Máy ảnh công nghệ mới cho phép dự đoán thảm họa núi lửa phun trào

19:10 | 15/04/2023

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Mới đây, một nhóm các nhà nghiên cứu quốc tế đã phát triển một máy ảnh mới có thể đo lượng khí thải SO2 phát ra từ các núi lửa đang hoạt động, từ đó giúp dự đoán trước các hiểm họa núi lửa phun trào trong tương lai.

Máy ảnh đo nồng độ SO2 (lưu huỳnh điôxit) đã được thử nghiệm ngay trên các núi lửa ở Hawaii và Chile, và nghiên cứu này có thể mở đường cho việc dự đoán các thảm họa núi lửa phun trào trong tương lai. Trong những năm gần đây, hiện tượng núi lửa phun trào xảy ra thường xuyên hơn, thậm chí các nhà khoa học dự đoán các thảm họa núi lửa lớn có thể gây chết người và tàn phá toàn bộ hành tinh.

Máy ảnh công nghệ mới cho phép dự đoán thảm họa núi lửa phun trào
Ảnh minh họa, https://kinhtexaydung.petrotimes.vn

Giới khoa học cũng hy vọng các camera sẽ cung cấp dữ liệu chính xác để có thể giám sát hoạt động của các núi lửa dài hạn trong tương lai.

Các máy ảnh đo nồng độ SO2 mới hiệu quả hơn nhiều so với các máy ảnh tiền thân, giá thành cũng rẻ hơn và cho phép các nhà nghiên cứu quan sát khí thải từ núi lửa. Được biết, khí thải là dấu hiệu nhận biết hoạt động đang xảy ra bên dưới bề mặt núi lửa. Kiến thức này rất quan trọng trong việc theo dõi các mối nguy hiểm và dự đoán các vụ núi lửa phun trào có thể xảy ra.

Kể từ giữa những năm 2000, các nhà nghiên cứu núi lửa đã dựa vào máy ảnh SO2 cực tím để đo lượng khí thải. Tuy nhiên, những chiếc máy ảnh thời đó yêu cầu cường độ theo dõi liên tục và mức giá 16.000 bảng Anh (~470 triệu VNĐ) ở thời điểm đó là quá đắt đỏ. Mẫu máy ảnh mới chỉ có giá khoảng 4.046 bảng Anh (~120 triệu VNĐ) và tiêu tốn ít năng lượng hơn.

“Thiết bị của chúng tôi sử dụng một cảm biến khác với cảm biến máy ảnh của điện thoại thông minh, chúng cực kỳ nhạy cảm với tia cực tím để có thể phát hiện ra khí SO2. Chúng tôi cũng cung cấp phần mềm điều khiển miễn phí, dễ sử dụng để điều khiển thiết bị và xử lý dữ liệu thu được hiệu quả hơn’, Tiến sĩ Thomas Wilkes tại Đại học Sheffield kiêm tác giả chính của nghiên cứu chia sẻ.

Mức tiêu thụ điện của mẫu máy ảnh mới là khoảng 3,75W, ít hơn một nửa so với các máy ảnh trước đó. Các nhà nghiên cứu lưu ý rằng điều này đặc biệt có lợi ở những địa điểm có ít năng lượng mặt trời. Mẫu máy ảnh mới cũng có thể sử dụng năng lượng từ các tấm pin mặt trời, từ đó giảm chi phí tổng thể.

Các camera đã hoạt động liên tục ở núi lửa Lascar- một ngọn núi lửa dạng tầng ở dãy Andes của Chile và Kilauea và ở một núi lửa trên Big Island của Hawaii.

“Trước đây, chỉ có ba ngọn núi lửa được lắp đặt camera SO2 cố định. Các chiến dịch thực địa đã được thực hiện nhưng vẫn tương đối rời rạc. Điều quan trọng là phải theo dõi các hoạt động của núi lửa liên tục, vì nó có thể thay đổi đáng kể trong vài phút, hay trong hàng thập kỷ đến hàng thế kỷ và hơn thế nữa”, Tiến sĩ Wilkes cho biết.

Tuy nhiên, Tiến sĩ Wilkes và nhóm nghiên cứu cũng lưu ý rằng hạn chế lớn nhất của mẫu máy ảnh mới này nằm ở việc nó phụ thuộc đáng kể vào 'điều kiện khí tượng'. ‘Các máy ảnh hoạt động tốt nhất dưới bầu trời trong xanh khi luồng khí núi lửa di chuyển theo một góc 90 độ so với hướng nhìn của máy ảnh”, nhóm nghiên cứu chia sẻ.

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn

Thùy Mai

sohuutritue.net.vn