Khánh Hòa làm thí điểm nuôi biển ở tầm quốc gia

19:12 | 24/02/2023

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Bộ Chính trị đã xác định ngành kinh tế biển của tỉnh Khánh Hòa giữ vai trò trọng yếu ở khu vực Nam Trung Bộ, trong đó có nuôi trồng thủy sản. Trong chiến lược phát triển, lấy nuôi biển theo hướng công nghiệp và ứng dụng công nghệ cao ở Khánh Hòa làm mô hình thí điểm tầm quốc gia.

Khánh Hòa làm thí điểm nuôi biển ở tầm quốc gia

Người dân thôn Đầm Môn, xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa nuôi trồng thủy sản trên vịnh Vân Phong. Ảnh: Hải Luận, https://kinhtexaydung.petrotimes.vn

Chuyển đổi từ người nuôi trồng

Khánh Hòa đang đứng đầu cả nước về nuôi biển ứng dụng công nghệ cao, đi tiên phong trong lĩnh vực này là Công ty TNHH Thủy sản Australis Việt Nam đã đầu tư 200 triệu USD, trở thành nhà sản xuất cá chẽm biển lớn nhất thế giới. Tỉnh Khánh Hòa vừa gia hạn cho doanh nghiệp Australis Việt Nam thuê mặt nước đến năm 2043. Công ty đang lập phương án đầu tư thêm 800 triệu USD vào nuôi cá chẽm và kết hợp phát triển du lịch ở vịnh Vân Phong.

“Nghị quyết số 09-NQ/TW, ngày 28/1/2022 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 55/2022/QH15, ngày 16/6/2022 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa. Cả hai nghị quyết này, Trung ương đã giao tỉnh Khánh Hòa chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ, ngành khác, tổ chức thực hiện tốt nuôi biển thí điểm quốc gia. Thời gian vừa qua, các bộ phận chuyên môn của tỉnh làm việc cật lực, thuê các chuyên gia, rồi gửi góp ý đến các bộ, ngành... Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thảo luận 3 lần về đề án nuôi biển, trình lên Thủ tướng Chính phủ phê duyệt” - ông Nguyễn Hải Ninh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa cho biết.

“Cần có những cuộc hội thảo, họp bàn, giữa các cơ quan như: ngành nông nghiệp, Biên phòng, Cảng vụ, chính quyền địa phương, các doanh nghiệp, đại diện hộ nuôi trồng. Mục tiêu lớn nhất để vẽ ra những bản quy hoạch sát với thực tiễn và dự báo được thời gian phát triển về sau, nhằm giảm thiểu sự xung đột lẫn nhau, dẫn đến ảnh hưởng lợi ích các loại hình kinh tế. Phải có giải pháp tốt để tất cả cùng phát triển” - ông Ninh nêu vấn đề.

Khánh Hòa có 3 vịnh lớn nổi tiếng thế giới: Vân Phong, Nha Trang, Cam Ranh, có độ sâu lý tưởng, kín gió, là trung tâm nuôi trồng thủy sản trên biển lớn nhất miền Trung. Theo ông Nguyễn Hải Ninh, tỉnh Khánh Hòa đang bắt tay chuyển đổi từ mô hình nuôi truyền thống sang nuôi quy mô công nghiệp, tập trung vào hai vấn đề cơ bản: Thứ nhất, khuyến khích những doanh nghiệp và hợp tác xã đủ tiềm lực tài chính và kinh nghiệm, đầu tư làm lớn giống như Công ty Australis Việt Nam. Thứ hai, những hộ dân làm theo quy mô nhỏ, tỉnh sẽ có những chính sách hợp lý để tạo điều kiện cho bà con mở rộng quy mô nuôi trồng, đầu tư vào vật liệu mới, thay thế dần bè làm bằng gỗ.

Phát triển kinh tế biển tránh tự triệt tiêu lẫn nhau là một trong những giải pháp quan trọng, lâu dài ở Khánh Hòa hiện nay. Chẳng hạn, Khu kinh tế Vân Phong, vừa phát triển công nghiệp đóng tàu biển ở đẳng cấp thế giới, công nghiệp điện, cảng biển, vừa phát triển du lịch, nuôi trồng thủy sản... Trong một không gian vừa phải, có rất nhiều loại hình kinh tế cùng phát triển.

