Đồng hành cùng ngư dân vươn khơi, bám biển

09:38 | 20/03/2022

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Bên cạnh nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc, thời gian qua, lực lượng Bộ đội Biên phòng (BĐBP), Hải quân đóng chân trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu còn là người bạn đồng hành, là điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển.
Đồng hành cùng ngư dân vươn khơi, bám biển
Đại tá Bùi Sĩ Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn tặng quà cho ngư dân tàu cá KG94708TS, tỉnh Kiên Giang) bị nạn khi đang khai thác hải sản ở vùng biển Trường Sa, https://dulich.petrotimes.vn

Đến làng chài Phước Tỉnh, huyện Long Điền những ngày này, chúng tôi chứng kiến cảnh náo nhiệt hàng trăm tàu cá của ngư dân đang khẩn trương chuẩn bị ngư lưới cụ, nhu yếu phẩm để vươn khơi. Hòa chung với khung cảnh tấp nập trên bến, dưới thuyền, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Phước Tỉnh đến tận nơi, tuyên truyền cho bà con ngư dân về phương án ứng phó cần thiết khi có tình huống đột xuất xảy ra trong quá trình đánh bắt trên biển.

Đại úy Bùi Đình Tâm, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Phước Tỉnh cho biết, đơn vị phụ trách hơn 1.850 tàu cá của ngư dân huyện Long Điền, trong đó 1.362 phương tiện đánh bắt xa bờ. Đa số ngư dân còn chủ quan, chưa hiểu hết về tác động của biến đổi khí hậu, diễn biến thời tiết khó lường (mưa, lũ, triều cường). Do đó, ngoài việc thường xuyên thông báo về tình hình bão, áp thấp nhiệt đới để ngư dân biết trước khi ra khơi, cán bộ, chiến sĩ tranh thủ tuyên truyền về an toàn hàng hải, tìm kiếm cứu nạn trên biển, cũng như những phương án ứng phó cần thiết khi có tình huống đột xuất xảy ra.

Đồng hành cùng ngư dân vươn khơi, bám biển
Cán bộ, chiến sĩ Tàu 743 - Hải đoàn 129 Hải quân đưa ngư dân tàu cá KG 94708 TS bị nạn trên biển về đất liền, https://dulich.petrotimes.vn

“Nhờ các anh bộ đội thường xuyên hướng dẫn, chúng tôi mua sắm đầy đủ bộ đàm, radio để kịp thời thông tin, hỗ trợ nhau khi có sự cố xảy ra”, ngư dân Nguyễn Văn Hoài (xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền) chia sẻ.

BR-VT được coi là thủ phủ đánh bắt thủy, hải sản vùng Đông Nam Bộ với hơn 5.800 tàu cá, trong đó có 3.000 tàu công suất lớn đánh bắt xa bờ, đồng thời là nơi tập trung nhiều tàu cá khắp nơi về neo đậu. Để ngư dân yên tâm vươn khơi, dọc hơn 176km đường biên giới biển của tỉnh từ Bình Châu đến cửa sông Cái Mép và huyện Côn Đảo, các đơn vị BĐBP tỉnh thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở các phương tiện nắm bắt thông tin liên lạc, thông báo về tình hình bão, áp thấp nhiệt đới để kịp thời ứng phó trong quá trình kiểm soát người, phương tiện. Tàu cá không bảo đảm đủ trang thiết bị cứu hộ, BĐBP hướng dẫn, yêu cầu bổ sung đầy đủ theo quy định mới được ra khơi.

Ngoài ra, công tác cứu hộ, cứu nạn được BĐBP hết sức chú trọng. Theo đó, ngay từ đầu năm, BĐBP tỉnh đã chỉ đạo các đồn, trạm, hải đội chủ động xây dựng nghị quyết, kế hoạch về công tác phòng chống mưa bão, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn trên biển sát với tình hình thực tế của đơn vị, địa bàn quản lý; thường xuyên tổ chức cho cán bộ, chiến sĩ luyện tập theo từng phương án, tình huống tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn trên biển. Chỉ tính riêng năm 2021, các đơn vị BĐBP điều động 717 cán bộ, chiến sĩ tham gia cứu 117 ngư dân bị nạn.

Theo Đại tá Đỗ Hồng Duyên, Chủ nhiệm Chính trị Vùng 2 Hải quân, xác định tìm kiếm, cứu nạn trên biển là nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình, mỗi khi có thông tin ngư dân bị nạn, đơn vị lập tức xác định tọa độ nơi tàu gặp nạn, sự cố của tàu, nhiên liệu và lương thực thực phẩm trên tàu… để có biện pháp ứng cứu kịp thời, đồng thời giữ liên lạc với tàu thuyền gặp nạn để nắm bắt tình hình, động viên ngư dân trong thời gian chờ lực lượng đến ứng cứu.

Ngư dân Lê Thanh Hùng (thuyền viên tàu cá KG 94708 TS, tỉnh Kiên Giang) bị nạn khi đang khai thác hải sản ở vùng biển Trường Sa, được Tàu 743 của Hải đoàn 129 cứu sống kịp thời và đưa vào đất liền ngày 14/3 vừa qua xúc động kể: "Tôi rất biết ơn về sự tận tâm, nhiệt tình của cán bộ, chiến sĩ Hải quân đã giúp đỡ, hỗ trợ ngư dân khi gặp khó khăn trên biển. Đó là động lực giúp ngư dân chúng tôi giữ vững ý chí quyết tâm vươn khơi bám biển”.

Tương tự, từ năm 2020 đến nay, các âu tàu, làng chài do Hải đoàn 129 Hải quân (phường 12, TP. Vũng Tàu) quản lý đã tiếp nhận 1.600 lượt tàu vào neo đậu tại các âu tàu, lòng hồ; sửa chữa miễn phí cho 143 lượt tàu cá; cung cấp 934.000 lít nước ngọt miễn phí; cung ứng 375.144 lít nhiên liệu bằng với giá đất liền và thu mua hơn 6.000kg cá của các ngư dân cung cấp cho lực lượng làm nhiệm vụ trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa.

"Ngư dân vươn khơi bám biển không chỉ là hành trình kiếm sống mà còn góp phần khẳng định và bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Do đó, dù khó khăn đến đâu, cán bộ, chiến sĩ Hải quân chúng tôi luôn tạo điều kiện thuận lợi để cho bà con ngư dân yên tâm đánh bắt thủy hải sản trên các ngư trường truyền thống, góp phần cùng các lực lượng bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc”, Thượng tá Phạm Văn Quý, Phó Chính ủy Hải đoàn 129 nói.

https://dulich.petrotimes.vn

baobariavungtau.com.vn