Lợi nhuận trái chiều của doanh nghiệp ngành bia rượu

07:48 | 20/07/2021

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Dịch Covid-19 khiến nhiều doanh nghiệp ngành bia rượu rơi vào khó khăn, thua lỗ. Tuy nhiên, vẫn có doanh nghiệp công bố kết quả kinh doanh “tỏa sáng”, với lợi nhuận hàng chục tỷ đồng.

Một loạt doanh nghiệp ngành bia rượu vừa công bố báo cáo tài chính (BCTC) quý 2/2021 với doanh thu và lợi nhuận trái chiều.

Doanh nghiệp ngành bia rượu lỗ đậm

Ở chiều ngược lại, 6 tháng đầu năm 2021, lợi nhuận ròng của CTCP Bia Hà Nội - Hải Dương (HNX: HAD) chỉ ghi nhận vỏn vẹn 296 triệu đồng, giảm đến 92% so với cùng kỳ năm trước.

Tính riêng quý 2/2021, doanh thu thuần của HAD đạt gần 48 tỷ đồng, giảm hơn 16% so với cùng kỳ năm 2020. Doanh thu sụt giảm kéo theo lợi nhuận gộp giảm hơn 28%, về mức hơn 13 tỷ đồng. Biên lãi gộp cũng co lại từ 32% xuống mức 28%. Kết quả, lợi nhuận ròng trong quý 2 của HAD vẫn giảm 40%, còn hơn 3 tỷ đồng.

Trong năm 2021, HAD đặt mục tiêu đạt hơn 196 tỷ đồng doanh thu, tăng 29% nhưng dự kiến chỉ đạt 1.8 tỷ đồng lãi sau thuế, giảm 78% so với thực hiện năm 2020. Như vậy, khép lại 6 tháng đầu năm 2021, HAD thực hiện được 28% chỉ tiêu doanh thu và 16% mục tiêu lợi nhuận sau thuế.

Lợi nhuận trái chiều của doanh nghiệp ngành bia rượu
Nguồn: BCTC hợp nhất quý 2/2021 tại HAD /https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Thậm chí, doanh nghiệp nổi tiếng với thương hiệu Vodka Hà Nội là CTCP Rượu và Nước giải khát Hà Nội (Halico, UPCoM: HNR) còn ghi nhận lỗ nặng.

Cụ thể, quý 1/2021 HNR ghi nhận doanh thu giảm 33% so với cùng kỳ, xuống còn 17 tỷ đồng. Chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp đồng loạt tăng khiến HNR báo lỗ hơn 12 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ hơn 6.5 tỷ đồng).

Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, HNR ghi nhận doanh thu tăng nhẹ so với cùng kỳ, đạt 53 tỷ đồng. Sau khi trừ đi các khoản chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp, HNR lỗ ròng hơn 13 tỷ đồng.

Lợi nhuận trái chiều của doanh nghiệp ngành bia rượu
Nguồn: BCTC/Quý 2/2021 tại HNR/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

CTCP Bia - Nước giải khát Sài Gòn - Tây Đô (STD) cũng ghi nhận doanh thu thuần 6 tháng đầu năm giảm nhẹ 1% so với cùng kỳ. Dù vậy giá vốn giảm đã giúp lợi nhuận gộp tại STD tăng 46%, đạt hơn 20 tỷ đồng. Đồng thời, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp được tiết giảm. Kết quả, doanh nghiệp báo lãi sau thuế 6 tháng đầu năm tăng 53% so với cùng kỳ 2020, đạt hơn 12 tỷ đồng.

Tính riêng quý 2/2021, doanh thu thuần giảm 26% xuống còn gần 71 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế giảm 22%, còn hơn 3,8 tỷ đồng.