Chọn mô hình tối ưu nhất

Tỉnh Khánh Hòa đưa ra 4 nhóm giải pháp: Thứ nhất, vùng quy hoạch nuôi biển hợp lý, hài hòa với các ngành kinh tế, dựa trên cơ sở khoa học và thực tiễn. Thứ hai, xác định những vùng nuôi phù hợp cho từng đối tượng, chỗ nào nuôi tôm hùm, cá chẽm, cá bớp, cá mú... và mở rộng ra những vùng nuôi mới. Thứ ba, xác định được những vùng nuôi từ bờ trở ra 3 hải lý và vùng 6 hải lý. Trong Nghị quyết 55 của Quốc hội xác định đối tượng ưu đãi, khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư nguồn vốn nuôi ở vùng biển 6 hải. Thứ tư, đề án này xác định tiêu chí như thế nào là nuôi biển công nghệ cao, theo quy mô công nghiệp.

Khánh Hòa làm thí điểm nuôi biển ở tầm quốc gia

Thu hoạch cá nuôi trên vịnh Vân Phong. Ảnh: Hải Luận, https://kinhtexaydung.petrotimes.vn

Đối với bà con nuôi trồng thủy sản ven bờ, ưu tiên chuyển đổi từ lồng bè truyền thống sang phương thức nuôi lồng bè với công nghệ cao hơn, vật liệu HDPE (nhựa). UBND tỉnh Khánh Hòa sẽ cho làm nhiều mô hình thí điểm để chọn ra mô hình tối ưu nhất. Ông Ninh lý giải: “Đề án có hay đến mấy, nhưng người dân nuôi trồng chưa chấp nhận chuyển đổi mô hình mới, là chưa thành công. Chẳng hạn, giá thành mua vật liệu cao, người ta không chấp nhận được, làm lồng mới tốt hơn thật, nhưng nó lại không khả thi, không lợi nhuận bằng lồng bè cũ truyền thống. Như vậy, thuyết phục người dân rất khó, cần phải xác định rõ công cuộc chuyển đổi này, chính là bà con nuôi trồng thủy sản, họ chỉ chấp nhận lợi ích kinh tế từ nhiều phía”.

- Một số doanh nghiệp sản xuất đã chào hàng lồng nuôi biển bằng vật liệu HDPE rồi, nhưng người dân vẫn đang còn đắn đo giá cao. Làm cách nào để giảm giá thành xuống? - tôi hỏi thẳng.

- Giảm giá thành các vật liệu làm lồng xuống là vấn đề then chốt nhất trong công cuộc chuyển đổi này. Người ta đang làm lồng bè chỉ 8 - 10 triệu đồng/ô lồng bằng gỗ, phi nhựa, bây giờ làm lồng bè theo chuẩn mới có giá thành lên đến 40 - 50 triệu đồng/lồng, như thế này thì khó khả thi, dân sẽ không chịu bỏ tiền gấp 5 lần so với làm cách cũ. Trong khi đó, mô hình mới chưa biết như thế nào, thu lại được bao nhiêu tiền. Thiết kế mô hình thí điểm phải giảm giá thành xuống thấp nhất để người nuôi trồng có thể chấp nhận được, tạo tính hấp dẫn và khả thi. Cần huy động thêm ngân hàng chính sách vào cuộc, đi cùng với đơn vị làm thí điểm để thiết kế ra từng gói tín dụng cho vay, với lãi suất rất ưu đãi, phù hợp với từng đối tượng nuôi. Hoặc ngân hàng tín dụng làm theo kiểu trả góp, cuối vụ thu hoạch trả dần. Phương án công ty vừa sản xuất vật liệu, vừa làm ra hàng loạt lồng bè cho bà con thuê. Qua thực tiễn sẽ chứng minh và chọn phương án nào tối ưu có hiệu quả kinh tế nhất.

Ngành thủy sản cần tập trung giải quyết 3 vấn đề cốt tử trong chiến lược nuôi cá biển quy mô công nghiệp gồm: Chọn con giống tốt, môi trường nuôi và thị trường tiêu thụ sản phẩm. Chọn được giống cá tốt, có giá trị kinh tế cao đưa vào nuôi công nghiệp đã quyết định phần thắng. Hiện nay, người dân và doanh nghiệp Khánh Hòa đang nuôi 3 loại: cá chim, cá chẽm, cá bớp, bằng lồng vòng tròn cỡ lớn, theo hướng quy mô công nghiệp. Ngành thủy sản cần chọn ra những giống cá chủ lực, vừa dễ nuôi, ít dịch bệnh, giá trị kinh tế cao, thị trường thế giới sử dụng nhiều.

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn

Hải Luận

www.bienphong.com.vn