Đường ống dẫn khí Nga - Trung và vị thế của Kazakhstan

16:43 | 25/04/2023

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Gần đây, Kazakhstan đã đề xuất xây dựng một đường ống dẫn khí đốt quốc tế mới từ Nga chạy qua lãnh thổ Kazakhstan và kết nối với Trung Quốc.
Đường ống dẫn khí Nga - Trung và vị thế của Kazakhstan
Tuyến đường ống Tengiz - Novorossiysk được sử dụng để vận chuyển 2/3 lượng dầu xuất khẩu của Kazakhstan, cùng dầu thô từ các mỏ của Nga

Tuyến đường ngắn nhất

Dự án đường ống dẫn khí mới cung cấp nguồn khí đốt tự nhiên cho các khu vực phía Đông của Kazakhstan. Quyết định cuối cùng về dự án sẽ được đưa ra trước ngày 1-5-2023.

Dự án được lên kế hoạch trở thành con đường nhanh nhất và ngắn nhất để vận chuyển khí đốt của Nga đến Trung Quốc thông qua các khu vực phía Đông của Kazakhstan, mặc dù thông tin chi tiết chưa được công bố.

Trước đó, hồi tháng 5-2022, Bộ Năng lượng Kazakhstan và Gazprom đã thảo luận về việc khí hóa các khu vực phía Đông và phía Bắc của Kazakhstan. Cựu Bộ trưởng Năng lượng Kazakhstan Magzum Mirzagaliyev, hồi tháng 10-2021, đã gợi ý rằng Nga nên cung cấp khí đốt cho Kazakhstan theo các điều kiện đôi bên cùng có lợi.

Năm 2022, xuất khẩu khí đốt của Nga giảm 25%. Song Trung Quốc đã nhận được lượng khí đốt lớn chưa từng có từ Nga thông qua đường ống Power of Siberia. Trung Quốc là nước tiêu thụ khí đốt tự nhiên lớn thứ 3 trên thế giới, sau Mỹ và Nga.

Được biết, Australia là nhà cung cấp khí đốt tự nhiên hóa lỏng lớn nhất của Trung Quốc trong nhiều năm. Mặc dù vậy, gần đây, Trung Quốc đã bắt đầu tìm kiếm các nguồn cung cấp khí đốt ổn định khác. Khí đốt của Nga cực kỳ quan trọng đối với Trung Quốc.

Đường ống dẫn khí Nga - Trung và vị thế của Kazakhstan
Với cuộc xung đột Nga - Ukraine, hành lang phía Bắc (qua Nga và Belarus) đã mất đi tầm quan trọng. Sự chú ý hiện tập trung vào hành lang qua Caspian và Biển Đen

Mối quan hệ Nga - Kazakhstan - Trung Quốc

Mối quan hệ giữa 3 quốc gia này cần được xem xét trong bối cảnh rộng lớn hơn, vì Kazakhstan nằm ở trung tâm của các hành lang vận chuyển năng lượng quan trọng nối châu Á và châu Âu. Mối quan hệ này từng xảy ra rạn nứt. Kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, Nga đã giảm lượng dầu đi qua Kazakhstan. Năm 2022, với chính sách “Zero Covid” nghiêm ngặt, Trung Quốc đã đóng cửa biên giới với Kazakhstan, gây tác động tiêu cực đến doanh thu thương mại và nền kinh tế Kazakhstan.

Bất chấp những biến động về địa chính trị, kinh tế Kazakhstan vẫn phụ thuộc khá nhiều vào Nga. Theo Ngân hàng Phát triển Á - Âu, trong 5 năm qua, đầu tư trực tiếp của Nga vào Kazakhstan lên tới 11,2 tỉ USD. Ngoài ra, hàng triệu công dân từ Trung Á, bao gồm cả Kazakhstan, làm việc như những người lao động di cư ở Nga đem lại nguồn tài chính nhất định cho ngân sách của các quốc gia Trung Á.

Hơn nữa, các nguồn cung cấp năng lượng của Kazakhstan đang được vận chuyển đến châu Âu thông qua Nga. Thực tế, Kazakhstan vận chuyển dầu của mình đến các thị trường trên toàn cầu chủ yếu thông qua các đường ống đi qua Nga. Tổng cộng có khoảng 76% dầu của Kazakhstan được gửi đến châu Âu hằng năm. Điều này có ý nghĩa quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu năng lượng của châu Âu.

Điểm đầu tư ưa thích

Những năm gần đây, Kazakhstan đã trở thành điểm đầu tư ưa thích của Trung Quốc ở Trung Á. Trong 15 năm qua, Trung Quốc đã đầu tư khoảng 30 tỉ USD vào nền kinh tế Kazakhstan. Một số chuyên gia kinh tế cho rằng, con số này thậm chí có thể cao gấp đôi.

