Một số thông tin về tình hình quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ

07:35 | 12/11/2023

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Hoa Kỳ nhất quán khẳng định cam kết ủng hộ một Việt Nam “mạnh, độc lập và thịnh vượng”; tiếp tục đánh giá cao vai trò của Việt Nam và coi trọng quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ; bày tỏ mong muốn tiếp tục thúc đẩy quan hệ phát triển trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị của nhau.
Tình hình quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ
https://kinhtexaydung.petrotimes.vn

1. Về chính trị - ngoại giao:

- Quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ thời gian qua tiếp tục đà phát triển tích cực. Hai bên đẩy mạnh tiếp xúc và trao đổi đoàn cấp cao. Đặc biệt, ngày 10-11/9/2023, Tổng thống Biden đã có chuyến thăm Việt Nam, hai bên đã xác lập Quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện.

- Hai bên tiếp tục duy trì các cơ chế đối thoại song phương thường kỳ dưới hình thức trực tiếp như Đối thoại Châu Á - Thái Bình Dương (tháng 10/2022), Đối thoại Chính trị - An ninh - Quốc phòng tại Washington, D.C. (3/2023), Đối thoại Nhân quyền (11/2023).

- Trong các trao đổi, phía Hoa Kỳ nhất quán khẳng định cam kết ủng hộ một Việt Nam “mạnh, độc lập và thịnh vượng”; tiếp tục đánh giá cao vai trò của Việt Nam và coi trọng quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ; bày tỏ mong muốn tiếp tục thúc đẩy quan hệ phát triển trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị của nhau. Trong bài phát biểu tại Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc tháng 9/2023, Tổng thống Biden đã ca ngợi quan hệ hai nước và cho rằng đây là quan hệ hình mẫu. Phía Hoa Kỳ tiếp tục đánh giá cao vị trí và vai trò của Việt Nam trong ASEAN, tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, cũng như tại các diễn đàn quốc tế như Liên hợp quốc và trong ứng phó với các thách thức chung toàn cầu.

2. Về kinh tế - thương mại - đầu tư:

- Hoa Kỳ duy trì là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong khi Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn thứ 07 của Hoa Kỳ, đồng thời là đối tác thương mại lớn nhất trong khu vực ASEAN. Kim ngạch thương mại song phương tăng bình quân khoảng 16%/năm, tăng hơn 550% từ 21,8 tỷ USD năm 2011 lên hơn 123 tỷ USD năm 2022. Tính từ khi bình thường hóa quan hệ năm 1995 đến nay, tăng trưởng thương mại hai nước đã tăng 360 lần, từ 450 triệu USD năm 1995 lên mức hơn 123 tỷ USD năm 2022.

Kim ngạch thương mại song phương 10 tháng đầu năm 2023 đạt hơn 90,1 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt hơn 78,6 tỷ USD, nhập khẩu đạt 11,5 tỷ USD. Đến 2023 Hoa Kỳ là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 11/108 nước đầu tư tại Việt Nam với hình thức đầu tư đa dạng (khoảng 1200 dự án, tổng vốn đạt gần 11,4 tỷ USD). Trong năm 2022, đầu tư trực tiếp của Hoa Kỳ tại Việt Nam đạt 748 triệu USD, đứng thứ 8/108 trong số các nước và vùng lãnh thổ có FDI tại Việt Nam. Tính riêng 2 tháng đầu năm 2023, tổng đầu tư trực tiếp của Hoa Kỳ vào Việt Nam khoảng 11,68 triệu USD. Đến 2023, Việt Nam có 230 dự án đầu tư tại Hoa Kỳ với tổng vốn đăng ký 1,264 tỷ USD. Hoa Kỳ đứng thứ 7/80 nước và vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam.

Các doanh nghiệp lớn của Hoa Kỳ tiếp tục quan tâm, đầu tư lâu dài tại thị trường Việt Nam, bày tỏ mong muốn thúc đẩy hợp tác với các đối tác Việt Nam trong những lĩnh vực Việt Nam quan tâm, bao gồm phát triển cơ sở hạ tầng, chuỗi cung ứng, chuyển đổi năng lượng và chuyển đổi số, đầu tư công nghệ cao và đổi mới sáng tạo. Trong năm 2023, nhiều tập đoàn lớn của Hoa Kỳ tỏ quan tâm đầu tư mới hoặc lên kế hoạch mở rộng, tăng vốn đầu tư tại Việt Nam (tập đoàn P&G dự kiến đầu tư thêm 100 triệu USD để mở rộng dây chuyền sản xuất nhà máy Bến Cát, AES dự kiến đầu tư vào phát triển năng lượng tái tạo; nhiều bang của Hoa Kỳ cho biết thời gian tới sẽ tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực sản xuất linh kiện ô tô).

