Mì ăn liền Việt Nam xuất khẩu bị cảnh báo chứa chất cấm không được phép tại châu Âu: Vừa sử dụng vừa lo?

10:26 | 02/09/2021

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Bất kỳ sản phẩm nào bị cảnh báo chứa chất cấm, gây ảnh hưởng đến sức khỏe dù là ở châu Âu đều khiến người tiêu dùng hoang mang, đặc biệt với sản phẩm được tiêu dùng phổ biến tại Việt Nam như mì ăn liền. Những nghi ngại của người tiêu dùng không phải là không có cơ sở nhưng cần có đánh giá toàn diện, khoa học về tác động của các chất cấm này.

Mỹ, Canada quy định hàm lượng EO trong thực phẩm

Ngày 20/8, Cơ quan An toàn thực phẩm Ireland (FSAI) thông báo, hai lô sản phẩm trong đó có 1 lô mỳ ăn liền nhãn hiệu Hảo Hảo và 1 lô miến Good bị thu hồi do có chứa chất ethylene oxide (EO). EO được xác định trong 3 lô sản phẩm mì, miến ăn liền khác nhau từ Việt Nam và Trung Quốc - thuộc danh mục chất không được phép sử dụng trong thực phẩm bán ở thị trường Liên minh châu Âu (EU) mà Ireland là thành viên.

Cụ thể, 2 sản phẩm xuất xứ từ Việt Nam là mì ăn liền Hảo Hảo tôm chua cay (loại 77g), hạn sử dụng 24/9/2022 và miến ăn liền Good (loại 56g), hạn sử dụng 10/11/2022. Cả 2 đều là sản phẩm của hãng Acecook. Nghĩa là, ngoài 2 lô sản phẩm bị thu hồi này thì tất cả các lô sản phẩm khác vẫn sẽ được bày bán bình thường tại các thị trường này.

Mì ăn liền Việt Nam xuất khẩu bị cảnh báo chứa chất cấm không được phép tại Châu Âu: Vừa sử dụng vừa lo?
Ảnh minh họa/ https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

EO là một hợp chất hữu cơ thường được tìm thấy ở dạng khí không màu và rất dễ cháy. Chất này thường được sử dụng chủ yếu làm hoá chất trung gian trong sản xuất ethylene glycol (chất chống đông), hàng dệt, chất tẩy rửa, bọt polyurethane, dung môi, thuốc, chất kết dính, nguyên liệu cho sản xuất nhựa Polyethylene terephthalate (PET) và các sản phẩm khác.

Ngoài ra, trong thực phẩm EO còn được sử dụng làm sản phẩm khử trùng, hun trùng có hiệu quả cao, được phép sử dụng ở nhiều quốc gia cho mục đích kiểm soát côn trùng trong một số sản phẩm nông sản, khử vi khuẩn, nấm mốc, các nguyên liệu có nguồn gốc thực vật và các nguyên liệu gia vị (đặc biệt cho gia vị và các loại thảo mộc như ớt bột, tiêu và quế... trước yêu cầu luôn cần kiểm tra thường xuyên một số vi khuẩn gây bệnh trong thực phẩm như vi khuẩn Salmonella).

Tại châu Âu, EO được xếp loại là một sản phẩm thuốc trừ sâu bị cấm. Việc sử dụng EO để khử trùng thực phẩm là không được phép. Tuy nhiên, một số nước, ngoài EU chấp thuận cho phép qui định giới hạn hàm lượng sử dụng.

Đơn cử như tại Mỹ, nước này quy định ngưỡng EO trong rau khô, hạt khô và hạt có dầu là 7mg/kg, riêng với óc chó là 50mg/kg; còn tại Canada ngưỡng này cũng là 7mg/kg đối với gia vị và rau sấy. Ở một số quốc gia châu Âu khác lại quy định tỷ lệ EO trong một số loại gia vị và nguyên liệu khô là 0,02-0,1mg/kg. Đối với các nước châu Á như: Ấn Độ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Việt Nam, thì EO không được quy định.

Như vậy có thể thấy, chất EO vẫn có thể được phép xuất hiện trong thực phẩm và do có ảnh hưởng nhất định đến sức khỏe người sử dụng nên mỗi quốc gia đặt ra ngưỡng cụ thể. Ngưỡng này được xác định dựa trên căn cứ là tác động của EO đến sức khỏe người sử dụng và tác động của các yếu tố bên ngoài như: điều kiện thời tiết, môi trường, nấm, mốc, virus, vi khuẩn gây hại cho sức khỏe con người nếu không sử dụng EO. Ví dụ như tại Việt Nam hay các nước Đông Nam Á, khí hậu nhiệt đới gió mùa, ấm ẩm dễ sinh nấm mốc, vi khuẩn nên EO không được đưa vào danh mục chất cấm. Tại một số nước châu Âu thì ngược lại.

