Hà Nội tăng cường hậu kiểm mỹ phẩm, siết chặt quản lý các cơ sở tự công bố
Theo Thông báo số 2047/SYT-NVD ngày 5/5/2025, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các phòng y tế quận, huyện, thị xã và trung tâm kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm Hà Nội phối hợp tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm trên địa bàn. Mục tiêu nhằm kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm như: sản xuất tại cơ sở chưa được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện, sử dụng công thức không đúng hồ sơ công bố, đưa sản phẩm ra thị trường khi chưa được cấp số tiếp nhận phiếu công bố, quảng cáo sai sự thật hoặc gây hiểu lầm là thuốc.
![]() |
Sở Y tế Hà Nội yêu cầu không được sản xuất, gia công mỹ phẩm tại các cơ sở sản xuất mỹ phẩm trong nước chưa được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm (Ảnh minh họa). |
Đặc biệt, từ ngày 12/4/2025, Sở Y tế đã ban hành Kế hoạch số 1660/KH-SYT về hậu kiểm các cơ sở mỹ phẩm năm 2025, và đến nay đã gửi Thông báo số 1942/SYT-NVD tới hàng loạt doanh nghiệp để yêu cầu gửi báo cáo hậu kiểm trước ngày 10/5.
Danh sách hậu kiểm đợt này gồm 20 doanh nghiệp, trong đó có nhiều tên tuổi quen thuộc trên thị trường như Công ty cổ phần Dược phẩm QD-Meliphar, Công ty TNHH Rosa Valley Việt Nam, Công ty TNHH Medistar Việt Nam, Công ty cổ phần Xà phòng Hà Nội, Công ty TNHH Gcoop Việt Nam…
Cùng thời điểm, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cũng có Công văn số 1149/QLD-MP (ngày 23/4/2025) chỉ đạo các Sở Y tế địa phương tăng cường hậu kiểm, kiểm tra thực hiện nghĩa vụ công bố và quản lý chất lượng mỹ phẩm. Theo đó, Cục ghi nhận một số tổ chức đã vi phạm nghiêm trọng: thay đổi thông tin công bố mà không được chấp thuận, không lưu giữ hồ sơ thông tin sản phẩm, sản xuất tại cơ sở không đủ điều kiện, quảng cáo sai lệch về tính năng công dụng hoặc nguồn gốc sản phẩm.
![]() |
Thông báo số 2047/SYT-NVD ngày 5/5/2025, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các phòng y tế quận, huyện, thị xã và trung tâm kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm Hà Nội phối hợp tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm trên địa bàn. |
Hoạt động kinh doanh mỹ phẩm trên các nền tảng trực tuyến cũng bị đưa vào “tầm ngắm”. Cục yêu cầu các địa phương tăng cường phối hợp với lực lượng quản lý thị trường, công an và các nền tảng thương mại điện tử để xử lý các hành vi vi phạm trên Facebook, TikTok, Zalo, YouTube… như quảng cáo mỹ phẩm giả danh thuốc, mỹ phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc hoặc không được công bố hợp pháp.
Công tác hậu kiểm không chỉ nhằm phát hiện vi phạm, mà còn nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp. Mỗi tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường cần nghiêm túc cập nhật quy định, lưu trữ đầy đủ hồ sơ, chịu trách nhiệm về chất lượng, an toàn và hiệu quả sản phẩm.
Cùng với hậu kiểm, cơ quan chức năng khuyến cáo người tiêu dùng nên cẩn trọng với các sản phẩm mỹ phẩm chưa rõ nguồn gốc, nhất là các loại “xách tay” quảng cáo tràn lan trên mạng xã hội. Việc sử dụng mỹ phẩm không đảm bảo chất lượng không chỉ gây ảnh hưởng đến thẩm mỹ, mà còn tiềm ẩn nguy cơ đối với sức khỏe.
Đình Khương
- ADB nâng tổng hỗ trợ an ninh lương thực khu vực Châu Á - Thái Bình Dương lên 40 tỷ USD đến năm 2030
- Một số chỉ đạo quan trọng của Chính phủ về đầu tư, doanh nghiệp trong tháng 4/2025
- T&T Group khởi công xây dựng 2 công trình nhà ở xã hội tại Vĩnh Long
- T&T Group sẽ ra mắt thị trường sản phẩm pin lưu trữ năng lượng vào năm 2026
- ADB đầu tư mạnh mẽ vào các dự án năng lượng và phát triển bền vững