Mì Hảo Hảo bị thu hồi tại Ireland: Người tiêu dùng hiểu đúng để không hoang mang?

03:06 | 04/09/2021

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Vừa qua, thông tin một số sản phẩm mì Hảo Hảo do Công ty Cổ phần Acecook Việt Nam sản xuất bị Cơ quan An toàn thực phẩm Ireland (FSAI) thu hồi do có chứa hợp chất Ethylene Oxide, khiến nhiều người tiêu dùng hoang mang. Vậy nên hiểu vấn đề này thế nào cho đúng?
Mì ăn liền Việt Nam xuất khẩu bị cảnh báo chứa chất cấm không được phép tại châu Âu: Vừa sử dụng vừa lo?Mì ăn liền Việt Nam xuất khẩu bị cảnh báo chứa chất cấm không được phép tại châu Âu: Vừa sử dụng vừa lo?

Cụ thể, ngày 20/8/2021, FSAI ra thông báo thu hồi một số lô sản phẩm mì ăn liền của Công ty Cổ phần Acecook Việt Nam do có chứa hợp chất Ethylene Oxide; gồm 02 sản phẩm là: Miến Good, hương vị sườn heo, loại 56g, ngày sản xuất 10/5/2021 và Mì Hảo Hảo hương vị tôm chua cay, loại 77g, ngày sản xuất 24/3/2021.

Mì Hảo Hảo bị thu hồi tại Ireland: Người tiêu dùng hiểu đúng để không hoang mang?
Ông Kajiwara Junichi - Tổng giám đốc Acecook Việt Nam phát biểu

Tại buổi họp báo chiều 28/8, ông Kajiwara Junichi - Tổng giám đốc Công ty CP Acecook Việt Nam khẳng định: “Công ty Acecook Việt Nam không sử dụng công nghệ Ethylene Oxide ở bất kỳ công đoạn sản xuất nào. Chúng tôi cũng đã làm việc với các nhà cung cấp nguyên liệu và nhà cung cấp cũng khẳng định không sử dụng Ethylene Oxide trong quy trình sản xuất của họ. Chúng tôi đã yêu cầu họ kiểm soát và tuyệt đối không sử dụng công nghệ Ethylene Oxide trong quy trình sản xuất, tuyệt đối thực hiện đúng theo các cam kết này với Acecook Việt Nam”.

Ethylene Oxide là gì?

Theo PGS.TS Trần Hồng Côn (khoa Hóa, Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN), Ethylene Oxide (EO hoặc EtO) là một hợp chất hữu cơ, có công thức hóa học C2H4O (dạng khí). EO chủ yếu được sử dụng để làm chất chống đông và polyester. Một lượng nhỏ của Ethylene Oxide được sử dụng trong thuốc trừ sâu diệt côn trùng và thuốc khử trùng cho các loại gia vị, sách, da, giấy, đồ nội thất…

Trong các sản phẩm ăn uống, nếu có Ethylene Oxide thì thường sẽ phát sinh trong quá trình xử lý nguyên liệu có nguồn gốc từ thực vật trước khi chế biến thực phẩm, ví dụ như dùng khí xông thực phẩm để tránh nấm mốc. Sau đó sản phẩm phải được để như vậy trong khoảng thời gian nhất định, đảm bảo không còn chất độc hại này trước khi đi vào các công đoạn chế biến. Nếu có EO trong sản phẩm thì khả năng thời gian này không đủ để EO bay hơi hoàn toàn và tồn dư lại trong nguyên liệu thực vật với một hàm lượng rất nhỏ.

Hiểu đúng về các sản phẩm có chứa Ethylene Oxide để không hoang mang

Không chỉ Việt Nam, nhiều sản phẩm vào EU của các nước khác cũng vừa bị cảnh báo vi phạm vì chứa Ethylene Oxide. Mỗi quốc gia quy định hàm lượng Ethylene Oxide khác nhau. Với Châu Âu thì chỉ cho phép từ 0,02 - 0,1 mg/kg; Hoa Kỳ cho phép hàm lượng EO trong rau khô, hạt khô và hạt có dầu là 7mg/kg, riêng với óc chó là 50mg/kg; Tại Canada ngưỡng này cũng là 7mg/kg đối với gia vị và rau sấy. Còn đối với hầu hết các quốc gia tại châu Á như: Ấn Độ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Việt Nam... chưa đưa ra quy định về hàm lượng Ethylene Oxide trong thực phẩm.

Theo thống kê, chỉ riêng trong tháng 8/2021, FSAI thông báo thu hồi hơn 10 sản phẩm liên quan chứa chất Ethylene Oxide từ nhiều nước khác nhau Anh, Pháp, Ba Lan, Đức… Tại EU, đã có hơn 3.862 trường hợp được thông báo về việc ô nhiễm chất Ethylene Oxide trong thực phẩm, tính trong năm 2020; 4.118 trường hợp tính trong năm 2019.

Ông Nguyễn Cảnh Cường - Tham tán Công sứ Việt Nam tại Vương quốc Anh cho biết: Cảnh báo nói trên không phải là một quyết định hành pháp mà chỉ là cảnh báo cấp độ 2. Trong những trường hợp như vậy, nhà phân phối tại Ireland sẽ dừng bán và thông báo tại các điểm bán hàng về việc thu hồi sản phẩm của lô khuyến cáo đã bán. Người tiêu dùng có thể trả lại sản phẩm đã mua và được hoàn lại tiền theo hóa đơn. Cảnh báo nói trên không có nghĩa là tất cả sản phẩm mì Hảo Hảo và miến Good bị cấm bán hay buộc phải tiêu hủy tại Ireland. Nhà phân phối không bị phạt hay bị buộc phải đóng cửa. Hiện mì Hảo Hảo vẫn được bày bán tại London.

