Gazprom: Hệ thống an ninh năng lượng của châu Âu bất ổn

15:38 | 04/10/2023

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Hôm thứ Ba 3/10, tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom của Nga cho biết, châu Âu - nơi từng là nguồn doanh thu chính của họ, đang thiếu khí đốt tự nhiên và có thể phải đối mặt với nhiều thách thức, hơn một năm sau khi đường ống Nord Stream bị hư hại do vụ nổ bí ẩn.
Gã dầu khí Thái Lan tìm cách gia hạn mỏ khí đốt ở MyanmarGã dầu khí Thái Lan tìm cách gia hạn mỏ khí đốt ở Myanmar
Moldova không dễ gì từ bỏ khí đốt của NgaMoldova không dễ gì từ bỏ khí đốt của Nga
Gazprom: Hệ thống an ninh năng lượng của châu Âu bất ổn
Ảnh minh họa

Xuất khẩu khí đốt của Gazprom gần như giảm một nửa trong năm ngoái xuống còn 100,9 tỷ mét khối (bcm), do bất đồng chính trị với châu Âu về vấn đề Ukraine và sau khi đường ống Nord Stream dưới biển, tuyến đường ống xuất khẩu khí đốt lớn nhất của Nga sang thị trường châu Âu, bị nổ vào tháng 9/2022.

Sergei Komlev và Alexander Shapin, hai quản lý cấp cao của Gazprom, cho biết trên một tạp chí nội bộ: “Thực tế là thâm hụt hệ thống năng lượng của châu Âu vẫn chưa biến mất, không chỉ được thể hiện ở mức giá cao hơn vào năm 2023 so với những năm trước Covid, mà còn bởi sự tồn tại dai dẳng của tình trạng bù hoãn mua ổn định trên thị trường khí đốt tự nhiên”.

Bù hoãn mua là một cấu trúc thị trường trong đó các hợp đồng tương lai dài hạn được giao dịch ở mức giá cao hơn nhằm khuyến khích các nhà giao dịch giữ hàng hóa trong kho để bán lại có lợi hơn trong tương lai.

Các nhà quản lý Gazprom cho biết: “Theo những người tham gia thị trường, tình trạng trên cho thấy hệ thống an ninh năng lượng ở châu Âu - được xây dựng ở chế độ khẩn cấp, không ổn định và phải đối mặt với những thách thức mới”.

Theo số liệu của EU, trước tháng 2/2022, Nga đã vận chuyển khoảng 155 bcm khí đốt tới châu Âu mỗi năm, chủ yếu qua đường ống.

Năm 2022, nhập khẩu khí đốt qua đường ống sang EU giảm xuống còn 60 bcm. Năm nay, EU dự đoán sẽ giảm xuống còn 20 bcm.

Để bù đắp sự thiếu hụt, châu Âu đã chuyển sang các nguồn khác, bao gồm cả khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ đường biển.

Các nhà quản lý của Gazprom cho biết việc cắt đứt quan hệ với Nga đã dẫn đến an ninh nhập khẩu khí đốt ở châu Âu suy giảm, do tỷ trọng LNG "kém tin cậy" tăng mạnh so với khí đốt qua đường ống, được cung cấp chủ yếu thông qua hợp đồng dài hạn.

Yến Anh

Reuters