này là cần thiết để tiến tới một thị trường xăng dầu vận hành theo cơ chế thị trường rộng mở và hiệu quả hơn.

PV: Việc thay đổi cơ chế điều hành có ảnh hưởng như thế nào đến doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu?

PGS.TS Nguyễn Thường Lạng: Trong bối cảnh hiện tại, Bộ Tài chính thường thể hiện quan điểm nhất quán về việc tối đa hóa nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Điều này, đôi khi, có thể gây ra những tác động nhất định đến thị trường. Ngược lại, Bộ Công Thương lại hướng đến việc điều hành theo cơ chế thị trường.

Do đó, việc Bộ Công Thương tham khảo số liệu công bố từ Bộ Tài chính và các yếu tố cấu thành giá xăng dầu, trước khi đưa ra quyết định, có thể giảm thiểu ảnh hưởng trực tiếp từ Bộ Tài chính. Cách tiếp cận này giúp các doanh nghiệp tuân thủ theo tín hiệu thị trường một cách dễ dàng hơn. Việc tận thu ngân sách nhà nước, dù là mục tiêu chính đáng, đôi khi có thể tạo ra những biến động không cần thiết trên thị trường.

Cơ chế mới này sẽ giúp thị trường xăng dầu vận hành linh hoạt hơn theo cơ chế thị trường, giảm sự phụ thuộc của doanh nghiệp vào các quyết định hành chính. Đồng thời, những doanh nghiệp chủ yếu là nhập khẩu, có thể chủ động dự báo giá, điều tiết hoạt động kinh doanh, và đặt giá phù hợp dựa trên giá thị trường thế giới.

Việc thêm một khâu điều hành giá có thể tạo ra những "ánh xạ" làm lệch lạc giá cả, khiến giá thực tế xa rời giá thị trường thế giới. Điều này có thể khiến doanh nghiệp bị động trong việc định giá, gây áp lực lên người tiêu dùng.

Cơ chế mới, do đó, có thể làm mềm hóa thị trường, giúp doanh nghiệp chủ động hơn trong chuỗi cung ứng, dự trữ, và điều hành giá theo biến động thị trường. Mặc dù lợi nhuận có thể giảm nhẹ, nhưng quy mô hoạt động sẽ ổn định, và doanh nghiệp có thể tìm kiếm các giải pháp tiết kiệm chi phí, ngoại tệ, và nhân lực để tối đa hóa lợi nhuận. Quan trọng hơn, doanh nghiệp sẽ cảm thấy tự do hơn, không bị quản lý quá chặt chẽ, và được quyền kinh doanh trong khuôn khổ pháp luật cho phép.

PV: Theo ông, cơ chế mới có giúp giá xăng dầu phản ánh đúng thị trường hơn không?

PGS.TS Nguyễn Thường Lạng: Việc bãi bỏ tổ điều hành giá xăng dầu, theo quan điểm của tôi là một bước tiến đáng hoan nghênh hướng tới sự minh bạch và hiệu quả của thị trường năng lượng Việt Nam. Cơ chế điều hành giá trước đây, với sự can thiệp của tổ điều hành, tiềm ẩn nguy cơ bóp méo tín hiệu thị trường và tạo ra sự thiếu nhất quán trong việc phản ánh giá xăng dầu thế giới.

Nếu tổ điều hành đưa ra quyết định trùng khớp với biến động thị trường, vai trò của tổ chức này trở nên dư thừa. Ngược lại, nếu có sự can thiệp nhằm điều chỉnh giá theo những mục tiêu chủ quan, tổ điều hành vô tình tạo ra sự sai lệch, gây ảnh hưởng tiêu cực đến tính minh bạch và hiệu quả của thị trường. Hơn nữa, tâm lý chung của các tổ chức điều hành là mong muốn khẳng định quyền lực, điều này càng làm tăng khả năng can thiệp vào giá cả, đi ngược lại với nguyên tắc thị trường.

Doanh nghiệp sẽ chủ động hơn trong chuỗi cung ứng
Cơ chế mới giúp doanh nghiệp chủ động hơn trong chuỗi cung ứng, dự trữ, và điều hành giá theo biến động thị trường (Ảnh: Đình Khương).

Việc loại bỏ tổ điều hành, do đó, có thể giúp giá xăng dầu trong nước phản ánh sát hơn với diễn biến giá thế giới, giảm thiểu sự can thiệp mang tính chủ quan của nhà nước. Điều này không chỉ tạo ra một môi trường cạnh tranh lành mạnh hơn mà còn góp phần ổn định thị trường xăng dầu Việt Nam, đồng thời hạn chế những động thái bóp méo giá cả vì các mục tiêu chính trị hoặc kinh tế khác. Tóm lại, đây là một bước đi quan trọng trong việc cải cách cơ chế điều hành giá xăng dầu, hướng tới sự tự do và minh bạch của thị trường.