Bà Nguyễn Thị Hoàng Thuý - Tham tán thương mại Việt Nam tại Thuỵ Điển, kiêm nhiệm Đan Mạch, Phần Lan, Iceland, Na Uy, Latvia, thì cho biết: Thời gian qua hàng trăm thông báo được các nước phát đi liên quan đến chất EO thông qua RASFF. Các sản phẩm có chứa EO bị thu hồi thuộc nhiều chủng loại, gồm các chất phụ gia, gia vị, các loại hạt, thảo mộc, kem, món tráng miệng, ngũ cốc, các sản phẩm từ sữa, trái cây, rau quả, cà phê, trà, sản phẩm chế biến từ cacao... đến từ nhiều nước khác nhau.

Về phía đơn vị sản xuất, như đã nêu tại buổi họp báo chiều 28/8, đại diện Công ty CP Acecook Việt Nam đã khẳng định: Đơn vị không sử dụng Ethylene Oxide trong bất cứ công đoạn nào của quy trình để sản xuất các sản phẩm mì ăn liền.

Liên quan đến vấn đề này, bác sĩ Trần Văn Phúc - Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn Hà Nội chia sẻ: “Tôi hoàn toàn đồng ý với quan điểm của Acecook khi giải thích rằng trong quá trình sản xuất không sử dụng chất Ethylene Oxide vào trong tất cả các công đoạn. Bởi thực tế chúng ta biết rằng, trong quy trình sản xuất mì ăn liền có một bước rất quan trọng là bước chiên để làm khô các sợi mì. Quá trình chiên sẽ tiêu diệt các vi sinh vật như vi khuẩn, virus, nấm…Vì lý do đó, trong công đoạn sản xuất mì ăn liền, người ta không bao giờ sử dụng chất Ethylene Oxide vào quy trình khử khuẩn. Do vậy chúng ta hoàn toàn có thể yên tâm…”.

Các sản phẩm mì ăn liền trong nước vẫn đạt ngưỡng an toàn

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, về cơ bản mì ăn liền được sản xuất hiện nay vẫn đảm bảo an toàn. Vì vậy, người tiêu dùng cần bình tĩnh, không nên có tâm lý hoang mang trước khi chưa có kết luận chính thức của các cơ quan chức năng.

Cũng theo bác sĩ Trần Văn Phúc: Đến thời điểm hiện tại chúng ta có thể yên tâm để dùng các sản phẩm mì tôm. Các phân tích cho thấy: Giả sử sản phẩm ở Ireland đang bị thu hồi của Việt Nam với hàm lượng Ethylene Oxide là 0,066 mg/kg thì một người phải ăn tối thiểu 2 ngày/gói mì tôm và ăn hết cả cuộc đời với điều kiện phải ăn sống thì mới tích lũy đủ lượng hóa chất để có thể gây ra ung thư với xác suất xảy ra là 1/100.000 người. Trong khi đó, đại đa số người tiêu dùng thường dùng ăn chín thay vì ăn sống. Khi ăn chín mì ăn liền thì lượng EO sẽ bay hơi đi 90% (khi đó để có nguy cơ ung thư thì một người phải ăn mỗi ngày 5 gói trong cả cuộc đời thì mới xuất hiện rằng 1 triệu người bị ung thư mới có 10 người bị ung thư do ăn mì tôm)… Do vậy, bác sĩ Phúc cho rằng: “Chúng ta có thể yên tâm để ăn các sản phẩm mì tôm. Tất nhiên, cũng không phải vì thế mà chúng ta chủ quan. Tôi cũng kiến nghị cơ quan chức năng phải nghiên cứu, tham khảo để đưa ra một cái ngưỡng đảm bảo an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng”.

Được biết, trong thời gian qua Acecook Việt Nam đã đưa sản phẩm của mình đi tới hơn 40 quốc gia trên thế giới, đến nhiều thị trường khác nhau: Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Hà Lan, Thụy Điển, Canada… và những nước cạnh tranh về dòng mì ăn liền tại châu Á như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Hồng Kông... Đối với lô hàng mì Hảo Hảo và Miến Good bị thu hồi ở Ireland, hiện vẫn đáp ứng được ở các thị trường khác như Mỹ, Canada... Mặc dù vậy, Acecook Việt Nam cho biết, hiện họ đang tiến hành phân tích, kiểm tra và điều tra trên diện rộng. Chú trọng ở các khâu nguyên liệu, các nhà cung cấp nguyên vật liệu và các quy trình liên quan để nhận định nguyên nhân và sẽ có biện pháp đối ứng kịp thời, hữu hiệu, nhằm đảm bảo chất lượng các sản phẩm. Ngoài ra, được biết Công ty cũng đã có công văn gửi tới các nước có liên quan để đánh giá rõ sự việc.

Còn về phía cơ quan quản lý trong nước, Bộ Công Thương cũng đã chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp rà soát toàn bộ danh mục sản phẩm do Công ty cổ phần Acecook Việt Nam hiện đang phân phối, kiểm tra xác minh làm rõ vấn đề; đưa thông tin đến bạn đọc một cách chính xác nhất để bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng và doanh nghiệp.

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Theo Khả Hương/ phapluatquanly.vietnamhoinhap.vn