Hiện tại, khoản nợ của Kazakhstan đối với Trung Quốc lên tới 16% GDP, thể hiện xu hướng chung của các quốc gia Trung Á là “con nợ lớn” của Trung Quốc. Mối quan hệ giữa Kazakhstan và Trung Quốc thực sự được thúc đẩy với việc công bố Sáng kiến vành đai và con đường, trọng tâm là phát triển công nghiệp cũng như đầu tư cơ sở hạ tầng năng lượng và vận chuyển ở Trung Á.

Về phần mình, Trung Quốc đã mua 16% lượng dầu từ Kazakhstan. Ngoài ra, phần lớn nhờ vào nhà ga chung đặt tại Liên Vân Cảng của Trung Quốc, số lượng container được vận chuyển từ Trung Quốc đến Kazakhstan và tiếp tục đến Nga, châu Âu và Trung Á đang tăng lên. Xu hướng này dự kiến sẽ kích thích sự hồi sinh của thương mại quốc tế trong khu vực.

Trung Quốc còn được biết đến là đối tác thương mại lớn nhất của Kazakhstan. Giai đoạn 1993-2022, kim ngạch thương mại giữa hai nước đã tăng 70 lần. Một trong những lợi ích đặc biệt của Trung Quốc đối với sự phát triển của Kazakhstan có liên quan đến việc quản lý Khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương, vì Kazakhstan có chung đường biên giới kéo dài với khu vực này.

Đường ống dẫn khí Nga - Trung và vị thế của Kazakhstan
Nga tham gia chặt chẽ vào việc vận chuyển dầu của Kazakhstan đến các nước thứ ba, thông qua đường ống Tengiz - Novorossiysk dài 1.511km

Tranh giành ảnh hưởng

Trong những năm gần đây, quan hệ Nga - Trung đã được nâng cấp lên thành đối tác chiến lược. Tuy nhiên, cả hai nước hiện đang tranh giành ảnh hưởng ở Trung Á. Từ quan điểm kinh tế, Nga quan tâm đến việc khai thác và vận chuyển hydrocarbon ở Kazakhstan. Tuy nhiên, các kế hoạch gia tăng đầu tư của Trung Quốc ở Kazakhstan đã đẩy nhanh hơn nữa sự suy giảm ảnh hưởng của Nga trong khu vực.

Ưu thế kinh tế của Trung Quốc so với Nga là yếu tố chính thúc đẩy ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc. Giới chuyên gia nhận định, Trung Quốc vốn đã âm thầm cạnh tranh với Nga trong nhiều năm ở Trung Á, hiện đang cố gắng đẩy Nga ra khỏi khu vực và ở một mức độ nào đó, Trung Quốc đang thành công.

Nhìn chung, các tuyến đường mới để vận chuyển năng lượng là vì lợi ích chung của Nga, Trung Quốc và Kazakhstan.

Kể từ trước khi xảy ra xung đột Nga - Ukraine, Kazakhstan đã thảo luận về các dự án đường ống dẫn khí đốt mới để khí hóa các vùng sâu vùng xa của Kazakhstan. Trong khi triển vọng trở thành một trung tâm khí đốt giữa Nga và Trung Quốc khá hấp dẫn đối với Kazakhstan, thì dự án đường ống mới không nhằm mục đích giúp Nga lách lệnh trừng phạt.

Mặc dù các chi tiết kỹ thuật cần được hoàn thiện, nhưng rõ ràng là dự án sẽ cần hàng tỉ USD để hoàn thành. Với các biện pháp trừng phạt của phương Tây ảnh hưởng đến cả Trung Quốc và Nga, vấn đề tài chính có thể trở nên khó khăn hơn.

Trước những diễn biến phức tạp đó, có thể suy đoán Nga và Kazakhstan sẽ sớm thực hiện dự án và các khoản vay từ Bắc Kinh có thể là một lựa chọn. Kazakhstan được cho là muốn tránh điều này vì nó càng làm tăng thêm sự phụ thuộc của Kazakhstan vào Trung Quốc. Do đó, Kazakhstan có thể tìm kiếm sự hợp tác và tài trợ ở nơi khác để cải thiện cơ sở hạ tầng năng lượng và năng lực vận chuyển của mình.

Những năm gần đây, Kazakhstan đã trở thành điểm đầu tư ưa thích của Trung Quốc. Trong 15 năm qua, Trung Quốc đã đầu tư khoảng 30 tỉ USD vào nền kinh tế Kazakhstan. Hiện tại, khoản nợ của Kazakhstan đối với Trung Quốc lên tới 16% GDP.

Minh Quân