- Hai bên duy trì trao đổi thường xuyên để tăng cường hợp tác, và thảo luận về triển vọng mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực mới mà mỗi bên có nhu cầu, trong đó có ngành bán dẫn. Hai bên cũng đối thoại thẳng thắn, thực chất và xây dựng để giải quyết các vấn đề và vụ việc tồn đọng trong quan hệ thương mại.

3. Hợp tác an ninh - quốc phòng được duy trì ở mức phù hợp với nội dung hợp tác đa dạng, nổi bật là hoạt động trao đổi đoàn, tiếp xúc cấp cao. Vấn đề khắc phục hậu quả chiến tranh tiếp tục là ưu tiên. Hoạt động tìm kiếm quân nhân Hoa Kỳ (MIA), tìm kiếm liệt sỹ Việt Nam, xử lý dioxin, hỗ trợ người khuyết tật tiếp tục được đẩy mạnh. Ta chủ động, tích cực phối hợp với Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) triển khai Bản Ghi nhớ Ý định (MOI) về hợp tác nâng cao năng lực giám định hài cốt trong chiến tranh. Hai bên ký Kế hoạch hành động về hợp tác nâng cao năng lực giám định hài cốt trong chiến tranh cho Việt Nam.

4. Hợp tác giáo dục đạt được nhiều bước tiến tích cực thời gian gần đây với việc hai bên thúc đẩy hợp tác giáo dục - đào tạo, chuyển giao công nghệ. Cơ quan Tài chính Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (DFC) công bố khoản ngân sách của Chính phủ Hoa Kỳ trị giá 37 triệu USD cho Trường Đại học Fulbright Việt Nam vay để xây trường ở Quận 9, Thành phố Hồ Chí Minh; hai bên phối hợp triển khai đợt tình nguyện viên Hoa Kỳ đầu tiên vào Việt Nam giảng dạy tiếng Anh (tháng 10/2022) tại Hà Nội và đón đợt tình nguyện viên thứ hai (tháng 10/2023) vào giảng dạy tại TP. Hồ Chí Minh. Hiện nay Việt Nam có 6 cơ sở giáo dục có vốn đầu tư của Hoa Kỳ tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Hải Phòng, Bình Dương.

5. Các lĩnh vực hợp tác khác: Hợp tác y tế và phục hồi sau dịch COVID-19 tiếp tục là điểm sáng, đặc biệt là trong việc hỗ trợ lẫn nhau về trang thiết bị y tế, tiếp cận vắc-xin, chia sẻ kinh nghiệm phòng chống dịch bệnh và bảo hộ công dân. Từ giai đoạn dịch COVID-19 đến nay, Hoa Kỳ đã hỗ trợ cho Việt Nam hơn 40 triệu liều vắc-xin, trong đó có gần 39 triệu liều thông qua cơ chế COVAX; chuyển cho Việt Nam 111 tủ lạnh âm sâu để bảo quản vắc-xin Pfizer; đề xuất viện trợ bộ xét nghiệm nhanh CUE do Hoa Kỳ sản xuất; và phối hợp chuyển giao công nghệ vắc xin mRNA mới nhất và thuốc điều trị cho đối tác Việt Nam. USAID đã tài trợ lắp đặt hệ thống oxy lỏng ở bệnh viện Bạch Mai nhân chuyến thăm của Thứ trưởng thứ nhất Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Wendy Sherman. Văn phòng CDC khu vực Đông Nam Á đặt tại Hà Nội (khai trương nhân chuyến thăm của Phó Tổng thống Kamala Harris) tiếp tục hoạt động tích cực, nhận được quan tâm của nội bộ Hoa Kỳ.

Ngoài ra, hai bên tiếp tục tăng cường hợp tác ứng phó với biến đổi khí hậu và chuyển đổi năng lượng. Hoa Kỳ cam kết hỗ trợ để ta đạt mục tiêu tại COP-26 và cập nhật đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) tại COP27 và tích cực chuẩn bị thành lập Nhóm công tác song phương về biến đổi khí hậu.

6. Về hợp tác khu vực và quốc tế: Hai nước tiếp tục phối hợp trong các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm như vấn đề Mê Công, Myanmar, Triều Tiên, phòng chống đại dịch COVID-19; đặc biệt là trong khuôn khổ Liên hợp quốc và trong các cơ chế của ASEAN.

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn

Vân Anh