Lợi nhuận trái chiều của doanh nghiệp ngành bia rượu
Nguồn: BCTC quý 2/2021tại STD

Có thể thấy, dịch COVID-19 đợt 4 quay lại đúng vào mùa nắng nóng - mùa cao điểm tiêu thụ bia - khiến lợi nhuận quý 2/2021 của doanh nghiệp ngành bia rượu không tăng trưởng như kỳ vọng.

...vẫn có doanh nghiệp ngành bia rượu tỏa sáng

Theo báo cáo tài chính quý 2/2021 vừa công bố, CTCP Bia Sài Gòn - Miền Trung (Mã: SMB) ghi nhận doanh thu và lợi nhuận quý 2 cũng như 6 tháng đầu năm đồng loạt tăng trưởng.

Cụ thể, doanh thu thuần quý 2/2021 của SMB ghi nhận hơn 323 tỷ đồng, giảm 3% so cùng kỳ. Dù vậy, giá vốn giảm giúp lãi gộp tăng 10%, đạt 94 tỷ đồng. SMB cho biết sản lượng bia tiêu thụ trong kỳ tăng 833 ngàn lít so với quý 2 năm trước.

Công ty cũng đã tiết giảm 17% chi phí tài chính và 18% chi phí quản lý. Ngược lại chi phí bán hàng tăng 37% lên mức 17 tỷ đồng. Kết quả, SMB đạt hơn 49 tỷ đồng lãi sau thuế, tăng 20% so với kết quả quý 2/2020.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh nghiệp bia đã đem về 596 tỷ đồng doanh thu thuần và gần 78 tỷ đồng lãi sau thuế, lần lượt tăng 5% và 30% so cùng kỳ. So với kế hoạch lợi nhuận đề ra cho năm 2021, Công ty đã thực hiện được 49%.

Lợi nhuận trái chiều của doanh nghiệp ngành bia rượu
Nguồn: BCTC hợp nhất quý 2/2021 tại SMB

Nối gót SMB, CTCP Bia Sài Gòn - Miền Tây (Mã: WSB) cũng ghi nhận doanh thu và lợi nhuận tăng trong 6 tháng đầu năm.

Cụ thể, kết thúc quý 2, doanh thu thuần tại WSB tăng 35% so với cùng kỳ, đạt gần 229 tỷ đồng. Trong khi đó, giá vốn tăng mạnh hơn kéo biên lãi gộp giảm từ 19% xuống còn 16%.

Trong kỳ, chi phí tài chính giảm mạnh 96%, chỉ còn 55 triệu đồng trong khi cùng kỳ ghi nhận hơn 1.4 tỷ đồng. Ngược lại, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng vọt 70%, lên mức hơn 5 tỷ đồng. Kết quả, WSB báo lãi ròng hơn 30 tỷ đồng, tăng 16% chủ yếu nhờ sản lượng tăng.

Tính chung 6 tháng đầu năm, WSB ghi nhận doanh thu và lãi ròng lần lượt tăng 19% và 9% so với cùng kỳ, đạt 431 tỷ đồng và 58 tỷ đồng.

Tương tự, CTCP Bia Sài Gòn - Phú Thọ (BSP) vừa công bố BCTC quý 2/2021 với doanh thu thuần 6 tháng đầu năm tăng 20%, đạt 177,4 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế tăng gấp 36,6 lần cùng kỳ 2020, đạt hơn 8 tỷ đồng.

Tính riêng quý 2/2021, doanh thu thuần tại BSP giảm nhẹ so với cùng kỳ,đạt gần 120 tỷ đồng. Do giá vốn giảm giúp lãi gộp tăng 46%, đạt hơn 16 tỷ đồng và các khoản chi phí được tiết giảm đã giúp lợi nhuận sau thuế tăng 54%, lên mức 10,7 tỷ đồng.

Lợi nhuận trái chiều của doanh nghiệp ngành bia rượu
Nguồn: BCTC quý 2/2021 tại bia Sài Gòn - Phú Thọ.
Lợi nhuận trái chiều của doanh nghiệp ngành bia rượu

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Kiều Trang

vietinbank
ajinomoto