Các nước châu Âu vốn là một thị trường với các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm cực kỳ khắt khe và có nhiều rào cản kỹ thuật. Do đó, không chỉ sản phẩm mì tôm xuất khẩu từ Việt Nam, mà còn có sản phẩm mì từ Trung Quốc, Hàn Quốc hay các sản phẩm từ nông sản khác của các quốc gia thậm chí châu Âu (Bỉ, Pháp) và thậm chí từ Úc… chúng ta dễ dàng tìm thấy bị cảnh báo này trên các trang cảnh báo của châu Âu (RASFF, FSAI - Ireland...), thậm chí EO còn bị phát hiện cảnh báo trên các sản phẩm organic từ Pháp, UK có tiêu chuẩn khắt khe với an toàn thực phẩm. Do đó, không chỉ sản phẩm mì tôm xuất khẩu từ Việt Nam, mà sản phẩm từ Trung Quốc, Hàn Quốc… cũng đều từng bị cảnh báo này.

Khi nào EO gây độc hại được tìm thấy ở đâu? Mức độ cảnh báo trong sản phẩm Acecook?

Ngay sau khi các lô mì tôm của doanh nghiệp Việt Nam bị nước ngoài cảnh báo vì chứa chất cấm, Bộ Công Thương đã khẩn trương xác minh và yêu cầu công ty Acecook cung cấp thông tin, nêu sự khác nhau giữa sản phẩm phục vụ thị trường trong nước và sản phẩm xuất khẩu, nhằm đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam. Hiện công ty Acecook đang phối hợp với các cơ quan chức năng để làm rõ các thông tin này.

Trong thông cáo gửi đến các cơ quan báo chí ngày 28/8, phía Acecook khẳng định: “Hai sản phẩm nói trên là sản phẩm xuất khẩu, dành riêng cho thị trường châu Âu, không phải sản phẩm nội địa. Chúng tôi xin cam kết tất cả các sản phẩm đang lưu hành tại thị trường Việt Nam đều tuân thủ quy định và pháp luật Việt Nam, đảm bảo an toàn đối với sức khỏe của người tiêu dùng”. Tuy nhiên, thông tin này chưa đủ trấn an người tiêu dùng Việt Nam tại thời điểm này.

Theo các chuyên gia, nếu mì tôm chứa EO thì nguyên nhân có thể nằm ở nguyên liệu. Vùng nguyên liệu khác nhau thì hàm lượng EO trong thực phẩm khác nhau. Theo tính toán, giả sử theo cảnh báo của Ireland, các sản phẩm bị kể tên có hàm lượng EO là 0,066mg/kg, thì dễ gây ảnh hưởng đến sức khỏe từ mì tôm, 1 người phải ăn tối thiểu 2 ngày 1 gói mì tôm trong suốt cả cuộc đời. Xác suất mắc bệnh từ nguyên nhân này là 1/100.000 người. Tuy nhiên, nếu nấu chín mì tôm theo hướng dẫn từ nhà sản xuất thì hàm lượng EO sẽ bay hơi 90%, chỉ còn 10%, tức là để mắc bệnh từ nguyên nhân này, người dùng phải sử dụng lượng mì tôm lớn hơn nhiều và cũng kéo dài liên tục suốt cả cuộc đời.

Hiện nay theo qui định của Hội đồng chung châu Âu Eroupean Comisssion EU 2015/868 và theo cảnh báo của Ireland về ETO không khẳng định đây là chất gây ung thư và cũng không đưa ra con số cụ thể về thông số độc tính của chất này với mục đích sử dung như trên mà theo cảnh báo của Ireland (FSAI) đã khẳng định “mặc dù việc tiêu thụ sản phẩm có nhiễm chất này sẽ không gây rủi ro độc tính cấp (acute risk) cho sức khỏe người tiêu dùng nhưng nó sẽ gia tăng rủi ro này nếu tiếp tục sử dụng trong một thời gian dài với hàm lượng vượt mức cho phép".

Dù vậy, các chuyên gia cũng khuyến cáo, không nên vì nguyên nhân này mà người tiêu dùng chủ quan. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý cũng cần nghiên cứu, đưa ra ngưỡng các chất cấm, chất bị hạn chế phù hợp để đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng cũng như đảm bảo sự minh bạch của sản phẩm.

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

PV