PV: Thưa ông, hiện nay các nước tiên tiến trên thế giới đang điều hành giá xăng dầu như thế nào? Việt Nam có cần thêm các biện pháp để đảm bảo kiểm soát giá hợp lý, tránh đầu cơ hoặc thao túng giá?

PGS.TS Nguyễn Thường Lạng: Theo tôi, các quốc gia có nền kinh tế lớn trên thế giới như Mỹ, các nước châu Âu, Trung Quốc hay Ấn Độ đều tiêu thụ lượng xăng dầu rất lớn. Cách thức quản lý của họ có một số điểm đáng chú ý. Thứ nhất, các tập đoàn lớn sẽ bán dầu theo giá công bố trên các sàn giao dịch quốc tế như London, New York hay Singapore. Như vậy, giá cả đã được công khai rõ ràng trên các sàn giao dịch này, giúp minh bạch hóa thị trường. Bên cạnh đó, các quốc gia cũng duy trì dự trữ chiến lược, chẳng hạn như Mỹ có thể dự trữ hàng trăm triệu thùng dầu để đối phó với các tình huống khẩn cấp. Hay Ấn Độ và Trung Quốc, với nhu cầu tiêu thụ dầu rất lớn, đã xây dựng cơ chế dự trữ dầu chiến lược dài hạn. Họ có thể giữ dự trữ từ 180 đến 240 ngày, nhằm phòng ngừa các cú sốc về giá do xung đột hoặc các biến động lớn khác.

Thứ hai, sự biến động giá dầu được công khai minh bạch, và các chi phí phụ như logistics, lưu kho cũng được công khai. Điều này giúp thị trường phản ứng công bằng hơn, và nếu có cú sốc giá, nhà nước có quyền sử dụng nguồn dự trữ để can thiệp và ổn định giá.

Ngoài ra, nếu có hành vi vi phạm Luật cạnh tranh, như đầu cơ hay cấu kết nâng giá, các quy định chống độc quyền sẽ điều tiết, và nếu phát hiện, sẽ bị phạt rất nặng. Sự minh bạch và các đạo luật này là những yếu tố quan trọng giúp thị trường tự điều chỉnh. Nếu không có các đạo luật chống độc quyền và chống đầu cơ, thị trường có thể dễ bị thao túng, đặc biệt là bởi các tập đoàn lớn.

Ở các quốc gia phát triển, sự minh bạch của thị trường, kết hợp với sự quản lý của nhà nước và các đạo luật bảo vệ cạnh tranh, sẽ tạo ra một cơ chế ổn định, hạn chế sự thao túng từ các tập đoàn lớn. Thị trường xăng dầu ở các quốc gia này có thông tin rất rõ ràng và kịp thời nhờ vào các sàn giao dịch minh bạch, giúp việc can thiệp vào giá dầu trở nên khó khăn.

Tuy nhiên, ở Việt Nam tình hình minh bạch của thị trường xăng dầu hiện nay chưa cao. Các thông tin về giá nhập khẩu, cùng với các chi phí vận chuyển, lưu kho… hiện chưa được công khai minh bạch. Điều này khiến người tiêu dùng và các cơ quan quản lý khó theo dõi và kiểm soát. Tôi cho rằng Việt Nam nên học hỏi các quốc gia này về sự minh bạch trong việc công khai thông tin và xây dựng các đạo luật chống độc quyền và đầu cơ.

Bên cạnh đó, việc có một lực lượng dự trữ dầu quốc gia công khai, rõ ràng sẽ giúp tạo ra tâm lý ổn định cho thị trường. Nếu những thông tin này được công khai và rõ ràng, người dân và các cơ quan quản lý sẽ dễ dàng giám sát, và việc thao túng giá sẽ trở nên khó khăn hơn.

Tôi cũng nhận thấy rằng, với cách làm minh bạch và sự quản lý chặt chẽ từ nhà nước, các hiện tượng đầu cơ, tích trữ và thao túng giá xăng dầu có thể diễn ra, nhưng không thể ảnh hưởng quá lớn. Nếu Việt Nam áp dụng các biện pháp như vậy, tôi tin rằng giá xăng dầu sẽ ổn định và thậm chí có thể giảm xuống trong tương lai.

Xin cảm ơn ông!

Đình Khương