Gần 2 tháng đầu năm, vốn FDI đăng ký vào Việt Nam đạt gần 5 tỷ USD

13:09 | 28/02/2022

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Vừa qua, Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, trong gần hai tháng đầu năm, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam đạt gần 5 tỷ USD, bằng 91,5% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, có 183 dự án đăng ký mới, với 631,8 triệu USD, tăng 45,2% về số dự án và giảm 80,9% về số vốn.
Dòng vốn FDI kì vọng khởi sắc và bứt phá trong năm 2022Dòng vốn FDI kì vọng khởi sắc và bứt phá trong năm 2022
Phấn đấu số lượng dự án FDI có chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp trong nước tăng trung bình 15%/năm vào năm 2030Phấn đấu số lượng dự án FDI có chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp trong nước tăng trung bình 15%/năm vào năm 2030

Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, tính đến ngày 20/2, tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam đạt gần 5 tỷ USD, bằng 91,5% so với cùng kỳ năm 2021. Đáng chú ý, vốn thực hiện của dự án FDI ước đạt 2,68 tỷ USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm 2021.

Gần 2 tháng đầu năm, vốn FDI đăng ký vào Việt Nam đạt gần 5 tỷ USD
Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng khu đô thị và dịch vụ VSIP Bắc Ninh (của Singapore)/Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Từ đầu năm đến nay, đã có 142 lượt dự án điều chỉnh vốn đầu tư, với tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt gần 3,6 tỷ USD, tăng 23,5% về số lượt dự án và tăng gấp hơn 2,2 lần về số vốn so với cùng kỳ. Trong khi đó, nếu xét về góp vốn, mua cổ phần, đã có 400 lượt đầu tư theo hình thức này của các nhà đầu tư nước ngoài, giảm 10,1% so với cùng kỳ, nhưng giá trị vốn góp lại đạt 769,6 triệu USD, tăng 41,7% so với cùng kỳ.

Số liệu cũng cho thấy, gần hai tháng đầu năm nay, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 17/21 ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt hơn 3,13 tỷ USD, chiếm 62,7% tổng vốn đầu tư đăng ký. Ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư gần 1,52 tỷ USD, chiếm 30,4% tổng vốn đầu tư đăng ký...

Tính đến ngày 20/2, đã có 183 dự án đăng ký đầu tư mới vào Việt Nam với số vốn 631,8 triệu USD. Các dự án đầu tư quy mô lớn đều thuộc về các dự án tăng vốn, như: Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng khu đô thị và dịch vụ VSIP Bắc Ninh (của Singapore) điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm gần 941 triệu USD; Dự án Công ty TNHH Samsung Electro-mechanics Việt Nam (của Hàn Quốc) điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 920 triệu USD tại Thái Nguyên...

Về góp vốn, mua cổ phần, Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, trong gần hai tháng đầu năm, có 400 lượt đầu tư theo hình thức này của các nhà đầu tư nước ngoài, giảm 10,1% so với cùng kỳ, nhưng giá trị vốn góp lại đạt 769,6 triệu USD, tăng 41,7% so với cùng kỳ.

Có 51 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam, trong đó Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư hơn 1,7 tỷ USD, chiếm 34,2% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam, tăng 59,3% so với cùng kỳ 2021. Hàn Quốc đứng thứ 2 với hơn 1,4 tỷ USD, chiếm 28,2% tổng vốn đầu tư. Trung Quốc đứng thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 538 triệu USD…

Tính lũy kế đến ngày 20/2/2022, cả nước có 34.700 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký trên 418,8 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt gần 254,3 tỷ USD, bằng 60,7% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.

Việc Chính phủ ban hành và triển khai kịp thời nhiều giải pháp phù hợp để hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp cũng như các chính sách tài khóa, tiền tệ kịp thời để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi được cho là nguyên nhân cơ bản giúp hoạt động giải ngân các dự án FDI chuyển biến tích cực hơn.

Ngoài ra, trong năm 2022, Việt Nam dự kiến đưa tăng trưởng phục hồi về mức trước thời điểm đại dịch COVID-19. Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy vai trò là một trung tâm sản xuất chi phí thấp nhờ sự mở rộng hơn nữa của các ngành công nghiệp chính hiện có.

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Huy Tùng (t/h)